TTCT - Thị trường nội địa Trung Quốc đang gặp vấn đề, thương chiến Mỹ - Trung và quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng khiến thương mại Trung Quốc - ASEAN chưa bao giờ nhộn nhịp như hiện nay, với những lợi ích và tác hại đan cài phức tạp... Xe điện BYD của Trung Quốc tại Triển lãm xe hơi Bangkok 2024. Thái Lan có thể sẽ trở thành cứ điểm của ngành sản xuất xe điện Trung Quốc tại Đông Nam Á. Ảnh: Getty Khi nhà máy dệt ở Bandung, Tây Java (Indonesia) sa thải công nhân hồi đầu năm, Kurniadi Eka Mulyana, 26 tuổi, rất lo lắng. Anh mới làm ở đây hai năm sau khi mất việc ở nhà máy dệt khác nhưng tới tháng 3 lại bị sa thải. Quản lý nhà máy nói doanh thu giảm mạnh kể từ khi TikTok Shop hoạt động ở Indonesia năm 2021 và bán nhiều hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc.Khoảng 49.000 công nhân dệt may và giày dép đã mất việc năm nay khi nhà máy ở các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java đóng cửa. Trước những kêu cứu của giới chủ, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan tháng 6 nói chính quyền đang cân nhắc áp thuế 200% với sản phẩm sợi nhập khẩu.Loạt hàng rào thuế mớiÔng Hasan cho biết các sắc thuế mới nhằm đối phó với làn sóng hàng hóa đủ loại, từ gốm sứ, quần áo, mỹ phẩm tới đồ điện tử, tràn vào Indonesia.Một loạt nước ASEAN đang có các biện pháp bảo hộ thương mại tương tự trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là qua các sàn thương mại điện tử. Hồi tháng 1, Malaysia áp thuế bán hàng 10% với hàng nhập khẩu giá dưới 500 ringgit (108 USD) mua online, vốn trước kia thường được miễn thuế. Thái Lan vào tháng 7 cũng áp thuế VAT 7% với sản phẩm giá dưới 1.500 baht (42 USD).Đầu tháng 8, Trung Quốc công bố xuất khẩu trong tháng 7 tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tới ASEAN tăng vượt trội 12,15%, chiếm tới 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và mức này đã là giảm so với tốc độ tăng trưởng tháng 6: 15%. Thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc đã tăng mạnh từ 44,8 tỉ USD năm 2013 lên 137,3 tỉ USD năm 2022. Việc nhiều nước ASEAN tiến hành biện pháp phòng hộ thương mại do đó là dễ hiểu.Theo báo Hong Kong South China Morning Post, đã có tổng cộng 96 cuộc điều tra về thương mại từ các đối tác nhắm vào hàng hóa Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm nay, vượt con số tổng của cả năm ngoái là 63 cuộc. Trong số này, 74 vụ liên quan tới chống bán phá giá, tức hàng nhập khẩu có giá thấp hơn giá thông thường ở thị trường nội địa.Với các chính quyền Đông Nam Á, làn sóng hàng giảm giá Trung Quốc đặt họ vào thế lưỡng nan. Trong khi nhà bán lẻ và sản xuất nội địa muốn giảm áp lực cạnh tranh thiếu lành mạnh, chính quyền lại muốn thu hút công ty Trung Quốc đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.Cân bằng những ưu tiên này khó hơn khi đình trệ kinh tế đang kềm hãm Trung Quốc, tác động mạnh tới nguồn cầu hàng xuất khẩu từ ASEAN, trong khi các hãng đại lục lại thừa công suất và buộc phải tìm cách đẩy hàng ở mức giá rất thấp, càng làm cán cân thương mại giữa hai bên mất cân bằng nghiêm trọng hơn.Hội chợ Expo hàng hóa Trung Quốc-ASEAn ở Nam Ninh, Quảng Tây, tháng 9-2023. Ảnh: people.cnCân bằng giữa nhiều lợi íchTrung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan sau Mỹ và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của nước này, chiếm tới 1/4 tổng lượng hàng nhập khẩu. Thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc đang tăng nhanh: từ 20 tỉ USD năm 2020 lên thành 36,6 tỉ USD năm 2023. Tình hình ở Malaysia cũng tương tự, với tỉ lệ tăng còn chóng mặt hơn: từ 3,1 lên 14,2 tỉ USD cùng kỳ.Indonesia đỡ thâm hụt hơn nhờ xuất khẩu nhiều tài nguyên như kim loại sang Trung Quốc. Năm ngoái, Indonesia thậm chí có thặng dư thương mại 2 tỉ USD. Nhưng nửa đầu năm 2024, thâm hụt thương mại ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với láng giềng tỉ dân cũng đã tăng lên thành 5 tỉ USD.Cần lưu ý, các mức thâm hụt thương mại cao còn có nguyên nhân hãng xưởng ở Trung Quốc, cả nội địa lẫn các tập đoàn đa quốc gia, đang dịch chuyển sản xuất và lắp ráp từ Trung Quốc sang Đông Nam Á do căng thẳng thương mại với phương Tây và nhiều nguyên nhân khác. "Trung Quốc coi đầu tư vào các nước khác như chiến lược phòng vệ" - Charles Austin Jordan, chuyên gia phân tích của Rhodium Group ở Mỹ, nói. Khi chuỗi cung ứng dịch chuyển, nhu cầu của Trung Quốc với nguyên liệu và hàng hóa trung gian từ ASEAN cũng giảm xuống.Trong nhiều trường hợp, sản phẩm cuối cùng vẫn được xuất khẩu sang thị trường phương Tây. Thực tế, xuất khẩu từ Đông Nam Á sang Mỹ đã vượt giá trị xuất sang Trung Quốc trong quý 1-2024 hơn 10 tỉ USD, chấm dứt giai đoạn dài Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của khu vực. Những thay đổi này tạo ra nhiều phức tạp thương mại mới. Một ví dụ: Hồi tháng 6, Mỹ áp trở lại mức thuế cao tới 250% với tấm pin mặt trời sản xuất bởi công ty Trung Quốc ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan."Rủi ro với các nền kinh tế mới nổi là phương Tây sẽ điều tra chuỗi cung ứng sâu hơn", ông Jordan nói. ASEAN cũng đang tìm cách thu hút nhập khẩu trong các lĩnh vực sản xuất xanh.Ví dụ, để mời gọi các nhà sản xuất xe điện như BYD và Great Wall Motor, Thái Lan đã cho họ nhập khẩu miễn thuế xe hoàn thiện trong khi chờ nhà máy của họ được xây và đi vào vận hành ở nước này. Xe nhập khẩu này cũng được tham gia chương trình hỗ trợ khách hàng mua xe điện và các chính sách miễn thuế.Với những hỗ trợ này, Thái Lan thu hút được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lớn nhất trong mảng xe điện nhưng gây tổn hại cho các nhà sản xuất truyền thống đã hoạt động lâu năm ở đây như Honda hay Toyota, cũng như các công ty phụ tùng, bao gồm cả công ty nội địa."Đơn đặt hàng giảm 40% năm nay - Sompol Tanadumrongsak, chủ tịch Hiệp hội Phụ tùng xe hơi Thái Lan, nói - Hầu hết nhà sản xuất phụ tùng giờ chỉ còn hoạt động ba ngày/tuần".Trong chuyện này không có trắng đen rõ ràng. Cùng lúc với việc chính phủ chào đón các hãng xe điện Trung Quốc, Bộ Ngoại thương Thái Lan lại đề xuất mức thuế 30,9% với thép cuộn nóng từ Trung Quốc (dùng cho sản xuất xe, máy móc và kết cấu cầu). Bốn nhà sản xuất Thái Lan đã khiếu nại vì sản phẩm của 17 nhà sản xuất thép Trung Quốc lách quy định chống bán phá giá bằng những điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật với sản phẩm.Nhà máy BYD ở Rayong, Thái Lan. Ảnh: voi.id"Chiến lược thương mại chủ động"Điều chỉnh dòng thương mại của Trung Quốc vào Đông Nam Á cũng cho thấy "chiến lược thương mại chủ động của Bắc Kinh" giữa lúc căng thẳng thương mại với phương Tây, theo Sonal Varma - kinh tế trưởng của Nomura.Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, thép, máy móc, hóa chất ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng bởi sự sụp đổ của thị trường bất động sản. "Rất nhiều lao động Trung Quốc gắn với những ngành này", theo Jordan của Rhodium. Nếu không xuất khẩu được sản phẩm thừa, các doanh nghiệp sẽ "lỗ dồn lỗ, dẫn tới thất nghiệp hàng loạt".Để đối phó và duy trì thành tích tăng trưởng, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc tìm đủ mọi cách hỗ trợ hàng xuất khẩu. Hệ quả là nhiều công ty Đông Nam Á chuyên phục vụ thị trường nội địa bị ảnh hưởng.Năm ngoái, hơn 1.300 nhà máy ở Thái Lan đã phải đóng cửa, tăng hơn 60% so với năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 5-2024, thêm 500 nhà máy nữa đóng cửa, theo Bộ Lao động công nghiệp.Ngành thép bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Thái Lan bởi hàng giảm giá từ Trung Quốc. Sản lượng thép nội địa đã giảm 497.000 tấn vào năm ngoái (tương đương 7% tổng sản lượng). Theo tính toán của Ngân hàng Siam, cứ mỗi 100.000 tấn thép nội địa giảm sản lượng, GDP Thái Lan lại giảm 0,2%. Wirote Rotewatanachai, chủ tịch Viện Sắt và thép, nói sản xuất thép nội địa sụp đổ có thể là rủi ro an ninh quốc gia trong bối cảnh xung đột địa chính trị.Vai trò của thương mại điện tửLo ngại các biện pháp trả đũa, nhiều nước Đông Nam Á hiện vẫn nói việc xem xét đánh thuế chống bán phá giá không nhắm trực tiếp và riêng vào hàng Trung Quốc. Tình hình thêm phức tạp khi các sàn thương mại điện tử như Shopee của Singapore, Lazada của Alibaba, TikTok Shop của ByteDance ngày càng bành trướng, tạo cơ hội lớn cho nhà xuất khẩu Trung Quốc tiếp cận khách hàng Đông Nam Á.Ở Thái Lan, vỏ bọc điện thoại mua trên Lazada có giá chỉ tầm 35 baht (xấp xỉ 1 USD), trong khi sản phẩm tương tự ở một cửa hàng Thái thường có giá khoảng 400 baht. Mức thuế 7% VAT do đó không mấy tác dụng. Mức thuế 10% mà Malaysia vừa áp được cho là cũng không có nhiều ý nghĩa.Năm 2023, các sàn điện tử này thực hiện khối lượng giao dịch khoảng 114,6 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2022, theo Công ty tư vấn Momentum Works của Singapore. "Kênh phân phối lớn nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc là Lazada và Shopee. Với hai kênh phân phối này, họ thậm chí không cần đăng ký bất cứ văn phòng nào ở Thái Lan", theo Chaovalit Pakpianthakolphol - chủ tịch Ủy ban thúc đẩy xuất khẩu của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan. ■ Hiệp định RCEP (2022) của ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand càng làm giảm thêm rào cản thuế với hàng Trung Quốc. RCEP quy định việc bảo vệ giao dịch thương mại điện tử và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng không có quy định về hạn chế hỗ trợ của chính phủ với hàng xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc muốn thúc đẩy thương mại còn hơn nữa với ASEAN qua đàm phán Hiệp định tự do ASEAN - Trung Quốc 3.0 với vòng đàm phán gần nhất diễn ra hồi tháng 5. Tags: Xe điện BYD của Trung QuốcXe điện Trung Quốc tại Đông Nam Á.ASEANHàng hóa Trung Quốc
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế đặng huy đông (nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 04/12/2024 2359 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm cao cả trong kỷ nguyên mới NAM TRẦN 04/12/2024 Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VII và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Hội Cựu chiến binh Việt Nam diễn ra sáng 4-12, tại Bộ Quốc phòng.
Cận cảnh hỗn loạn trong nhà Quốc hội Hàn Quốc sau thiết quân luật Hà Đào 04/12/2024 Dù chỉ tồn tại sáu tiếng, lệnh thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành khuya 3-12 cũng đủ khiến Seoul có một đêm không ngủ.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền HOÀI PHƯƠNG 04/12/2024 Ca sĩ Bích Tuyền xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rút đơn kiện chồng mình là ông Gerard Williams.
Cựu cầu thủ Đà Nẵng, Trần Anh Khoa tự vẫn QUANG THỊNH 04/12/2024 Cựu cầu thủ CLB Đà Nẵng, Trần Anh Khoa đã kết thúc cuộc đời của mình ở nhà riêng tại Đà Nẵng vào ngày 4-12.