Bầu cử tại Campuchia: Đã về một mối?

HỮU NGHỊ 22/07/2023 09:16 GMT+7

TTCT - Tờ Phnom Penh Post 16-7 chạy tựa vơ-đét: "Ủy ban bầu cử quốc gia: Đối lập không làm lay chuyển cuộc bầu cử".

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Trước đó, tờ Khmer Times 14-7 đăng bài dài: "Tướng Hun Manet: phe đối lập chỉ hoàn hứa suông". Có thể dự đoán không sai rằng phe đối lập một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử chủ nhật tới ở Campuchia.

Sáng thứ hai 17-7, tờ Khmer Times cho biết hôm thứ sáu, trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập lực lượng quân cảnh Campuchia tại một trung tâm huấn luyện ở Kampong Chhnang, tướng Tea Banh, bộ trưởng quốc phòng, đã lệnh cho quân đội sẵn sàng giải quyết những bất trắc trong ngày bầu cử, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật liên quan để chống lại tất cả những ai dự tính phá hoại bầu cử ngày 23-7.

Giữ vững ổn định

Quân lệnh trên được công bố "rềnh rang": một ngày trước, cũng theo Khmer Times, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho biết Bộ Quốc phòng đã hợp tác với Bộ Nội vụ để "chuẩn bị lực lượng". Lực lượng đó, ngoài quân đội và quân cảnh, còn có cảnh sát phụ trách an ninh công cộng, vốn dưới quyền Bộ Nội vụ.

Cái bắt tay này là điều mà các nhà nghiên cứu người Úc Rod Broadhurst và Thierry Bouhours từng mô tả trong nghiên cứu "Policing in Cambodia: Legitimacy in The Making?": 

"Việc Đảng CPP [Đảng Nhân dân Campuchia đang cầm quyền] vững vàng khẳng định sự thống trị với các lực lượng an ninh đã dẫn đến sự suy giảm hành vi bạo lực cực đoan..., giảm sự tranh giành giữa các phe phái mang tính "lãnh chúa", và đảm bảo kiểm soát tốt hơn đối với các yếu tố độc lập khác nhau vốn tạo nên bộ máy cảnh sát, mà giờ đây lòng trung thành hiện gắn kết với CPP".

Tất nhiên, khi lực lượng an ninh hầu như đã quy cả về một mối, thì con đường phía trước thế nào là dễ thấy. Đó là lý do tờ Khmer Times 29-5 gọi cuộc bầu cử sắp tới là phép thử đối với khả năng phục hồi của sự ổn định quốc gia. 

"Một phép thử với sự hòa hợp xã hội trên toàn quốc và đoàn kết nội bộ giữa các chính trị gia Khmer, nghĩa là Đảng Nhân dân Campuchia, và các đảng chính trị tuân thủ luật pháp khác".

Thử như thế nào? Câu trả lời là: "Họ cam kết như thế nào với sự nghiệp chung vì hòa bình và ổn định? Liệu họ có đấu đá nhau để tranh giành quyền lực với cái giá phải trả là hòa bình và ổn định?". 

Cụ thể hơn: "Thủ tướng Hun Sen cố hết sức để đảm bảo cho cuộc chuyển giao quyền lực sẽ là yên ổn, trật tự và êm ả. Cần chấp nhận thực tế là chưa bao giờ trong lịch sử Campuchia hiện đại, quyền lực được chuyển giao mà không có máu đổ".

Bài báo cũng khẳng định như đinh đóng cột, như một chân lý chỉ cần tin, chớ không cần chứng minh: "Thời điểm lịch sử quan trọng có lẽ từ năm 2023 đến năm 2028 - di sản cho cả Thủ tướng Hun Sen và thủ tướng tương lai Hun Manet, để đảm bảo rằng đó sẽ là cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên không đổ máu trong lịch sử hiện đại của Campuchia".

Giới trẻ là quan trọng

Thật ra, tất cả đều trong khuôn khổ pháp luật, kể cả việc ông Hun Sen có quay lại nắm quyền. Bài báo viết: "Thủ tướng Hun Sen đã nói rõ: nếu các thế hệ sau làm gì tổn hại đến thành quả 40 năm của CPP và đất nước Campuchia, ông sẽ ngay lập tức nắm lại chính phủ vì điều đó được cho phép trong hệ thống dân chủ đại nghị mà đảng chiến thắng có quyền quyết định ai sẽ là thủ tướng".

Dường như đó là lý do khiến tướng Hun Manet, người kế vị ông Hun Sen, hôm 6-6 vừa rồi, đã cảnh cáo giới trẻ thuộc CPP đừng tham gia những hoạt động tiêu cực. 

Phát biểu trong cuộc họp của nhóm công tác thanh niên CPP ở tỉnh Takeo hôm thứ ba 6-6, ông Hun Manet, hiện là người đứng đầu Đoàn Thanh niên CPP, nói với các đoàn viên rằng thành công của CPP là nhờ những nỗ lực phục vụ người dân, ưu tiên cho các phúc lợi của người dân như phát triển cơ sở hạ tầng, bệnh viện, chùa chiền, trường học và giúp đỡ mọi người trong những thời điểm khó khăn mà không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, tờ Khmer Times 8-6 cũng thuật lại rằng ông Hun Manet cảnh báo rằng tất cả thành công và thắng lợi của CPP có thể dễ dàng bị đánh mất nếu những người thuộc đoàn thanh niên, một phong trào mạnh mẽ và rộng lớn, lạc lối và đưa ra những quyết định sai lầm như tham gia vào "các hoạt động phi pháp". 

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải quyết tâm tiếp tục giữ vững thành quả hôm nay cho các thế hệ mai sau. Đây là sự tham gia của CPP nhằm đảm bảo rằng chính sách chiến lược nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị, an ninh và trật tự công cộng sẽ được thực hiện vì lợi ích của đất nước và nhân dân chúng ta".

