Ai về nơi ấy cho tôi biết…

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 02/09/2022 06:06 GMT+7

TTCT - Cho dù thành phố hiện đại và sẽ còn mở rộng đến đâu, con người có rời đi hay dịch chuyển, thì ngôi nhà và đường phố vẫn đẫm hồn của năm tháng ta đã mang.

Ai về nơi ấy cho tôi biết… - Ảnh 1.

Hồ Gươm mùa thu. Ảnh: Xuân Chính

Chúng tôi đang già đi ở Sài Gòn và lũ trẻ nay lại đi tận những phương trời xa hơn. Nhưng tâm hồn chúng ta luôn ở đó, dù bây giờ mọi thứ đã khác xưa, bao người khác lại đến sống, làm nên hành trình mới mà ta gọi là lịch sử, dù trải qua những gì thì cuối cùng vẫn đọng lại một tình yêu quê hương đất nước.

Có khi nào dọn đến một ngôi nhà, ta tự hỏi: Ai đã sống nơi này trước khi ta đến?

Có đấy. Khi tôi một mình ôm đứa con 6 tuổi vào thành "người Sài Gòn" chưa có nhà cửa, ở nhờ nhà chị gái đúng ngôi nhà tại quận 5 của một vị tướng nổi tiếng của chính quyền Việt Nam cộng hòa trước đây.

Nhà của tướng lớn nên có cả bãi đáp trên cao cho máy bay trực thăng. Và vì quá lớn nên đã chia cho mấy chủ mới ở hết, giống như một khu nhà tập thể.

Đứa con 6 tuổi của tôi khi ấy nay đã thành một họa sĩ đang làm việc tại Mỹ. Thật tình cờ, anh đã liên hệ được với người con của vị tướng đã rời Sài Gòn năm 1975. Họ trò chuyện với nhau về ngôi nhà mà cả hai từng sống qua các thời khác nhau, về cái sân và mảnh vườn nhỏ sau hiên nhà có bức tường đá dựng đứng, nay thành cửa hàng sầm uất. Mỗi khi về nước, anh họa sĩ không quên ghé xuống quận 5 chụp hình để sang Mỹ có thông tin mới kể cho người con vị tướng.

Cho dù thành phố hiện đại và sẽ còn mở rộng đến đâu, con người có rời đi hay dịch chuyển, thì ngôi nhà và đường phố vẫn đẫm hồn của năm tháng ta đã mang.

Bây giờ có Google Maps, tôi ngồi ở Sài Gòn có thể định vị được ngôi nhà của người thân sống xa quê khắp các quốc gia. Người ta làm cả video đăng lên YouTube cho người đi xa biết quê mình nay ra sao. Trong những ngày phong tỏa cứng vì dịch COVID-19, tôi thử gõ "Phố Cát Dài hôm nay" xem sao và ngạc nhiên nhớ ra mình vụng về nhát cáy mà thời thanh xuân từng có giải bắn súng cùng đội tự vệ công nhân Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Hải Phòng.

Ngày ấy, năm 1966, tôi đeo súng đi đến gần lối rẽ lên cầu Hạ Lý, trong tiếng còi báo động và tiếng máy bay Mỹ ùng ục bay qua trên bầu trời, tất cả phố bỗng vang tiếng Bác Hồ trên loa phát thanh: "…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do".

Trong gian truân đằng đẵng ấy, lòng người lo âu sống đời gian khổ bom đạn, vẫn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa vì lời thề dân tộc. Mỹ đã mở rộng chiến tranh không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, tuyên bố đưa miền Bắc "trở về thời kỳ đồ đá". Sau này qua tổng kết, tôi mới biết ngày ấy Mỹ đã bỏ 15 triệu tấn bom, miền Bắc bình quân đầu người chịu 45,5kg, 1km2 chịu 6 tấn bom đạn.

Hồi ấy, tôi không ngờ sau này mình còn có dịp trở thành nhà báo, đi ra sân bay "tiễn chân" các tù binh phi công Mỹ được trao trả về nước. Mỗi anh tù binh mặc bộ đồ màu ghi xám, tay xách một chiếc túi du lịch và thêm… một cái nón lá Việt Nam. Nhìn các anh ấy cao to thật lạ, khác hẳn anh mà ta thấy lúc nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch bơi lóp ngóp bị dân quân vây bắt, hay có lần chính tôi sấp ngửa nhảy khỏi tàu điện để chạy theo đám đông reo hò xem "tù binh phi công Mỹ". Họ được dẫn giải đi dọc phố khu bờ hồ trong tiếng mắng mỏ căm giận của dân chúng, các anh bộ đội Việt Nam phải cố ngăn những người quá căm thù muốn nhảy vào bạt tai phi công Mỹ. Nhà của họ vừa sập vì bom Mỹ, bà con anh em họ vừa bị vùi chết dưới bom.

Đó là lúc tàu điện vừa đỗ ở gần tháp Hòa Phong, nơi chúng tôi vẫn chờ để "nhảy tàu" đi ra đường Bưởi, chợ Hôm. Nay thì không còn tàu điện nữa trên phố xá thủ đô.

Cũng ở bến tàu ấy, năm 1969, đoàn tàu đang chạy bỗng dừng lại. Trên loa vang tiếng đồng chí Lê Duẩn: "Nhân dân ta, Tổ quốc ta mất đi người con…", ai nấy đứng nghiêm trang, lắng nghe truyền thanh tường thuật điếu văn đưa tang Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình.

Có lần tôi từ Sài Gòn ra viết bài nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, lùng sục phỏng vấn các kiến trúc sư về hình hài Hà Nội mở rộng, gặp các nghệ sĩ đang khôi phục chương trình nghệ thuật, biểu diễn hát xẩm ở khu phố cổ và chợ Đồng Xuân. Hà Nội với tôi vẫn lạ lẫm vì phố xá phát triển, mở rộng các tuyến đường lớn. Tôi không có thời gian tìm lại ngôi biệt thự Pháp cổ nơi mẹ tôi thuê cho gia đình ở, nơi vào ngày 10-10-1954, tôi lên 10, dậy thật sớm và mặc đồ đẹp để đi ra "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh..." (bài hát Tiến về Hà Nội, Văn Cao). Trong đoàn "trùng trùng quân đi như sóng" ấy có bố tôi - anh bộ đội Cụ Hồ ra đi lâu lắm rồi, từ Cách mạng Tháng Tám nên chúng tôi không còn nhớ mặt, nay sắp được đoàn tụ với vợ con.

Những biệt thự Pháp cổ vẫn cổ xưa bên cạnh bao công trình mới nguy nga. Đã có lần tôi vào ngôi biệt thự to đẹp ở 34 Hoàng Diệu để phỏng vấn cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ngoài 90 tuổi, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người đã tặng hiến cho nhà nước cách mạng non trẻ 5.000 cây vàng. Gia đình họ cũng đón đoàn lãnh đạo và Bác Hồ về chuẩn bị lễ 2-9-1945 và Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập trong ngôi nhà của họ ở 48 Hàng Ngang.

Khuôn viên biệt thự 3.000m2 ở trên con phố yên tĩnh với hàng cổ thụ. Dạo ấy, vừa bước vào cổng nhà bà Bô, tôi nhớ ngay hồi chiến tranh chống Mỹ, lúc tôi đang học đại học từ nơi sơ tán về đã đi cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật qua phố này. Phạm Tiến Duật lúc ấy mới nổi, chưa thành "Con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "Cây săng lẻ của rừng già" như sau này nhiều người gọi anh. Duật dắt xe đạp, tôi đi bộ bên cạnh, anh đọc cho nghe bài Lửa đèn và phàn nàn có tờ báo không dùng. Anh đọc đầy cảm hứng "Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu - Trỏ lối sang mùa hè". Đang đọc thơ thì phố xá tắt phụt đèn, còi báo động kéo hồi dài, chúng tôi dừng lại dưới ánh trăng thật sáng, bên cạnh cái hầm cá nhân trên vỉa hè gần chếch cổng nhà bà Bô. Ngày ấy phố nào cũng đầy hầm cá nhân có nắp tròn cho người đi đường có thể nhảy xuống khi máy bay oanh tạc hoặc thả bom bi sát thương.

Ai về nơi ấy cho tôi biết… - Ảnh 2.

TP.HCM huyền ảo nhìn từ trên cao. Ảnh: Tấn Tuấn

Tôi cũng đã phỏng vấn cây guitar Văn Vượng nổi tiếng soạn và biểu diễn những bản nhạc Hà Nội bất hủ để tò mò xem anh đã "nhìn thấy" Hà Nội đẹp theo cách nào của một nhạc sĩ mù. Anh kể đã xuống sờ vào mép nước hồ Gươm, ngồi lắng nghe và dùng kỹ thuật bồi âm diễn tả tiếng chuông đền Ngọc Sơn buổi sớm. Anh chưa từng đến sông Lô nhưng đã chơi bản Trường ca sông Lô cho chính Văn Cao nghe. Ông nhận xét: "Tôi không ngờ bài viết cho hợp xướng 4 chương mà biểu diễn được trên đàn guitare 6 dây đầy đủ đến thế".

Vậy là ta "cảm được" nơi ta có thể không nhìn thấy.

Tôi là "người Sài Gòn sau 1975" yêu thành phố này tha thiết, tôi có thể "cảm" được những gì của quá khứ của nó hay không? Có biết mình đi trên đường phố nào còn vang bước chân xuống đường, phố nào có ký giả đi ăn mày, phố nào không giống Phố Phái nhưng đầy kỷ niệm học trò con đường có lá me bay…? Người con gái vị tướng của Sài Gòn Việt Nam cộng hòa đang ở Mỹ nói chuyện gì với anh họa sĩ con trai tôi về ngôi nhà ở quận 5 mà họ luôn thương nhớ, nơi họ gửi tuổi thơ hai thời khắc khác nhau? Tôi ước mong giá mà tôi hỏi được…

Và mỗi mùa thu tháng Tám đến, tôi lại ước có ai đang ở Ninh Giang, Hải Dương - trên giấy tờ là nơi sinh của tôi - kể cho tôi biết giờ đây ở đó thế nào, có còn dấu vết gì không?

Nơi ấy khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cha tôi khi ấy là một y tá, mẹ là giáo viên "công chức thời Tây" đều bỏ hết nhà cửa theo kháng chiến. Chúng tôi còn nhỏ, được cho ngồi vào thúng gánh đi tản cư. Mẹ tôi đã tự tay châm lửa đốt chính ngôi nhà của mình để thực hiện "tiêu thổ kháng chiến" ngăn bước quân thù.

Chúng tôi đang già đi ở Sài Gòn và lũ trẻ nay lại đi tận những phương trời xa hơn. Nhưng tâm hồn chúng ta luôn ở đó, dù bây giờ mọi thứ đã khác xưa, bao người khác lại đến sống, làm nên hành trình mới mà ta gọi là lịch sử, dù trải những gì thì cuối cùng vẫn đọng lại một tình yêu quê hương đất nước. Nên giờ, dù đã có Google Maps hay vũ trụ ảo Metaverse, tôi vẫn luôn muốn hỏi thăm: Ai về nơi ấy cho tôi biết…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận