Akhwari và Bou Samnang: Vì sao người thất bại được vinh danh

HUY THỌ 23/06/2023 14:46 GMT+7

TTCT - Không phải vô cớ mà trên trang web của Ủy ban Olympic thế giới (olympics.com), người ta đã dành cho những người chiến bại thảm hại trong cuộc thi thố thể thao như Bou Samnang, John Stephen Akhwari những bài viết rất lớn, trang trọng...

Người thất bại vĩ đại tại Mexico 1968

Ba tôi là một nhà giáo của thế hệ xưa, luôn xem trọng một cách đồng đều ba mục tiêu lớn của việc giáo dục, đó là Trí - Đức - Dục. Thường ở Việt Nam, đa số chỉ tập trung vào Trí và Đức, chứ Dục bị xem nhẹ. 

Thế nên mới có quá nhiều trường học chẳng có sân thể thao, môn thể dục thì chỉ tồn tại cho gọi là có...

Stephen Akhwari tại Olympic Mexico 1968. Ảnh: olympics.com

Stephen Akhwari tại Olympic Mexico 1968. Ảnh: olympics.com

Từ ngày nhỏ, không chỉ được khuyến khích phải chơi thể thao, dành thời gian vận động thật nhiều, con cái còn hay được ông kể nhiều câu chuyện hay của thể thao. Nhờ đó mà từ hồi 8, 9 tuổi tôi đã biết câu chuyện bóng bàn Việt Nam thành công rực rỡ với những tên tuổi gây rúng động thế giới như Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết dù khi ấy mình chưa ra đời, hay câu chuyện của ông John Stephen Akhwari...

Sau này, khi trưởng thành tôi thường tìm tòi để đọc và kiểm chứng những câu chuyện ấy và chiêm nghiệm về nó.

Bou Samnang và Nguyễn Thị Oanh tại lễ trao giải Cảm hứng SEA Games. Ảnh: N.K.

Bou Samnang và Nguyễn Thị Oanh tại lễ trao giải Cảm hứng SEA Games. Ảnh: N.K.

Akhwari là một VĐV chạy marathon người Tanzania. Anh là 1 trong số 75 người tham gia nội dung này ở Olympic Mexico 1968. Có lẽ do ảnh hưởng độ cao, cuộc đua mới diễn ra được 1 giờ thì đã có đến 18 người bỏ cuộc. 

Akhwari có khả năng trở thành người thứ 19 khi bị vọp bẻ và té ngã dẫn đến chấn thương nặng ở đầu gối phải và vai đập mạnh vào lề đường. Nhưng không, sau khi được băng đầu gối, anh vẫn tiếp tục chạy, hay nói chính xác là lết từng bước một...

Vô địch marathon Olympic 1968 là Mamo Wolde người Ethiopi, với thành tích 2:20:26; ba phút sau xác định thêm chủ nhân của HCB và HCĐ. 

Và hơn nửa tiếng sau, ban tổ chức tiến hành lễ trao huy chương, trong khi Akhwari vẫn còn đang lết từng bước ở đâu đó rất xa!

Nhưng, hàng ngàn khán giả trên sân vẫn ngồi chờ. Mặt trời đã lặn. Dàn đèn trên sân đã được bật lên. Tất cả vẫn chờ người về chót là Akhwari. Khi anh bắt đầu xuất hiện ở sân vận động, tất cả khán giả đều đứng dậy vỗ tay chào đón và cổ vũ anh thực hiện nốt 400m cuối cùng là vòng chạy trên sân. 

Còn Akhwari, với chiếc băng đầu gối trắng toát với một đầu tuột ra bay phất phới theo từng bước chạy tập tễnh nhưng rồi đã hoàn tất cuộc thi, kém người về nhất 1 giờ 05 phút!

Người thứ 57 và cũng là người về chót nội dung marathon Olympic 1968 đã nói một câu nổi tiếng khi trả lời phỏng vấn ngay sau cuộc đua: Tổ quốc Tanzania gửi tôi đi 5.000 dặm đến đây không phải để xuất phát một cuộc đua mà là để hoàn thành nó!

Ảnh: Olympic.com

Ảnh: Olympic.com

Yếu không có nghĩa là không thể về đích

55 năm sau, olympics.com đã vinh danh một nhân vật tương tự Akhwari là Bou Samnang, một trong ba VĐV vừa nhận giải thưởng Cảm hứng SEA Games 32 do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 18-6.

Cũng có không ít người bảo: ô hay, cứ chạy kém mà vinh danh là sao? Nên nhớ, Bou bình thường không phải tệ đến thế. Cô bị bệnh thiếu hồng cầu, và nó làm ảnh hưởng nặng đến thể lực. 

Bou giải thích với chúng tôi bệnh trở nặng ngay ngày thi đấu là do trong suốt thời gian tập huấn tại Trung Quốc đến gần ngày dự SEA Games 32, cô đã không ăn được, do thức ăn nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, cô không cho phép mình bỏ cuộc. 

Cô tâm sự: "Bài học lớn nhất cho tôi là cho dù bạn đi chậm, vẫn tốt hơn nhiều so với việc không hoàn thành. Đây là điều tôi rút ra được từ kinh nghiệm này, chỉ cần tiếp tục tiến lên và tiếp tục kiên trì".

Bou Samnang trong lần đầu đến TP.HCM để nhận giải thưởng Cảm hứng SEA Games 32 do báo Tuổi Trẻ trao tặng. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Bou Samnang trong lần đầu đến TP.HCM để nhận giải thưởng Cảm hứng SEA Games 32 do báo Tuổi Trẻ trao tặng. (Ảnh: Hoàng Tùng)

Nên nhớ, trong thể thao, không phải ai cũng có được những thành tích rực rỡ như Nguyễn Thị Oanh ở Việt Nam, hay Carl Lewis (người Mỹ) trên đấu trường thế giới. Hàng triệu, hàng chục triệu người tham gia thể thao đỉnh cao, nhưng người thành công thì rất ít. Nó cũng như cuộc đời vậy: ai chẳng muốn thành công và giàu có như Bill Gates, nhưng vô vàn người khởi nghiệp đã thất bại.

Vì vậy, không phải vô cớ mà Ủy ban Olympic thế giới, bên cạnh việc vinh danh những VĐV kiệt xuất, cũng dành những vị trí trang trọng cho những người thất bại nhưng đem lại bài học lớn trong cuộc đời, đó là không bao giờ dừng bước. 

Ta yếu hơn người, nhưng điều đó không có nghĩa là ta không thể về đích!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận