Bao bì không phải cứ là thật to…

HUY THỌ 18/03/2023 18:38 GMT+7

TTCT - Có một thời rất lâu, các nhà sản xuất ở Việt Nam không quan tâm đến chất lượng và hình thức bao bì, nhưng nay thì bao bì lại lên ngôi một cách bất thường.

Mới đây, bạn bè tôi - có người là phóng viên mảng công nghệ, có người kinh doanh điện thoại di động… "khoe" nhận được một thông báo đón xem lễ ra mắt sản phẩm mới của một hãng smartphone khét tiếng. 

Hình thức gởi thông báo quả là hết sức ấn tượng: một giỏ xách bằng giấy to vật vã, tương đương cái vali loại xách tay lên máy bay!

Trong túi giấy khổng lồ là một cái hộp bìa cứng cũng khổng lồ, bên trong có ba ngăn chứa ba vật be bé, gồm một chiếc kính lúp, một cái đèn led và một chiếc đèn pin. Thông điệp của ba món đồ bé tẹo này là nhằm khoe camera của chiếc smartphone sắp ra mắt: có khả năng chụp ảnh tốt cả ban đêm.

Toàn bộ cái hộp khổng lồ này nặng tầm 2kg, kích thước tầm 50x30x18cm, chỉ để chứa ba món đồ mà nếu giảm kích thước còn ¼ thì cũng còn rộng rãi chán chê.

Bên ngoài vỏ hộp có mã QR, để đến giờ diễn ra sự kiện thì dùng điện thoại quét và truy cập vào xem. Nhiều người khi nhận món quà chỉ có tính chất "thông báo" này đã than: Lãng phí và xem nhẹ môi trường đến thế là cùng!

Ảnh: H.T.

Ảnh: H.T.

Tôi nhớ đến một người bạn tên là Huỳnh Huy Tuệ - làm việc cho BAJ (Cầu châu Á Nhật Bản), chuyên về giáo dục môi trường. Anh và các cộng sự thường xuyên đến các trường học, đi vào các khu phố để nói chuyện và bày trò chơi cho trẻ em nhằm nâng cao nhận thức và rèn luyện thói quen nho nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày để giữ gìn môi trường.

Bài học mà Tuệ và các cộng sự phải ra rả mỗi ngày là mỗi bạn lãng phí một tờ giấy vở mỗi ngày thì cả trường sẽ là hàng ngàn tờ, cả quận sẽ là hàng vài chục ngàn tờ… Và như vậy sẽ có bao nhiêu cái cây bị chết một cách lãng phí, oan uổng. Rồi để sản xuất ra một cuốn vở phải tốn bao nhiêu nước, bao nhiêu điện…

Không chỉ có Tuệ và cộng sự, ngay cả sách giáo khoa cũng có bài học về chuyện này. Ví dụ bài tập trong sách môn công nghệ lớp 7 có câu hỏi: Vì sao học sinh sử dụng giấy tập tiết kiệm là góp phần bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường? Và đáp án nêu rõ: Hạn chế sử dụng giấy giúp cho giảm chuyện chặt phá cây để sản xuất giấy, từ đó giảm lượng khí thải CO2, giảm chất thải rắn ra môi trường…

Chưa hết, tính chi li hơn với cái hộp khổng lồ thông báo ra mắt sản phẩm mới nói trên, nếu tiết kiệm và làm đúng kích cỡ để chứa ba vật dụng nho nhỏ ấy, còn tiết kiệm được cả nhiên liệu trong vận chuyển. Bởi thay vì vận chuyển một món thì có thể chở được cả chục món!

Hầu hết chúng ta đều biết: Mỗi ngày trôi qua trên thế giới, loài người sử dụng hơn 1 triệu tấn giấy, 93% chúng đến từ cây cối. Giấy cũng chiếm một nửa lượng chất thải rắn đô thị. Ngành công nghiệp giấy và bột giấy là ngành tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba. Để tạo ra một tấn sản phẩm, ngành công nghiệp giấy sử dụng nước nhiều hơn bất kỳ ngành nào khác và là một trong những ngành gây hiệu ứng nhà kính lớn trên thế giới. Tùy theo công nghệ và sản phẩm, lượng nước cần thiết để sản xuất 1 tấn giấy thành phẩm dao động từ 80m3 đến 450m3… Ngay cả giấy tái chế thì cũng vẫn tốn tài nguyên.

Nhưng khi hành xử thì khác. Câu chuyện nổi lên trong vài năm gần đây ở Việt Nam là chuyện sử dụng bao bì hoành tráng mang tính khoe mẽ. Có một thời rất lâu, các nhà sản xuất ở Việt Nam không quan tâm đến chất lượng và hình thức bao bì, nhưng nay thì bao bì lại lên ngôi một cách bất thường. Trong dịp Tết mấy năm gần đây, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hộp bao bì bắt mắt, cực to và cực chênh lệch so với món hàng bên trong. Câu chuyện môi trường dường như đang bị quên dần.

Huỳnh Huy Tuệ chia sẻ: Nhật là một quốc gia nổi tiếng thế giới về chuyện bao bì đẹp, ý nghĩa và hợp lý nhằm tiết kiệm và giảm thiểu tác hại môi trường. Tuy nhiên, con người ở đâu thì cũng có bệnh khoe mẽ, thể hiện sự sành điệu, vượt trội nên đôi lúc cũng có những loại bao bì hoành tráng quá mức cần thiết. Dù vậy, nhờ những tổ chức hoạt động xã hội rất mạnh, sẵn sàng lên tiếng phản đối (thậm chí kêu gọi tẩy chay sản phẩm) nên các nhà sản xuất biết kiềm chế.

Bao bì không phải cứ thật to, thật hoành tráng mới gây ấn tượng. Kiểu tư duy ấy đã lỗi thời và không hợp với văn minh!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận