BẾN

TRẦN CHIẾN 29/08/2015 21:08 GMT+7

"Anh còn muốn ăn cả em...”. Bến thấy sợ. Chả phải đây là điều cô cảm thấy, đoan đoán là nó sẽ xảy ra sao. Bao lần tưởng tượng, cô đều thấy mình từ chối, thật lịch thiệp, để giữ được thân mà không mất chỗ làm thêm.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

“Con dở hơi! Con bò ngu! Không nghe lời tao cho mày chết!...”.

Mặc cho Hợp giận dữ sau lưng, Bến phăm phăm ra cửa, vung vẩy cái túi nhỏ. Kinh nghiệm với chả kinh nghiếc, lên mặt đàn chị dạy dỗ, sang trước người ta một năm đã là gì. Và ba cái bài học giao tiếp bảo không nên thế này thế nọ đến là lẩm cẩm.

Sống đâu thì cũng phải có hàng xóm láng giềng, tắt lửa tối đèn có nhau chứ đứng không mà được á. Cương quyết thế nhưng khi đứng trước cánh cổng gỗ thì ngần ngừ một chút. Chả biết là ai sống đằng sau bức tường vẽ mấy hình thù chẳng ai hiểu nổi kia. Giá là ông bà già như bố mẹ mình thì tốt nhất.

“Reng” đến lần thứ ba thì cửa mở, bộ râu xồm hé ra làm Bến hơi cà cuống. Cao mươi lăm phân nữa thì được hai mét, mắt xanh ánh tim tím, quần soóc áo phông dù trời hơn mười độ, gã săm soi rồi bước hẳn ra ngoài. “Tôi có thể giúp được gì?”, tiếng Anh bật ra làm Bến bớt lúng túng.

Bằng tiếng Anh, tiếng Mitstral chen tiếng Việt và “tiếng” của cơ thể, cô ra sức “nói” nhà tôi bên kia, là hàng xóm của anh và có cái này trong túi này này. Đến lúc tay bắt đầu mỏi thì cánh cổng mở ra. “Xin mời”.

Trong nhà ấm sực, nồng mùi bơ tỏi pha chút mốc thếch lưu cữu. “Sao bừa bộn thế? Anh ở đây với ai, không có vợ con à?”. Bến định hỏi nhưng kịp “phanh”, áp dụng bài giao tiếp học trước khi sang.

“Tôi xin lỗi nhé đáng phải gọi điện trước. Nhưng mấy miếng này phải ăn nóng mới ngon. Gọi là bánh nếp, tôi đi chợ Tàu mua gạo về giã, nêm nhân thịt lợn ướp tiêu với nước mắm rồi rán. Hội làng chả thiếu món này được. Anh thích hôm nào tôi làm nem nếm thử. “Nem”, trong sổ tay du lịch người Âu thế nào cũng giới thiệu, cùng với “phở” là hai món ngon của đất nước Việt Nam.

Tôi nghĩ hàng xóm thì nên biết nhau gần gũi sẽ tốt hơn xin mời xin mời nào, coi như tặng anh bát dưa quả cà vậy”. Gã kia đứng đực ra nhưng lũ ria giần giật, chứng tỏ đã bị mùi bánh nóng quyến rũ. Lúc Bến chả biết nói gì nữa thì gã mời ngồi, rót cốc nước quả đặt trước mặt.

Sau đó mọi chuyện đơn giản hẳn. Paul chén ngon lành dù Bến “rất tiếc là không có nước chấm ngon cho anh”. Gã gọi cô là “Ben”, bảo rất ngon rất thích và cảm ơn nhiều nhiều. Có chút ấm ách khi ra về: thế mà nó chả rặn ra được nụ cười, nhưng nghĩ câu “ăn nhanh đi chậm hay cười, thích mua đồ cũ là người Việt Nam” thì thôi.

- Đấy thấy chưa nó ăn ngoan lắm.

Hí hửng quăng câu ấy ra nhưng Hợp ra điều chả chấp. Hợp sang trước một năm, làm ở nhà dưỡng lão, thấy Bến lơ ngơ rủ về trọ cùng. Xóm xa, ít tiện nghi, phải nhảy xe buýt rồi chui xuống đất chuyển ba bận tàu điện ngầm, leo lên chạy như ma đuổi mới kịp giờ. Được cái chợ gần, chị em nói tiếng Việt thoải mái, tiền thuê rẻ lại cưa đôi, nếu Hợp không có cái thói “chị sang trước dạy cho mà nghe” thì vui thôi rồi.

Ở nhà một mình, cơn nhớ con nó hành. Quê Bến chó ăn đá gà ăn sỏi, chả ma nào đến lập dự án để được đền bù như dân xã bên, lều nát bỗng biến thành nhà gạch mát rượi, đặt cái tủ kính bên trong có vỏ chai rượu Tây vào tha hồ ngắm.

Hai mươi tuổi Bến lấy chồng, hai năm sau có con, năm sau nữa xảy chuyện. Bình ít nói, biết điều, bảo là hiền cũng được nhưng quá nghe mẹ. Vợ trẻ thích đi chơi, mụ khọm kêu “đàn đúm lắm lại rửng mỡ”, Bình ngồi giữa rít chục hơi thuốc lào rồi ôm chai rượu “tẩn”, lăn ra khù khì. Bến sinh con, Bình không được gần vợ bốn tháng, mót lắm nhưng vẫn phải chịu vì bà nội đòi vào “ngủ trông cháu”.

Đàn ông thế là cù lần, nên sau vài trận “tan tành xác pháo” Bến vác con về nhà, năm sau ra tòa lìa hẳn. Nhẹ nợ lắm. Giờ nghĩ đến “chồng xưa”, cô không tiếc nuối chả căm hờn, chỉ còn nhớ mùi nước điếu khai khai hòa mùi rượu, cái áo khăn khẳn mồ hôi. Chỉ tội cu Bờm vẫn nhắc, nhưng bố nó đã có đàn bà khác.

Mẹ Bến đón cháu về nhẹ bỗng, như thể nó mới sang hàng xóm ngủ tối qua. Chiều chuộng, dạy bảo, rủ rỉ như đôi bạn. Phải cái với con thì nặng nhẹ ra gì, ra điều mày ra “dâu tây” chứ không giống tao một téo. Bến chả nghe, xung vào đội chèo xã, học những Đò đưa, Đường trường với Làn thảm, tấp tểnh đi diễn một mùa hội xuân thì suýt bập vào gã đội trưởng đĩ thõa đã có vợ.

Gái bỏ chồng không là đồ voi dày thì cũng chênh vênh. Thế là nhập vào làn sóng lên đường cứu nhà. Ra tỉnh, người bế con cho kẻ có, người chạy xe ôm, thợ xây, có chút nhan sắc thì vào nhà phòng hát cho thằng say nó vần. Ai cũng bảo nhớ nhà thương quê, có đồng quà tấm bánh dành mang về cả nhưng chả ai về sống.

Buồn tênh, trống toang, ngày hội chả còn mắt lá răm lúng liếng sang anh đô vật bắp thịt cuồn cuộn, rặt con trẻ xa cha mẹ với ông bà già sợ chết không ai đưa, nông thôn nào giờ chả thế. Bến, như Hợp, cũng là phận bưng bô rửa đít, nhưng được tận xứ người. 250 triệu có hóa đơn và 50 triệu nữa, gọi là “bồi dưỡng” cho công ty đưa người thì được cái hợp đồng lao động có bảo hiểm.

Mistral mênh mông, lạnh rút người, già cả không ở với con cái mà cứ thập thễnh một mình, cùng quá vào trại dưỡng lão cho da đen da vàng nó hầu, chả tin có ngày con đến thăm. Cứ bưng bô rửa đít đẩy xe hóng hớt thế, sẽ được hai tháng một lần ra bưu điện gửi tiền về nhà. Đã có cô điều dưỡng thẽ thọt thế nào được ông cụ nọ di chúc cho chút chút tài sản rồi. A, biết thế nào được.

***

Chuyến thăm hữu nghị chả thúc đẩy quan hệ giữa hai “quốc gia” thêm khắng khít. Paul im ỉm cổng cửa, mỗi lần xuất hiện chỉ chào, cùng lắm giơ tay ra hiệu, mà cấm có cười. Có hôm thấy gã đẩy máy cắt cỏ ngoài vườn, Bến lân la, hỏi câu nào chỉ đáp câu ấy. Tức thật. Y như mấy bà già ngoài chợ nhặt, không bao giờ bắt chuyện chồng con chị thế nào, bố mẹ bao tuổi, thế à, các cụ “đi” rồi tiếc nhỉ.

Không có hàng xóm, chỉ lạnh lùng thì còn gì là tình người. Thôi đành coi đây là cuộc kiếm sống, sinh tồn cho bà cháu Bờm có miếng thịt, còn phần hồn mình coi như chết rồi. Hợp cũng đã đi, làm cho nhà dưỡng lão gần cực Bắc toàn băng tuyết, bạn cùng tuần lộc, hươu nai, nhưng lương bổng được lắm.

Trời đất xoay vần chả biết thế nào mà lần. Sáng ấy ngủ muộn, Bến tất tả vơ túi bổ ra ngoài. Cửa chốt lại, mới biết chìa khóa không mang, mà bếp từ đun dở chưa tắt. Cháy nhà thì chết. “Hậu đậu”. “Đoảng vị”.

Những câu riếc của mẹ chồng cũ đang hiện lại thì thần hộ mệnh xuất hiện. Paul ra sau nhà nhảy qua rào, cạy cửa sổ leo vào trong. Cửa chính mở, trước một trời biết ơn của người đàn bà trẻ, gã chỉ khục khặc trong họng, quay về nhà mình im ỉm. Tốt bụng nhưng bất lịch sự, vô tình vô ý, đàn ông xứ này thế a?

Thất vọng nhưng không bỏ cuộc, Bến lại sang, buổi tối, chính thức cảm ơn, lân la tìm hiểu rồi hỏi anh có cần người dọn nhà hằng tuần không, ý tôi là chỉ có chúng ta biết thôi, đỡ thuế má mà tôi đang cần tiền. Cơn trắc ẩn nổi dậy, Paul hỏi han “gia cảnh” qua loa khiến “thiếu phụ” lăn ra đôi giọt lệ. Rồi đồng ý, trao hẳn chìa khóa không lý đến hộ chiếu. “Nhưng có vài chỗ cô không được động đến!”.

Paul làm bên sửa đường, tính theo lý lịch bên ta thì thuộc giai cấp lãnh đạo, mùa hè lái xe chở nhựa đen trộn đá nghiền đến chỗ này chỗ kia, mùa đông là muối, sỏi để chống trơn trượt. Làm lâu rồi nên lương cũng khá, gã thường ăn sáng ở nhà, tối đến cùng bạn bè dùng bữa rồi đến quán khác uống, cuộc sống ổn định nhưng buồn tẻ, quá hợp lý mà thiếu những ất ơ vơ vẩn.

Tuần đầu Bến làm, Paul hơi sững người khi thấy hoa trên bàn, hoa dại hái ngoài vườn thôi nhưng vào trong nhà lại tỏa hương, thứ hương khiến mơ tưởng. Nhà không còn chỉ là chỗ cư trú, cái “ổ” toàn mùi đàn ông, mà ấm áp như ổ bánh mới. Sang tháng, khi thanh toán xong, Bến bảo anh về nhà mà ăn tối, tuần tôi nấu được ba bận, những buổi không phải chăm đêm, Paul nhìn cô chăm chằm.

“Anh còn muốn ăn cả em...”.

Bến thấy sợ. Chả phải đây là điều cô cảm thấy, đoan đoán là nó sẽ xảy ra sao. Bao lần tưởng tượng, cô đều thấy mình từ chối, thật lịch thiệp, để giữ được thân mà không mất chỗ làm thêm. Nhưng giờ thì mụ mị hẳn, khi thấy mình trên giường thì đã muộn. “Con điếm đói khát”, Bến tự xỉ vả khi về nhà, ngay trong đêm.

Nhưng hôm sau thì chính thức bắt đầu cuộc chung đụng nửa vời. Gọi thế vì “vào” với nhau xong thì Paul chỉ muốn một mình, cô cũng không chịu được tiếng ngáy và mùi gã thở ra. Mọi chuyện dọn dẹp, nấu ăn vẫn như cũ, thanh toán theo thỏa thuận. Paul là người được giáo dục kỹ, lái xe nhường đường cho người đi bộ, xếp hàng không bao giờ chen.

Nhưng nhiều lúc lẩm cẩm quá hóa dở hơi: đèn đỏ, đường chả ma nào mà vẫn dừng chờ. Hằng tuần gã gọi điện cho mẹ với cả vợ cũ, tháng tháng đón con về chơi. Bến bất giác thấy mình ngong ngóng Olivier, dễ thương lắm, san được chút cồn cào về cu Bờm. Con ngã, Paul cản Bến lại: “Cứ để nó tự đứng dậy”. Olivier hay thập thò theo Paul vào nhà tiểu thì bố nó giơ cả “súng đạn” ra “Đây xem đi!”, thế là thằng bé thôi. Có cái bãi tắm “tiên”, mọi người đều nhồng nhỗng, bố con rất ưa, mà Bến quyết không tham gia.

Paul muốn giữ lại sự tự do của trai độc thân, nhưng lại cần nhiều thứ của cô. Như là cơ thể “gái một con”. Như là ngôi nhà tinh tươm khi đi làm về, trên bàn có bình hoa, khăn tắm khô, thơm tho gấp trên giá, cốc nước quả giằm đá bào.

Bến học làm các kiểu nước xốt, tương nhiều nấm, rau gia vị khi chế những món có bơ, phomat quá bổ béo, thêm vài quả ô liu hoặc đĩa sa lát làm Paul giảm hẳn những bữa tối ở ngoài. Chậc, đàn ông như con vịt cho ăn muối, cả ngày rúc rỉa những tanh tao ngoài đồng, tối nhớ mặn phải về chuồng.

Phải chi huấn luyện được trình cao hơn, như là thịt chó mà không có giềng mẻ với mắm tôm thì còn chó gì là thịt chó. Nhưng thế đã là nhiều. Mình trói Paul chặt cũng là cách kiếm thêm xu gửi về bà ngoại, biết đâu có ngày nó cho mình đón Bờm sang. Nghĩ vậy và chìa ảnh thằng bé ra, rồi chưng hửng khi Paul bảo “Tuần này Olivier không về”.

Còn nhiều cú bất ngờ từ giời cao đột ngột rơi xuống, gây sốc hay sung sướng hóa rồ còn tùy, không bình tĩnh lăn ra bất tỉnh như chơi. Chị cầu kỳ soạn bình hoa chờ thì anh chả khen, lại căn vặn ra vườn hái thằng hàng xóm có tán tỉnh, đâm vừa thích vừa ấm ách mà chẳng thể nói ra; không đủ vốn từ nhỡ nó hiểu lầm bỏ bố.

Nhưng chả có đận nào dở khóc dở cười như hôm Paul thì thào “Anh có món quà, em chả đoán được đâu. Nào, xuống gara, nhắm mắt lại...”. Đấy là chiếc xe đạp nữ, điệu đà, chắc chắn, yên mềm mại, sang số được khi lên xuống dốc. Dân Mistral yêu xe đạp như dân Trung Hoa nghiện đánh bài.

Gần ba trăm ơ nhưng dầu sao vẫn là chiếc xe đạp. Bến cố tươi cười cảm ơn cảm ơn anh, nhưng lúc lên giường thẽ thọt: “Em bảo này em cảm động lắm, nhưng em rất khó nói ý em là năm nay Bờm vào lớp 1 phải đóng nhiều tiền lắm”. “Phải sang tháng sau”, Paul đơ ra một tí rồi lại hùng hục.

Thế mà hôm sau Bến tỏ ý muốn đi ăn hiệu, Paul bảo ai sẽ trả phần người nấy vì thu nhập riêng rẽ. Ớ người, rụt ngay lại. Họ là gì với nhau, ông chủ và người làm thuê, bạn bè, nhân tình nhân bánh hay kẻ mua người bán dâm? Dù sao cả hai đều cần như thế này.

Nhờ Paul, Bến biết được nhiều điều nên hay không nên làm. Như là mới gặp chớ có xơi xơi hỏi bao nhiêu tuổi, chồng con chưa, lương bổng khá không. Có hôm Paul xem truyền hình rồi thở dài. Hỏi sao, đáp rằng EU, cái tổ chức rất lớn của châu Âu, bắt các thành viên hằng năm phải nhận từng này người nhập cư, con số năm nay vào Mistral là hai nghìn.

“Ai bảo tự do với cả bình đẳng bác ái!” - Paul làu nhàu khi Bến hỏi: “Anh không vừa lòng à?”. Đi phố thấy trên tường vẽ cái máy giặt, bên trong là mấy người da màu, cô hỏi nghĩa mấy chữ bên cạnh, Paul đáp: “Em không muốn biết đâu. Đó là “Cái máy giặt này - tức xứ Mistral - đang bị hỏng vì lũ này”... Có cả một đảng phản đối người nhập cư...” làm Bến thấy lo lo.

Paul vừa là người trả lương, lại là mục tiêu thuần hóa của cô, thông qua thức ăn và chính thân thể mình, đâm ra Bến, mỗi bận dọn nhà xong, nghe tiếng kẹt cửa không thể ào ra làm cái trò chó vẫy đuôi cọ vào chân ông chủ. Mọi chuyện cứ thế, như là một câu chuyện, chả biết mình là nhân vật chính hay bé tẻo tèo teo rồi thỏm thòm thom đi.

***

Nhưng vẫn xảy chuyện. Nguyên cớ chẳng vào đâu, là từ cái nhỏ nhặt đàn bà. Trên nóc tủ có cái vali nhỏ xíu, da thật, cổ lỗ sĩ, có lần Bến lôi xuống định lau thì Paul không cho. Hỏi có gì thì chỉ “Việc riêng!”. Không thể cưỡng nổi, vào lúc vắng vẻ, cô mở ra. Vài tờ giấy nguệch ngoạc hình trẻ con vẽ, hóa đơn, chìa khóa, quyển truyện tranh và mớ quả thông đã nát. Bèn dọn dẹp đống vụn, Paul về thì “Thấy sạch sẽ chưa, anh cứ giữ lại chỉ tổ...”.

Tiếng gầm làm cô im bặt. Mặt co rút, nắm đấm xiết lại, gã xập cửa, đi sang chiều hôm sau. Dĩ nhiên là tạnh, tạnh ráo, những gọn gàng với cả sạch sẽ.

Lần bị giời hại thì không còn cơ hội làm lại. Bên nhà báo sang mẹ ngã gãy chân. Tưởng đến Bờm một mình ra cầu ao, bà trong bệnh viện hít suông mùi thức ăn người nằm bên, Bến hóa dại. Cái hốc ấy, đã vài lần, cô lén lấy những ơ lẻ. Bèn cầm ba trăm ra bưu điện gửi về, định bụng bảo Paul mình vay. Đón cô ở nhà là thằng đàn ông đang cố kìm cơn điên. Bến đang lắp bắp thì gã đòi lại chìa khóa, dắt tay cô ra cửa.

Trát tòa đến, đại loại ông Paul kiện bà Ben tội “xâm phạm tài sản riêng” theo ngôn ngữ pháp luật. Phiên xử đơn giản, ngoài đôi bên nguyên bị chỉ có anh cảnh sát, thẩm phán và đại diện cộng đồng Việt. “Tôi có lỗi nhưng xin đừng quy là “tội” - Bến cố phân trần.

Người đại diện nói đây không phải lỗi bản chất, xin tòa xử vừa có lý lại vừa có tình, trong khi Paul lầm bầm cô ấy đã lấy vài lần tiền lẻ tôi bỏ qua, lần này tôi chỉ kiện chứ không cần trả tiền. Phán xét tuyên ra, Bến trượt từ trên ghế xuống sàn, không cấp cứu kịp thì vỡ tim.

Ngày về nước, Paul đưa Bến ra sân bay, mở cửa đóng cửa xe “như thường”. Không hầm hầm nhưng lặng ngắt, gã đưa cô bốn trăm ơ, lúng búng như là cảm ơn. “Tôi không cần. Paul, anh có biết là tôi luôn cố cho cuộc chung sống của chúng ta tốt đẹp hơn không? Có mỗi tí mà anh độc ác quá!”, cuối cùng Bến thấy mình không đến nỗi hóa câm.

Như không nghe gì, gã bảo đây là chi tiêu cho tháng này, kể cả bù vào cái xe đạp để lại, cô không lấy thì cho vào quỹ trẻ em bị đao. Cầm và đi thẳng, đằng sau anh ánh tím có nhìn theo... ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận