'Bầu trời - trường đại học của tôi': Thỏa chí trên những tầng mây

HỒ ANH THÁI 14/01/2025 14:47 GMT+7

TTCT - "Bầu trời - trường đại học của tôi" là câu chuyện của một phi công chiến đấu gắn bó với bầu trời trong suốt binh nghiệp của mình.

Thỏa chí trên những tầng mây - Ảnh 1.

"Bầu trời trường đại học của tôi" là câu chuyện của một phi công chiến đấu gắn bó với bầu trời trong suốt binh nghiệp của mình. Từ khi học hết phổ thông, được đào tạo trở thành phi công chiến đấu cho đến khi là tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, ông vẫn thực hiện những chuyến bay trong binh chủng và cả ở nước ngoài.

Tuổi trẻ đầy lý tưởng đầy hoài bão, anh phi công Nguyễn Đức Soát đã cùng đồng đội bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, trong đó riêng anh bắn rơi sáu chiếc, đặc biệt có một chiếc F-4J của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, chiếc duy nhất bị rơi trong chiến tranh Việt Nam.

Trong hồi ức, viên phi công còn nhớ như in những trận không chiến với máy bay địch, những trận chiến với chiến thuật có khi lạ lùng, đòi hỏi sự dũng cảm, tỉnh táo và mưu trí đặc biệt. Những đoạn tường thuật trận đánh thật tỉ mỉ, đầy những yếu tố kỹ thuật tác chiến, khiến người đọc cũng hồi hộp và hào hứng như chính mình đang ở trong cuộc.

Chuyện tình của người chiến sĩ lái máy bay cũng thật nhiều khúc đoạn, có chút éo le, có hoàn cảnh của tình xa, có những ngẫu nhiên bất ngờ của số phận. Câu chuyện đầy chất lãng mạn thời chiến và thời bình, có cái hồn nhiên mơ mộng tuổi trẻ, có cái đẹp mà chỉ cuộc đời người lính chiến mới sâu đậm và da diết đến thế.

Đọc cuốn hồi ức này là đọc một tiểu thuyết về chiến trận, về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương. Nói là tiểu thuyết, vì dù ông đã kể một cách chân thật, với nhiều nhân chứng và vật chứng, thì một cuộc đời đầy ắp sự kiện và nhiều biến động bất ngờ như vậy, có khi hấp dẫn và ly kỳ như tiểu thuyết. Ở trong đó có ký ức tuổi thơ trong thời chiến, ký ức về thời thanh niên dâng hiến nhiệt tình cho cách mạng và cho đất nước. Có những nỗ lực sau chiến tranh để thúc đẩy quan hệ bình thường với đối thủ nay thành đối tác. Ở công việc nào, người lính không quân ấy dường như cũng dồn trút nhiệt tình, hiểu biết, cùng trải nghiệm bản thân, để có những đóng góp đáng kể.

Nguyễn Đức Soát là người lính mê sách và yêu văn chương. Thời chiến bom đạn đầy trời như vậy mà sau những trận quần nhau với máy bay địch, anh phi công vẫn ghi nhật ký đều đặn hằng ngày, tỉ mỉ, sinh động. Năm 2020, tập nhật ký ấy đã được ông cho xuất bản với cái tên Nhật ký phi công tiêm kích (NXB Trẻ), nhờ đó người đọc có thể hình dung cuộc sống và chiến đấu của một người lái máy bay thời chiến, cũng là hình ảnh tiêu biểu của đội ngũ sĩ quan và chiến sĩ binh chủng không quân thời ấy. Trong tập hồi ức Bầu trời, trường đại học của tôi xuất bản năm 2024, cây bút Nguyễn Đức Soát đã vượt qua những tư liệu thô của nhật ký, thể hiện bút lực dồi dào và bài bản của một người lính viết văn. Phần hồi ức về tuổi thơ mê sách, đi chăn vịt chăn ngỗng cũng mang sách theo đọc, và đọc cả những tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới như Không gia đình, Những người khốn khổ, Đảo giấu vàng, Timur và đồng đội… đã lý giải việc người phi công này có thể viết ra một cuốn sách hấp dẫn, lôi cuốn được người đọc. Anh phi công ấy sau những trận chiến quyết liệt trên bầu trời, vào những lúc ngồi giữa đồng đội chờ giặc đến, vẫn kể cho đồng đội nghe nội dung những cuốn sách kinh điển anh vừa đọc. Trước đó, từ thời còn là sinh viên tại Trường Không quân Liên Xô, "vào những lúc nằm dài trên bãi cỏ ở ngoài sân bay chờ thời tiết tốt lên để bay, cánh học viên chúng tôi thường kể cho nhau đủ thứ chuyện. Tôi hay lôi những đoạn văn trong những cuốn sách mình đã đọc ra kể. Trọn vẹn như ý chí của Lôi Phong:

Với đồng chí, ấm áp như trời xuân

Với việc công, cháy nồng như nắng hạ

Với chủ nghĩa cá nhân, gió mùa thu quét lá

Với quân thù, như băng giá đêm đông.

Hay lãng mạn kể với giọng tếu táo đoạn Aksinia vươn vai và nói: 'Ôi, nhẹ cả người' sau khi tình tự với Grigory bên bờ sông, cả đám học viên trẻ măng ngơ ngác hỏi nhau không hiểu vậy có nghĩa là gì. Anh em còn bảo tôi phịa vì làm sao nhớ được chi tiết trong bộ Sông Đông êm đềm dày thế của Sholokhov… Mọi người đã rất ngạc nhiên sao một cậu học sinh nhà quê mà lại có thể kịp đọc nhiều sách như vậy…" (trang 247).

Đoạn hồi ức này giúp người đọc Bầu trời, trường đại học của tôi không còn ngạc nhiên khi đọc những trang văn của Nguyễn Đức Soát. Giàu kinh nghiệm nghề nông, cộng với bản tính hóm hỉnh và khả năng thu góp chi tiết của người viết văn xuôi, tác giả kể về bản năng lạ lùng của loài ngỗng mà mình chứng kiến từ thời tuổi thơ: "Thông thường ngỗng cái đẻ trứng trong chuồng vào ban đêm. Tuy nhiên có những con ngỗng cái đã không kịp đẻ. Vậy là khi cả đàn vẫn đang kiếm ăn ngoài đồng, mình nàng ngỗng cái đó lệch bệch đi xa hàng cây số về chuồng để đẻ. Một điều thú vị đã xảy ra. Không biết có phải do sợ con ngỗng cái không biết đường về nhà hay muốn đi bảo vệ, con ngỗng đực đầu đàn lập tức đi cùng. Về đến nhà, trong khi ngỗng cái vào chuồng đẻ, ngỗng đực nằm canh ngay cửa chuồng. Xong xuôi, ngỗng đực lại dẫn ngỗng cái ra hòa với cả đàn" (trang 248).

Người đọc cũng không ngạc nhiên khi anh phi công này làm thơ tình tặng người yêu, chân thật và đầy thi tứ, lãng mạn nhưng không hề lâm li cường điệu cảm xúc:

Em biết không?

Ở sân bay trời như rộng hơn

Mây cũng thưa hơn nhuộm màu vàng nắng

Và trên cả những vầng mây trắng

Bầu trời xanh trong…

Và nhắn gửi người yêu sắp chia xa:

Ngước nhìn trời, em lại gặp anh.

Tác giả chỉ công bố duy nhất bài thơ này và độc giả có thể đọc văn bản đầy đủ ở trang 280.

Có thể nhiều người đã biết về trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, người đã giữ nhiều trọng trách trong quân đội, nhưng những trang sách trong Bầu trời trường đại học của tôi vẫn là bức chân dung sinh động và khá đầy đủ, giúp ta hiểu thêm một con người thuộc về một thế hệ đầy hoài bão, mà số phận cá nhân đã hòa nhập trọn vẹn vào số phận chung của dân tộc mình.

(*) NXB Trẻ 2024.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận