TTCT - Khủng hoảng thế giới có ảnh hưởng gì tới hội chợ nghệ thuật Basel (Art Basel) - hội chợ nghệ thuật lớn nhất và có thể nói là táo bạo nhất, gây tranh luận nhất thế giới hiện đại? Ảnh: Art BaselĐoàn tàu từ thành phố Zurich (Thụy Sĩ) tới Basel lướt đi nhẹ êm không tiếng động. Hai bên đường, những thảo nguyên rộng lớn, những căn nhà hình hộp nhiều kính đặc trưng của một Thụy Sĩ hiện đại và giàu có trôi qua rất nhanh. Sau một tiếng đồng hồ, chiếc vé tàu hơn 1 triệu đồng đưa tôi đến Basel - thành phố có hai láng giềng là Pháp và Đức - với vẻ đẹp năng động dưới ánh mặt trời của mùa hè. Bước ra khỏi nhà ga là đến ngay địa điểm giới thiệu và bán vé Art Basel dành cho khách thập phương. Hội chợ diễn ra trong một tuần, từ ngày 15 đến 20-6-2023.Bước vô định miên man trong dòng chảy nghệ thuậtHội chợ nghệ thuật lớn nhất, với lịch sử hơn nửa thế kỷ này đã tạo dựng được một thanh thế đặc biệt: nó trở thành nơi mà tất cả những thành phần trong hệ sinh thái nghệ thuật (như nghệ sĩ, gallerist, nhà phê bình, môi giới và công chúng quan tâm) đều muốn ghé đến một lần để xem giới nghệ thuật đang bày ra những gì, đâu là xu hướng, chủ đề thảo luận và tranh cãi, tác phẩm đáng chú ý nào thu hút nhiều ý kiến bàn tán nhất.Bởi là một hội chợ nên Art Basel đông đúc như mọi hội chợ khác. Bạn có thể tìm kiếm gì cũng được, nhưng đừng tìm kiếm một không gian thưởng lãm nghệ thuật có tính chuẩn mực thường thấy, kẻo thất vọng.Thứ nhất, vì có rất nhiều gallery, gallery nào cũng cố gắng giới thiệu những nghệ sĩ hay tác phẩm nổi bật và khác biệt nhất của mình. Cố gắng xem hết các tác phẩm là nhiệm vụ bất khả thi. Chỉ đi lướt qua thôi đã đủ chùn chân mỏi cẳng, chưa nói đến chuyện dừng lại ít phút xem tác phẩm, đọc giới thiệu, hay trò chuyện vài ba câu.Bạn có thể xem được hết nếu trở lại hội chợ ít nhất là hai lần, như nhiều người đến tham dự có kinh nghiệm. Nếu đến chỉ trong một buổi chiều như tôi thì chỉ đủ xem lướt được hai tầng, nơi trưng bày tác phẩm quy mô lớn (The Unlimited) và một phần trưng bày của các gallery. Những nơi trưng bày tác phẩm ngoài trời, các hội thảo… thì đành nhắm mắt bỏ qua.Quy mô khổng lồ đó đã tạo nên nhu cầu bất tận của khách thăm. Nếu chưa từng đến, bạn muốn đến xem cho biết. Đến xem một lần rồi, bạn sẽ muốn đến lần nữa xem có khác gì so với lần trước, hay tìm kiếm một tác phẩm mà mình tâm đắc.Amy Cappellazzo, chủ tịch của bộ phận Fine Art của Sotheby's - người dự được 25 lần hội chợ, tính tới năm 2022 - từng mô tả cảm giác giống như đi vào một khu bách hóa tổng hợp khổng lồ với mẹ mình. Cứ đi vô định, không rõ mục đích gì, không biết sẽ mua gì cho tới khi tìm thấy thứ mà mình thích và muốn.Ảnh: Khổng LoanĐi hội chợ nghệ thuật đúng là như vậy. Sự hỗn độn của không gian khiến ta khó tập trung vào tác phẩm. Và cũng không quá lời khi nói rằng hội chợ nghệ thuật là nơi tệ nhất để xem nghệ thuật.Phối cảnh và sự đông đúc khiến bạn không thể tập trung. Ánh sáng được thiết kế ưu tiên sự an toàn của đám đông hơn là nâng cao chất lượng nghệ thuật hay giúp cho việc thưởng lãm tác phẩm.Chốn dung chứa bất tận cho những diễn giải riêng tưThời buổi này thông tin đầy rẫy trên Internet nhưng tôi chọn cách đi ngược. Đó là không đọc trước nội dung, vì nghệ thuật, đôi khi không phải là thứ mà chúng ta được đọc, mà là những thứ chúng ta cảm nhận. Những thứ chúng ta đọc được đã được giải nghĩa, đã được đánh giá, được nhìn dưới nhãn quan của người khác. Không phải lúc nào cũng cần lắng nghe ngay lập tức. Vì vậy, tôi đến hội chợ với tinh thần và cảm giác tự do, một phần vì không muốn ngụp lặn trong đại dương thông tin do những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật (nghệ sĩ, giám tuyển, gallerist...) đã chuẩn bị sẵn.Nhưng cũng phải là ý tồi nếu bạn muốn chọn lọc từ đầu những thứ có thể phù hợp, thú vị với mình để đến xem vì thời gian là hữu hạn. Còn tôi, tôi đi lang thang bất định, nhìn ngắm mọi thứ có thể, dừng lại ở những nơi mình thấy chú ý và tò mò, xem tác phẩm, và đọc nội dung giám tuyển sau đó. Thưởng lãm nghệ thuật đôi khi là chủ quan, dù kiến thức học thuật, hàn lâm hay chuyên môn luôn cần những công sức nghiên cứu có hệ thống để có thể trình bày gãy gọn. Hãy tin vào nội tâm và mong muốn của trái tim mình.Khu vực triển lãm The Limited ở tầng trệt là nơi bày những tác phẩm bề thế, quy mô lớn dễ khiến ta choáng ngợp. Vì quy mô lớn, những tác phẩm này chỉ có thể tìm đường vào tay những nhà sưu tập tổ chức như bảo tàng, hoặc những nhà sưu tập cá nhân có tiềm lực rất mạnh để có không gian trưng bày trước công chúng. Đủ mọi hình dạng, từ điêu khắc tới sắp đặt với những chất liệu mới mẻ.Ảnh: Art BaselNơi đây, khách thưởng lãm dễ bị hút tới khu vực trưng bày tác phẩm Čiurlionis Gym (2023, Augustas Serapinas), vì âm thanh của phòng gym mà nó phát ra. Trên tấm thảm tập màu xanh kích thước lớn, những bức tượng chân dung hoặc bán thân thể hiện vẻ đẹp cổ điển Hy Lạp, những dụng cụ tập luyện, những nam thanh nữ tú đang tập trung vào từng động tác giúp hình thể khỏe mạnh và đẹp hơn, theo như những cảm hứng cổ điển thể hiện qua những bức tượng thạch cao mà họ nhìn chằm chằm vào trong lúc tập.Không rõ có phải tinh thần duy mỹ cổ điển Hy Lạp đã và vẫn đang dẫn dắt loài người, hay những thanh niên hiện đại đẹp đẽ và khỏe mạnh vừa nâng những chiếc tạ hay tập các bài tập khác nhau trong phòng gym vẫn đang lưu giữ trong đầu những mỹ cảm được nói là "đẹp" và "chuẩn mực"? Tôi không thể tránh được một diễn giải thầm rằng việc lặp đi lặp lại một hành động để hướng tới một chuẩn mực đã có từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh. Bạn có thể có cách diễn dịch khác. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật tốt sẽ thách thức tư duy khiến ta tò mò và gợi nên vô vàn diễn giải.Tôi chợt thấy một đám đông đang tập trung nhìn vào một không gian có vẻ không giống nghệ thuật lắm. Cách họ vài mét là một số dụng cụ để dọn vệ sinh (gồm chiếc chổi màu xanh lá cây, xô chậu, nước vệ sinh trên một chiếc xe đẩy…), một chiếc ghế màu trắng, một người đàn ông trong bộ trang phục của nhân viên dọn dẹp đang mở ra đóng vào chiếc tủ đứng thường được đặt trong phòng của nhân viên dọn dẹp. Người biểu diễn lấy cái chổi ra quét rồi treo lên và rời đi. Đó là nghệ thuật được biểu đạt ở hình thức ý niệm.Giờ biểu diễn chỉ xảy ra vào tầm buổi trưa của nghệ sĩ Olaf Nicolai, có tên Menage de la maison, 2022, mô tả về hoạt động quét dọn đã trở thành "ritual" - có tính lễ nghi - trong cuộc sống hằng ngày. Có thể thấy buồn cười khi thấy một hoạt động như vậy lại trở thành nghệ thuật. Nhưng trong thời đại của những video TikTok 15 giây mới là chuẩn mực, những bộ não đang bị bội thực thông tin chỉ cần dừng lại để tò mò thôi cũng có thể là một thước đo thành công của tác phẩm này. Năm nay có khoảng 70 tác phẩm được giám tuyển và trưng bày trong không gian The Unlimited rộng khoảng 16 ngàn m2, thách thức nhiều khái niệm hay cách hiểu biết nghệ thuật thông thường.Nghệ thuật ngày nay (chủ yếu) để bán mua?Art Basel là một "bảo tàng tạm thời", với những tác phẩm đương đại và hiện đại mới nhất. Không chỉ người mua, gallery, môi giới tham dự… người muốn xem nghệ thuật cũng tìm đến. Nơi đây không chỉ để bán tác phẩm cho nhà sưu tập, phụ trách các bảo tàng…, mà còn là một cơ hội tốt để những người quan tâm so sánh các tác phẩm đáng chú ý mà các gallery muốn quảng bá. So sánh về nghệ thuật và về giá cả. Các nghệ sĩ muốn tác phẩm của họ được xuất hiện ở đây, họ tìm đến để quảng bá, để kết nối, để có thêm cảm hứng.Các số liệu từ hội chợ cho thấy rõ xu hướng thị trường và thị hiếu hiện tại cũng như tương lai, là nơi để các nhà môi giới, gallery gặp gỡ khách hàng hiện tại và tương lai. Nhìn chung, bất luận thế giới đang rơi vào suy thoái, doanh số tại các hội chợ nghệ thuật vẫn tăng. Năm 2022, số lượng các hội chợ nghệ thuật trên thế giới tương tự như năm 2019. Doanh thu từ các sự kiện trực tiếp cũng tăng, từ 27% (năm 2021) lên 35% (năm 2022) dù vẫn thấp hơn trước dịch (2019, 42%).Dù không thấy khách hàng nói chuyện nhiều với chủ hoặc các đại diện gallery tại địa điểm đó, bạn cũng đừng nhầm. Rất nhiều người thích trao đổi trong sự riêng tư, những khách VIP được mời đến dự những buổi giới thiệu được tổ chức dành riêng cho họ với những dịch vụ VIP. Nếu bạn không thuộc nhóm 2-3% đó, hãy theo bước chân vô định dẫn tới những tác phẩm hay ý niệm thích thú, khiến bạn suy nghĩ rất lâu về cuộc đời mình đang sống trước khi bị cuốn vào những vòng xoáy tiếp theo.Ảnh: Khổng LoanViệc xuất hiện tại một hội chợ nghệ thuật như Art Basel liên quan mật thiết tới branding - phát triển thương hiệu của gallery, nhà môi giới hay nghệ sĩ. Với khoảng 2 triệu USD để chi cho các hoạt động quảng bá hội chợ tới khắp thế giới, đồng nghĩa với việc nghệ sĩ sẽ được biết đến nhiều hơn, mức giá của các tác phẩm và các nghệ sĩ sẽ thay đổi sau đó.Tất nhiên yếu tố may mắn luôn là một điểm quan trọng trong sự nghiệp. Tác giả Don Thompson trong cuốn Cá mập nhồi giá 12 triệu USD - nền kinh tế đáng tò mò của nghệ thuật đương đại đã viết: "Các nhà sưu tập ủng hộ những nhà môi giới có thương hiệu, đấu giá ở những nhà đấu giá có thương hiệu, đến các hội chợ nghệ thuật có thương hiệu và tìm kiếm các nghệ sĩ có thương hiệu. Bạn không là ai trong thế giới nghệ thuật đương đại cho đến khi bạn có thương hiệu".Xây dựng thương hiệu thường được gắn với các sản phẩm tiêu dùng như Coke hay Nike, tức là sản phẩm hay dịch vụ có cá tính, sự khác biệt và có giá trị, đồng nghĩa với tránh rủi ro và có niềm tin tưởng. Vì vậy, thế giới nghệ thuật đã thay đổi khi có những bên làm thương hiệu tham gia. Giờ đây, không ngạc nhiên khi giá tiền của một tác phẩm dựa vào uy tín của gallery và kích cỡ của tác phẩm thay vì mức độ chất lượng của tác phẩm. Việc Art Basel đã tạo ra một thương hiệu vững chắc và khó có thể thay thế, khi tiếp tục phát triển ở châu Á (Art Hong Kong) hay Mỹ (Art Miami) có vai trò là lực đẩy lớn cho thị trường nghệ thuật thế giới.Coi các hội chợ thương mại là "biên giới cuối cùng của nhà môi giới", Don Thompson gọi Art Basel là chương trình trình diễn thương mại - nơi các nhà môi giới mời chào những tác phẩm đặc biệt tới những khách hàng không những siêu giàu mà còn rất thiếu thời gian. Sự thuận tiện mà hội chợ mang lại thật hoàn hảo. Một địa điểm giúp ta vừa nghiên cứu, tìm kiếm và mua luôn tác phẩm.Tôi đã không bị lạc trong hội chợ, nhưng khi rời thành phố thời Trung cổ bên bờ sông Rhine, tâm hồn tôi bị lạc trong âm nhạc của một ban nhạc từ Vienne tại nhà ga Zurich, với những điệu valse quyến rũ. Những cặp đôi xoay mình hạnh phúc, mê đắm và lả lướt nhảy khắp nhà ga. Cuộc sống thật đa dạng trên hành tinh này. Và luôn có ai đó thưởng thức từng phút giây sống. Art Basel đã trở thành sự kiện thường niên góp phần xây dựng thương hiệu cho Basel trở thành một thành phố nghệ thuật tầm cỡ thế giới. Chỉ có khoảng 600.000 dân nhưng Basel có tới 37 bảo tàng. Năm 1970, khi mới ra mắt, Art Basel đã thu hút hơn 16.000 khách tham dự, với 90 gallery từ 10 quốc gia. 5 năm sau, nơi đây đã tụ hội tới 300 gallery từ 21 quốc gia, với 37.000 khách tham dự. Năm nay, có 284 gallery từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 21 gallery lần đầu tiên góp mặt, hơn 80.000 khách đến tham dự. Tags: Nghệ thuật BaselThụy SĩNhà phê bìnhMỹ thuậtTriển lãm nghệ thuậtHội chợ nghệ thuậtBảo tàngHội chợ nghệ thuật BaselArrt Basel
Hà Nội thêm một người chết do bão số 3, hơn 25.000 cây xanh gãy đổ PHẠM TUẤN 08/09/2024 Hà Nội có thêm 1 người tử vong do bão số 3, nâng tổng số người chết lên con số 4. Hơn 25.000 cây xanh bị gãy, đổ do bão.
Nhiều trường đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ học, ra thông báo 'thượng khẩn' sau bão Yagi NGUYÊN BẢO 08/09/2024 Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Nông - Lâm Bắc Giang cùng nhiều trường đại học vừa thông báo điều chỉnh kế hoạch học tập, cho sinh viên tiếp tục nghỉ học hoặc học trực tuyến sau bão số 3.
Người phụ nữ kịp chạy thoát khi căn nhà bị đất đá đè sập HỒNG QUANG 08/09/2024 Sạt lở đất đá vào chiều 8-9 ở Bắc Kạn đè trúng hai ngôi nhà. Một người phụ nữ phía trong kịp thời chạy ra ngoài.
Nhiều khu dân cư, tuyến đường ở Hải Phòng ‘tối đen như mực’ vì chưa được cấp điện trở lại NAM TRẦN 08/09/2024 Tối 8-9, nhiều khu dân cư trung tâm Hải Phòng vẫn chưa được cấp điện trở lại, đường tối om, xe cộ đi lại khó khăn.