TTCT - “Giàu có” về đất, có người trong tay mấy ngàn mét vuông, nhưng hằng ngày họ vẫn phải tất bật mưu sinh, thậm chí về già lại trắng tay... Anh Lý Anh Tuấn (26 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Hoa Cúc (cùng quê ở Vĩnh Phúc) đến ấp 5, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn (TP.HCM) trồng rau gần bốn năm nay-NGỌC DƯƠNG Họ ở tứ xứ, cả người Bắc lẫn người Nam xum tụ về thuê những mảnh đất trống tại ấp 5, xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) lập thành làng trồng rau, hoa “du mục”... Trồng rau nuôi con vào đại học Khuya, cơn mưa tầm tã trút nước xuống cánh đồng rau. Căn chòi tranh mỏng manh, ọp ẹp của ông Trần Kim Thịnh (67 tuổi, quê Nam Định) hứng trọn nước mưa. Bà Kim, vợ ông, dùng tấm nilông che chắn, ngăn dòng nước mưa ào ào chảy xuống giường. Giữa đêm lạnh, hai vợ chồng già lụi cụi chất đầy xe ba gác rau cải hái hồi chiều, chuẩn bị chở ra chợ đầu mối giao cho khách. Những túi rau xanh ươm được che đậy cẩn thận. Ông Thịnh gạt dòng nước mưa chảy dài trên mặt nói: “Ướt nước mưa rau úng hư, mối lái không lấy là tiêu cả tháng tiền ăn...”. Trong lúc vợ chồng ông Thịnh xếp rau lên xe, mấy người trồng rau trong vùng đội mưa mang từng túi rau đến gửi nhờ ông đưa ra chợ giao cho khách. Ông Thịnh vui vẻ nhận hàng, cẩn thận ghi tên người nhận. Chiếc xe chật ních đủ loại rau. Cái lạ người trồng rau “du mục” là vậy, họ không sợ bị cướp mối hàng. Ngược lại còn chỉ nhau cách trồng, có giống rau mới rủ nhau gieo... mà không một chút toan tính. Nhờ sự chỉ bày, mách nước làm ăn đó mới có làng rau “du mục” bạt ngàn những luống rau xanh này... 22g, mưa ngày một nặng hạt. Người dân trong vùng tắt đèn chìm sâu vào giấc ngủ, là lúc đoàn người trồng rau “du mục” chở những xe rau xanh mướt ra chợ. Trên cánh đồng rau, người giao hàng muộn lọ mọ dậy hái rau. Ánh đèn sáng một khoảng trời. Ông Thịnh mặc chiếc áo mưa ướt, chở xe hàng ra chợ. Vừa tới nơi, xe các tỉnh đã nhận hàng. Nửa giờ sau phần rau của nhà ông hết sạch, nhưng ông vẫn chờ tận 12g đêm để giao rau của hàng xóm. Ông Thịnh ngồi co ro trên ghế. Ăn cái bánh bao mang theo, ông bộc bạch: “Giữa chốn đất khách quê người nhờ mọi người đùm bọc, chỉ bày mà biết trồng rau. Hôm nay họ ít hàng nhờ mình giao giùm, hôm sau mình nhờ lại”. Ông Thịnh kể về việc mưu sinh khốn khó tuổi xế chiều. Nhà có sáu người con, bốn người đầu lập gia đình mỗi đứa một phương, nghèo khó chẳng thua cha mẹ. Ông bà cày cuốc đủ nghề, nuôi hai con ăn học. Người con thứ năm vào đại học, gánh nặng đè lên vai vợ chồng già. Đến lượt con út đậu đại học, đồng tiền ít ỏi bán ve chai, làm thợ hồ không đủ để trang trải. Ngày con nhập học, vợ chồng phải dắt díu nhau vào Nam kiếm tiền. Mới vào chưa quen, họ sống rất chật vật. Năm đầu ông Thịnh thuê mảnh đất, người trong vùng chỉ cho cách trồng rau nhưng do lớn tuổi nên việc làm cỏ, tạo luống khó khăn. Người con út phải bảo lưu kết quả học tập vào phụ giúp cha mẹ. Năm sau, công việc ổn định, những luống rau xanh bắt đầu “hái” ra tiền, con ông ra học lại. Ba năm nay, ông bà cặm cụi “cày xới” những luống rau. Sáng chăm bón, chiều hái rau, đêm chở ra chợ bán. Tiền kiếm được vừa đủ nuôi hai con ăn học. Ông khoe người con thứ năm vừa ra trường, đã tự kiếm tiền nuôi em ăn học. Ông bà đã trả hết nợ ngân hàng, còn chút ít tiền về quê sống tuổi già. “Nói đơn giản nhưng chẳng biết bao lâu mới được về quê...” - ông Thịnh thở dài. Ở làng rau “du mục”, nhiều hoàn cảnh như ông Thịnh. Những mảnh đất họ chọn là đất dự án “trùm mền”, quy hoạch “treo”, cỏ dại mọc um tùm. Ban đầu chỉ vài hộ thuê, dựng chòi, làm rau. Dần dà thêm những hộ khác, khoan giếng, mở đường, kéo dây diện, thương lái tới lui mua hàng và hình thành làng rau. Những miếng đất này giá thuê vừa rẻ vừa ít lo bị chủ đất “nổi hứng” bán. Vợ chồng ông Trần Kim Thịnh (quê Nam Định) chuẩn bị chở rau ra chợ đầu mối. Ở giữa là người trồng rau trong vùng mang túi rau đến gửi nhờ -Tiến Long Mong thoát đời lận đận Nhưng phận đi thuê mướn đất trồng rau, trồng hoa không tránh khỏi sự bấp bênh, thấp thỏm. Thuê đất cằn cỗi, bỏ công làm cỏ, trồng rau, đến khi chủ lấy đất bán, họ phải dời đi chỗ khác. Cuộc đời mưu sinh của họ ngắn hạn chẳng khác gì chu kỳ hoa nở, hoa tàn. Trưa nắng, ông Hàn Ngọc Phú (quê Đồng Tháp) mồ hôi nhễ nhại trộn phân vào những chậu cúc Đà Lạt, chuẩn bị bán rằm tháng bảy. Ông làm việc luôn tay, hết trộn phân ủ rơm, ươm cây, tưới cây... Phủi bàn tay lấm lem, ông Phú lo lắng: “Mới hổm thấy chủ đất đưa người đến coi trả giá mà nóng cả ruột gan. Người trồng hoa được hai vụ, tết vừa rồi lỗ vốn, còn đợt hoa này không biết có kịp nở hay giữa chừng phải trả đất thì trắng tay...”. Mắt ông rớm nước nghĩ đến ngày phải trả đất rời đi. Ngày “xóm” hoa của những người tha hương, một người mỗi phương. Đây không phải lần đầu ông Phú phải trả đất. Hơn 20 năm trước, vợ chồng ông và con khăn gói lên Sài Gòn. Sẵn có nghề trồng hoa ở quê, ông bà thuê mảnh đất quy hoạch “treo” ở Gò Vấp trồng hoa, nuôi bò. Mười năm sau quy hoạch xóa, chủ lấy lại đất, vợ chồng ông vất vả mới kiếm được miếng đất hiện tại. Mảnh đất cũng thuộc diện quy hoạch, bỏ hoang, rắn rít đầy rẫy, mưa xuống ngập lênh láng. Ông Phú kể hồi ông đến cả khu vực đất hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, chưa đầy mười căn. Buổi tối không dám ra ngoài. Ông khai đường mương dẫn nước, đóng giàn trồng hoa. Mất bốn năm dọn cỏ, cày xới mới thành hình miếng đất bằng phẳng, màu mỡ. Sau đó nhiều người đến thuê đất trồng rau, lấp đầy hơn 10.000m2 đất trống. Ông Phú chỉ cách trồng hoa cho các hộ khác, ngược lại họ dạy ông trồng rau. Khi con lộ chạy trước khu đất được trải nhựa, mở rộng, nhiều người lui tới mua hoa nên vùng này trở thành vùng trồng hoa, rau có tiếng. Hai năm nay đất được xóa quy hoạch, chủ đất gọi người bán nhưng chưa được giá. Mỗi lần có người đến xem đất, lòng ông hồi hộp. Một lần di chuyển trăm thứ khó nhọc. Ông Phú nói nếu đất của nhà mình ngoài trồng hoa, quanh năm còn trồng thêm cây cảnh khác tăng thu nhập. Nhưng đất của người ta, hợp đồng ký từng năm một nên không dám đầu tư. Căn chòi dựng tạm hư nát, mưa dột lênh láng không dám sửa. Ông thở dài: “Âu chăng là số kiếp nó vận lấy người trồng hoa, trồng rau ở đây rồi. Cái số kiếp làm mướn làm thuê mà, cái gì không phải của mình lấy đâu mà vững...”. Người trồng hoa, rau “du mục” dành hết của cải cho con ăn học, mong con thoát khỏi cảnh lận đận. Khi trả đất, sợ việc học của con đứt gánh, họ không dám đi xa, lại quẩn quanh tìm thuê mảnh đất khác trong vùng. Nghèo khó đôi lúc làm chậm giấc mơ nhưng họ không dừng lại ước mơ “đổi đời”. Khi chúng tôi đến, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phong (quê Đồng Tháp) đang làm lại giàn trồng hoa trên mảnh đất mới. Hai tháng trước gia đình anh phải trả lại đất sau ba năm thuê. Anh Phong chia sẻ mỗi lần dọn đi, hai con anh phải chuyển trường, học hành đứt quãng. Lần này vợ chồng anh quyết thuê mảnh đất gần chỗ cũ để việc học của con không dở dang. Thuê vội nên anh chỉ tìm được mảnh đất trũng thấp, ngập nước, phải làm giàn cao mới trồng được hoa. Biết cuộc sống bấp bênh, trong “xóm” mọi người rủ nhau cùng góp tiền hụi. Ai túng thiếu, cần tiền gấp được ứng trước, cứ vậy xoay vòng. Nhờ vậy lúc làm ăn khó khăn, mọi người cũng có tiền trang trải việc học hành cho con. “Đời cha mẹ lận đận mà để con thất học, sau này lại sống long đong, thuê mướn đất người ta nữa thì khổ lắm, ngóc đầu không nổi...” - một người nói. ■ Tags: TRỒNG RAU DU MỤC
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Báo tin vi phạm giao thông, người dân có thể được trả đến 5 triệu đồng HỒNG QUANG 18/12/2024 Bộ Công an đề xuất hỗ trợ người cung cấp thông tin vi phạm giao thông không quá 10% tổng số tiền phạt, tối đa là 5 triệu đồng/vụ.
Khởi tố, tạm giam 2 tháng tài xế đánh người trước cổng Bệnh viện Từ Dũ ĐAN THUẦN 18/12/2024 Tài xế đánh người trước cổng Bệnh viện Từ Dũ bị khởi tố, tạm giam 2 tháng để điều tra về tội 'cố ý gây thương tích'.
Đội hình tuyển Việt Nam đấu Philippines: Hoàng Đức, Tiến Linh dự bị HOÀNG TÙNG 18/12/2024 Trong đội hình tuyển Việt Nam đấu Philippines, HLV Kim Sang Sik trao cơ hội cho những gương mặt dự bị như Đinh Thanh Bình, Châu Ngọc Quang và Bùi Vĩ Hào.
Nga bác tin Tổng thống Putin cử con trai tham chiến ở Ukraine UYÊN PHƯƠNG 18/12/2024 Nhiều bài đăng trên X, TikTok và Facebook, hầu hết bằng tiếng Trung Quốc, lan truyền thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin cử con trai tham chiến ở Ukraine.