TTCT - Biển Đông đầu năm 2024 lại tiếp tục rắc rối với việc Trung Quốc giăng một hàng rào nổi ở khu vực bãi cạn Scarborough, khiến Manila và Bắc Kinh căng thẳng cả trên biển và trên các diễn đàn. Tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc 3901. Ảnh: China Defense Nhà nghiên cứu Ray Powell, giám đốc nhóm Hải Đăng của Trung tâm Đổi mới an ninh quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford chuyên nghiên cứu "vùng xám" hàng hải (những sự việc xảy ra trên biển mà ai đó không muốn công chúng biết đến), đã liên tục đưa tin về các vụ vi phạm chủ quyền các nước láng giềng của tàu bè Trung Quốc."Bình thường hóa" chuyện phi phápTrong bản tin 7h20 ngày 19-2, Ray Powell cho hay qua ảnh chụp vệ tinh vị trí tàu hải cảnh Trung Quốc 5402 với đầy đủ mã nhận dạng dịch vụ di động hàng hải (MMSI) và số nhận diện tàu biển (IMO) tìm cách xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo marinetraffic.com, chiếc 5402 này là một tàu không rõ loại, treo cờ Trung Quốc, chiều dài 99m và chiều rộng 15m, mớn nước là 6,3m.Có thể đồng ý với giải thích của Ray Powell trong một tweet ngày hôm sau, 20-2, về mưu mô của các tàu hải cảnh này: "Các tàu hải cảnh Trung Quốc (CCG) tiến hành tuần tra xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng rồi lần hồi bình thường hóa quyền tài phán của Trung Quốc với các khu vực thuộc quyền tài phán của các nước láng giềng theo luật pháp quốc tế". Nôm na mà nói, các tàu hải cảnh cứ tà tà lẻn vào EEZ các nước láng giềng, nhưng không tỏ ra hung hãn, tránh nổ ra xung đột, nhưng qua đó "cắm dùi" trong khu vực, để bình thường hóa chuyện vốn là phi pháp.Nhà nghiên cứu chiến lược cao cấp chuyên về sức mạnh không quân Eric Chan cho không lực Hoa Kỳ đã từng vạch trần mưu mô này. Theo Chan, các hoạt động vùng xám trên biển của Trung Quốc được thiết kế để thiết lập sự hiện diện, tạo "tính chính đáng" cho những phủ nhận sau này của họ với các nước láng giềng. Do đó, Hải quân Trung Quốc (PLAN) không phải là lực lượng dẫn đầu. Thay vào đó là Lực lượng Dân quân biển của Lực lượng Vũ trang nhân dân (PAFMM), và Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG). PLAN đóng vai trò bảo đảm ngăn leo thang vũ trang, đồng thời là lực lượng răn đe. Ba lực lượng hàng hải này phối hợp với nhau trong "chiến lược bắp cải" gồm mấy lớp bao bọc, buộc đối thủ để đối phó phải thâm nhập từng lớp, dẫn đến phí tổn chiến lược, điều phối hoạt động, và cả thông tin tuyên truyền ngày càng tăng với các nước khác.Chan đánh giá: "PAFMM đi đầu trong việc thiết lập "tính chính đáng" này, với tư cách là "trợ thủ của Giải phóng quân" hoạt động trong cơ cấu kép quân sự-dân sự. Sự cố ở bãi Scarborough năm 2012 là bước ngoặt đối với PAFMM, qua đó Bắc Kinh nhận ra rằng sự tham gia của PAFMM là rất quan trọng trong việc cho phép họ giành quyền kiểm soát một thực thể đất đai đang tranh chấp lớn mà không phải trả giá đắt". Theo Eric Chan, chiến lược này được sử dụng thường xuyên nhất ở Biển Đông, và sau này được triển khai cả với Đài Loan.Chiếc tàu cũ kỹ của Philippines ngoài bãi cạn Scarborough. Ảnh: ReutersTái diễn màn kịch ScarboroughMột thí dụ kinh điển của "chiến lược bắp cải" là sự cố ở bãi đá Scarborough tháng 4-2012, mà hầu như ai cũng nhớ rằng Philippines đã trúng kế khi điều động chiến hạm BRP Gregorio del Pilar mới nhận từ hải quân Mỹ để "dằn mặt" các ghe đánh cá của ngư dân Trung Quốc đang trải ra ở đây. Các ngư dân này điện báo cầu cứu với phân bộ Hải Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải cảnh Hoa Nam, và được hai tàu hải giám đến cứu.Qua tháng 5, Trung Quốc điều đến thêm 7 tàu hải giám khác. Hậu quả là chiếc BRP Greorio del Pilar phải rời đi, bỏ lại bãi Scarborough cho Trung Quốc đóng quân luôn từ tháng 6 năm đó. Do đây là khu vực mà ngư dân Philippines vẫn đến bỏ lưới, Trung Quốc bèn "rào" luôn bãi này bằng một sợi dây nối các phao đặt ở hai đầu lối vào khu vực bãi hầu chặn lối ra vào duy nhất khu vực đầm phá, không cho tàu đánh cá Philippines và các nước khác vào.12 năm sau, hàng rào dựng trên biển này vẫn còn làm nổi sóng. Trong cuộc họp báo hôm thứ hai 26-2, nữ phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi bị hỏi "liệu Trung Quốc có căng lại dây rào ở cửa bãi Scarborough không", đã tự tin trả lời rằng đó là do lỗi của Philippines: "Đảo Hoàng Nham luôn là lãnh thổ của Trung Quốc. Để đáp lại một loạt động thái của Philippines tại vùng biển đảo Hoàng Nham xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích hàng hải của mình" (nhật báo The Manila Times 26-2 đưa tin). Câu chuyện trên cho thấy: chỉ trong vòng 12 năm, từ chỗ dùng số đông đuổi chủ cũ đi rồi chiếm ngụ, Bắc Kinh nay cư xử cứ như là chủ nhân tự nhiên của bãi Scarborough.Năm 2012 đó, Bắc Kinh còn kéo cả bầy tàu hải cảnh tới uy hiếp. Năm nay 2024, họ đã có sách lược tinh vi hơn khi thôi không cậy số đông vũ lực nữa mà sử dụng dân quân biển, thậm chí tuy sử dụng tàu chấp pháp song lại "nhu mì" không chống trả như trường hợp chiếc hải cảnh 5402 - một hình mẫu của sách lược "nhũn nhặn" thâm nhập, cắm dùi rồi loan báo là của mình, mà Eric Chan đã vạch rõ chân tướng.Đòn thế phối hợpBắc Kinh còn tung ra một chiêu mới hầu như đồng thời: gây nhiễu phá sóng tàu bè các nước "đối tượng". Cụ thể, Philippines tố cáo rằng khoảng 8h sáng hôm 22-2 tuần rồi, tàu hải cảnh 3105 của Trung Quốc đã gây nhiễu nhằm ngăn chặn hoạt động của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của tàu BRP Datu Sanday thuộc Cục Đánh cá và Tài nguyên hải sản (BFAR) vốn đang được triển khai để cung cấp nhiên liệu và đảm bảo an ninh cho ngư dân Philippines.AIS là hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép tàu bè trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau, và giúp trao đổi với các trạm trên bờ. Khoảng cách thu phát, nhận tín hiệu của các máy AIS trên dưới 20 hải lý. Theo phía Philippines, chiếc BRP Datu Sanday của họ đã bị phá sóng AIS tại khu vực bãi Scarborough, nơi mà Philippines có một ít binh sĩ đóng trên một xác tàu mắc cạn từ năm 1999, tức trước khi Scarborough rơi vào tay Trung Quốc vào năm 2012, nên từ đó Philippines cứ tới hạn thì thay quân hoặc tiếp tế.Lần này, như nhiều lần trước, chiếc BRP Datu Sanday bị phá sóng, hậu quả là mất liên lạc. Phó đề đốc Hải quân Philippines Roy Vincent Trinidad xác nhận Trung Quốc đã can thiệp vào "khả năng điện tử" của Hải quân nước này ở biển Tây Philippines trong 3 đến 4 năm qua (ABS-CBN News 27-2).Phía Philippines còn nêu ra một vấn đề lớn hơn, đó là cứ mỗi lần phía Trung Quốc ra tay phá sóng, họ lại ra thông cáo tố cáo do "tàu của Philippines xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển tiếp giáp với đảo Hoàng Nham của Trung Quốc" nên họ mới phải "xua đuổi tàu Philippines", nhật báo The Inquirer của Philippines 26-2 nói. Theo báo này, mỗi lần như thế, Hải cảnh Trung Quốc còn được cơ quan ngôn luận Global Times do Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn bằng cách đăng bản tiếng Anh lên mạng xã hội chỉ vài phút sau vụ việc xảy ra, khiến bị hại biến thành kẻ gây hại.Không lạ khi ngay hôm 21-2, Global Times đã có sẵn một bài để đăng, đổ lỗi cho Philippines và vơ lý lẽ về phần mình: "Bằng chứng lịch sử chắc chắn cho thấy yêu sách của Philippines đối với đảo Hoàng Nham là một trò hề vô căn cứ. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trong lịch sử bắt đầu và tiếp tục quản lý các đảo ở Biển Đông và tham gia vào các hoạt động hàng hải liên quan. Các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc ở tất cả các triều đại đều có quyền tài phán liên tục và hòa bình đối với các đảo ở Biển Đông. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đảo Hoàng Nham và vùng biển lân cận...".Không chỉ mỗi một bài trên mà ra rả ngày nào cũng đăng bài mới. Tỉ như bài "Các tàu có tổ chức Philippines chính thức xâm phạm vùng biển Hoàng Nham, lấy hoạt động đánh bắt làm vỏ bọc" của tác giả Lưu Huyền Tôn, xuất bản tối 25-2.Trong bối cảnh đó, từ đầu năm nay, Trung Quốc lại điều động tàu hải cảnh lớn nhất của mình, nặng 12.000 tấn, mang số hiệu 3901, lảng vảng gần các khu vực mỏ dầu của Việt Nam. Cũng thế, việc Trung Quốc hôm 25-2 bố trí hai tàu hải cảnh cùng hai chiến hạm: một Type 52 và một Type 54 tại Đá Chữ Thập, dù qua hôm sau chỉ còn lưu lại một chiếc hải cảnh và một chiến hạm Type 54, các chiếc khác đã rời đi, theo Twitter của nhà phân tích MT Anderson.■ Hợp tác Việt Nam - PhilippinesTrong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos, Jr. và Phu nhân tới Việt Nam; ngày 30-1-2024, tại Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam đã diễn ra lễ trao các văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines về hợp tác biển.Bản ghi nhớ gồm 5 điều với nội dung chính là củng cố cơ chế đường dây liên lạc nóng giữa cảnh sát biển hai nước; xây dựng các dự án, chương trình, hoạt động về biển và thảo luận các vấn đề và lợi ích chung mà hai bên cùng quan tâm; cân nhắc các thỏa thuận và hoạt động có thể thực hiện, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế, luật pháp mỗi quốc gia và điều ước quốc tế mà Việt Nam và Philippines là thành viên. Lực lượng cảnh sát biển hai nước dự kiến sẽ tổ chức họp song phương lần thứ nhất vào tháng 4-2024 tại Việt Nam. Tags: Trung Quốc thay đổi chiến thuậtTàu hải cảnhVi phạm chủ quyềnTàu hải cảnh Trung QuốcChủ quyền biển Đông
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.