Điều mà Hun Manet lo ngại dễ xảy ra trong bối cảnh ở Campuchia từ lâu đã có những tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động mạnh, ngay từ khi ông hoàng Sihanouk về nước năm 1991. 

Theo Bộ Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Campuchia, hiện các nước sau đây đã có NGO đăng ký hoạt động: Mỹ 99, Trung Quốc 8, Ấn Độ 2, Nhật Bản 28, Hàn Quốc 40, Singapore 10, Thái Lan 5, Úc 29, Pháp 24, Đức 10, Anh 22, Brazil 4..., tổng cộng là 341 NGO.

Và đây mới là một trong nhiều cửa ngõ tiếp xúc trong một định chế đa đảng, và trên thực tế ở Campuchia, các tổ chức này hoạt động bình đẳng cùng các đoàn thể nhà nước. 

Ví dụ ngày 10-8-2022 tại Phnom Penh, một diễn đàn được sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), EU và các tổ chức khác, đã quy tụ khoảng 120 đại biểu đại diện cho các NGO, các bộ thuộc Chính phủ Campuchia, cơ quan quốc tế và đoàn thể thanh niên đã tham dự, với mục đích "giới thiệu và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong quản trị và phát triển" và "làm sáng tỏ quá trình ra quyết định của chính phủ ở Campuchia".

Tại hội thảo, giám đốc điều hành TI Campuchia Pech Pisey cho biết kiến thức, sự quan tâm và sự tham gia của giới trẻ vào các vấn đề xã hội và chính trị vẫn còn hạn chế. 

"Mặc dù những người trẻ tuổi chiếm một phần đáng kể trong dân số Campuchia, bằng chứng hiện có cho thấy họ tiếp tục gặp phải những rào cản đáng kể [đối với việc tham gia] vào các lĩnh vực dân sự và chính trị" - ông Pisey nói, trích dẫn một nghiên cứu chuyên sâu về các nữ lãnh đạo và phụ nữ, thanh niên do TI thực hiện và một cuộc khảo sát về thanh niên của BBC Media Action.

Người phát ngôn của chính phủ Phay Siphan thì nói diễn đàn được tổ chức vào lúc này là điều tốt vì Campuchia vẫn phải chịu áp lực liên tục từ bên ngoài do cạnh tranh địa chính trị giữa các siêu cường, vì vậy cần khuyến khích sự tham gia và nhận thức về chính trị của giới trẻ. 

Tuy nhiên, ông phản đối ý kiến cho rằng sự tham gia của giới trẻ vào các vấn đề xã hội và chính trị còn hạn chế: "Tôi không đồng tình với ý kiến đó. Nếu chúng ta hỏi giới trẻ ở Mỹ, nơi tôi sống 20 năm trước, thì giới trẻ ở đó chưa bao giờ quan tâm nhiều đến chính trị và những người quan tâm đến chính trị nói chung - như được phản ánh qua số lượng cử tri ở Mỹ - cũng tương đối ít".

Lựa chọn duy nhất?

Lập luận của tờ này tiếp tục đào sâu huyền thoại "đổ máu": "Trong 500 năm qua, Campuchia đã chứng kiến nhiều đợt chuyển giao quyền lực bạo lực. Nhờ chính sách đôi bên cùng có lợi do Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu, Campuchia đã đạt được hòa bình vào cuối năm 1998, sau khi tất cả các phe phái Khmer cùng nhau dưới một mái nhà, một hiến pháp và một chính phủ".

Trên thực tế, sau gần một thập niên nháo nhào trong định chế đa đảng mới mẻ, Campuchia đã trở lại yên ổn sau cuộc bầu cử 1998 nói trên. Kheang Un và Judy Ledgerwood, trong nghiên cứu "Cambodia in 2001: Toward Democratic Consolidation?" đã đánh giá: 

"Năm 2001 đánh dấu năm thứ ba ổn định chính trị tương đối ở Campuchia kể từ cuộc tổng tuyển cử 1998. Môi trường chính trị yên tĩnh này đã tạo tiền đề cho chính phủ liên minh của CPP và Mặt trận Dân tộc thống nhất vì độc lập, Campuchia trung lập, hòa bình và hợp tác (FUNCINPEC), đứng đầu bởi Thủ tướng Hun Sen và Hoàng thân Norodom Ranariddh".

Cách nhìn lịch sử chuyển giao quyền lực ở Campuchia là đổ máu giải thích cho việc cận kề ngày bầu cử, Khmer Times 18-7 giựt tít: "Tướng Hun Manet nói bỏ phiếu, chớ đừng nổi dậy để chọn chính phủ mới". 

Bài báo dẫn lời ông Manet: "Một sự thay đổi chính phủ thông qua bạo lực, cách mạng màu hoặc nỗ lực vũ trang sẽ không bao giờ đảm bảo hòa bình... Chúng ta phải ngăn chặn hai thủ đoạn này. Vì vậy, chúng ta chỉ còn lại một lựa chọn duy nhất: thay đổi chính phủ thông qua các cuộc bầu cử dân chủ được tổ chức năm năm một lần".■

Theo điều tra dân số Campuchia năm 2019 được Phnom Penh Post 10-8-2022 đăng lại, những người dưới 30 tuổi chiếm 2/3 dân số và thanh niên từ 15-30 tuổi chiếm 28%. Tỉ lệ thanh niên biết chữ đạt trên 90%, trong đó 70% đang tham gia hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh "giành giựt" giữa các đảng, ứng cử viên Hun Manet được báo chí nhà nước giới thiệu là "niềm hy vọng của Campuchia" - tựa một bài báo trên Khmer Times.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận