TTCT - Đại dịch là dịp để ta khám phá lại những cách thức mới để trân quý khu mình sống, hay thậm chí là nhà mình. Ảnh: Washington Post Ở nhiều nơi trên thế giới, “các gia đình vốn ở yên trong thành phố mình trong cơn đại dịch đang khám phá lại những cách thức mới để trân quý khu mình sống, hay thậm chí là nhà mình”, tác giả Christina Caron viết trên The New York Times hồi tháng 7. Caron kể luôn chuyện của mình, về một chuyến đi bộ 3 cây số dưới cái nắng hơn 33 độ C đến một điểm du lịch ở địa phương, tất cả xuất phát từ lời rủ rê của người hàng xóm: “Cuối tuần này đi bộ tới đó không?”. Đến nơi, người lớn ngồi nhìn trẻ con chơi đùa, sau đó vừa ăn uống vừa hít thở khí trời, tuy nhiên vẫn đảm bảo giãn cách 2m với những người khác. Theo Caron, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi người ta không cảm thấy thoải mái khi đi xa trong thời gian có dịch, thì cha mẹ cũng nên tạo ra những khoảnh khắc để làm điều gì đó khác thường. Đối với nhiều người, mùa hè năm nay không còn là những chuyến đi phượt đường trường, đi chơi công viên giải trí, dạo chơi bên hồ hay những chuyến đi xa giúp tìm thấy cảm hứng cuộc sống. Thế nhưng nhiều gia đình trên khắp nước Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm phương cách để vẫn có thể tiếp tục vui chơi và khám phá những điều mới lạ. Gia đình chị Kiki Blazevski-Charpentier, 37 tuổi, là một ví dụ. Hai vợ chồng nhà này không có kế hoạch đi đâu vào mùa hè, mà thay vào đó, họ “đi trốn” ở… bancông nhà mình. Ít nhất mỗi ngày 2 lần, gia đình 4 người này lại quây quần ngoài chiếc bancông đầy hoa nhà mình, nơi bọn trẻ con thỏa thích đùa nghịch bằng súng nước vào mỗi buổi tối. “Chúng tôi có được những phút giây mà mình chưa từng có bao giờ” - cô kể với The New York Times. Mong muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc quý giá đó, Blazevski-Charpentier thực hiện một series ảnh mà cô đặt tên là “nhật ký hầm trú ẩn ngoài bancông”. “Chúng tôi thấy chim bồ câu đẻ trứng, làm tổ, rồi trứng nở. Đó là sự kiện vô cùng háo hứng với bọn trẻ. Bạn không thể nào đi sở thú trong 2 tuần rồi chờ xem chim đẻ trứng như vậy đâu” - Blazevski-Charpentier nói. Trong khi đó, vợ chồng cô Iris Tarou (San Francisco) có một chuyến nghỉ dưỡng tại một căn nhà thuê ở Novato, một thành phố nên thơ phía bắc vịnh San Francisco. “Chúng tôi ở đó 5 đêm và không hề ra khỏi nhà, cảm giác như được ở một khu nghỉ dưỡng riêng biệt vậy” - Tarou kể. Trong những ngày ở đó, gia đình cô tìm niềm vui bằng nhiều trải nghiệm thú vị ngay chính trong nhà, như tổ chức một bữa tối sang trọng, cả nhà “lên đồ” và giả vờ như mình đang đi ăn nhà hàng cao cấp. “Mặc dù những tháng vừa qua là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, nhưng chúng cũng mang đến nhiều khoảng thời gian tuyệt vời và vui vẻ cho gia đình, điều mà bình thường chúng tôi sẽ không có được” - Tarou nói.■ Tags: Du lịchCLB Gấu vàng
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 21-2023: "Cuộc đại chiến tôm xuất khẩu" TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN ONLINE 01/06/2023 1 từ
Khi nào được dùng hình ảnh người khác? TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (GIẢNG VIÊN ĐH KINH TẾ - LUẬT, ĐHQG TP.HCM) 29/05/2023 708 từ
Dịch vụ nước sạch: Phải chọn được giá đúng PHẠM KHÁNH NAM (Đại học Kinh tế TP.HCM) 29/05/2023 1862 từ
Không xử lý việc 'đi đêm' chọn sách giáo khoa, lo hối không kịp như Việt Á TIẾN LONG 01/06/2023 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường trong việc chọn SGK.
'Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu' THÀNH CHUNG 01/06/2023 Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng cán bộ 'sợ sai rồi còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn đẩy ra cho người khác'.
Vụ vỡ hụi ở Đồng Nai: Chủ hụi khai đem tiền cho vay dẫn đến vỡ nợ A LỘC 01/06/2023 Bước đầu chủ hụi khai vay mượn, gom hụi khoảng 80 tỉ đồng của khoảng 500 lượt người rồi đem cho vay mượn tiếp, nhưng bị giật dẫn đến vỡ hụi.
Hồ sơ ‘khủng’ của tân giám đốc kỹ thuật VFF KHƯƠNG XUÂN 01/06/2023 Ngày 1-6, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công bố tân giám đốc kỹ thuật mới của bóng đá Việt Nam: ông Koshida Takeshi (63 tuổi) đến từ Nhật Bản.