TTCT - Phần lớn ca tử vong gắn với thiên tai có liên quan trực tiếp đến sự kiện thảm họa: chết đuối, chấn thương hoặc bị đất đá vùi lấp. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy có thể có một làn sóng khủng hoảng dịch tễ thứ hai sau khi thiên tai đã đi qua, khi lưới điện bị phá hủy, các hệ thống vệ sinh công cộng và nguồn cung nước sạch bị gián đoạn và người dân phải chen chúc trong những nơi ở tạm. Ảnh: tbsnews.netThiên tai, đặc biệt là bão lũ, gây ra nhiều sự xáo trộn về môi trường sống và làm tăng nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 40% thiên tai trên thế giới có liên quan đến lũ lụt, kéo theo đó là sự gia tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian và đường nước.Vì thế, bên cạnh thực phẩm, giải quyết vấn đề vệ sinh cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai là một trong những ưu tiên hàng đầu trong cứu trợ nhân đạo để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng dịch tễ.Thiếu nước, rước bệnhCó nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm sau thiên tai. Tình trạng quá tải trong các khu tạm trú, thiếu nguồn cung nước uống và thực phẩm an toàn cộng với vệ sinh kém là những nguyên nhân thường gặp nhất.Cuối tháng 9-2017, bão Maria quét qua vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ khiến số ca tử vong vì bệnh xoắn khuẩn vàng da tại hòn đảo này tăng vọt. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra và được lây truyền qua đường nước và đất. Từ ngày 24-9-2017 đến 6-3-2018, có 26 người chết vì bệnh này được ghi nhận tại Puerto Rico, cao hơn gấp đôi so với con số tử vong của năm trước đó. Dù cơ quan y tế Puerto Rico chỉ ghi nhận 6 ca tử vong trong số này là do bão Maria gây ra, một điều tra độc lập của Đài CNN và Trung tâm báo chí điều tra (CPI) cho thấy ít nhất có thêm hai trường hợp khác có mối liên hệ trực tiếp với tình trạng vệ sinh trong thiên tai. Cả hai đều làm việc trong vai trò nhân viên cứu trợ và tình nguyện viên trong cơn bão và dành nhiều thời gian ngâm mình trong nước lũ ô nhiễm.Bệnh xoắn khuẩn vàng da rất hiếm khi gây tử vong và có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh thông thường. Vi khuẩn gây bệnh có trong nước tiểu của chuột và các động vật khác, có thể lây sang người qua đường ăn uống hoặc qua các vết thương hở trên da. Theo gia đình của hai nạn nhân được CNN và CPI phỏng vấn, cả hai đều không được cấp găng tay, ủng bảo hộ hoặc kháng sinh dự phòng - những biện pháp đơn giản có thể giúp ngăn ngừa bệnh xoắn khuẩn vàng da ở những người phải làm việc trong vùng nước lũ. Một nghiên cứu của tạp chí New England Journal of Medicine công bố vào tháng 5-2018 cho thấy có từ 793 đến 8.498 người đã chết vì nhiều nguyên nhân liên quan đến bão Maria, trong đó có nhiều cái chết được cho là do thiếu các dịch vụ thiết yếu như điện, nước.Trong đợt lũ hồi tháng 7-2020, chính quyền quận Bogura của Bangladesh chỉ có khả năng cung cấp 40 nhà vệ sinh tạm cho khoảng 68.000 người bị ảnh hưởng, tức chỉ có trung bình 1 nhà vệ sinh cho mỗi 1.700 người. Các nạn nhân sống sót phải sống tạm bợ trên những bờ đê và đối diện với thiếu thốn nước sạch để uống và tắm giặt. Một số hộ dân không thể tiếp cận nhà vệ sinh do chính quyền cung cấp phải dựng tạm những nhà xí khẩn cấp bằng tre và vải ở gần mặt nước. Chất thải đổ thẳng xuống dòng nước lũ bên dưới, bốc mùi hôi thối. Trẻ con tắm ngay trong dòng nước ô nhiễm và gia súc thì gặm cỏ gần đó, gây ra nguy cơ lây truyền bệnh rất lớn.Theo WHO, nguy cơ bùng phát bệnh tiêu chảy sau thiên tai ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển. Tại tỉnh Aceh, Indonesia, một đợt đánh giá sức khỏe nhanh được thực hiện ở thị trấn Calang hai tuần sau trận sóng thần tháng 12-2004 cho thấy 100% những người sống sót phải uống nước từ giếng không đảm bảo vệ sinh và 85% cư dân cho biết bị tiêu chảy trong hai tuần trước khảo sát. Một trận lũ lịch sử ở Bangladesh năm 2004 khiến hơn 17.000 người tại quốc gia Nam Á mắc bệnh tiêu chảy. Hơn 16.000 ca dịch tả cũng được ghi nhận ở Tây Bengal sau một trận lũ lớn năm 1998. Tương tự, số ca tiêu chảy ở Mozambique cũng tăng vọt từ tháng 1 đến tháng 3-2000 sau đợt lũ nặng nề nhất trong 50 năm ở quốc gia châu Phi.Mất điện cũng tai hạiViệc cắt điện do thiên tai cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây bùng phát dịch bệnh. Không có điện thì các nhà máy xử lý và cung cấp nước không thể hoạt động, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường nước do người dân phải sử dụng nguồn nước không đủ chuẩn vệ sinh, theo WHO. Mất điện cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở y tế và các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần bảo quản lạnh. Năm 2003, tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy gia tăng đột biến ở thành phố New York sau một sự cố mất điện diện rộng. Cuộc điều tra sau đó phát hiện những người mắc bệnh đã tiêu thụ thịt và hải sản đến từ các cơ sở chế biến bị mất điện, khiến các sản phẩm này bị nhiễm khuẩn do không được bảo quản lạnh ở nhiệt độ thích hợp.Nhiều yếu tố nguy cơTại thành phố Muzaffarabad, Pakistan, sau trận động đất năm 2005, một đợt bùng phát bệnh tiêu chảy cấp đã xảy ra trong một khu trại tự phát thiếu trang thiết bị vệ sinh, ảnh hưởng hơn 750 người chủ yếu là người lớn. Dịch chỉ được kiểm soát sau khi cung cấp đủ nước và các thiết bị vệ sinh cho hơn 1.800 cư dân tại đây.Tại Mỹ, dịch tiêu chảy cũng được ghi nhận sau các cơn bão Allison (2001) và Katrina (2005). Những người di tản vì bão Katrina sau đó còn xét nghiệm dương tính với norovirus, Salmonella và V. cholerae (gây bệnh tả). Hơn 100 ca mắc uốn ván, trong đó có 20 trường hợp tử vong, được ghi nhận ở Aceh và đạt đỉnh điểm trong 2 tuần rưỡi sau trận sóng thần năm 2004. Một đợt bùng phát bất thường của bệnh cầu trùng cũng diễn ra sau trận động đất ở nam California vào tháng 1-1994, được cho là có liên quan đến việc người dân tiếp xúc nhiều với bụi trong không khí sau các vụ lở đất do trận động đất gây ra.Sự đổ vỡ của hệ thống y tế công cộng, bao gồm sự thiếu hụt chuyên gia y tế công cộng được đào tạo có thể ứng phó với một đợt bùng phát truyền nhiễm và thiếu nguồn lực như vaccine và thuốc kháng sinh cũng có thể góp phần làm gia tăng tính nghiêm trọng của một đợt bùng phát dịch sau thiên tai.Lũ lụt ở Nowshera (Pakistan). Ảnh: LHQNguy cơ lây truyền bệnh trong cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai còn phụ thuộc vào tỉ lệ tiêm chủng ban đầu trong cộng đồng, đặc biệt là trong điều kiện sống đông đúc ở các trại di tản. Hơn 18.000 người đã mắc bệnh sởi trong một đợt bùng phát dịch sởi ở Philippines vào năm 1991 khi hàng chục ngàn người phải di tản khi núi lửa Mt. Pinatubo hoạt động trở lại. Hơn 400 ca sởi lâm sàng cũng được ghi nhận trong sáu tháng sau trận động đất xảy ra ở Pakistan năm 2005.Tình trạng nấu ăn (bằng củi) trong nhà và thiếu dinh dưỡng còn là những yếu tố nguy cơ gây viêm đường hô hấp cấp ở những nạn nhân sống sót sau thiên tai. Tỉ lệ mắc viêm đường hô hấp cấp được ghi nhận đã tăng gấp bốn lần ở Nicaragua trong 30 ngày sau khi bão Mitch đổ bộ năm 1998, và bệnh này là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong số những người phải di dời do sóng thần ở Aceh năm 2004 cũng như sau trận động đất ở Pakistan năm 2005.Sau khi đợt lũ ban đầu cuốn trôi môi trường sống hiện có của muỗi, nước tù đọng sau khi lũ rút lại tạo ra những địa điểm sinh sản mới, dẫn đến việc gia tăng số vật chủ trung gian truyền bệnh. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh do vật trung gian còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố phức tạp khác như tăng nguy cơ bị muỗi đốt khi ngủ ngoài trời, gián đoạn các hoạt động kiểm soát bệnh tật hoặc những thay đổi trong môi trường sống thúc đẩy sự sinh sản của muỗi.■Thi thể có đáng lo?Chưa có bằng chứng cho thấy xác chết không được xử lý làm gia tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm sau thiên tai. Theo WHO, những người sống sót là nguồn nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn so với những người thiệt mạng do thiên tai. Ngay cả khi nguyên nhân tử vong là do các bệnh truyền nhiễm, các sinh vật gây bệnh cũng không tồn tại lâu trong cơ thể người sau khi chết. Xác chết chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe trong một số trường hợp cụ thể và cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp, chẳng hạn như tử vong vì bệnh tả hoặc sốt xuất huyết.Thận trọng là cần thiết, nhưng tâm lý hoang mang khi xử lý xác nạn nhân thiên tai là điều cần tránh. Việc một số nơi tổ chức chiến dịch tiêm ngừa số lượng lớn sau thảm họa động đất vì lo ngại xác chết có thể làm lây lan dịch bệnh, hoặc chôn và thiêu xác trước khi kịp tiến hành nhận dạng nạn nhân vì “các rủi ro ô nhiễm” chỉ là hai ví dụ về những niềm tin không được kiểm chứng. Ví dụ, sau trận động đất năm 2001 khiến 100.000 người chết ở Ấn Độ, các xác chết được đem thiêu hủy số lượng lớn khiến nguồn cung củi đốt bị cạn kiệt và những người sống sót không có đủ củi để sưởi ấm và nấu nướng. Tags: Sức khỏeBão lũCứu trợTắm sông
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.