TTCT - 1. Thế kỷ 17 là thời của những cuộc di dân ồ ạt trên địa cầu, và từ đó đến nay, theo những cách thức khác nhau, con người vẫn di chuyển từ nước này sang nước khác. Hoặc là người ta đi vì bị bắt buộc, như những người nô lệ, hoặc chạy trốn chiến tranh, hoặc đi tìm miền đất hứa. Những dòng chảy con người đó có lúc là cả một phần dân tộc đông đúc, còn hiện giờ chỉ mang tính lẻ tẻ và có thể là nhất thời. Năm 1644, khi người Mãn Thanh bình định Trung Hoa, những bầy tôi của nhà Minh cũ bắt đầu phiêu dạt xuống Đông Nam Á, thế nên ta gọi là người Minh Hương, rồi sang tận châu Mỹ. Người châu Âu đánh chiếm châu Mỹ của những thổ dân da đỏ và những dòng người da trắng sang đây định cư, tránh cho châu Âu một cuộc bùng nổ dân số. Họ tiến vào châu Phi bắt rất nhiều người da đen làm nô lệ rồi đưa sang châu Mỹ. Một dòng di dân da đen tuôn chảy đến lục địa màu mỡ nhưng khắc nghiệt này. Người Hoa đi đến đâu co cụm lại thành các phường hội. Hội quán là nơi tụ họp căn bản của họ để giúp đỡ đồng hương. Cho đến nay, duy nhất chỉ có các China Town trên thế giới, các quần cư dân tộc khác ít rõ rệt hơn và tính cộng đồng cũng không mạnh bằng. Nếu bạn là người Hoa, bạn có thể đến đó xin việc, nhờ vay mượn cấp vốn, thậm chí người ta sẽ giúp đến ba lần. Nếu sau đó bạn không kinh doanh được thì đành đi làm cửu vạn và không nhất thiết phải có ngoại ngữ. Đó là những câu chuyện đã diễn ra ba trăm năm nay, nhưng ít nhiều còn dư âm đến bây giờ. Phóng to Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần 2. Còn một kiểu di dân khác, di dân tình thương. Chị chủ nhà người Việt nơi tôi từng lang thang ở Virginia (Mỹ) đã có hai con, nhưng vẫn về Việt Nam xin nuôi thêm một đứa nữa. Hai vợ chồng đến một trại trẻ cơ nhỡ ở miền Nam và được giới thiệu đến ba đứa bé. Hai đứa nhỉnh hơn, xinh hơn, đứa còn lại thì ốm hơn, bướng nhưng nhìn chị chằm chằm. Khi chị ra về, nó cứ bám lấy cô giáo rằng cha mẹ nó không đến nữa à. Đó là một quyết định, ngay sau đó có hai phụ nữ khác cũng nhận hai cháu kia. Cả ba bà mẹ cho đến nay vẫn liên lạc với nhau và thấy đó là một số phận. Một chị độc thân ở trong nước có được cháu lớn nhất, một chị chưa có con ở nước ngoài nhận cháu bé hơn và cháu này nhanh chóng nói tiếng Anh với mẹ nuôi. Còn chị chủ nhà tôi đây vật lộn với đứa con nuôi thật sự để mong nó trở thành con ruột. Họ nhận thấy rằng những đứa bé trong trại trẻ mồ côi thường có hai tính cách, hoặc rất thờ ơ, hiền lành trôi theo dòng đời như số phận hẩm hiu của nó, không giành giật, thắc mắc gì cả; hoặc rất “gấu”, đấu tranh quyết liệt bằng mọi cách để giành phần cho mình, thậm chí rất có phương pháp. Hai tính cách này phản ánh cuộc sống trong trại trẻ dù tình thương của những người bảo mẫu không ít. Đứa bé đến Virginia này thuộc loại tranh đấu, nó lập tức coi hai anh chị có sẵn cũng như trẻ mồ côi nhận về và nhảy lên làm “đại ca”, không chịu thua kém bất kỳ cái gì. Câu tiếng Anh đầu tiên mà nó biết nói không phải là daddy (ba) và mommy (mẹ) mà là How about me? (Còn con thì sao?). Do thiếu dinh dưỡng lâu ngày, nó không ăn được nhiều, nhưng đĩa cơm luôn phải bằng người khác và khi ăn thì ngấu nghiến miếng nọ chưa xong, miếng kia đã đưa vào mồm, vừa ăn vừa nói liên tục. Rồi mặc dù tiếng Anh còn bập bõm nhưng đã nổi tiếng trong nhà trẻ, lớp học, chơi và trò chuyện với tất cả mọi người, từ hiệu trưởng đến học sinh, khiến người ta nói rằng: thằng này sau có lẽ làm đến tổng thống. Điều gì không hài lòng, không đạt được là khóc dai dẳng, la hét, đập phá, nhưng cũng chóng quên ngay lập tức. Năm 2008 tôi ở đây, cháu mới bập bẹ tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Năm 2010 quay lại, cháu đã nói hoàn toàn bằng tiếng Anh và không nghe được tiếng Việt nữa, như hai anh chị lớn không sinh ở Việt Nam. Hai cháu lớn thì sinh hoạt như người phương Tây, ý thức cá nhân rất rõ ràng, thường im lặng làm việc của mình, nhưng mặt khác cũng không hay hồ hởi chào đón cha mẹ đi đâu về như trẻ Việt thông thường. 3. Trẻ con trong nhà người phương Tây được giáo dục tự lập. Lúc còn bé tự chơi, tự ăn, tự học, ngã thì tự đứng dậy, 13 tuổi người ta đã cho chúng đi làm, 18 tuổi trở lên là tự nuôi thân, đôi khi về thăm cha mẹ phải đóng tiền sinh hoạt. Vào đại học thì phải vay tiền ngân hàng hoặc công ty nào đó, đi làm thì tự trả món nợ cho mình. Rồi lại tiếp tục vay món khác thuê nhà, mua ôtô và trở thành con nợ suốt đời trong vòng quay công nghiệp, cố gắng đi lên bằng chuyên môn và không để bị thất nghiệp. Nếu thành đạt, tuổi 50 người ta có một số vốn nuôi mình đến già, bắt đầu nhường lại công việc cho thanh niên và vừa làm vừa du ngoạn thế giới. Cho nên ở Mỹ người ta nói rằng 50 tuổi mới bắt đầu là thanh niên. Cái ông bà thanh niên đó thích chọn cuộc sống độc thân, sống chung với bạn tình chứ không hôn nhân, và ước vọng khi về hưu có 200.000 đô trong tài khoản. Đó là hình ảnh người trung lưu bình thường. Những đứa trẻ con nuôi vào gia đình da trắng cũng theo vòng quay này, nhưng theo cái bản năng văn hóa phương Đông, chúng thường cảm thấy sau 18 tuổi mà đứng ngoài gia đình giống như bị hắt hủi, một số đi vĩnh viễn, không bao giờ quay lại với cha mẹ nuôi, thậm chí không gọi điện về nhà. Chủ nghĩa cá nhân phương Tây trên nền tảng văn hóa khác nhau được khắc họa rất khác nhau. 4. Tiếng mẹ đẻ là cái mà người nhập cư nào cũng muốn duy trì. Người Mỹ nói chung cũng muốn gìn giữ cái đó như là biểu hiện của sự đa văn hóa. Người ta có thể đến China Town học tiếng Hoa chứ không nhất thiết phải sang Trung Quốc. Tiếng Việt cũng nằm trong quá trình này, như tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha hay các thứ tiếng khác - đó là thứ tiếng thứ hai. Tôi gặp hai họa sĩ đi cùng trại sáng tác đều từng sống sáu năm ở New York. Một anh Philippines nói tiếng Anh như gió, đến người Mỹ còn dỏng tai lên mới nghe thấu. Một anh người Hoa ở Hắc Long Giang thì chỉ có ba từ OK, yes và no, đến mức người ta cử một giáo sư người Hoa đến nói chuyện mà cũng không được, vì vị giáo sư nọ không nghe được giọng Hắc Long Giang. Cái đó ở Mỹ chẳng hề chi. Nhiều người Việt qua đây không cần biết quá nhiều tiếng Anh, cứ đến khu chợ Eden là mua sắm được tất. Người bạn tôi mù dở, lại đem theo ba đứa con sang học tiến sĩ ở Boston, phiên dịch là cách kiếm tiền, và may quá có một loại phiên dịch rất đắt hàng, đó là người Việt khi đi khám bệnh không tài nào nói ra căn bệnh của mình bằng tiếng Anh dù họ có thể viết được luận án nghiên cứu. Chị này cũng đi dạy tiếng Việt, được coi là môn ngoại ngữ bắt buộc cho học sinh nếu chọn tiếng mẹ đẻ làm ngoại ngữ. Thế nhưng tiếng mẹ đẻ ngoài tiếng Anh không tài nào cập nhật được. Nó có thể biểu cảm tâm tình, nói năng trong cuộc sống, nhưng lại không thông thường với đời sống kỹ nghệ cao, khi tất cả chương trình, thuật ngữ, tiếng Anh có mà các tiếng khác không có và không tiện. Kết quả là các thứ tiếng mẹ đẻ dừng lại và đơn giản một cách sơ lược. Đại loại như: ăn cơm chưa, lấy áo mặc vào, ra xe trước đi... Cao hơn như thế một chút là phải dùng tiếng Anh rồi. Một lần đi qua sân bay, người ta hỏi tôi một tràng gì đó không tài nào nghe được, sau đó anh ta đưa tôi xem một tờ giấy có đủ các thứ tiếng thì nội dung tiếng Việt thế này: Quý vị, thưa quý vị, trong hành lý của quý vị có món đồ nào đó mà không phải của quý vị, mà người nào đó gửi quý vị mang theo trong hành lý của quý vị. Tôi lắc đầu cười vì đọc câu đó thì chợt anh sân bay kia nói: “OK, trả lời đúng, mời ngài vào”.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.