"Biển cả hải hà"

DANH ĐỨC 30/01/2013 02:01 GMT+7

TTCT - Nội các Shinzo Abe đã nhậm chức trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc rơi vào tranh chấp bằng… máy bay chiến đấu, thậm chí báo chí đã leo thang tới từ ngữ “chiến tranh”.

Có phải do bản chất “dân tộc chủ nghĩa cực kỳ”của nội các này, như tuần báo The Economist đã giải thích? Trong bối cảnh đó, vòng công du ra mắt của Thủ tướng Abe có ý nghĩa gì? Câu trả lời từ thông điệp Jakarta.

Phóng to
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) đi cùng Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tại Jakarta ngày 18-1, trước khi ông phải nhanh chóng quay về Tokyo do khủng hoảng con tin Nhật ở Algeria - Ảnh: Reuters

Hôm 26-12-2012, ngay sau khi tân Thủ tướng Abe vừa công bố danh sách nội các, The Economist đã bình luận như sau: “Ông Abe, một người cực kỳ dân tộc chủ nghĩa…, đã không giấu giếm gì ước nguyện của ông là sửa đổi ba hiến chương cơ bản hiện đại của đất nước ông: 1. bản hiến pháp do Mỹ áp đặt năm 1946, buộc nước Nhật phải hiếu hòa; 2. luật giáo dục mà ông Abe cho là đã xem nhẹ chủ nghĩa yêu nước; 3. hiệp ước an ninh với Mỹ, trong đó Nhật đóng vai trò thứ yếu. Gọi nội các mới là “bảo thủ” (e rằng) không nắm bắt được hết tính chất thật sự của nội các đó. (Phải gọi) Đó là nội các của những người theo chủ nghĩa dân tộc tột cùng” (1) .

Dân tộc chủ nghĩa

Để dẫn chứng, The Economist nêu có đến 13/19 người trong nội các Abe hậu thuẫn cho một nhóm trí thức Nhật mang tên Nihon Kaigi (Nhật Bản hội nghị) vốn chủ trương khôi phục các “giá trị truyền thống”, đồng thời bác bỏ đường lối ngoại giao “tạ lỗi chiến tranh”. Chín tân bộ trưởng thuộc một nhánh trong quốc hội chủ trương “dạy lại” lịch sử (Thế chiến thứ hai).

Trong một thế giới mà các quốc gia thường được “nhận dạng” với vị ngữ “chủ nghĩa” nào đó, thì chính sách đối ngoại của chính phủ nước đó có gắn chặt với chủ nghĩa mà quốc gia đó đang đeo đuổi là lẽ đương nhiên. Không khó hiểu tại sao nội các Abe “cực kỳ dân tộc chủ nghĩa” (theo cách gọi của The Economist) lại triệt để lấy lợi ích quốc gia đó làm nền tảng cho chính sách đối ngoại. Bộ trưởng quốc phòng Onodera, hôm

16-1, cảnh cáo nếu trong trường hợp máy bay Trung Quốc xuất hiện trong không phận Nhật, phía Nhật sẽ xử lý theo luật lệ quốc tế, tức sẽ bị bắn cảnh cáo rồi bắn hạ nếu cần. Tuyên bố này được đưa ra sau vụ một máy bay tuần thám Shaanxi Y-8 của Trung Quốc hôm 10-1 bị phía Nhật cho là đã “vượt qua khu vực nhận dạng phòng không” của Nhật nên ông Abe đã ra lệnh tung hai chiến đấu cơ F-15 lên ngăn chặn; phía Trung Quốc cũng phóng lên hai chiến đấu cơ J-10 vờn nhau!

Hóa phép thành chủ quyền!

Có phải ông Abe lên cầm quyền, tình hình mới căng như vậy? Thật ra nội các Noda trước đó cũng đã hành xử như vậy. Hôm 13-12, ông Noda đã ra lệnh cho hai phi tuần gồm tám chiến đấu cơ F-15 lên “nghênh tiếp” một máy bay hải giám hai chong chóng Trung Quốc lần đầu tiên bay vào khu vực đảo Senkaku. Một máy bay hai chong chóng xâm nhập mà ông Noda đã tung đến tám chiến đấu cơ phản lực, liệu có quá tay?

Theo BBC, qua vụ “nắn gân” trên trời này, tiếp sau những vụ “nắn gân” trên biển, không khó đoán ra rằng nếu Nhật Bản không mạnh dạn ngăn cản, coi như đã chịu khuất phục và thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trong thực tế (de facto), cho dù trong pháp lý (de jure) Nhật có sẽ vẫn luôn miệng phản đối. Như Philippines năm ngoái, sau khi đã rút chiến hạm BRP Gregorio del Pilar ra khỏi vùng tranh chấp dải Scarborough hôm 12-4, coi như đã “nhường” quyền kiểm soát trong thực tế (de facto) cho ba con tàu dân sự sơn màu hải giám của Trung Quốc nhất định thả neo không nhúc nhích ra khỏi đó!

Tháng 10 năm ngoái, một quan chức Philippines là Lauro Baja - nguyên thứ trưởng ngoại giao, từng là đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hiệp Quốc - phải than “Trung Quốc đã chiếm đóng dải Panatag (tức Scarborough) trong thực tế”!

Câu chuyện ông Lauro Baja than vãn là như thế, song đến thứ hai 21-1 vừa qua, Global Times xào nấu lại thành: “Lauro Baja, thứ trưởng ngoại giao, từng là đại diện thường trực nước này tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố Trung Quốc đang bán chính thức kiểm soát đảo Hoàng Yến” (2), ngụ ý ông kia đã gián tiếp thừa nhận thực tế dải Scarborough ấy đã đổi chủ trong thực tế, riết rồi biến thành đổi chủ bằng pháp lý, và tự in bản đồ công bố với thiên hạ.

Đó là điều đã xảy ra đối với Hoàng Sa năm 1974, bãi Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988, dải Mischief (của Philippines năm 1995): anh không còn ở đó nữa, tôi đang ở, tức thuộc về tôi! Chính vì thế mà các chính phủ Nhật từ Noda đến Abe đều ra sức chống trả không để “buông” Senkaku, vì nếu “buông” sẽ là mất vĩnh viễn!

“Biển cả hải hà" như thế nào?

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Shinzo Abe di thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia từ ngày 15 đến 18-1 có thể được xem là một sự đi thăm hỏi “đồng bệnh tương lân” hay chỉ là trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật - ASEAN? Việc ông Abe chọn Jakarta là nơi định phát đi bài diễn văn “Biển cả hải hà” chứ không ở nơi khác, cho thấy ông cũng thận trọng tránh bị xem là “khiêu khích”. Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Nhật đã công bố muộn bài diễn văn này (3) mà lẽ ra ông Abe đã đọc tại Jakarta nếu như ông không phải cáo lỗi về lại Nhật ngay do khủng hoảng con tin Nhật ở Algeria.

Ông Abe vào đề ngay: “Năm nay đánh dấu 40 năm quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN. Nhân sự kiện quan trọng này, tôi đến đây hôm nay để nhìn lại lịch sử ngoại giao của Nhật Bản trong khu vực, và để bày tỏ quyết tâm của Nhật Bản liên quan đến tương lai của mình. Lợi ích quốc gia của Nhật Bản vĩnh viễn gắn với việc giữ cho biển cả châu Á dứt khoát được thông thoáng, tự do và hòa bình, bằng cách duy trì chúng như là tài sản chung cho tất cả mọi người trên thế giới, nơi mà các quy định của pháp luật được thực thi đầy đủ.

Để đạt được những mục tiêu này, từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến ngày nay Nhật Bản đã kiên trì dốc sức cho hai mục tiêu này, (mà) căn cứ vào hoàn cảnh địa lý của chúng tôi, là những yêu cầu tự nhiên và căn bản đối với Nhật Bản, một quốc gia bao quanh bởi đại dương và sống nhờ vào các đại dương này, một quốc gia vốn xem sự an toàn của biển cả như là chính sự an toàn của mình. Cho dù thời gian có thể thay đổi, song những mục tiêu này vẫn là bất biến”.

“Biển cả hải hà” là như thế. Một khẩu khí “cực kỳ dân tộc chủ nghĩa”, đúng như cách dùng chữ của The Economist. Ông Abe là như thế, ông Noda trước đó cũng tương tự. Thế nhưng, trong chính giới Nhật còn có những chính khách khác không như thế. Cựu thủ tướng Hatoyama tuần trước đã bay sang Bắc Kinh và tuyên bố ở đó rằng “đảo Senkaku là một vấn đề giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, tức tranh chấp làm gì, muôn sự của chung.

Trong cuộc họp báo hằng ngày hôm 17-1, trả lời câu hỏi về việc cựu thủ tướng Hatoyama “đi lạc” sang Bắc Kinh như thế, phát biểu như thế, liệu Chính phủ Nhật sẽ trừng phạt ông này hay không, bà Saiki - phó thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật - quả quyết: “Senkaku là một phần của lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản với đầy đủ sử liệu và đúng với luật pháp quốc tế… Đúng là ông ấy từng là thủ tướng, song ông ấy đã đến đó với tư cách cá nhân!” (4).

Có thể hiểu, đối với chính phủ Abe, đây không hề là “vấn đề giữa Nhật và Trung Quốc” như ông Hatoyama phát biểu ở Bắc Kinh, mà rằng vấn đề là do Trung Quốc gây ra.

Ai đúng, ai sai (các ông Abe, Noda hay ông Hatoyama), trong bối cảnh nóng bỏng chủ nghĩa dân tộc này đụng đầu với chủ nghĩa dân tộc kia? Lịch sử sẽ trả lời.

___________

(1): http://www.economist.com/news/asia/21569046-shinzo-abes-appointment-scarily-right-wing-cabinet-bodes-ill-region-back-future?fsrc=scn/tw_ec/back_to_the_future
(2): http://www.globaltimes.cn/content/757061.shtml
(3): MOFA: The Bounty of the Open Seas: Five New Principles for Japanese Diplomacy
(4): Press Conference by the Deputy Press Secretary, 17 January 2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận