TTCT - Có một làn sóng khác của người trẻ đang tiếp cận với blockchain - công nghệ phía sau các loại tiền ảo như bitcoin. Nhóm phụ trách phát triển blockchain còn rất trẻ của startup Jobhop. Ảnh: VŨ THỦY Sự ra đời của nhiều startup (khởi nghiệp) blockchain, thông tin tuyển dụng từ những phòng nghiên cứu ứng dụng blockchain, dự án blockchain cho thành phố thông minh, ứng dụng ngân hàng... với mức lương lên tới chục ngàn đô cũng hứa hẹn mở ra một tương lai công việc mới. Vừa học vừa làm Jobhop là một startup việc làm, một ứng dụng trên điện thoại kết nối sinh viên, người đi làm với các nhà tuyển dụng bằng những tương tác trực tiếp. Ra đời chưa tròn năm nhưng startup này đang hướng đến ứng dụng blockchain vào hệ thống. Trưởng nhóm đang nghiên cứu để đưa blockchain vào bài toán tuyển dụng trong Jobhop là Lê Yên Thanh, một bạn trẻ sinh năm 1994 đã rời Google để trở về lăn lộn trong môi trường startup. Anh tự học qua các bài giảng trực tuyến của những giáo sư đại học Oxford, Harvard..., vào source code (mã nguồn) của bitcoin xem và tập code theo để tự tạo blockchain của riêng mình, đọc các bài hướng dẫn trên những cộng đồng dành cho dân lập trình, đọc whitepaper (bài báo kỹ thuật) của các dự án về blockchain mới. “Hiện chưa có trường lớp nào trên thế giới đào tạo về blockchain. Có khá nhiều sách đã ra đời nhưng chỉ 1-2 tháng nó đã có thể trở nên lỗi thời. Dự án về blockchain cũng ra đời liên tục. Không ai dám tự nhận mình là chuyên gia về blockchain cả. Để tự học thì cần hiểu sâu về code, toán, tiếng Anh để tìm hiểu tài liệu...” - Thanh nói. Anh Hoàng Ngọc Toàn (32 tuổi, Công ty Infinity Blockchain Labs, Q.10, TP.HCM) đang cùng một đội ngũ trẻ phát triển sản phẩm xác định danh tính người sử dụng có tên gọi Blockpass. Vào công ty cách đây hơn một năm, anh cũng tự mày mò code để học về blockchain. Đến bây giờ anh vẫn vừa học vừa làm, vừa huấn luyện cho đội phát triển dự án với nhiều bạn trẻ sinh năm 1995, 1996. “Tuyển người đã biết về blockchain hầu như không thể tuyển được. Chúng tôi chọn cách đưa các bạn có nền tảng về máy tính, lập trình, hiểu về hệ thống mạng... để vào công ty đào tạo ngay trong một dự án phát triển sản phẩm cụ thể” - anh Toàn chia sẻ. Hiện đã có nhiều tài liệu, các diễn đàn học thuật về blockchain, đặc biệt là các diễn đàn quốc tế nên việc tự học có thể dễ dàng hơn. Những khóa học blockchain đầu tiên Sáng thứ bảy, lớp học về blockchain của Trung tâm điện toán Bách khoa (ĐH Bách khoa TP.HCM) có hơn 50 học viên đang chăm chú nghe giới thiệu về những lý thuyết nền tảng của blockchain. Là sinh viên năm 2, La Hoàng Đức (khoa khoa học & kỹ thuật máy tính, ĐH Bách khoa TP.HCM) cùng với 9 sinh viên khác cũng tham gia khóa học khi mà nhà trường vẫn chưa có một môn học nào dạy về nó. Người đứng lớp không chỉ có thầy cô ở trường mà còn có nhiều “người thật, việc thật” đang làm những dự án phát triển blockchain. Anh Nguyễn Tấn Phong, một học viên có hơn 10 năm làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nói: “Blockchain đang là từ khóa hot đối với dân công nghệ. Tôi nghĩ nó sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong vài năm tới nên muốn tiếp cận một cách bài bản. Nhiều người đang hiểu sai lệch về bản chất của blockchain khi chỉ gắn nó với bitcoin, tiền ảo, sàn giao dịch tiền ảo, bị dẫn dắt, kêu gọi đầu tư vào những coin (đồng tiền điện tử) đa cấp...”. Người đứng lớp, thạc sĩ Nguyễn Đức Đình Nghĩa, chuyên nghiên cứu phát triển blockchain (Công ty Infinity Blockchain Labs), cho biết thời gian đầu tiếp cận xây dựng chương trình học cũng rất khó khăn khi thông tin về blockchain tràn lan nhưng không hề có những nguồn chính thống. “Mọi người đều có thể tự học từ nhiều nguồn tài liệu, còn khóa học có sự chọn lọc, hệ thống kiến thức trong 8-9 buổi học để mọi người tiếp cận từ bản chất nền tảng nhất của blockchain, hiểu triết lý của nó để đi đến ý tưởng, cách thức phát triển ý tưởng trong thực tế. Nhưng mục đích lớn nhất là xây dựng một cộng đồng để mọi người cùng chia sẻ, phản biện về blockchain” - anh Nghĩa nói. Anh Nguyễn Đức Hiệp (24 tuổi), kỹ sư ngành khoa học máy tính của ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng vừa học vừa làm nghiên cứu cho một công ty, vừa tham gia khóa học với vai trò người đứng lớp để chia sẻ kiến thức. Hiệp đang cùng với ba bạn trẻ khác phát triển một hệ thống blockchain xác thực thông tin. “Tình trạng bằng cấp giả hiện nay rất khó kiểm soát và mất rất nhiều thời gian để xác thực, hay tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng chưa có giải pháp cụ thể. Dự án này nhằm mục đích xây dựng hệ thống lõi có thể áp dụng để xác thực danh tính, xác định thông tin cho nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, nông nghiệp, bảo hiểm...” - Hiệp nói. Hệ sinh thái đang bỏ ngỏ Hơn một năm trở lại đây, rất nhiều dự án blockchain do người VN phát triển đã gọi vốn thành công gây tiếng vang, như Nami, Kyber hay gần đây nhất là Tomochain. “Nếu những startup truyền thống mất vài năm để xây dựng, vận hành kinh doanh, sau đó mới bước vào giai đoạn gọi vốn thì với blockchain, các startup có thể gọi vốn chỉ trong vài giờ khi mà dự án chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm. Các công ty sẽ phát hành và bán các token - chứng chỉ điện tử dựa trên nền tảng công nghệ blockchain - để gọi vốn, bỏ qua các hình thức truyền thống” - bà Nguyễn Thị Hải Thanh (bộ phận marketing Công ty Infinity Blockchain Labs) cho biết. Các token không chỉ có ý nghĩa như cổ phiếu thể hiện cổ phần của nhà đầu tư mà có thể sử dụng ngay trong mạng lưới dùng token này như là một nhiên liệu vận hành hệ thống. Tomochain - một dự án với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain cho các ứng dụng phân quyền, phát hành và tích hợp token - đã bán 50 triệu token, huy động 8,5 triệu USD trong đợt gọi vốn đầu năm 2018. Anh Vương Quang Long, giám đốc điều hành của Tomochain, cho biết đội ngũ kỹ thuật của Tomo có 12 người và đều là người VN. Tuy nhiên, Tomo hay các startup blockchain hầu hết đăng ký kinh doanh ở các nước khác như Singapore, Nhật Bản... do VN chưa có khung pháp lý cho các hoạt động tài chính liên quan đến blockchain. “Đó là trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp muốn khởi nghiệp blockchain ở VN. Bên cạnh đó, các mô hình tiền điện tử đa cấp, lừa đảo cũng đang tạo ra cái nhìn không mấy thiện cảm của mọi người và Nhà nước với các dự án về blockchain” - anh Long nói. Bà Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết hiện tại có khoảng 20 startup blockchain do đội ngũ người VN thực hiện, đội ngũ kỹ thuật cũng là người VN nhưng chủ yếu đăng ký hoạt động ở nước ngoài, do các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, phát triển các sản phẩm cho đối tác nước ngoài. “Hệ sinh thái blockchain ở VN vẫn còn rất non trẻ dù VN sở hữu lực lượng kỹ sư có trình độ cao đông đảo. Một số sản phẩm đã có nhưng vẫn đang ở dạng thử nghiệm. Bởi vì hiện chưa có những quy định căn bản như ai là người được phép kinh doanh, đóng thuế ra sao... Do đó trong thời gian tới, việc có quy định cho hoạt động này là rất cần thiết” - bà Hải Thanh nói thêm.■ Blockchain có thể là tương lai của Internet - Internet của niềm tin TS Huỳnh Tường Nguyên - trưởng nhóm nghiên cứu về nền tảng blockchain, khoa khoa học & kỹ thuật máy tính, ĐH Bách khoa TP.HCM - cho rằng blockchain thu hút được nhiều đối tượng là nhờ vào ba chân kiềng: Bitcoin, Ethereum và Ripple. Bitcoin là viên gạch đầu tiên chứng minh tính khả thi trong việc hiện thực một hệ thống trên nền tảng blockchain. Ripple là giải pháp blockchain cho giao dịch tài chính liên ngân hàng, giúp giao dịch xuyên biên giới chỉ trong vòng 3-5 giây, không có rủi ro bị tấn công và chi phí rất thấp, có thể chuyển 1 triệu USD chỉ với chi phí 10.000 đồng thay vì phải trả 3-5% cho các tổ chức trung gian. Tiếp đó, Ethereum là nền tảng blockchain mở thế hệ tiếp theo (Blockchain 2.0) được ứng dụng rộng rãi nhất không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn có thể áp dụng vào hầu hết lĩnh vực khác trong đời sống, từ các dịch vụ công, chính phủ điện tử, Internet of Things (IoT), quản lý năng lượng và các dịch vụ chuỗi cung ứng... Đóng góp cốt yếu của nền tảng Ethereum là nó chứa một ngôn ngữ lập trình riêng ngay trong nội tại cho phép xây dựng các ứng dụng phi tập trung và tự quản (decentralized application) mà không cần bên trung gian thứ ba bằng việc sử dụng hợp đồng thông minh (smart contract). Nền tảng này đã mở màn cho một kỷ nguyên mới của những ứng dụng kiểu mới, cụ thể: cho phép hiện thực một cách hiệu quả các hoạt động thương mại phức tạp, ứng dụng trong việc xác thực danh tính, bằng cấp, sở hữu trí tuệ, văn bằng số, bầu cử... Triết lý về blockchain rất lý tưởng, nó không chỉ mang tính đột phá mà còn được mệnh danh là phiên bản Internet 2.0 - Internet của niềm tin. Tags: Hệ sinh tháiBlockchainBắt sóng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.