TTCT - Người ta có thể lật lại hồi ức được bao xa? Hồi ức về mẹ thì sao? Những câu hỏi ở đầu quyển sách Hãy chăm sóc mẹ (*) tuy không mới nhưng đã khiến người đọc lật giở những trang đời tưởng chừng quen thuộc, lại phát hiện mình cũng rất thờ ơ. Người vợ quê cùng chồng lên thủ đô thăm con. Chậm chạp và đau ốm, bà rớt lại tại một ga tàu điện ngầm Seoul. Từ đó là những cuộc tìm kiếm, hồi ức của những người con, người chồng về người phụ nữ sống cùng họ hơn 30 năm mà giờ đây họ mới biết là mình chẳng hiểu gì về con người ấy. 1. Trở lại trong hồi ức khó khăn của các con, đó là một người mẹ quê mùa, không biết chữ. Vậy mà gần như một mình, bà đã nuôi tất cả các con thành đạt, cô con gái trở thành nhà văn, cậu trai cả là một doanh nhân. Một người mẹ yếu đuối, sợ đến mức nằm ngủ cũng bị ám ảnh chuyện trong chum không còn gạo. Một người mẹ mạnh mẽ, không biết đường nhưng dám một mình giữa đêm đón tàu đến thủ đô để kịp mang hồ sơ cho con. Để những đứa con trưởng thành ngày càng xa lạ. “Mối quan hệ giữa mẹ và con gái thuộc một trong hai dạng - hoặc là biết rất rõ về nhau, hoặc là giống như người xa lạ”. Đứa con gái xa nhà đã lâu trở thành khách lạ trong chính nhà mình, khi “người mẹ luống cuống dọn dẹp, nhặt thức ăn rơi vãi trên sàn nhà; ngượng ngùng vì để nhà bừa bãi lôi thôi”. Khoảng thời gian những đứa con trở thành người xa lạ hẳn phải là khoảng thời gian cô đơn nhất của lòng mẹ. Đứa con gái giờ đã trở thành mẹ mới hiểu ra sự bất công của mình với mẹ, bởi với họ “mẹ lúc nào cũng là mẹ”. Họ đón nhận tình mẫu tử một cách vô điều kiện, chưa bao giờ nghĩ rằng “mẹ cũng từng chập chững bước đầu tiên, mẹ cũng lên 3, rồi 12, rồi 20 tuổi....” để nghĩ tới mẹ bằng sự đồng cảm của một con người, và tinh tế hơn, của người đàn bà với người đàn bà. Mẹ cũng có những phút giây bay bổng lãng mạn với những chiếc lá thích dán trên cửa sổ, cũng có niềm vui thơ trẻ khi gặp lại anh trai. “Cô chỉ nghĩ về mẹ như một em bé, một cô gái, một thiếu nữ, một tân nương, một người mẹ trẻ vừa sinh cô...” khi cô đã trở thành một bà mẹ. Nhưng ngay cả khi đã là mẹ, những người mẹ trẻ thời nay, được học hành và nhận thức quyền tự do cá nhân, mới hiểu rằng “Em không thể trao cả đời mình cho con cái giống như mẹ đã làm được. Nhiều khi em nghĩ chính con cái đã kềm hãm đời mình. Khi nhận ra suy nghĩ này ở bản thân, em tự hỏi sao mẹ có thể làm được những việc mẹ đã làm và khi đó em mới biết mình không thật sự hiểu mẹ”. 2. Người vợ ấy cũng trở về trong ký ức của người chồng, một người đàn ông nhạt nhòa trong tác phẩm đến đỗi khép quyển sách lại người ta không thể nhớ ông tên gì, làm nghề gì... Chỉ biết có một người đàn ông mê chơi bài, ham vui, cứ buồn là lên đường phiêu bạt, phó mặc người vợ xoay xở với đàn con nheo nhóc ở quê nhà. Chỉ khi lạc mất vợ, ông mới hiểu cả đời ông lúc nào cũng đi trước vợ nhưng thật ra ông chỉ là một người hèn nhát và yếu đuối, cả đời trút mọi nỗi đau lên vợ. Cả đến cái chết ông cũng muốn chết trước vợ, điều sau này ông hiểu ra cũng chỉ là một sự ích kỷ. 3. Và vĩnh viễn sẽ có những điều họ không bao giờ biết được. Không bao giờ người chồng biết được người vợ đã chung thủy với mình ra sao, dù trong lòng có lúc cảm thương một người đàn ông khác. Những đứa con không bao giờ hiểu tại sao tiền mình gửi về được mẹ đem đến cho cô nhi viện. Cô con gái nhà văn - từng mủi lòng khi thấy những người khiếm thị đọc sách của mình - không bao giờ biết được người mẹ mù chữ đã “đọc” những quyển sách của mình bằng cách nào... Họ bỏ quên chiếc bánh quê mẹ cặm cụi làm mốc meo trong tủ lạnh, quên cả gọi điện chúc mừng mẹ nhân Ngày phụ mẫu. Nên họ làm sao biết người mẹ từ lâu lẳng lặng chuẩn bị cho sự biến mất của mình. Từ bộ quần áo bằng vải gai đẹp nhất để mặc lúc từ trần xếp sẵn trong rương, đến việc lui dần khỏi mối quan tâm của con cái khi ghép tiệc mừng ngày sinh của mình vào với sinh nhật chồng, “cho tiện”. Đôi dép lê màu xanh đã cũ mòn là ký ức rõ rệt duy nhất bà còn để lại... Bà không biết sự ra đi ấy đã khởi đầu một sự trở lại. Sự trở lại của những ký ức về mẹ, sự thức tỉnh khỏi bi kịch thờ ơ. Phóng to Shin Kyung Sook (sinh năm 1963) khởi nghiệp viết văn năm 1985. Hãy chăm sóc mẹ (Please look after mom) là tác phẩm thứ ba được dịch ra tiếng nước ngoài, sau Căn phòng cô đơn (A lone room) và Yi Jin. Ở Mỹ, Hãy chăm sóc mẹ được in lại năm lần kể từ lần in đầu tháng 4-2011. Bản dịch tiếng Pháp được coi là một hiện tượng xuất bản, trở thành best-seller ở Ý và được tái bản lần 3 ở Tây Ban Nha. Riêng ở Pháp, 20.000 bản dịch đã được in trong lần phát hành đầu tiên (tháng 6-2011). __________ (*): Hãy chăm sóc mẹ, Shin Kyung Sook. Dịch: Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê. Nhà xuất bản Hà Nội, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam phát hành, 2011. Tags: SeoulĐọc sách cùng bạnHồi ứcBi kịch
Quốc vương Campuchia: Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em, bạn bè lâu đời DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nhấn mạnh Campuchia có quyết tâm cao để tiếp tục vun đắp mối quan hệ này.
Nga nói sẽ 'tất tay' nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 28/11/2024 Tổng thống Vladimir Putin hôm nay cho biết Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay để đánh Ukraine nếu Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng mong hai tân bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với Chính phủ NGỌC AN 28/11/2024 Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với tập thể Chính phủ, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của Chính phủ qua các thời kỳ.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.