Bác Toni: "Nó muốn thì nó phải tự làm"

TUẤN VIỆT 05/11/2008 06:11 GMT+7

TTCT - Trang web thời trang nam giới nổi tiếng Askmen.com vừa công bố danh sách 49 người đàn ông ảnh hưởng nhất thế giới. Tay vợt số 1 Rafael Nadal đứng ở vị trí số 30. Trong dịp này, tennis.com có bài phóng sự của Pete Bodo về những “người lập vua” - các huấn luyện viên. Bài viết của Bodo thu hút sự chú ý mạnh mẽ của cư dân mạng yêu quần vợt, đặc biệt qua phần phác họa chân dung của “Bác Toni” - huấn luyện viên kiêm... bác ruột của Rafael Nadal.

Phóng to

Hai bác cháu sau một trận thắng

Các nhà báo luôn lúng túng trước Toni. Khi được hỏi về công việc huấn luyện thì bằng một lối nói bỗ bã có phần suồng sã, ông tuôn ra một thôi một hồi các loại triết lý sống trên đời... thay cho triết lý về quần vợt. Có hai từ mà ông ưa thích nhất: đó là “bình thường” và “kỷ luật”.

Chỉ đến khi một bài phỏng vấn “bác Toni” xuất hiện trên tạp chí Tennis, mọi người mới chưng hửng nhận ra rằng mức độ huấn luyện của “bác Toni” dành cho Rafael (Toni không gọi cháu mình là “Rafa” như người hâm mộ) chỉ xấp xỉ mức cơ bản, tương tự như đánh tập chứ chẳng hề giống chút nào huấn luyện nâng cao với những đai chằng, bài bản, thiết bị và chế độ dinh dưỡng. Trái lại, Toni thích chọn những sân xấu và banh xấu. Ông muốn dạy Rafa rằng thắng hay thua không phải là tại banh, cũng không phải tại vợt, tại sân hay tại ánh sáng. “Thắng hay thua là tùy thuộc vào thái độ, vào kỷ luật và quan trọng nhất là vào triển vọng lâu dài”.

“Triển vọng lâu dài”, theo Toni, là thứ khó giữ nhất, đặc biệt khi các tay vợt (như Rafa) đạt đến đỉnh cao vào tuổi 16-17. Nếu có một tính cách nào đó nổi bật nơi Toni thì đó chính là sự đeo bám vào “đời thường”. Ông quyết liệt chống lại sự tuột dốc mà biết bao tay vợt và huấn luyện viên từng vấp phải khi quen dần với thành công và đắm mình trong hào quang êm ái. Có một thuận lợi lớn cho Toni (và ông ý thức rất rõ) đó là ông không hề nhận “lương” của cháu.

Khi nghe Toni nói về quần vợt và cách thức ông dạy dỗ Nadal, người ta không khỏi thắc mắc làm sao ai đó có thể kháng cự quyết liệt như thế đối với sự hào nhoáng của thành công. Sự kháng cự này được phản ánh qua chính lối chơi đeo bám dai dẳng của Nadal, cũng như sự khước từ suốt nhiều năm của anh trong việc lật đổ sự thống trị của Federer.

Trước “tàu tốc hành” (biệt danh của Federer) hùng mạnh, Toni đã dạy cháu của mình biết thừa nhận sức mạnh của đối phương, tập trung vào việc chơi tốt nhất trong khả năng của mình, mặc cho các giải thưởng rơi vào túi ai. Mặc dù đeo bám Federer dai dẳng suốt ba năm (Nadal giữ kỷ lục ở trị số 2 lâu nhất, cho đến khi trở thành số 1 như hiện nay), Nadal chưa bao giờ đặt mục tiêu bắt kịp Federer, điều này phản ánh rõ qua tất cả phát biểu của anh. Thắng không phải là tất cả và số 1 cũng chẳng phải là tất cả. Toni đã thành công trong việc làm Rafa không giống những tay săn giải thưởng và thoát khỏi những cạm bẫy của tham vọng, đố kỵ, ganh ghét hay ngán sợ.

Nhưng Toni không nói những điều đó ra. Ông chỉ nói về kỷ luật, về việc tự lo liệu (ông từ chối đi căng dây vợt cho cháu, vì “Rafael có nhiều thời gian trong các giải đấu, tại sao nó không tự đi căng dây. Còn nếu nó không đi thì ra sân dây lỏng ráng mà chịu”). Ông nói về việc phải ráo riết luyện tập và phải tôn trọng mọi người, bất kể họ đang ở giai đoạn nào trên đường công danh.

Toni trông khá bệ vệ nhưng mắt ông vẫn ánh lên những tia trẻ trung. Ông học triết ở đại học nhưng không có vẻ trí thức. Ăn nói bỗ bã, hay cười. Tuy là người thực tế nhưng câu chuyện của ông luôn đậm tính triết lý. Nói chuyện với ông mới hiểu Nadal lấy đâu ra sự tinh tế và khôn ngoan trong các phát biểu của anh.

Trích phỏng vấn Toni Nadal của Tennis.com

Phóng to
* Rafa có bao giờ than phiền về những áp lực ở vị trí (số 1)?

- Không, vì nó có bao giờ than phiền khi ở vị trí số 2 đâu. Có mặt thi đấu là nó vui rồi. Tôi luôn cố giải thích cho nó hiểu chuyện đời, ở đâu cũng có mặt trái mặt phải. Khi ta bắn súng thì súng dội ngược vào vai, đúng không? Cũng vậy thôi. Lên đến đỉnh thì áp lực tăng, chẳng qua cũng là cú dội ở vị trí số 1. Nhiều người đón nhận cú dội đó còn tệ hơn nó.

* Ông có quan tâm đến việc Rafa đã bị thúc như ngựa đua, và điều này ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác trong đời anh ta, như giáo dục chẳng hạn?

- Tôi có học đại học nhưng tôi thấy nó cũng không quan trọng lắm. Theo tôi, quan trọng nhất trong đời là phải có quan tâm. Hiện nay, tôi thấy giới trẻ chẳng quan tâm gì cả. Thật là đáng thương. Nhưng khi dành nhiều thời gian để trở thành một tay vợt giỏi, nhà báo giỏi hay nhà kinh doanh giỏi thì anh không thể làm nhiều việc khác.

Người ta bao giờ cũng phải đổi thứ này lấy thứ nọ. Khi tôi đi chơi với bạn gái thì tôi không thể ở đây. Khi Rafael ở đây thì nó không thể ở ngoài bãi biển với bạn bè nó. Nhưng nếu nó ở bãi biển thì lại mất cơ hội ở đây. Không thể có được mọi thứ. Bao giờ cũng là sự chọn lựa giữa cái này và cái nọ.

Toni là người đã dạy Rafa những bài học quần vợt đầu tiên khi anh mới 3 tuổi. Tay vợt thuận tay trái này thật ra là người thuận tay phải. Khi Rafa còn bé, Toni Nadal đã nhận ra những cú trái tay (revers) bằng hai tay sẽ hưởng nhiều lợi ích từ một cánh tay phải mạnh mẽ, vì vậy ông đã dạy cháu chơi bằng tay trái.

* Một người như ông và một thanh niên như Rafa, về mặt văn hóa mà nói, hai bác cháu có thấy thoải mái ở một nơi như Wimbledon chẳng hạn?

- Tôi thích cuộc sống bình thường hơn và tôi nghĩ Rafael cũng là người bình thường. Ví dụ (Carlos) Moya (tay vợt Tây Ban Nha hiện xếp thứ 44 thế giới) là người rất tử tế, nhưng khi anh ta đến đây (Mỹ) và cần xe hơi, tôi thấy anh ta nói với huấn luyện viên: “Kiếm giùm tôi người lái xe”. Ta rất dễ quen với việc chẳng cần làm gì hết mà vẫn có. Với Rafael, trong trường hợp này thì tôi sẽ bảo nó: “Cháu muốn thì tự kiếm lấy đi”. Đó là cách tôi làm việc với nó.

Tôi thấy giới trẻ thời nay chẳng quan tâm đến cái gì nhiều bởi thứ gì cũng dễ dãi cả. Có điện thoại di động thì mọi thứ quá dễ rồi. Muốn gặp bạn bè ư? Gọi một phát là xong. Hồi trẻ tôi lên học ở Barcelona, mỗi khi về nhà làm sao tôi biết được bạn bè đang ở đâu, tôi phải đi kiếm bạn. Ngày nay thì quá dễ, nhưng mọi người không còn quan tâm nhiều đến học hành và tìm hiểu mọi thứ nữa. Cũng là thường thôi, nhưng có lẽ không tốt lắm.

Trên đời này thứ quan trọng nhất không thể kiểm soát được là sức khỏe. Có thể là bạn gái nữa. Nếu cô ta không muốn đi chơi với anh nữa là anh gay go. Nhưng anh phải chuẩn bị cho chuyện đó. Khi mọi sự tốt đẹp, anh muốn cái này, cái kia, cái nọ và anh có được chúng. Nhưng rồi anh không chuẩn bị đến khi mọi thứ trở nên xấu đi. Tôi luôn cố gắng chuẩn bị cho Rafael tất cả mọi thứ.

* Rất nhiều người (tay vợt) có năm xe hơi, ba ngôi nhà, thậm chí cả phần hùn mua máy bay riêng. Rafa có gì?

- Hiện Rafael chẳng có gì cả. Nó không có nhà vì bố mẹ nó có tiền và vài ngôi nhà rất tốt rồi. Nó có vài chiếc xe - một cái do nhà tài trợ KIA tặng, một chiếc Mercedes mà nó thắng được ở Stuttgart. Nhưng cá nhân tôi thì thật tình mà nói tôi nghĩ tuổi trẻ mà đã sở hữu xe xịn thì chẳng hay ho gì. Tôi không thích thấy những người trẻ sở hữu những thứ như thế.

* Hai bác cháu thường làm gì cùng nhau, khi giải trí ấy mà?

- Rafael rất thích câu cá. Hai bác cháu tôi đều mê bóng đá và golf. Chúng tôi thường chơi golf cùng một người bác khác của nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận