Bác sĩ Tốt... tốt thiệt!

DƯƠNG THẾ HÙNG 25/02/2013 20:02 GMT+7

TTCT - Suốt 13 năm qua kể từ khi nghỉ hưu, ông vẫn lặn lội vào tận vùng sâu vùng xa để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo bằng nguồn kinh phí chủ yếu từ đồng lương hưu ít ỏi của ông và tài trợ của các mạnh thường quân.

Ông là bác sĩ Trần Văn Tốt ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.


Bác sĩ Tốt khám bệnh từ thiện tại phòng khám đa khoa - Ảnh: H.T.V.


Một ngày đầu năm 2013. Trời mờ sáng. Cả đoàn y bác sĩ và mạnh thường quân tập trung tại nhà khách số 2 ở bến Ninh Kiều. Chiếc xe buýt loại 30 chỗ đã đậu trước cổng. Sau khi cho kiểm tra thuốc men, dụng cụ y tế cần thiết, bác sĩ Tốt - trưởng đoàn - ra hiệu khởi hành.

Một chuyến từ thiện

8g sáng xe tới nơi. Trước cửa trụ sở UBND xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, bà con đã chờ rất đông. Các y bác sĩ triển khai thật nhanh các khu vực khám bệnh. Các phòng làm việc của xã được bố trí thành phòng khám dã chiến như: nội, mắt, tai mũi họng, xét nghiệm máu, phát thuốc… Ngồi ở một góc hành lang, bác sĩ Tốt vừa lo khám bệnh, ghi toa thuốc, vừa đưa mắt nhìn quanh xem các nơi có gì cần xin ý kiến.

Một cụ già tóc bạc phơ tới hỏi: “Bác sĩ coi tui bị bệnh gì mà ho hen hoài, người cứ ơn ớn lạnh lúc về chiều”. Ông đặt ống nghe lên lưng ông cụ, chăm chú lắng nghe rồi hỏi thăm tuổi tác ông cụ, chế độ ăn uống, chỗ ở… trước khi kết luận: “Bác ăn uống thiếu thốn, chỗ ngủ trống trải, gió lùa nên dễ bị nhiễm lạnh. Bác có dấu hiệu bị bệnh viêm phổi rồi đó, cần uống thuốc và ăn uống đầy đủ, đừng hà tiện. Kêu thằng con mua thịt cá mà ăn, chỗ ngủ che chắn kín đáo, tối nên mặc ấm và nhớ đắp mền nếu không bác sẽ bị viêm phổi nặng rồi dẫn tới bệnh lao thì khổ lắm”. Ông cụ run run cầm gói thuốc và lí nhí cảm ơn rồi ra về.

Bác sĩ Tốt giải thích: “Trách nhiệm của bác sĩ là phải hỏi han cặn kẽ, hướng dẫn kỹ lưỡng từng người bệnh cách uống thuốc, ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe. Có những bệnh thông thường như lác, ghẻ ngứa chỉ cần biết cách vệ sinh là không bệnh, hoặc chị em thường bị bệnh phụ khoa do thiếu kiến thức giữ gìn thân thể. Mình nói sao cho họ hiểu và làm theo cũng phòng ngừa được rất nhiều”.

Mặt trời đứng bóng, bệnh nhân cũng thưa dần. Các y bác sĩ nghỉ tay rồi lục tục lấy cơm hộp ra ăn. Lác đác có bệnh nhân tới trễ, bác sĩ Tốt lại lục túi lấy ra những đơn thuốc cuối cùng. Hơn 400 cơ số thuốc (40.000 đồng/đơn thuốc) đã được phát ra mà vẫn không đủ. Ông lẩm bẩm: “Chuyến nào đi cũng phải dự phòng hơn chục phần thuốc mà vẫn thiếu. Bà con còn nghèo, thiếu thốn điều kiện chữa bệnh quá!”.


Bác sĩ Trần Văn Tốt - trưởng Phòng khám đa khoa từ thiện tư nhân TP Cần Thơ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân


Tuổi già lặn lội

Từ năm 2003 đến nay, bình quân mỗi năm đoàn tổ chức 9-12 chuyến đi như vậy, phục vụ từ 8.000-10.000 bệnh nhân nghèo. Mỗi lần đi chuẩn bị thuốc men, vận động tài trợ hết sức vất vả. Đó là chưa kể họ còn lo luôn cả chuyện mổ mắt cườm miễn phí, cấp xe lăn miễn phí, xây dựng phòng khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. “Tất cả đều nhờ bác Tốt đứng ra đảm nhận hết” - anh Trần Văn Mạnh, một thành viên trong đoàn, cho biết.

Tháng 10-2000 bác sĩ Tốt nghỉ hưu. Thay vì an nhàn tuổi già với phòng mạch riêng thu nhập cao, ông chọn con đường làm từ thiện. Ông tiếp tục khám chữa bệnh tại Trạm y tế phường Tân An, vừa tham gia một tổ từ thiện, giúp đỡ người nghèo cao tuổi mổ mắt cườm miễn phí (tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ). Để có nguồn tiền cho người nghèo mổ mắt cườm (chi phí 500.000 đồng/ca), ông phải vận động tài trợ trong anh em, bạn bè, sau khi tự mình bỏ tiền ra trước gồm lương hưu và một ít thu nhập từ phòng mạch riêng. Nhờ các mạnh thường quân sẵn lòng hỗ trợ, “nguồn vốn” nở nồi ngày càng nhiều. Mỗi tháng ông có thể dùng tiền đó lo mổ mắt cườm miễn phí cho 300-400 người nghèo.

Được một thời gian, ông nghĩ đến việc nhân rộng đối tượng được hỗ trợ, đó là những người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Mấy chục năm làm ở bệnh viện, ông thấy bà con ở quê tội nghiệp quá, tới bệnh viện xa xôi mà thuốc men thì khó tới. Tháng 3-2003, đoàn khám bệnh từ thiện thuộc Hội Y tế tư nhân Cần Thơ chính thức được thành lập, do bác sĩ Tốt làm chủ tịch hội.

Có được “pháp nhân” rồi, hằng tháng ông phải “chạy” kinh phí ít nhất 15 triệu đồng để đủ mua thuốc cho nhu cầu người bệnh ngày càng tăng. Ông phải mở rộng đối tượng “đi xin” là các đồng nghiệp đã về hưu, bạn học cũ ở Đại học Y khoa Sài Gòn. Biết uy tín của ông, mọi người vui lòng giúp đỡ, trong đó có ông bà Võ Văn Tám (tự Tám Cầu, Việt kiều Úc) - nhà tài trợ thường xuyên nguồn kinh phí cho các chuyến đi. Hầu như tháng nào đoàn cũng có chương trình đi khám chữa bệnh cho người nghèo, lúc thì Ngãi Tứ (Tam Bình, Vĩnh Long), khi thì Bình Phú (Cai Lậy, Tiền Giang), lúc lại xuống tận Tân Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang), khi thì tới tận Bạc Liêu, Cà Mau…

Vất vả “chạy” phòng khám

Hoạt động được khoảng hai năm thì ông nghĩ ra ý tưởng phải có một phòng khám cho bà con nghèo của TP Cần Thơ và vùng phụ cận. Qua giới thiệu của ông Tám Cầu, ông bà Quan Văn Cẩn (Việt kiều Úc) đồng ý tài trợ dài hạn cho phòng khám mỗi tháng 15 triệu đồng. Thế là bác sĩ Tốt và các đồng nghiệp chạy tìm địa điểm. 

Đó là một mặt bằng khá rộng trong Trung tâm Hội chợ triển lãm Cần Thơ, đủ sức khám cho 150 bệnh nhân. Tháng 5-2005, phòng khám bệnh từ thiện ra đời, bà con nghèo các nơi nghe tiếng kéo về rất đông. Ông Huỳnh Văn Năm (nông dân xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết: “Tui ở cách con sông Hậu mà nghe tiếng ông Tốt chữa bệnh mát tay lại không tốn tiền nên ráng đi qua. Quả thiệt ổng coi bệnh hay lắm, cho thuốc uống mau hết lại còn hỏi thăm tận tình nữa. Bác sĩ Tốt… tốt thiệt!”. 

Hoạt động được bốn năm thì mặt bằng hội chợ trở nên bất tiện, ông tìm được chỗ tạm nương náu ở trụ sở Hội Y học Cần Thơ. Nhưng chỉ được một tháng thì lại bất tiện vì phải lên lầu, trong khi bệnh nhân đa số là người già bệnh cao huyết áp, chưa kể chuyện bệnh nhân đông quá tràn cả ra đường gây mất trật tự. May nhờ quen biết bên Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, ông xin được chỗ tạm một thời gian, trước khi nơi đây bị một quán cà phê án ngữ lối đi. Lần này thì chị Sáu Bình, một mạnh thường quân, cho ở nhờ căn nhà trên đường Nguyễn Trãi.

Chỉ trong hai năm mà di dời liên tục ba địa điểm, ông và các đồng nghiệp vô cùng vất vả. Bệnh nhân cũng bị khổ lây vì phải chạy theo phòng khám. Tới nước này, ông “cầu cứu” tới cô Ngọc Điệp, trưởng ban quản lý tổ đình Chiếu Minh Cao Đài, nhờ cho mượn đỡ 200m2 để xây phòng khám, vị trí đặt tại cầu dẫn Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Có đất rồi, ông lại viết thư cho bạn bè gần xa, trong và ngoài nước xin ủng hộ tiền xây cất. Bản thân ông góp trước 50 triệu đồng, cô Ngọc Điệp vốn là người làm từ thiện cũng góp vô 50 triệu đồng.

Với số vốn ban đầu này, ông vừa xây vừa tìm thêm tài trợ. Lần hồi, vì tin tưởng và trân quý ông tuổi già mà còn hết lòng vì người nghèo, mọi người ứng giúp ngày càng nhiều. Kết quả có hơn 20 mạnh thường quân đóng góp, trong đó có cả bà con Việt kiều ở Anh, Úc, Mỹ, được số tiền hơn 550 triệu đồng.

Tháng 2-2011, Phòng khám đa khoa từ thiện xây dựng xong và đi vào hoạt động, mỗi tuần vào thứ bảy mở cửa khám miễn phí cho bà con nghèo. “Hễ ai tới nói tui nghèo, bệnh là được khám và cho thuốc uống, không cần sổ hộ nghèo gì ráo” - bác sĩ Tốt khẳng định.

Được hỏi vì sao lại có tâm nguyện phục vụ miễn phí bệnh nhân nghèo, ông bộc bạch: “Tôi vốn mồ côi từ nhỏ, sống vất vả, thiếu ăn thiếu mặc. Nhờ người bác và các sư huynh dòng Lasan (đạo Thiên Chúa) giúp đỡ, nuôi ăn học, tôi lớn lên thành người. Lúc đó tôi đã có tâm nguyện cố gắng học thành tài, sau này đem hết sức lực giúp đỡ người nghèo để đền đáp công ơn cuộc đời đã cưu mang tôi khôn lớn. Giờ đây tôi đang thực hiện tâm nguyện đó cho đến cuối đời”.

Nhận xét về bác sĩ Tốt, bác sĩ Nguyễn Văn Út, chủ tịch Hội Y học TP Cần Thơ, nói: “Bác sĩ Tốt là một tấm gương y đức. Đối với đồng nghiệp, ông là người có uy tín, có chuyên môn cao, được mọi người nể trọng. Đặc biệt ông có một tấm lòng vì bệnh nhân nghèo rất đáng trân trọng. Từ lúc về hưu tới nay đã 13 năm, lúc nào ông cũng tất bật lo tìm nguồn kinh phí, thuốc men để đưa đến tận tay bệnh nhân nghèo”.

Bác sĩ Trần Văn Tốt sinh năm 1940 tại Sài Gòn, thuở nhỏ học Trường Lasan Tabert. Năm 1962 tốt nghiệp tú tài, thi đậu vào Đại học Y khoa Sài Gòn. Năm 1969 tốt nghiệp bác sĩ, làm việc tại Quân y viện Cộng Hòa (nay là Bệnh viện 175). Năm 1976 ông về Cần Thơ làm việc tại Bệnh viện 30-4, phụ trách khoa nhi, sau đó làm phó khoa nhi, trưởng khoa hồi sức cấp cứu rồi trưởng khoa nội.

Năm 2000 ông nghỉ hưu và tự thành lập đoàn khám bệnh từ thiện, sau đó nâng lên phòng khám từ thiện và nay là phòng khám đa khoa từ thiện tư nhân (thuộc Hội Y học TP Cần Thơ). Với những cống hiến của ông đối với bệnh nhân nghèo suốt thời gian sau khi nghỉ hưu, tháng 2-2012 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận