TTCT - Trong những ngày qua, các ca mắc bệnh “lạ” tiếp tục được phát hiện tại Quảng Ngãi. Đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh được các bên tham gia nghiên cứu đưa ra. TTCT giới thiệu một giả thuyết liên quan đến chất độc dioxin, do GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đưa ra dựa trên phân tích các thông tin từ truyền thông và đồng nghiệp của ông tại Việt Nam cung cấp. Thêm một bệnh nhân bệnh “lạ” tử vongBệnh “lạ” ở Quảng Ngãi: Thêm người tử vong Phóng to Tổng thống Yushchenko trước và sau khi bị đầu độc dioxin - Ảnh: Lancet Tính đến nay đã có 21 người tử vong vì bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi. Con số 21 bệnh nhân chết phải đặt trong bối cảnh 230 người mắc bệnh mới thấy mức độ nguy hiểm của bệnh, vì tỉ lệ tử vong rất cao (xấp xỉ 10%). Điều đáng nói là bệnh này đã xảy ra ba năm rồi nhưng ít được quan tâm cho đến khi có tử vong. Bệnh “lạ”? Những thông tin về bệnh “lạ” trong thời gian qua xuất hiện trên báo chí tương đối nhiều, nhưng hàm lượng khoa học còn quá ít. Thoạt đầu có người cho rằng đó là bệnh do người dân ăn gạo mốc, nhưng sau này đổi thành “gạo ủ” cho nhẹ nhàng hơn. Một thông tin cho biết 68% người mắc bệnh ăn gạo mốc, và có chuyên gia tự tin cho rằng gạo mốc là nguyên nhân gây bệnh. Đến khi một cán bộ địa phương chỉ ra rằng người dân ở đây từng ăn gạo ủ bao đời nay, tại sao bây giờ mới trở thành vấn đề. Câu phát biểu phản biện của vị quan chức này nếu dịch sang ngôn ngữ dịch tễ học có nghĩa là phát biểu mà không có so sánh với nhóm chứng (nhóm không mắc bệnh) thì không thể nói về nguyên nhân được. Thật vậy, 68% người mắc bệnh từng ăn gạo ủ là một dữ liệu, nhưng dữ liệu đó chưa thể thành thông tin. Chúng ta cần phải biết bao nhiêu người không mắc bệnh cũng từng ăn gạo ủ. Theo như cách nói của vị quan chức địa phương thì chắc là nhiều, chắc không kém con số 68%. Và nếu đúng như thế thì không thể nào nói gạo ủ là nguyên nhân gây bệnh được. Có quan chức y tế nói rằng bệnh “lạ” xuất hiện ở Quảng Ngãi là bệnh mới, chưa từng thấy trên thế giới. Nhưng những triệu chứng, qua phản ánh trên báo chí, có vẻ giống như hội chứng phì đại giác mạc (hay palmoplantar hyperkeratosis, gọi tắt là PPK). Nếu đúng như thế thì hội chứng này không mới. Tìm trong y văn thấy người ta mô tả hội chứng này từ những năm thập niên 1990 (và có thể trước đó nữa). Ngoài ra, những triệu chứng như viêm da dày bàn tay, bàn chân và ban chlor (chloracne) đã từng được báo cáo trong y văn, không phải một lần mà là nhiều lần. Được xếp vào nhóm bệnh di truyền hiếm, dạng autosomal, với triệu chứng khác nhau giữa các bệnh nhân ngay cả trong cùng một gia đình. Mới năm nay, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc còn báo cáo đột biến gen EHK có liên quan đến bệnh PPK. Như vậy, rất khó nói đây là bệnh mới hay bệnh “lạ”. Càng không mới và không lạ khi nó đã xuất hiện ba năm ngay tại một địa phương. Giả thuyết dioxin Nhưng vấn đề là yếu tố môi trường nào có liên quan đến bệnh. Một bản tin trên báo mạng vtc có thể gây chú ý. Theo bản tin này thì những người mắc bệnh sống trong một làng mà đầu nguồn “từng là căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy”. Rất có thể dioxin là một yếu tố quan trọng có liên quan đến PPK. Tôi sẽ giải thích tại sao có giả thuyết này qua những điểm dưới đây. Trong thời chiến, dioxin được sử dụng nhiều trong việc khai quang ở miền Trung, nhất là xung quanh Quảng Ngãi. Trong thời gian 10 năm (1962-1971) quân đội Mỹ đã phun xuống Việt Nam khoảng 77 triệu lít hóa chất. Tổng số lượng dioxin thải vào môi trường được ước tính tối thiểu là 370kg. Gần 5 triệu cư dân trong các vùng phía Nam Việt Nam bị ảnh hưởng dioxin. Có thể nói không ngoa rằng chiến dịch phun hóa chất xuống Việt Nam là một cuộc chiến hóa học lớn nhất thế giới, bởi vì trong lịch sử chiến tranh chưa có một lượng hóa chất nào được dùng quy mô như thế. Các vùng thuộc Biên Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và A Sam, A Lưới bị phun nhiều nhất. Thời gian bán hủy của dioxin là khoảng chín năm, nhưng sau đó thì dioxin vẫn còn tồn tại trong đất và có thể xâm nhập vào nguồn nước. Trong thực tế, nghiên cứu trước đây cho thấy một số cá lóc và thủy sản sống trong bùn bị nhiễm dioxin ở những vùng từng bị rải nhiều chất dioxin trong thời chiến. Do đó khả năng (chỉ là “khả năng” thôi) môi trường của các bệnh nhân này có thể bị ảnh hưởng dioxin trong thời chiến. Phơi nhiễm dioxin là một yếu tố liên quan đến chứng chloracne. Rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ cho thấy dioxin có liên quan đến nhiều bệnh như ung thư tế bào mềm (Soft-tissue sarcoma), Non-Hodgkin’s lymphoma, bệnh Hodgkin, ung thư tuyến tiền liệt, spina bifida và chloracne. Riêng mối liên quan giữa dioxin và chloracne thì được xem là xác định và có thể là mối liên hệ nhân quả (cause-effect relationship). Mối liên hệ này mới được mổ xẻ qua trường hợp của Tổng thống Ukraine là Viktor Yushchenko. Nhìn qua hình thì thấy nhiều bệnh nhân PPK ở Quảng Ngãi có mụn chloracne nhiều nơi trên cơ thể. Nếu các bệnh nhân này bị nhiễm dioxin thì cũng rất có thể họ bị chloracne. Dioxin còn ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết và tiêu hóa (như loét, thay đổi enzyme của gan, bất bình thường lipid), các chứng miễn nhiễm, bệnh tim, bệnh đường hô hấp và ung thư da. Một đồng nghiệp cung cấp thông tin cho thấy dioxin cũng có thể gây tổn hại đến gan giống như viêm gan siêu vi, viêm màng kết, tăng triglyceride trong máu... Theo thông tin trên báo chí thì nhiều bệnh nhân PPK ở Quảng Ngãi cũng có triệu chứng tăng enzyme gan, và giống như viêm gan. Tất cả những mô tả của báo chí cũng phù hợp với ảnh hưởng của dioxin đến gan. Do đó, giả thuyết tôi đặt ra là những bệnh nhân PPK ở Quảng Ngãi có thể nhiễm dioxin hoặc nhiễm những hóa chất diệt cỏ như 2,4 dichlorophenoxyacetic acid, 2,4,5 trichlorophenoxyacetic acid. Rất khó xác định nhiễm qua nguồn nước hoặc/và thủy sản. Để kiểm định giả thuyết này, tôi nghĩ có thể làm vài việc như: Thứ nhất là kiểm tra lại bản đồ rải chất độc da cam trong thời chiến để xác định vùng bệnh nhân sinh sống có chịu ảnh hưởng độc chất hay không. Việc này có thể liên lạc với các nhà khoa học Mỹ ở Đại học Columbia để biết thêm thông tin. Những thông tin này sẽ giúp chúng ta xác định khả năng nhiễm dioxin trong thời chiến. Thứ hai là đo nồng độ dioxin ở những bệnh nhân và người không mắc bệnh trong cùng gia đình. Có thể phân tích mối tương quan giữa nồng độ dioxin trong máu và nguy cơ mắc bệnh, qua đó biết được giả thuyết trên có khả tín không. Tuy nhiên, đo lường nồng độ dioxin rất đắt tiền, và theo tôi biết thì Việt Nam chưa có trung tâm nào có khả năng đo nồng độ dioxin. Do đó cần phải có sự hợp tác và giúp đỡ từ Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh (CDC, Mỹ) hay WHO. Thứ ba là để củng cố cho giả thuyết dioxin, cần phải lấy mẫu máu, tách ADN và phân tích gen. Hiện nay có một số gen nằm trong đường sinh học gây ảnh hưởng của dioxin có thể phân tích được. Tôi nghĩ chỉ có thể phân tích gen trong gia đình mới xác định được đột biến và tương tác với dioxin. Có thể sử dụng kỹ thuật phân tích di truyền (linkage analysis) và phân tích toàn bộ nhiễm sắc thể (genomewide study) để nhận ra những gen nào khác có liên quan. Đây là cơ hội tuyệt vời để đóng góp vào y văn quốc tế về dioxin! Nói tóm lại, những thông tin trên báo chí cho thấy hình như bệnh “lạ” có liên quan đến hội chứng PPK. Những biểu hiện của hội chứng này như chloracne và tăng enzyme gan có vẻ phù hợp với giả thuyết dioxin là yếu tố liên quan đến bệnh. Cần phải có một điều tra có hệ thống, từ dịch tễ học đến lâm sàng và nghiên cứu cơ bản (thay vì quá nhiều điều tra y tế công cộng và rời rạc) để xác định mầm bệnh và yếu tố nguy cơ, đi đến một biện pháp can thiệp hữu hiệu. Phóng to Một người mắc bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi - Ảnh: Việt Hùng * Trường hợp 1: Năm 1994, tập san Clinical and Experimental Dermatology công bố một ca bệnh 53 tuổi có những triệu chứng giống như những gì mô tả trên báo chí Việt Nam trong những ngày gần đây. Đó là một người đàn ông New Zealand, 53 tuổi, bị ban chlor, kèm theo PPK và phù cứng bì (scleroderma). Ông làm nghề cắt cỏ, dọn vườn và có phơi nhiễm những hóa chất diệt cỏ. Trong những chất diệt cỏ ông sử dụng có chứa dioxin nhưng ở liều lượng tương đối thấp. * Trường hợp 2: Năm 1998, một phụ nữ người Áo, 30 tuổi, nhập viện (Bệnh viện Đại học Vienna) với chứng chloracne. Nhiều mụn nổi lên ở mặt, tay, chân và bụng. Sau khi xét nghiệm dioxin các bác sĩ phát hiện nồng độ TCDD lên đến 144.000 pg/g mỡ, nồng độ cao nhất lịch sử ghi nhận được. Bệnh trạng càng ngày càng xấu đi, một năm sau mụn mọc trên khắp mặt của bệnh nhân. Ngoài bệnh da ra, bệnh nhân còn có vấn đề về dạ dày, ói mửa, ăn không ngon, mất cân. * Trường hợp 3: Tháng 9-2004, trong cuộc vận động tranh cử, Viktor Yushchenko (lúc đó là ứng viên tổng thống) sau một bữa ăn tối ở Kiev đã ngã bệnh. Bác sĩ đo nồng độ dioxin trong máu thấy nồng độ tăng lên đến 100.000 pg/g mỡ, cao 50.000 lần so với trung bình. Dioxin thấy trong máu của ông Yushchenko là TCDD, một loại dioxin độc hại nhất (và chính nó từng được sử dụng trong chiến dịch khai quang ở Việt Nam vào những năm thời chiến 1960-1970). Sau khi bị nhiễm độc, ông Yushchenko bị bệnh đường tiêu hóa, mặt bị biến dạng một thời gian. __________ Nguồn tham khảo: 1. Geusau A, et al. Env Health Persp 2001; 109:8652. Geusau A, et al. Br J Dermatol 2000; 143:10673. Sterling B. J Drugs Dermatol 3/1/20054. Poskitt LB, et al. Clin Exper Dermatol 1994; 19: 264-267 __________ Tác giả cảm ơn Bs Nguyễn Ngọc Rạng, Bệnh viện Đa khoa An Giang, cho thêm thông tin về TCDD và gan. Tags: Quảng NgãiCửa sổ khoa họcBệnh lạChất độcDioxin
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 NGỌC AN 10/09/2024 Chiều 10-9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
TP.HCM ủng hộ 120 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ, kêu gọi người dân tiếp tục chia sẻ THẢO LÊ 10/09/2024 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM ủng hộ 120 tỉ đồng chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào ảnh hưởng bão lũ.
Xót xa nhìn biển nước mênh mông muốn chạm mặt những cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống HỒNG QUANG 10/09/2024 Nước lũ sông Hồng, sông Đuống lên rất cao, nhấn chìm nhiều bãi bồi ven sông Hồng. Nhiều đoạn nước sông ngày càng tiến dần tới mép cầu.
Đề nghị Trung Quốc phối hợp, không xả lũ thủy điện thượng nguồn sông Hồng DUY LINH 10/09/2024 Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu.