Bắc Kinh "đón" ông Trump sớm!

DANH ĐỨC 01/01/2017 18:01 GMT+7

TTCT - Những phản ứng gần đây của Bắc Kinh với ông Donald Trump, cũng như những động thái mới trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc không muốn đợi tới khi ông Trump đã chính thức làm chủ Nhà Trắng mới bộc lộ thái độ.

Một tạp chí Trung Quốc với ông Trump lên bìa -wsj.com
Một tạp chí Trung Quốc với ông Trump lên bìa -wsj.com


Theo “truyền thống”, thường thì có muốn thăm dò, đánh tiếng, thậm chí “nắn gân” các tân tổng thống Mỹ, Trung Quốc thường chịu khó đợi hai, ba tháng. Như vụ hai máy bay chiến đấu J-8II của không quân Trung Quốc ép chiếc máy bay thám thính EP-3E ARIES II của hải quân Mỹ ngày 1-4-2001 ở địa điểm cách đảo Hải Nam khoảng 100 hải lý (khoảng 160km) về phía Hoàng Sa.

Va chạm trên không đã xảy ra khi một chiếc J-8II bay quá sát chiếc EP-3E của Mỹ, máy bay của Trung Quốc rơi, viên phi công thiệt mạng, còn chiếc EP-3E của Mỹ bị hư hỏng nặng, phải đáp khẩn cấp xuống chính căn cứ Hải Nam.

Các phi công Mỹ được thả ra trước, chiếc máy bay chỉ được trả lại sau khi đã tháo ra hết. Phiên bản này của dòng máy bay P3-Orion là hàng vô cùng hiếm, không quân Mỹ chỉ có 12 chiếc mang biển hiệu EP-3 ARIES, tức “Airborne Reconnaissance Integrated Electronic System” (Hệ thống điện tử trinh sát tích hợp trên không). Vụ va chạm xảy ra 2 tháng 10 ngày, sau khi tân tổng thống Bush “con” bước vào Nhà Trắng.

Sớm hơn, mạnh tay hơn

Đến trào ông Obama, màn “nắn gân” được diễn lại. Ngày 5-3-2009, tàu khảo sát đại dương - thám thính USNS Impeccable bị một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc chặn trước mũi ở khoảng cách gần 100m, không hề cảnh báo qua radio, cách đảo Hải Nam 75 hải lý về phía nam.

Hai tiếng sau, máy bay thám thính hai động cơ Y-12 của Trung Quốc bay thấp nhiều vòng theo sát tàu Impeccable.

Sau đó, tàu khu trục của Trung Quốc lại chặn trước mũi tàu, ở khoảng cách trên dưới 400m. Phía Trung Quốc cho rằng chiếc tàu gọi là nghiên cứu hải dương này đang “nghiên cứu” hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc ở gần căn cứ hải quân Tam Á.

Ngày 7-3-2009, tàu hải quân Trung Quốc liên lạc với tàu Impeccable qua radio và cảnh cáo rằng hoạt động của tàu này là bất hợp pháp, yêu cầu rời đi, nếu không sẽ phải “gánh hậu quả”. Hôm sau, 5 tàu Trung Quốc bao vây Impeccable.

Khi tàu Impeccable cố gắng thoát ra ngoài thì một tàu cá đã dùng móc neo để làm gãy hệ thống sonar của nó. Vụ “nắn gân” ông Obama này diễn ra sớm hơn vụ “nắn gân” ông Bush nửa tháng, chỉ một tháng rưỡi sau khi ông Obama nhậm chức.

Theo thông lệ đó, nếu Trung Quốc có muốn dọa dẫm phủ đầu Tổng thống đắc cử Trump thì hẳn phải đợi ông này an vị trong Nhà Trắng cái đã.

Thế nhưng ngay trung tuần tháng 12, khi ông Obama còn chưa mãn nhiệm, sự cố đã xảy ra! Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo một tàu hải quân Trung Quốc đã thu giữ bất hợp pháp một thiết bị lặn nhỏ không người lái của Mỹ hôm 15-12, vào lúc tàu khảo cứu hải dương USNS Bowditch đang chuẩn bị vớt thiết bị này lên lại trong một hoạt động thường kỳ cách vịnh Subic của Philippines 50 hải lý (khoảng 93km).

Tàu Trung Quốc lúc đó bám sát chiếc USNS Bowditch ở khoảng cách khoảng 450m và đã “nhanh tay” chộp lấy thiết bị lặn. Bởi thế, ông Trump mới viết trên Twitter rằng “Trung Quốc đã “chôm” thiết bị không người lái của Mỹ!”.

Chuyện Trung Quốc “vờn” các tàu nghiên cứu hải dương của Mỹ là chuyện thường tình, chẳng khác phim hoạt hình Tom và Jerry, do lẽ các tàu “nghiên cứu hải dương”, của nước nào cũng thế, luôn bị nghi ngờ là do thám với dàn sonar vừa có thể đo đáy biển vừa dò được tàu ngầm.

Các thiết bị lặn không người lái cũng lưỡng dụng (dân dụng - quân dụng), “vừa thu thập dữ liệu hải dương học, tỉ như thông tin về độ mặn, nhiệt độ và độ trong của nước biển, song cũng có thể dùng dò theo dấu tàu ngầm đối phương” - Chicago Tribune 18-12 trích lời tướng Trung Quốc về hưu Xu Guangyu (Từ Quang Dụ), nghiên cứu viên cấp cao của Hội Giải giáp và kiểm soát vũ khí Trung Quốc.

Ông Xu giải thích rằng Trung Quốc rất nhạy cảm với những thiết bị lặn không người lái dưới nước, do e ngại hạm đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của nước này bị theo dõi và định vị. Ông ta cũng cho rằng trong vụ này, thiết bị của tàu Bowditch có thể đã đến gần vùng biển nhạy cảm nên bị “thu giữ”.

Vấn đề đặt ra là: (1) Trung Quốc “nắn gân” Mỹ nên thu giữ thiết bị kia? Hay (2) Mỹ “chọc ghẹo” Trung Quốc bằng thiết bị đấy?

Theo Micheal Fuchs - nguyên phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á (2013-2016), sự cố đó “có nghĩa là tất cả những hành vi mà trước đây được công nhận, như thăm dò khoa học trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, nay có thể trở thành điểm nóng mới”.

So với vụ USNS Impeccable, sự cố USNS Bowditch cũng xảy ra quá sớm, trước khi ông Trump nhậm chức tới một tháng bốn ngày và cũng “mạnh bạo” hơn, ngay trước mặt thủy thủ đoàn chiếc USNS Bowditch khi tàu này đang sửa soạn vớt thiết bị kia lên.

Trả đũa?

Một ngày trước khi sự cố xảy ra, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải bực dọc tuyên bố Bắc Kinh không bao giờ mặc cả với Washington trong các vấn đề chủ quyền quốc gia và lãnh thổ: “Những tiêu chuẩn cơ bản trong quan hệ quốc tế cần được tôn trọng, chứ không phải làm ngơ. Đây là những điều không thể được ngã giá”.

Thoạt trông có vẻ chính ông Trump đã gây sự trước. Việc ông trả lời điện thoại của nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2-12 đã khiến Bắc Kinh nộ khí xung thiên.

Cuộc điện thoại chỉ kéo dài hơn 10 phút ngay lập tức bị coi là một bước đi nhắm tới việc phá vỡ nguyên tắc “một Trung Quốc”, mà Bắc Kinh đã cương quyết không chấp nhận chút nhượng bộ nào suốt từ năm 1979 tới nay.

Bắc Kinh “nóng máu” là dễ hiểu, khi đặt trong sự so sánh về những ai ông Trump đã tiếp và nói chuyện vài ngày sau khi thắng cử. Ông đã tỏ ra rất chủ động trong mọi tiếp xúc song phương, bao gồm nhận lời điện đàm với bà Thái Anh Văn, nhưng lại không trả lời điện thoại của tổng thống Ukraine?! Nội dung cuộc điện đàm cũng “đổ thêm dầu vào lửa”.

Văn phòng của nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết trong cuộc điện đàm, bà Thái Anh Văn đã nhờ Mỹ tạo điều kiện để Đài Loan “tham gia” và “đóng góp” nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế, giúp Đài Loan đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế khác và trợ giúp nhiều hơn về mặt quân sự để có thể phòng thủ chống Trung Quốc!

Thật là quá sức tưởng tượng! Sau cú điện thoại, Bắc Kinh hẳn đã quy trách nhiệm cho Mỹ cố tình gây hấn. Đầu tiên là công hàm “cương quyết phản đối”.

Nhưng trong một phỏng vấn với Fox News, ông Trump vẫn tỉnh bơ: “Tôi hiểu hết chính sách “Một Trung Quốc” chớ, nhưng tôi không hiểu cớ gì ta lại phải chịu bó chân bó tay với chính sách đó, trừ phi có thỏa thuận trao đổi với họ. Chớ tôi không chịu để họ áp đặt đâu”.

Sau đó, báo chí Trung Quốc chĩa mũi dùi vào Trump, chê bai ông này “thiếu kinh nghiệm ngoại giao”. Rồi đỉnh điểm là vụ thu giữ thiết bị không người lái. Đáp trả cáo buộc của ông Trump trên Twitter, Hoàn Cầu Thời Báo ngày 18-12 viết: “Trump không hành xử như một tổng thống còn một tháng nữa sẽ làm chủ Nhà Trắng!”.

Sự hậm hực này chưa biết bao giờ mới dừng lại. Nhất cử nhất động của ông Trump đều bị Bắc Kinh săm soi. Như chuyện ông bổ nhiệm giáo sư Peter Navarro đứng đầu Hội đồng thương mại quốc gia thuộc Nhà Trắng, chịu trách nhiệm về chính sách thương mại và công nghiệp.

Ông Navarro nổi tiếng thế giới là tác giả mấy cuốn sách mà ngay cái tựa đã thấy gai mắt với Bắc Kinh rồi: Death by China (tạm dịch: Chết dưới tay Trung Quốc) và The Coming China Wars (tạm dịch: Các cuộc chiến tranh sắp đến với Trung Quốc).

Sự tức giận ở Bắc Kinh càng tăng thêm không chỉ bởi Tổng thống đắc cử Trump tỏ ra thân thiện với Đài Loan gần như ngay lập tức, mà người tiền nhiệm (sắp mãn nhiệm) Barack Obama, vào giờ thứ 23, vừa ký ban hành luật chi tiêu quốc phòng năm 2017, trong đó có một điều khoản quy định, không bắt buộc, rằng bộ trưởng quốc phòng Mỹ nên tiến hành các trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan, điều đang là “độc quyền” dành cho các tướng lĩnh Trung Quốc.

“Nhịn” cả cuối tuần lễ Giáng sinh, qua đến thứ hai 26-12, trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trút giận: “Chúng tôi kịch liệt phản đối đoạn liên quan đến Đài Loan trong đạo luật này...

Chúng tôi bất bình mạnh mẽ trước việc Mỹ ký đạo luật này... Tuy nội dung liên quan đến Đài Loan không mang tính cưỡng bách, song cũng vẫn vi phạm nghiêm trọng ba bản Thông cáo chung (Mỹ - Trung) và can thiệp việc nội bộ của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ không cách chi chấp nhận điều đó. Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ tôn trọng các cam kết về vấn đề Đài Loan, chấm dứt trao đổi quân sự với Đài Loan...”.

Ông Obama, trước khi rời nhiệm sở, chỉ ký một đạo luật, theo đó Mỹ “nên” trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan, “nên” thôi chứ không bắt buộc, mà còn bị “cự” như thế, huống hồ ông Trump trao đổi không chỉ với cấp cao, mà còn với cấp cao nhất của Đài Loan, không chỉ mỗi chuyện vũ khí, mà là cả chuyện “hai Trung Quốc” theo yêu cầu của bà này!

Tất nhiên, vẫn có dư luận nghi ngờ rằng ông Trump chủ yếu chỉ đang “tạo dáng” cứng rắn nhằm gây ấn tượng ngược lại với một Obama bị ông chê là “nửa vời”.

Song nhìn vào quá khứ ngài tỉ phú sắp lên làm tổng thống, cũng có thể ngờ rằng ở độ tuổi thất thập, đã lớn lên cùng cuộc chiến tranh Triều Tiên, rồi thì quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc năm 1964, rồi “công lao” mở cửa Trung Quốc của Nixon và Kissinger, ông Trump không chỉ “biểu diễn”.

Trong sự phân cực quyết liệt của chiến tranh lạnh những năm 1950 và 1960, ông Trump đang ở độ tuổi hình thành tính cách (ông sinh năm 1946). Chiến tranh lạnh dựa trên ý thức hệ đó kết thúc, song sự phân cực trên thực tế thì chưa, mà Trung Quốc trên thực tế đã luôn là một thực thể đối nghịch với Mỹ suốt từ những năm 1950.

Thêm vào đó, một trong những khẩu hiệu tranh cử quan trọng nhất của ông Trump là “nước Mỹ trên hết”. Đặt trong tất cả bối cảnh đó, những động thái của ông là có thể hiểu được. Còn phản ứng từ phía Trung Quốc cũng là tất yếu. Với phần còn lại của thế giới, câu hỏi mỗi nước phải tự đặt ra cho mình là “ta chính xác nằm đâu trong tuyên bố “nước Mỹ trên hết” đó?”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận