​Bài toán giá phải giải quyết linh động

QUỲNH TRUNG GHI 15/07/2015 02:07 GMT+7

Phản hồi bài “Quy hoạch điện VII: Mâu thuẫn về tầm nhìn” trên TTCT số 25

 

KOOS NEEFJES (*)

(cố vấn chính sách của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP)

VN đang mở rộng những hình thức năng lượng tái tạo “không thủy điện” nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy VN đang vật lộn để đáp ứng các mục tiêu khiêm tốn của mình trong lĩnh vực này.

NÊN TĂNG GIÁ THEO LẠM PHÁT

Người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở VN thường phàn nàn về giá điện nhưng vì giá điện ở VN thấp nên lợi ích từ các biện pháp tiết kiệm năng lượng cơ bản như tắt đèn sau khi rời khỏi phòng, hay sử dụng các thiết bị điện tử ít tiêu hao điện năng cũng thấp. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các doanh nghiệp có thể chấp nhận giá điện tăng dần so với mức lạm phát. Sau đó doanh nghiệp đầu tư vào các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thực tế là nhiều doanh nghiệp cho rằng nguy cơ cắt điện là vấn đề lớn hơn nhiều so với tăng dần giá điện, bởi vì sự gián đoạn trong quá trình sản xuất do mất điện hoặc phải dùng máy phát điện khiến chi phí tốn kém hơn. 

Nhà đầu tư điện gió và điện mặt trời chỉ có thể mạnh dạn đầu tư nếu VN tạo điều kiện đặc biệt cho họ. Sự điều tiết giá điện hiện tại khiến Tập đoàn Điện lực VN (EVN) phải trả tiền cao hơn dành cho điện gió mà EVN mua từ các cánh đồng tuôcbin gió. Giá này còn cao hơn giá tiền EVN thu từ các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Điều đó có nghĩa là EVN buộc phải chịu lỗ về điện gió. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào điện mặt trời và điện gió nếu họ được bảo đảm rằng giá điện tăng ở một tỉ lệ so với tỉ lệ lạm phát, nhưng đồng thời vẫn có thể giữ giá điện thấp hơn nhiều so với giá tại các nước láng giềng với VN như Philippines, Malaysia và Thái Lan.

CẦN ƯU TIÊN NĂNG LƯỢNG SẠCH

Chính phủ VN đang trợ cấp đặc biệt cho các cánh đồng tuôcbin gió đầu tiên ở VN. Ngoài ra, ở một quy mô lớn hơn nhiều, Chính phủ VN cho phép EVN khất nợ lớn để mua nhiên liệu than dưới mức giá thế giới từ Vinacomin và ủng hộ EVN đầu tư hạ tầng ở nhiều lĩnh vực. Đây là những biện pháp hỗ trợ để giúp giá điện bán lẻ ở mức thấp. Nhưng liệu điều này có nên tiếp tục?

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ duy nhất giá vốn sản xuất thủy điện là thấp hơn giá điện bán lẻ trung bình, còn giá vốn sản xuất điện sử dụng nhiên liệu than đá và khí gas thì cao hơn giá bán lẻ trung bình. Vì VN cần nhập khẩu than đá để gia tăng sản xuất điện, VN sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các quốc gia khác và các bạn buộc phải tăng trợ cấp hoặc tăng giá bán lẻ điện.

Tuy nhiên, ở một số nơi trên thế giới, chi phí sản xuất điện sử dụng năng lượng mặt trời bằng với chi phí sản xuất điện sử dụng than đá, bởi vì công nghệ tiên tiến giúp chi phí sản xuất điện mặt trời ngày càng rẻ. Điểm khác biệt giữa năng lượng mặt trời với năng lượng than đá chính là bạn không cần phải khai thác, nhập khẩu và vận chuyển than đá. Ngoài ra năng lượng mặt trời cũng không gây ra ô nhiễm không khí và không tạo khí thải nhà kính.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy giá điện cao cộng với thuế cacbon áp dụng cho các nhà máy sử dụng năng lượng từ than đá sẽ giúp VN tăng trưởng GDP nhẹ. Các hộ dân thu nhập thấp nên được Nhà nước hỗ trợ nếu tăng giá điện. Ngoài ra cũng phải cần hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Nhiều nơi ở VN có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào, do vậy Chính phủ VN cần phát triển chính sách sử dụng các loại năng lượng này. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nội địa ở VN cũng sản xuất nhiều thành phần của năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Những doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng và tạo ra những “công việc xanh”. Do đó, sự chuyển dịch về chính sách năng lượng sẽ tạo ra nhiều lợi ích.

Trong những năm qua, UNDP đã thực hiện các dự án hỗ trợ VN sử dụng năng lượng hiệu quả. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các đối tác phát triển cũng đang ủng hộ VN sản xuất năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển cacbon thấp. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ VN phát triển năng lượng gió và năng lượng sinh học. Đã có một số đầu tư thử nghiệm trong lĩnh vực điện mặt trời được sự hỗ trợ của quốc tế. Các cơ quan quốc tế cũng giúp đánh giá tiềm năng năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở VN. UNDP đang chuẩn bị các dự án ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo ở VN, đặc biệt là năng lượng mặt trời.        

(*): Hiện ông Koos đang thực hiện một nghiên cứu liên quan đến đầu tư và sử dụng năng lượng sạch.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận