Bệnh sốt rét gia tăng do kháng thuốc

BS TRẦN HOÀI NHÂN 04/09/2012 03:09 GMT+7

TTCT - Từ đầu mùa mưa đến nay đã có khoảng 2.000 trường hợp mắc sốt rét đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế của tỉnh Gia Lai, tăng hơn 50% ca so với cùng kỳ năm 2011.

Các nhà khoa học đã cảnh báo về sự liên quan giữa tình trạng tăng số trường hợp mắc sốt rét (sau một thời gian dài bệnh lưu hành với tần suất giảm dần) với sự xuất hiện của hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và muỗi đề kháng với hóa chất diệt muỗi hiện đang sử dụng.

Phóng to
Bệnh nhân điều trị bệnh sốt rét tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk - Ảnh: Thái Bá Dũng

Từ thuốc dỏm đến thuốc giả...

Hoạt chất artemisinin là chất duy nhất trị được ký sinh trùng sốt rét. Hiện nay rất nhiều thuốc trị sốt rét giả đang lưu hành trên thị trường. Có hai kiểu thuốc giả.

Kiểu thứ nhất, thuốc hoàn toàn không chứa hoạt chất artemisinin, nếu sử dụng cho bệnh nhân sốt rét sẽ không có hiệu quả. Những bệnh nhân bị sốt rét ác tính, sốt rét thể não sử dụng nhầm phải thuốc này coi như cầm chắc tử vong. Kiểu thứ hai, chứa hàm lượng artemisinin ít hơn hàm lượng cho phép. Loại thứ hai này không những nguy hiểm ở chỗ không tiêu diệt được ký sinh trùng sốt rét mà còn tạo ra những chủng kháng thuốc.

Theo Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), sáu tháng đầu năm nay tình hình sốt rét ở khu vực miền Trung - Tây nguyên có xu hướng gia tăng. Số bệnh nhân sốt rét tăng 10,57%, tỉ lệ ký sinh trùng sốt rét tăng 32,35% so với cùng kỳ năm 2011, đã có ba ca tử vong do sốt rét. Những địa phương có bệnh nhân tăng gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Viện cũng dự báo tình hình sốt rét có thể gia tăng vào những tháng cuối năm 2012.

Tình trạng làm giả thuốc chống sốt rét đang rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 68% thuốc trị sốt rét ở các nước Lào, Việt Nam, Campuchia được phát hiện là giả và kém chất lượng. Phân tích các thuốc chống sốt rét khác nhau ở bảy nước thuộc khu vực Đông Nam Á từ năm 1999 đến 2010, Trung tâm quốc tế Fogarty thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ phát hiện trong tổng số 1.437 mẫu, có 35% chứa thành phần hóa chất không đúng, 36% trong tổng số 1.260 mẫu bị làm giả.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ phần lớn các hoạt động sản xuất thuốc chống sốt rét giả diễn ra ở Trung Quốc. Tình trạng sử dụng thuốc chống sốt rét giả phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã giải thích cho việc xuất hiện các chủng ký sinh trùng kháng thuốc.

...và hậu quả

Đối với bệnh truyền nhiễm sẽ rất nguy hiểm nếu nguồn lây đề kháng với các thuốc điều trị. Khi đó, dịch sẽ xuất hiện với quy mô rộng và sẽ có nhiều người chết hơn. Nếu xuất hiện những dòng ký sinh trùng sốt rét đề kháng với artemisinin - thuốc duy nhất có khả năng trị được chúng, sốt rét sẽ trở nên bất trị. Tiếc thay, hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện những chủng ký sinh trùng sốt rét đề kháng với artemisinin.

Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trong một báo cáo của mình vào cuối năm ngoái cho biết đã phát hiện có hiện tượng ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng thuốc điều trị đặc hiệu artesunate (biệt dược của qrtemisinin) cho chương trình sốt rét hiện nay ở tỉnh Bình Phước. Chưa kể tác nhân truyền bệnh ở các tỉnh như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau cũng đang kháng các loại hóa chất được sử dụng hiện nay trong chương trình phòng chống sốt rét.

Muỗi anophen là tác nhân truyền bệnh sốt rét từ người sang người. Khi có dịch sốt rét, hóa chất được phun để làm giảm mật độ muỗi nhằm mục đích dập dịch nhanh.

Sự xuất hiện của những chủng ký sinh trùng sốt rét đề kháng với artemisinin và muỗi anophen kháng với hóa chất diệt muỗi đang được sử dụng đã giải thích cho tình trạng bệnh sốt rét rậm rịch tăng trở lại ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây.

Trước tình hình sốt rét diễn biến phức tạp như vậy, để bảo vệ mình, người dân cần phải tránh không cho muỗi cắn bằng cách ngủ mùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận