TTCT - Sông Seine đã hồi sinh sau hơn 30 năm được tích cực "điều trị", hòng trở về thời "mặc áo sương mù" và "khoe nước biếc" như trong thơ Nguyên Sa. Các vận động viên tranh tài trong nội dung thử nghiệm ba môn phối hợp nam trên sông Seine ngày 18-8-2023. Ảnh: ReutersTrước thềm Thế vận hội mùa hè 2024, thị trưởng Paris và Bộ trưởng Thể thao Pháp đều hăng hái bơi trên sông Seine, nơi thú vui tắm sông đã bị cấm hơn 100 năm qua do ô nhiễm. Triệu trái tim người Pháp cũng đang hướng về những nỗ lực giờ chót và cầu may mắn về thời tiết để dòng sông làm nên lịch sử với vai trò là điểm thi đấu của nội dung bơi trong ba môn phối hợp và bơi tự do tại Paris 2024.Khi số báo này lên khuôn, mọi thứ vẫn ổn. Ở rất nhiều khía cạnh, con sông đã hồi sinh sau hơn 30 năm được tích cực "điều trị", hòng trở về thời "mặc áo sương mù" và "khoe nước biếc" như trong thơ Nguyên Sa.Ôm nước vào lòngNgày 28-11-1988, thị trưởng Paris Jacques Chirac mạnh mẽ tuyên bố trong 5 năm, dân Paris sẽ có thể bơi trên sông Seine và ông sẽ tắm trước để bảo chứng. Lời hứa này đưa ra khi ông Chirac chuẩn bị tranh cử tổng thống Pháp. Tuy nhiên, cho tới khi qua đời năm 2019, cựu tổng thống Pháp vẫn không có cơ hội dang tay ôm nước sông Seine vào lòng như đã từng tuyên bố. Thôi thì "để nhiệm kỳ sau".Hôm 17-7-2024, trước ống kính hăng hái của phóng viên và những tràng pháo tay phấn chấn của hàng trăm người chứng kiến hai bên bờ sông, đương kim thị trưởng Paris Anne Hidalgo cùng một số quan chức và dân địa phương đã bơi trên sông Seine, đánh dấu thành công của một nỗ lực dài hơn ba thập kỷ nhằm biến sông Seine thành dòng sông sạch."Hôm nay là một ngày như trong mơ…" - Hidalgo phấn khích nói sau khi đã bơi khoảng 100m xuôi dòng. "Thật ngọt ngào và tuyệt vời. Đây là kết quả của một nỗ lực tập thể vô cùng to lớn" - bà nhấn mạnh.Tổng thống Emmanuel Macron cũng từng hứa "sẽ bơi trên sông Seine", nhưng không nói khi nào. Ông không có mặt trong sự kiện 17-7 nói trên. Hôm 19-7, Điện Elysée thông báo tổng thống vẫn có ý đó, nhưng "không nhất thiết" phải bơi trước ngày khai mạc.Thị trưởng Paris Anne Hidalgo trong cuộc bơi 17-7. Ảnh: ReutersSông Seine là trung tâm của Paris. Ngoài giá trị về giao thông và thương mại, nó là một địa điểm văn hóa nổi bật. Nhưng dân Paris không tự hào gì khi con sông này cũng là một bể chứa nước thải khi mưa gió. Xa hơn về quá khứ, dòng sông từng được xem là bãi rác của Paris. Trong nhiều thế kỷ, nước thải sinh hoạt, chất thải của con người, những thứ bỏ đi của những người bán thịt thời Trung cổ được đổ xuống sông. Vào thế kỷ 19, nước thải nhà máy và sinh hoạt được thải thẳng vào sông Seine.Việc tắm sông đã bị cấm từ năm 1923 do nguy cơ sức khỏe và giao thông rộn rịp trên tuyến sông này (dĩ nhiên, ai bất chấp lệnh cấm thì tự chấp nhận hậu quả). Hậu quả là gì thì hãy nghe Gaelle Deletang, 56 tuổi, thành viên đội cứu hộ dưới nước của Paris mô tả: Sau khi bơi trên sông Seine đoạn ở trung tâm Paris vào mùa đông năm ngoái, Deletang bị "tiêu chảy và nổi mẩn" khắp người. "Một số tình nguyện viên khác cũng bị ngứa ngáy trong ba tuần… và mọi người đều bị đau bụng" - bà nói với AFP. Arthur Germain, con trai của thị trưởng Paris, đã bơi dọc chiều dài 777km của sông Seine năm 2021 và thừa nhận có "những khu vực khiến khó thở" do ô nhiễm công nghiệp và nông nghiệp.Theo Françoise Lucas, giáo sư vi sinh học của Đại học Paris-Est Créteil, người lớn sẽ nuốt từ 14 - 28 gram nước sau khoảng một giờ bơi. Với trẻ em, con số này lên tới hơn 42 gram. Tắm sông Seine khi nồng độ vi khuẩn vượt ngưỡng sẽ có nguy cơ nuốt phải mầm bệnh gây tiêu chảy hoặc nhiễm trùng đường ruột, tiết niệu.Cơ quan y tế căn cứ trên nồng độ E. coli, một loại vi khuẩn thường có ở ruột già con người và động vật, để xác định chất lượng nước. Nếu nồng độ E. coli cao, nước sông có thể bị nhiễm phân. Theo Đài France 24, có thời điểm mức E. coli cao gấp 20 lần giới hạn tối đa là 900 Coliform trong 100 ml nước, theo tiêu chuẩn của Liên đoàn 3 môn phối hợp thế giới. Sự kiện thị trưởng Paris bơi trên sông Seine cũng bị hoãn đến hai lần do nồng độ vi khuẩn vượt quá giới hạn do các liên đoàn thể thao đặt ra trong một số ngày.Cho đến gần đây, khi những cơn mưa nhường chỗ cho thời tiết nắng ấm, chỉ số vi khuẩn mới lui về và ổn định dưới ngưỡng an toàn. Ngày 19-7, Tòa thị chính Paris thông báo sông Seine đủ sạch để bơi trong 6/7 ngày kiểm nghiệm (từ 10 đến 16-7).Tuyệt tác kỹ thuậtTình trạng ô nhiễm ở sông Seine chủ yếu do cơ sở hạ tầng thoát nước của Paris. Dưới lòng đất ở kinh đô ánh sáng là một hệ thống cống thoát nước khổng lồ được thiết kế từ thế kỷ 19. Trong hệ thống này, cả nước mưa và nước thải ở Paris đều được dẫn vào một mê cung cống ngầm và được chuyển bằng trọng lực đến các nhà máy xử lý bên ngoài thành phố.Khi mưa lớn làm đường cống quá tải, để nước không tràn lên đường, van cống sẽ mở để nước thoát ra sông Seine. Trung bình khoảng mỗi tháng một lần, đường ống cống lại bị quá tải khi có mưa lớn. Khi đó, nước thải chưa xử lý, trong đó có cả phân người bị tháo ra sông Seine.Theo tính toán của tổ chức môi trường phi lợi nhuận Surfrider Foundation, khoảng 1,9 triệu mét khối nước thải được xả vào sông Seine năm 2022. Chất lượng nước sông thường dao động mạnh sau những trận mưa bão lớn do nước thải chưa xử lý chảy vào.Nhiều biện pháp đã được đưa ra, quan trọng nhất là giải quyết vấn đề cống ngầm quá tải. Giải pháp của Paris là xây hầm Bassin d'Austerlitz, sức chứa 50.000 mét khối để chứa nước mưa. Hầm Bassin d'Austerlitz do một nhóm 40 kỹ sư phát triển, cao 32m, dài 50m mỗi chiều. Người đi tàu điện ngầm Métro, ở ga Austerlitz, chứng kiến việc xây dựng dự án khổng lồ này trong ba năm rưỡi mỗi khi đi ngang qua nó. Dự án Bassin d'Austerlitz là xương sống của kế hoạch làm sạch sông Seine, tổng trị giá hơn 1,4 tỉ euro.Bên trong Bassin d'Austerlitz. Ảnh: LP/Arnaud JournoisTừ tháng 5-2024, hầm chứa đi vào hoạt động. Nước mưa trong các trận mưa, bão lớn sẽ theo một đường ống dài 700m chảy vào hầm chứa này rồi quay trở lại hệ thống thoát nước thải. Hầm đảm bảo đường cống thoát nước không còn bị quá tải trong hầu hết các trận mưa lớn, chặn khả năng nước thải chưa xử lý bị đổ vào sông Seine. Theo báo Wall Street Journal, chính quyền thành phố dự đoán hầm chứa có khả năng bị tràn 2 lần mỗi năm, nghĩa là rất thấp.Đồng thời, Paris vẫn tiếp tục chú trọng đến những hoạt động làm giảm ô nhiễm môi trường như vớt rác trên sông, hoạt động bắt đầu từ năm 1980. Remi Delorme, người lái tàu vớt rác, cho biết sông Seine đã sạch hơn xưa rất nhiều.Con tàu dài 20m của anh vớt được đủ mọi loại rác từ túi nhựa đến xe đạp, từ ghế sofa tới xác động vật và người (vài lần trong năm). Anh nói với AFP, lượng rác tàu vớt được giảm dần, từ mức đỉnh 325 tấn xuống còn 190 tấn năm 2020.Chính phủ Pháp cũng cố gắng chấm dứt mọi nguồn chất thải đổ trực tiếp vào dòng sông. Năm 2018, luật mới buộc các tàu thuyền và sà lan hoạt động trên sông Seine phải đấu nối vào hệ thống chất thải của thành phố. Hiện nay, tất cả các tàu và sà lan đều tuân thủ quy định này và không còn tình trạng chất thải được xả thẳng xuống sông.Một vấn đề khác là chấm dứt rò rỉ chất thải từ đường ống của khoảng 23.000 ngôi nhà ở vùng ngoại ô, khiến nước tắm và nhà vệ sinh bị thải trực tiếp ra môi trường. Chính quyền Paris đã cử người liên hệ từng nhà, thuyết phục hàng chục nghìn chủ nhà cho phép công nhân đến nối đường ống thoát nước của họ với hệ thống thoát nước chính thay vì để nước thải trực tiếp vào sông Seine hoặc sông Marne. Người dân được trợ cấp tiền để sửa đường ống. Trường hợp nhà nào từ chối hợp tác mà để nước thải rỏ rỉ sẽ bị phạt nặng.Nhờ các nỗ lực tổng hợp, theo Samuel Colin-Canivez, người phụ trách các công trình lớn của mạng lưới cống của Paris: "Chúng tôi đã giảm từ 20 triệu mét khối nước thải vào sông Seine mỗi năm xuống còn 2 triệu mét khối trong những năm gần đây".Bơi ở sông Seine khi xưa. Ảnh: LAPI / Roger-ViolletPierre Rabadan - phó thị trưởng Paris, phụ trách thể thao, Olympic, Paralympic và sông Seine - cho biết thành phố muốn kể một câu chuyện truyền cảm hứng và để lại một "di sản Olympic". Theo tạp chí National Geographic, việc đăng cai Thế vận hội mùa hè khiến các nỗ lực làm sạch dòng sông của Paris tập trung hơn và đẩy nhanh ít nhất 10 năm. Tác động cải thiện chất lượng nước rõ ràng ở những khu vực có mật độ đô thị hóa cao.Sandrine Armirail, giám đốc của Maison de la Pêche et de la Nature, một trung tâm giáo dục môi trường, cho biết khi cô còn là một cô bé sống ở ngoại ô Paris, sông Seine chỉ có bốn loài cá, tất cả đều có khả năng kháng ô nhiễm. Trên thực tế, trong những năm 1970, sông Seine gần như chết về mặt sinh học. Ngày nay, dòng sông có 36 loài cá khác nhau sinh sống."Chúng tôi đánh giá chất lượng nước dựa trên số sinh vật sống trong đó. Càng có nhiều loài thì môi trường càng trong lành. Điều này có nghĩa chất lượng nước đã được cải thiện khá đáng kể" - cô nói với National Geographic. Paris vẫn đang dốc hết sức cho ngày khai mạc Thế vận hội. Tuy nhiên, các buổi diễn tập cho lễ khai mạc trên sông Seine, trong đó hàng nghìn vận động viên sẽ chèo thuyền xuôi dòng, đã bị hoãn lại nhiều lần vì dòng nước chảy mạnh. Dòng chảy của sông Seine hiện vào khoảng 400 m3/giây, cao hơn nhiều lần so với mức thông thường vào thời điểm này trong năm là khoảng 100-150 m3/giây.Để các vận động viên thi Olympic có thể đấu, Paris phải cầu trời… đừng mưa. Nếu có mưa lớn, như ngày 9-7 vừa qua, nước thải chưa qua xử lý có thể lại theo đường cống trôi ra sông, "ảnh hưởng đến chất lượng nước sông". Khi đó, theo kế hoạch B, cuộc thi 3 môn phối hợp sẽ không còn phần bơi lội nữa (thành 2 môn phối hợp) - và cuộc thi bơi tự do sẽ được tổ chức tại sân vận động hàng hải Vaires-sur-Marne, nơi cũng sẽ tổ chức các môn thi chèo thuyền.Còn trong kịch bản có yếu tố "trời thương", con sông sẽ là tâm điểm của lễ khai mạc Thế vận hội vào ngày 26-7 và sau đó là chào đón vận động viên thi 3 môn phối hợp (ngày 30, 31-7 và 5-8) và bơi tự do (ngày 8 và 9-8). Tags: Xem OlympicOlympicOlympic Paris 2024Sông Seine
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".