TTCT -Nhiều quốc gia mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về các đợt "sóng nhiệt" để không lơ là mất cảnh giác. Người dân giải nhiệt ở Plaza de Espana (Seville, Tây Ban Nha), tháng 8-2023. Ảnh: Cristina Quicler/AFP/Getty ImagesNhiều quốc gia mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về các đợt "sóng nhiệt" để không lơ là mất cảnh giác. Phải chăng kẻ thù "vô danh" thì khó đề phòng hơn, hay việc gọi tên nắng nóng chỉ khiến mọi thứ thêm phần rối ren?Sóng nhiệt, cách dịch sát nghĩa của từ "heatwave", được dùng để chỉ một khoảng thời gian nắng nóng bất thường.Không như các thiên tai khác, sóng nhiệt không làm sập nhà cửa hay ngập đường sá, không tạo ra hậu cảnh ấn tượng cho các phóng viên thời tiết liều lĩnh. Nhưng bên dưới lớp quần áo ướt đẫm mồ hôi và hóa đơn tiền điện vút cao như tên lửa, sóng nhiệt có gì đáng sợ? Chỉ cần trả lời bằng một con số: khoảng 489.000 ca tử vong liên quan đến nắng nóng xảy ra mỗi năm trên toàn thế giới trong giai đoạn 2000 - 2019, với 45% ở châu Á và 36% ở châu Âu, theo WHO.Ở Mỹ, nắng nóng cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả bão, lốc xoáy, động đất hoặc lũ lụt. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của nước này, nắng nóng vào năm ngoái đã góp phần gây ra hơn 2.300 ca tử vong trong nước. Vào tháng 3 năm nay, số liệu từ Bộ Y tế Thái Lan cho thấy 30 người đã chết vì say nắng.Khi các đợt nắng nóng sẽ còn dữ dội hơn bởi biến đổi khí hậu, vài thành phố ở châu Âu đang thử nghiệm một ý tưởng gây tranh cãi: đặt tên cho các sự kiện sóng nhiệt, như cách ta thường làm với các cơn bão, nhằm nâng cao nhận thức. Ước tính hơn 70.000 người đã thiệt mạng vì mùa hè châu Âu nóng kỷ lục năm 2022.Biết "kẻ thù" là aiTrước hết, tại sao cần nhân hóa các mối đe dọa? "Bạn hình dung như thế nào về một mối đe dọa lẻn vào nhà mà không báo trước và cướp đi những người thân yêu?", cây bút khoa học David Robson mở đầu một bài viết trên BBC Future.Ở châu Âu, khi dịch hạch hoành hành, câu trả lời là một bộ xương đội mũ trùm đầu mang tên "Grim Reaper" - Thợ gặt Nghiệt ngã, hay Thần chết theo cách gọi phổ biến của chúng ta. Gã xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 14, trong thời kỳ "Black Death" - Cái chết Đen quét qua lục địa này và giết chết một nửa dân số ở đó.Nhân dạng chính xác của "cái chết" có thể thay đổi tùy mỗi quốc gia: trẻ hay già, nam hay nữ, mặc đồ trắng hay đen, nhưng đa số các câu chuyện dân gian trong lịch sử đều mô tả bệnh tật và cái chết dưới hình hài một con người.Trong lĩnh vực sức khỏe, phép nhân hóa có thể giúp bảo vệ chúng ta. Theo nghiên cứu của Lili Wang tại Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, Trung Quốc, việc nhân hóa một căn bệnh khiến cho mối nguy hiểm gần gũi hơn và làm tăng cảm giác dễ bị tổn thương của con người.Ví dụ trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, nhóm nghiên cứu của Wang đưa cho người tham gia một trong hai thông điệp về các cách tránh lây nhiễm. Sự khác biệt duy nhất giữa các mẩu thông tin là mức độ nhân hóa: "vi rút corona" và "Ông Coronavirus"."Ý tưởng là làm cho căn bệnh này có vẻ như đang làm chuyện gì đó và đang di chuyển" - Wang giải thích với BBC Future trong một email. Với những khác biệt khá nhỏ bé trong ngôn từ, việc nhân hóa con vi rút đã làm tăng sự đề phòng của người tham gia nghiên cứu.Cảnh báo nhiệt độ ở Seville (TBN). Ảnh: AFPPhản ứng của chúng ta trước các sự kiện thời tiết khắc nghiệt cũng cho thấy xu hướng tương tự. Nghiên cứu năm 2021 của các nhà khoa học tại Đài quan sát quốc gia Athens (NOA) cho thấy việc đặt tên cho bão liên quan đến mức độ nhận thức tốt hơn.Tại sao một cái tên có thể mang đến tác dụng này? Theo nhà thần kinh học Kris De Meyer - giám đốc Đơn vị hành động khí hậu tại Đại học College London, bộ não con người rất phù hợp để suy nghĩ về trạng thái tinh thần (bao gồm: ý định, niềm tin, mong muốn và cảm xúc…) của người khác cũng như của bản thân - một quá trình được gọi là "mentalizing".Những vùng não nơi quá trình đó diễn ra đồng thời vận hành một hệ thống ghi nhớ mạnh mẽ (tách biệt với hệ thống chúng ta sử dụng để ghi nhớ thô), vốn nhạy cảm với các thông tin xã hội, chẳng hạn như tên gọi. Vì vậy, việc đặt tên cho một cơn bão hoặc một đợt nắng nóng có thể là bước đầu tiên để kích hoạt hai quá trình suy nghĩ và ghi nhớ trên, ông nói với The Guardian.Hãy coi chừng Zoe!Thành phố Seville của Tây Ban Nha có một hệ thống xếp hạng các đợt nắng nóng theo ba cấp độ, và đặt tên cho những đợt nguy hiểm nhất từ Z đến A. Đợt sóng nhiệt đầu tiên được hệ thống này đặt tên là Zoe vào mùa hè năm 2022.Nghiên cứu đăng ngày 20-4-2024 trên Scientific Reports chỉ ra rằng: việc đặt tên cho một đợt nắng nóng dường như đã tạo ra sự khác biệt. Dù chỉ có 6% người tham gia khảo sát nhớ được tên Zoe mà không cần trợ giúp, nhưng chính họ cho thấy mức độ tham gia cao hơn vào các hành vi giữ an toàn trước cái nóng.Từ tháng 6 đến tháng 8-2023, Seville đã đặt tên cho bốn đợt sóng nhiệt: Yago, Xenia, Wenceslao và Vera. Đây là các đợt sóng nhiệt mà nhiệt độ vượt 45 độ C trong ít nhất ba ngày, nên "đặt tên cho các đợt nắng nóng là để mọi người biết rằng đấy là một vấn đề nghiêm trọng" - Rob McLeod, tổ chức phi lợi nhuận Renew của Úc, nói với The Guardian.Đầu năm nay, McLeod viết hẳn một báo cáo để thúc giục nước Úc học theo Seville. Ông cho biết các thành phố của Tây Ban Nha đang phát triển một "văn hóa nắng nóng", nơi mọi người hiểu rõ các bước cần làm để chuẩn bị cho các đợt sóng nhiệt, như làm mát nhà cửa vào sáng sớm, tận dụng bóng râm, uống nước và để tâm đến những thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng.Thế nhưng, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phản đối việc đặt tên cho các đợt nắng nóng, với lý do nó sẽ gây nhầm lẫn và khiến công chúng mất tập trung. Theo một báo cáo do WMO soạn vào tháng 10-2022, "việc đặt tên các sự kiện nắng nóng đơn lẻ sẽ khiến công chúng và giới truyền thông bị đánh lạc hướng khỏi những thông điệp quan trọng nhất, đó là: ai đang gặp nguy hiểm và cách ứng phó".Ngoài ra, WMO cho rằng: chỉ vì giải pháp đặt tên có tác dụng với các cơn bão, không có nghĩa là nó có tác dụng với sóng nhiệt. Không giống như bão nhiệt đới, sóng nhiệt là hiện tượng không dễ dàng xác định và dự đoán.Các nhà phê bình cũng cho rằng việc đặt tên cho sóng nhiệt có thể không hiệu quả vì hiện chưa có đủ nghiên cứu để chứng minh điều đó. Hầu hết các chương trình thí điểm đều kết thúc sau một hoặc hai mùa hè.Ngày xửa ngày xưa, việc đặt tên cho các cơn bão cũng từng là một ý tưởng mới. Nó chỉ bắt đầu từ những năm 1950. Theo WMO, đặt tên bão là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để truyền đạt các cảnh báo cũng như nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị. Nó làm cho các cơn bão dễ dàng được theo dõi và thảo luận hơn - ta có thể hỏi người dân miền Nam về cơn bão Linda thảm khốc năm 1997…Liệu sẽ có ngày người ta nhắc nhau "sóng nhiệt Hồng Hài Nhi sẽ tới vào cuối tuần này"?■ Thần khúc và sóng nhiệtChó ba đầu Cerberus qua minh họa của Salvador Dalí. Tranh khắc gỗ khoảng năm 1960-1964. Nguồn: Les Heures ClairesTrong khi người ta vẫn tranh cãi chuyện chỉ dùng tên phụ nữ để gọi các cơn bão, nhà khí tượng học người Ý Antonio Sanò - chủ trang web thời tiết iLMeteo - đã sẵn có kho tên ngồn ngộn mà gần gũi để đặt cho các đợt sóng nhiệt: bộ Thần khúc của Dante Alighieri (1265-1321).Bắt đầu từ năm 2012, Sanò đã chăm chỉ đặt tên cho các đợt nắng nóng theo các nhân vật trong bộ sử thi nổi tiếng nhằm "giải thích sóng nhiệt cho công chúng theo cách đơn giản và dễ hiểu". Gần nhất, Sanò đặt tên cho đợt nắng nóng tháng 7-2023 ở châu Âu (có nơi trên 48,8oC) là Cerberus - con chó ba đầu gác cổng tầng Địa ngục thứ ba. Trước đó là đợt nóng Caronte - người lái đò đưa các linh hồn sang thế giới bên kia trong thần thoại Hy Lạp, và cũng là quỷ sứ địa ngục trong Thần khúc."Có sự tương đồng nhất định giữa cái nóng và những cái tên gợi lên ngọn lửa luyện ngục này" - Sanò nói với trang Quartz. Những cái tên từ pho sử thi của Dante đã được Sanò dùng còn có Minòs - phán quan của Địa ngục, hay Lucifer - kẻ bị đày xuống địa ngục vì dám chống lại Chúa trời.Sanò tự mình chọn đặt tên và công bố trên trang nhà iLMeteo. Chúng không được chấp nhận rộng rãi, và trái lại, còn không được khuyến khích vì gây hiểu lầm, bởi các nguyên nhân như WMO đã chỉ ra. Chưa kể mạnh ai nấy đặt thì càng dễ rối hơn. Cụ thể, đợt nóng tháng 7 mà Sanò gọi là Cerberus chính là cơn sóng nhiệt Xenia ở Tây Ban Nha. T.A. Tags: Thời tiết nắng nóngNắng nóngThời tiếtSóng nhiệtKhoa học
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Làng Nủ: Mỗi tấc đất là một nỗi đau VŨ TUẤN 12/09/2024 Cơn lũ quét sáng 10-9 ở Làng Nủ đã vùi lấp mọi thứ. Cả thôn 37 ngôi nhà sàn lúp xúp bên cánh đồng trước đây nay chỉ còn một bãi bùn đất.
Trực tiếp: Tình hình lũ trên sông Hồng tại Hà Nội 12/09/2024 Hôm nay 12-9, thời tiết cả nước đều có mưa. Bắc Bộ vẫn duy trì mưa to, Nam Bộ mưa có xu hướng tăng. Lũ trên sông Hồng và nhiều sông ở miền Bắc đang xuống hoặc ít biến đổi (lên hoặc xuống chậm).
Triệu tấm lòng đã hướng về vùng lũ Y.TRINH 12/09/2024 Hôm qua 11-9, ghi nhận tại nhiều địa phương, những chuyến hàng cứu trợ mang theo triệu tấm lòng của người dân cả nước đã hướng về vùng lũ các tỉnh phía Bắc, chia sẻ với bà con đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Vụ lũ quét ở Làng Nủ, Lào Cai: tìm thấy thêm 7 thi thể, còn 53 người mất tích THÀNH CHUNG 12/09/2024 Theo thông tin từ lực lượng chức năng lúc 7h15 đã phát hiện thêm 2 thi thể tại khu vực hạ nguồn nơi xảy ra lũ quét.