TTCT - Neron, hoàng đế bị xem là “điên” nhất lịch sử La Mã, cũng có lúc trị quốc với khẩu hiệu nổi tiếng “Bánh mì và giác đấu” (Panem et circenses).

Trong những ngày này khi Ngân hàng Thế giới mô tả một cách cảnh báo là “đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm” (1), các chính phủ một mặt siết chặt ngân sách, mặt khác vẫn ráng “xả xú páp” cho dân chúng dễ thở.

Phóng to
Ở Mỹ, giá xăng giảm 10% so với tháng 7, còn 3,39 USD/galông - Ảnh: Reuters

Gía xăng phải giảm!

Công thức “bánh mì và giải trí” đó nay đang được các nhà cầm quyền không ít nơi ra sức áp dụng. Cho dù nền kinh tế Pháp có sắp nguy ngập đến đâu, thì kỳ nghỉ cuối tuần bắc cầu qua thứ hai vừa qua nhân lễ “Đức Mẹ hồn xác lên trời” đã đưa người dân Pháp rần rần lái xe đi nghỉ mát và nếm cảnh kẹt xe khắp nước Pháp trên 800km!

Trước đó Bộ trưởng năng lượng Besson đã ra lệnh cho các hãng xăng dầu phải hạ giá xăng trước ngày lễ trọng này (15-8), nhất là khi giá dầu thô đã xuống cả chục đôla/thùng từ đầu tháng (2)! Nước Pháp, nền kinh tế thị trường đứng thứ tư, thứ năm thế giới, mà còn can thiệp vào thị trường xăng dầu như thế!

...Năm ngoái tiền thuế mà tôi phải đóng là 6,9 triệu đôla. Có vẻ như đây là số tiền lớn, thế nhưng tôi chỉ đóng khoảng 17,4% thu nhập, tức ít hơn nhiều tính theo tỉ lệ, so với tất cả 20 đồng nghiệp của tôi (những đối tác của ông trong quỹ đầu tư Berkshire Hathaway - TTCT). Mức thuế họ phải đóng là 33-41%, trung bình 36%.

Từ năm 1992, Cơ quan Thuế nội địa đã thu thập dữ liệu kết toán của 400 người Mỹ có thu nhập cao nhất. Năm 1992, 400 người này có tổng thu nhập chịu thuế 16,9 tỉ USD và đã đóng thuế liên bang khoảng 29,2% trên tổng số thu nhập này. Năm 2008, thu nhập chịu thuế của 400 người giàu nhất này vọt lên tới 90,9 tỉ USD - tức bình quân mỗi người 227,4 triệu USD - nhưng mức nộp thuế của họ giảm còn chỉ 21,5%.

Các bạn tôi và tôi đã được nuông chiều đủ rồi bởi một quốc hội thân thiện với giới tỉ phú. Đã đến lúc chính phủ phải nghiêm túc về việc cùng hi sinh chia sẻ.

Ở Mỹ, sau đợt giảm giá xăng hồi tháng 7 sau khi Tổng thống Barack Obama loan báo mở kho dự trữ chiến lược gây sức ép lên các hãng dầu, nay giá xăng vừa giảm hơn nữa. Giá xăng ở Yuba City chẳng hạn, nay còn 3,39 USD/galông, so với tháng trước xuống khoảng 40 cent, tức 10%!

Tại Philippines, Bộ trưởng năng lượng Jose Rene D. Almendras tuần trước đã lệnh cho các hãng xăng hạ giá xăng dầu mỗi lít 2 peso, bằng không sẽ bị kiểm tra tài chính đột xuất và… giã thuế lợi tức, tất nhiên.

Thế là các hãng Petron Corp. and Chevron Philippines bắt đầu hạ giá xăng từ hôm 15-8, các hãng Eastern Petroleu và Flying V Philippines hạ từ thứ bảy tuần trước, các hãng Total Philippines và Phoenix Petroleum Philippines nối gót hôm chủ nhật (3)! Ông Aquino, mới đắc cử tổng thống năm ngoái, hiển nhiên muốn đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ nhì.

Ở một đất nước mà sức mạnh của “thủ phủ tài chính” Makati City là bao trùm với những nhóm lợi ích khổng lồ, việc Bộ trưởng năng lượng Almendras dọa “kiểm tra đột xuất tài chính” các hãng dầu cũng đáng được xem là “hảo hán”. Không chỉ hạ giá xăng dầu, Chính phủ Philippines còn nghĩ đến nông dân.

Ở quốc gia khét tiếng với trụ sở IRRI (Viện Nghiên cứu lúa gạo) song oái oăm thay lại lắm đảo, đất canh tác không nhiều, cứ đầu sóng ngọn gió mỗi mùa dông bão, nên mỗi năm đều phải nhập khẩu từ VN cơ man nào là gạo, chính phủ mới vừa cấp phát miễn phí thóc giống, bắp giống cho nông dân ở Mindanao.

Đánh thuế người thu nhập cao

Ở Ý, Thủ tướng Berlusconi, dù có đang chật vật xoay xở chống đỡ các cáo buộc “gái gú vị thành niên”, đã phải tăng thuế đánh vào những ai có thu nhập cao. Đối với một chính khách cánh hữu như ông Berlusconi, ba lần thắng cử vì cam kết “không rớ đến hầu bao dân Ý” (nên hiểu: người giàu), mà nay phải chạm đến thu nhập người giàu, quả là một chọn lựa “khó khăn” không thể thoái thác (4).

Tại Pháp, chính phủ cánh hữu, ở tám tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, cũng buộc lòng phải chạm đến giới nhà giàu, nhóm “cử tri thân thiết” của mình. Lần đầu tiên kể từ năm 1981, tức năm Đảng Xã hội (thiên về lớp dân chúng bình dân lao động) lên cầm quyền đánh ngay thuế tài sản nơi người giàu, một sắc thuế bổ sung từ 1%-2% sẽ được đánh nơi 30.000 người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm dù tổng thuế thu được sẽ chỉ khoảng 300 triệu euro! (5).

Tất nhiên, không phải chính phủ nào cũng dám rớ đến người giàu. Điển hình là Đảng Cộng hòa ở Mỹ mấy tháng qua cứ nhất định không cho Đảng Dân chủ đánh thuế trở lại người giàu từ năm 2013 tới khi luật bãi thuế của cựu tổng thống Bush hết thời hạn. Chính trong những ngày này, tỉ phú Warren Buffett đã gây sốc khi viết một bài đăng trên New York Times đòi được đóng thuế nhiều hơn nữa: “Lãnh đạo đất nước yêu cầu cùng hi sinh để chia sẻ. Song họ lại chừa tôi ra. Tôi hỏi thăm những người bạn cũng siêu giàu như tôi thì được biết rằng họ cũng được để yên.

Trong khi đa số người Mỹ vất vả lắm mới đủ ăn, những người siêu giàu chúng tôi cứ vẫn được tha thuế. Có những người chỉ trong vòng 10 phút đã bợ không biết bao nhiêu bạc trên thị trường chứng khoán thì lại được đánh thuế có 15%, cứ như thể họ là những nhà đầu tư dài hạn cam khổ ngày đêm. Các bạn siêu giàu của tôi và tôi đã được sở thuế chiều chuộng quá nhiều rồi. Hãy để chúng tôi cùng chia sẻ với”.

Nhà ở cho người thu nhập thấp

Ở Pháp, nước vốn tự hào với cơ chế và Tổ chức Habitation à loyer modéré (nhà ở tiền thuê tương đối) thiết lập từ năm 1950 và nay đang cung cấp chỗ ở giá rẻ cho 4 triệu người đứng tên thuê nhà, tổng cộng cho 12 triệu người có hoàn cảnh khó khăn, tức 1/5 dân số Pháp, nay đang hướng đến giải pháp “ai cũng có thể mua nhà”.

Đây là một sáng kiến tư nhân vào lúc thị trường địa ốc đang gặp khủng hoảng. Thay vì kêu gào nhà nước “cứu địa ốc”, Tập đoàn Bouygues Immobilier mà danh tiếng của tập đoàn mẹ Bouygues không xa lạ gì với giới xây dựng ở Việt Nam nay rao bán nhà, căn hộ trả góp với 0% lãi suất ngân hàng (Choisissez Bouygues Immobilier), thay vì ngồi chờ hàng họ mốc meo do không có người mua. Chẳng qua, họ quen với suy nghĩ “Hãy tự cứu, ông trời mới sẽ cứu”, chớ không nằm dài chờ sung rụng.

Có quá nhiều người nghèo không đủ ăn, có quá nhiều người giàu thừa mứa. Nhiệm vụ của các chính phủ trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu này là đắp đổi sao cho khoảng cách đó bớt rộng, bớt sâu.

Henryk Sienkiewic, trong Quo Vadis: A Narrative of the Time of Nero, tr.219, đã thuật lại cảnh hoàng đế Neron, sau khi thành Rome bị đốt cháy, đã tối tăm mặt mũi nhìn hậu quả và thốt lên: ”Trời đất! Một bên là lửa, một bên là biển giận dữ của dân chúng!”... Rồi Neron hứa hẹn với đám đông vừa mất nhà, mất cửa ấy: ”Công dân hỡi! Thành phố sẽ được xây lại. Ngày mai, sẽ bắt đầu phân phát lúa mì, rượu nho, dầu ôliu. Trong danh dự của đấng quân vương cung cấp cơm ăn áo mặc cho các người, ta hứa sẽ ban bánh mì và trò giác đấu. Hãy về ngủ đi, dân chúng hỡi!”.

__________

(1) “Banque mondiale: l'économie est entrée dans une phase dangereuse” (© AFP Fabrice Coffrini)
(2) Le prix des carburants devrait baisser mardi, dit l'Ufip, - Publié le 11/08/2011
(3) OIL FIRMS YIELD, CUT FUEL PRICES, Cebu Daily News, Monday, August 15th, 2011
(4)
http://www.atlantico.fr/pepites/italie-taxe-riches-plan-rigueur-164412.html Stop Coddling the Super-Rich By WARREN E. BUFFETT, NYT August 14, 2011
(5)
http://www.atlantico.fr/decryptage/projet-impot-hauts-revenus-taxer-riches-159993.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận