TTCT - Dù đã có những lý giải vì sao chất lượng dạy và học lịch sử ở nhà trường phổ thông đi xuống, nhưng cũng chỉ dừng ở mức bàn cãi và chỉ ra những bất cập dựa trên hiện tượng mà chưa có một nghiên cứu nào thật sự khoa học cho “cái gốc” của vấn đề.

Lịch sử - Đôi chuyện viết và học:

Hai câu chuyện của hai người thầy dưới đây, một về những kỳ giảng dạy dài trên lớp, một về chuyến đi thăm bảo tàng cùng học sinh của mình cho thấy việc học lịch sử hoặc trở thành một trải nghiệm đáng nhớ hoặc nặng nề cho cả thầy và trò. Nhưng họ vẫn cùng chia sẻ cái nhìn chung: hiểu biết lịch sử có thể giúp bồi đắp nhân cách cho mỗi cá nhân theo một cách thức giản dị nhất.

Từ thực tế giảng dạy của một giáo viên lịch sử, tôi cho rằng một trong những “cái gốc” đó là chương trình sử trong nhà trường.

Phóng to
Minh họa: Viip

“Được” và “chưa được”

Cái “được” trước hết: chương trình - sách giáo khoa (SGK) môn lịch sử ở nhà trường phổ thông hiện nay đã có chuyển biến trong việc tăng thêm lượng kênh hình và kiến thức minh họa, nội dung từng bài có tính mở rộng hơn. Ai cũng biết các môn học được xây dựng theo lộ trình đồng tâm và có tính liên thông.

Ở bậc THCS mà tôi đang trực tiếp giảng dạy, chương trình sử qua bốn năm học sẽ giúp học sinh nắm trọn vẹn một quá trình lịch sử từ khi loài người xuất hiện đến giai đoạn hiện nay. Khi lên bậc THPT, các em sẽ được tìm hiểu “lại” nhưng “sâu” hơn về những nội dung lịch sử đó với mục đích khi hoàn thành chương trình phổ thông, học sinh sẽ có được một hệ thống kiến thức đầy đủ về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chương trình hiện nay đã ít nhiều khắc phục được hạn chế trước đây. Các bài giảng lịch sử trước đây chủ yếu là nội dung quân sự, chính trị thì nay đã có thêm nhiều bài về kinh tế, văn hóa, xã hội, hạn chế việc học lịch sử chỉ là học sử chiến tranh. Kiến thức được cập nhật gần với đời sống xã hội hơn, giúp học sinh dễ liên hệ hơn (nội dung học đến năm 2000 hoặc hơn) so với chương trình cũ chỉ đến năm 1991.

Thêm phần lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy chính khóa giúp học sinh biết rõ hơn về truyền thống đấu tranh của địa bàn mình đang sinh sống. Từ năm học 2011-2012, việc thực hiện giảm tải chương trình cho học sinh, trong đó có bộ môn sử, đã góp phần giảm bớt lượng kiến thức quá tải, giúp giáo viên có thời gian đi sâu vào những nội dung trọng tâm để giảng dạy cho học sinh.

Cách trình bày trong SGK giúp giáo viên dễ dàng xác định trọng tâm bài giảng, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm bài học. SGK không chỉ nêu nội dung kiến thức mà đã chú trọng đến việc thiết kế các hoạt động học tập, nên thật sự trở thành tài liệu định hướng giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và hỗ trợ học sinh tự học, tự phát hiện, chiếm lĩnh tri thức mới. Qua đó, hình thành dần phương pháp học tập cho các em.

Cái “được” thứ hai là về người thầy: chương trình - SGK mới đòi hỏi giáo viên phải nâng cao trình độ chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy phù hợp. Bản thân người thầy không thuần túy truyền thụ những kiến thức gói gọn trong sách vở, mà phải biết cách hướng dẫn học sinh đi từ kiến thức lý thuyết sang nhận định tình hình và liên hệ hiện tại.

“Được” là điều dễ thấy vì nó hiển hiện và... ít, trong khi cái “chưa được” lại nhiều và liên đới đến quá nhiều người. Trong đó, cần đề cập nhất đó là cái chưa được trong “quan điểm giáo dục”. Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, chúng tôi cho rằng bộ chủ quản cần phải có một xác định cẩn trọng và khoa học đối với quan điểm giáo dục nói chung và quan điểm giáo dục trong bộ môn sử nói riêng.

Đó là chúng ta đưa bộ môn sử vào giảng dạy cho học sinh với mục đích gì? Đó có phải là việc bộ môn sử sẽ góp phần cùng với các bộ môn văn hóa khác trong việc “dạy làm người” cho các em? Và quan trọng nhất với môn sử là không chỉ dạy làm người chung chung, mà phải làm người Việt Nam cụ thể.

Học sử là để có sự hiểu biết (và niềm tự hào) về truyền thống lịch sử của dân tộc, không chỉ là truyền thống chống ngoại xâm mà còn là truyền thống bao lần bị xâm lăng, bị đồng hóa, bị nô thuộc, ta vẫn giữ vững được bản sắc của ta, nhờ đâu?

Học sử còn để giúp các em nhận ra vì sao trước bao nhiêu lần thế nước “ngàn cân treo sợi tóc” ta vẫn làm được những việc long trời lở đất mà các đất nước hùng mạnh khác trên thế giới không thể làm, và ta trong thế kỷ 20 đã trở thành một “hiện tượng không thể lý giải” khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công và trong thế bị cô lập, bị vây bủa sau chiến tranh vẫn có thể vươn lên vị thế như hôm nay?

Học sử còn để giúp học sinh nhận ra hôm nay trong hòa bình, khó khăn vẫn chưa bao giờ giảm bớt, vẫn trùng trùng bủa vây, nhưng ta vẫn phải vượt qua và giữ vững thế nước.

Có xác định được quan điểm như thế thì mới có thể chỉ đạo việc biên soạn chương trình - SGK phù hợp, giúp bộ môn sử làm tròn trách nhiệm của mình là góp phần đào tạo một thế hệ trẻ biết giữ nước, quý nước. Điều này thì chương trình lịch sử cấp phổ thông chưa làm được hay nói một cách nghiêm khắc hơn, bộ môn sử đã “bỏ trống trận địa” này.

Làm sao học sinh có thể yêu thích môn sử thông qua các bài học mà chủ yếu là mô tả diễn biến, dày đặc các con số khô khan về khí tài, khí cụ, lực lượng hai bên? Các em sẽ hiểu sử nước mình như thế nào qua các con số đó, sẽ rút ra được suy nghĩ gì, nhận định gì “sau sử sách” khi “địch chết ba, ta chết rụi” mà vẫn phải phân tích lấy được những “nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm” phần lớn na ná nhau, dễ gây nhầm lẫn?

Làm sao có thể bắt học sinh yêu thích môn sử khi bộ môn lịch sử chưa có vai trò, vị trí, chức năng xứng đáng trong trường phổ thông, chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức tư liệu, tính chính trị?...

Để sử thật sự “sống”

Về nội dung, tôi cho rằng SGK lịch sử bậc phổ thông là một “tóm tắt sử” viết cho người lớn. Lấy sách viết cho người lớn rồi tóm lược lại một lần nữa cho trẻ con học thì dĩ nhiên không phù hợp với lứa tuổi. Lịch sử là một môn học học về cái đã qua, cái không tồn tại thật sự trước mắt học sinh. Do đó, muốn lịch sử trở thành sống động phải được gắn với cuộc sống cụ thể của từng thời kỳ lịch sử và cả hôm nay - điều này lại chưa được các nhà làm chương trình và viết SGK quan tâm, điều chỉnh.

Cuối cùng, ngay cả việc phân tích cái được - chưa được của quan điểm/chương trình cũng vẫn cứ là điều... dễ. Bởi điều khó nhất lại ở một “cây cầu bắc ngang” - chính là người thầy - đối tượng mà tôi cho là có hơn 50% trách nhiệm trong việc làm học sinh thích hay không thích môn học này. Người ta đã nhắc quá nhiều đến nguyên nhân đáng buồn này, nhưng gần như những phân tích đó ít đến được... tai người đứng lớp.

Việc ít đọc, ít cập nhật thông tin, việc đâu đó có những người thầy coi việc đến trường giảng dạy của mình là điều “trót lỡ” nên chểnh mảng trong tâm thức... đều là những hiện tượng không hề cá biệt đưa đến tình trạng học sinh chán nản với môn sử.

Lịch sử phải gắn bó từ vô thức - như gắn bó trong máu - nơi mỗi người thì đến một giai đoạn nào đó, một trình độ nào đó mới có thể trở thành một gắn bó ý thức. Ở ngay người thầy mà lịch sử đã trở thành một cái “cần câu cơm” miễn cưỡng thì nói gì đến việc mang những “con cá ngon” đến cho học sinh mình?

“Chúng tôi đã đến thăm Bảo tàng Smithsonian, nghĩa trang Arlington, Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, núi Vernont, Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân bị diệt chủng Do Thái và Đài tưởng niệm Lincoln. Học sinh của tôi rất háo hức...

Sau khi tham quan Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân bị diệt chủng Do Thái, chúng tôi dành một ít thời gian để suy ngẫm về tất cả những gì đã được thấy và nghe trong lúc ở đó. Lòng tôi tràn ngập tự hào vì học sinh của tôi đã cư xử rất đúng mực và lễ phép suốt thời gian chúng tôi đi qua những hiện vật trưng bày có sức lay động mạnh mẽ này.

Sau khi tham quan và có thời gian suy nghĩ, một học sinh của chúng tôi, Marcus, vốn là người gốc Phi, tiến lại phía tôi và nói: “Thầy biết không, em vẫn luôn nghĩ chỉ có dân tộc chúng em là phải chịu đựng nhiều nhất trong lịch sử. Em không nhận ra rằng những dân tộc khác cũng phải chịu đựng nhiều như thế. Giờ thì em đã hiểu vì sao chúng ta học lịch sử”.

Khi tôi hỏi em vì sao, em đã nói ra điều mà tôi đã cố truyền đạt cho học sinh của mình trong cả năm vừa qua: “Để chúng ta không lặp lại những sai lầm của người khác, và học cách tôn trọng những điểm khác biệt của nhau”. Chỉ riêng việc Marcus hiểu được điều đó, tôi nghĩ, đã khiến toàn bộ chuyến đi và công sức của chúng tôi thật sự không uổng phí”.

(Trích cuốn sách Người gieo hi vọng của nhóm tác giả “Những nhà văn tự do” và Erin Gruwell, NXB Thời Đại, 2011)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận