Biden thắng, rồi sao nữa?

DANH ĐỨC 19/12/2020 21:00 GMT+7

TTCT - 7h30 tối thứ hai 14-12 (giờ Mỹ), ông Joe Biden tweet: “Chính thức rồi, các bạn. Giờ hãy cùng dõi theo… sức mạnh và khả năng phục hồi của nền dân chủ chúng ta”. Liệu thực tế hậu bầu cử có cho phép ước ao của ông Biden thành sự thật?

Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump tuần hành trước trụ sở Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Ảnh: AFP

Trước bài phát biểu đắc cử tối 15-12 từ thành phố quê nhà của ông ở Wilmington, bang Delaware, hôm 11-12, ông cũng đã có một bài phát biểu trong đó ông nói năng đúng như vai trò một tổng thống đắc cử, bày tỏ những thông điệp như đã nêu rõ trên trang web “Xây dựng lại tốt hơn” (www.builbackbetter.gov) mà cả ông và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris đều “đứng tên”: “Tổng thống đắc cử Biden và Phó tổng thống đắc cử Harris đang đối mặt với đại dịch, khủng hoảng kinh tế, những đòi hỏi công bằng chủng tộc, và biến đổi khí hậu. Đội ngũ đang được tập hợp sẽ đáp ứng những thách thức này ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ”.

Với chính quyền mới, cuộc chiến đầu tiên và lớn nhất ngay lúc này không phải là một ngoại bang nào cả, mà chính là những xâu xé nội bộ chắc chắn còn lâu mới ngã ngũ. Liệu sẽ có hay không xung đột ngay tại Washington DC, khi người thọ ân xá của Tổng thống Donald Trump, cựu tướng Michael Flynn, tuần rồi đã công khai kêu gọi ban hành thiết quân luật và tổ chức bỏ phiếu lại dưới sự giám sát của quân đội? Những cuộc xuống đường ở thủ đô vào cuối tuần cũng gây nhiều lo ngại về khả năng đụng độ lớn. Đó là điều ông Biden ám chỉ tối 14-12: “Ngọn lửa dân chủ đã được thắp lên ở đất nước này từ lâu. Giờ chúng ta biết không một điều gì, không đại dịch hay sự lộng quyền nào có thể dập tắt ngọn lửa mà nhân dân đã gìn giữ bao đời đó”. Rồi ông cảnh cáo: “Nếu có người trước giờ chưa biết điều đó, thì giờ hãy biết rằng trong thâm tâm người dân Mỹ, nền dân chủ, quyền được lắng nghe, giá trị của các lá phiếu, là để chọn lựa những người lãnh đạo đất nước này… Tại Hoa Kỳ, các chính trị gia không nắm quyền - là nhân dân trao quyền cho họ”.

Trang Twitter của ông Trump bốn giờ sau kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn vẫn lặng thinh, duy nhất tin mới nhất là trước khi có kết quả: “Vừa có cuộc gặp rất tốt đẹp với Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr tại Nhà Trắng. Mối quan hệ của chúng tôi rất tốt, ông ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ! Chiếu thư [từ chức] của ông ấy, Bill sẽ ra đi ngay trước Giáng sinh để dành kỳ nghỉ với gia đình…”.

Tại sao đó lại là mẩu tweet cuối cùng của tối 14-12 lịch sử? Đến nửa đêm cùng ngày cũng chỉ là mẩu tweet đó, không một chữ nào về kết quả bầu cử. Thật ra, tweet tố cáo gian lận cuối cùng ngày hôm ấy đã trôi qua trước tin Bộ trưởng Barr từ chức 3 tiếng. Phải chăng ông Trump đã chấp nhận “mọi sự an bài”, mà việc loan báo Bộ trưởng Barr nay thôi chức sau hai tuần giận dỗi là một dấu chỉ? Thật vậy, việc Bộ trưởng Barr tới ngày 23-12 mới rời Bộ Tư pháp nhưng hôm 1-12 còn chọn thông tấn xã Mỹ AP để trả lời phỏng vấn và qua đó cho biết bộ của ông không thấy có bằng chứng về gian lận bầu cử ở quy mô có thể làm thay đổi kết cuộc đã khiến ông Trump giận ra mặt.

Cái “hi vọng cuối cùng” để ông Trump lật ngược tình thế thật ra cũng chỉ là “mua trâu vẽ bóng”: Ngày 6-1, Quốc hội lưỡng viện họp để xác nhận kết quả bỏ phiếu 14-12. Trước giờ đây chỉ là một thủ tục mang tính “lễ tân”. Nhưng ngay việc ông Trump vẫn còn bám víu bất chấp hi vọng mong manh như vậy cho thấy nước Mỹ đang chia rẽ cỡ nào.

Làm sao hàn gắn được sự phe phái thâm căn cố đế đó? Có thể thấy sự tương phản giữa hai ông Biden và Trump tối 14-12. Ông Trump thinh lặng. Điều này nằm ngoài dự kiến của ông Biden. Có cảm giác như phát biểu của ông đã không được soạn dự kiến tình huống này, nên đoạn ông giảng giải về dân chủ hơi bị dài và “nặng lời”, đếm kỹ thì tới cả ngàn chữ. Phải chăng “đã quê là khó huề”?

Từ đó có thể thấy một hậu quả rõ ràng và nghiêm trọng từ cuộc bầu cử đầy trục trặc này. Như lệ thường, lẽ ra 6 tuần vừa qua, nước Mỹ phải bắt tay vào giai đoạn chuyển tiếp, “bàn giao công tác” để người kế vị toàn tâm toàn ý chuẩn bị cáng đáng việc nước một cách đàng hoàng tử tế - nhất là trong tình cảnh “quốc gia đại sự”, việc trong việc ngoài đều đang rối bời như lúc này. Còn một hậu quả nữa, lâu dài hơn, là việc những người tự xưng đại diện cho “73 triệu người đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump và Ngài đã thắng”, còn “Biden ăn cắp cuộc bầu cử” sẽ tiếp tục tranh đấu không thôi, từ ngày đầu tiên tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống sắp tới! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận