Biết bao gương mặt, sao chỉ đặt một (vài) cái tên?

XUÂN TÙNG 26/05/2023 05:24 GMT+7

TTCT - Vì sao các biên kịch và đạo diễn Hollywood, dù sức sáng tạo có gây kinh ngạc đến đâu, đều có vẻ hài lòng với việc dùng chung một vài cái tên nhân vật?

Emily the Crimina và Emily in Paris. Ảnh: Netflix

Emily the Crimina và Emily in Paris. Ảnh: Netflix

Trong phim ảnh, có vẻ tên Emily đang ở khắp nơi, hết Emily in Paris đến Emily the Criminal. Nhìn sang loạt phim hành động, mới thấy một rừng tên J, từ John Wick và Jason Bourne đến James Bond và John James Rambo.

Emily này, Emily kia

Emily vốn đã là cái tên phổ biến qua vài thế kỷ. Bắt nguồn từ tên gốc Aemilia trong tiếng Latin, phiên bản tiếng Anh đã trở nên phổ biến trong công chúng nhờ các nhân vật lịch sử như công chúa Amelia (tên thường gọi Emily) ở Anh thế kỷ 18, hay các nhà thơ thế kỷ 19 như Emily Dickinson, Emily Brontë.

Dù vậy, phải đến vài chục năm gần đây, Emily mới chạm đến được vinh quang giữa những cái tên phổ biến khác. Theo Sở An sinh xã hội Mỹ, Emily là một trong năm cái tên phổ biến nhất cho các cô gái sinh ra tại Mỹ trong thập niên 1990. Từ năm 1996 đến 2007, Emily giật ngôi đầu trong top những cái tên phổ biến nhất.

Từ đời thật, Emily bắt đầu trở thành các nhân vật chính trong phim ảnh: Mới nhất, ta có nhân vật chính trong Emily the Criminal, kể về một cô gái rất đỗi bình thường bắt đầu vướng vào vòng lao lý (và các pha hành động đỉnh cao). Tất nhiên, không thể quên được cô gái Mỹ đầy duyên dáng Emily Cooper của Emily in Paris, với chuyện tình dở khóc dở cười với các chàng trai Pháp đã qua 3 mùa trên Netflix.

Chúng ta đang sống trong một "thế hệ Emily", khi cái tên gần như thống trị thế kỷ 21 - tờ New York Times trích lời Laura Wattenberg, một chuyên gia về tên sống tại Mỹ. Theo Wattenberg, Emily trở nên phổ biến với các phụ huynh có con trong thập niên 1990 bởi đây là một lựa chọn vừa đủ quen thuộc nhưng cũng vừa đủ khác với những cái tên phổ biến ở thập niên trước như Jennifer, Michelle hay Linda. 

"Tất cả đều có thể đánh vần và đọc tên Emily, nhưng tên này cũng không quá thường thấy. Cái tên này là lựa chọn an toàn và thân thiện cho các phụ huynh muốn lùi một bước khỏi đám đông" - cô cho biết.

Poster Dickinson và Emily

Wattenberg sinh ra và lớn lên ở Amherst, Massachusets, nơi sinh của nhà văn Emily Dickinson - một trong những Emily nổi tiếng nhất nước Mỹ. Series phim về cuộc đời bà mang tên Dickinson chiếu được ba mùa trên AppleTV+. Một bộ phim khác (Emily, 2022) về nhà văn Emily của nước Anh - Emily Bronte - đã ra mắt ở Anh hồi năm rồi và dự kiến khởi chiếu toàn cầu trong năm nay.

Đạo diễn John Patton Ford của Emily the Criminal cho biết cái tên Emily đem lại cảm giác "tầm thường một cách anh hùng". Trong phim, Emily bắt đầu lừa đảo để trả nợ học phí, từ đó vướng vào đường tội phạm. Ford cho rằng Emily là một cái tên "không gây nghi ngờ" và không thu hút quá nhiều sự chú ý - tấm toan trắng hoàn hảo để khán giả tùy thích phóng chiếu trí tưởng tượng của mình lên.

Emily cũng thường xuyên xuất hiện trên phim ảnh với vai trò cô gái tốt, theo Emily Oberg, người sáng lập thương hiệu thể thao Sporty and Rich. "Đây không phải là một cái tên phản diện" - cô cho biết.

Những anh hùng mang cùng tên J

Với nam chính trong các phim hành động, đấm đá, số người tên bắt đầu bằng chữ J - không Jack hay John thì cũng James, thỉnh thoảng là Jason - gần như áp đảo. Đây là phát hiện của Demetria Glace, cây bút chuyên về số liệu của tạp chí Slate.

Trong 790 phim hành động có một nam chính được sản xuất trong hơn 60 năm qua, có tới 33% nam chính có tên bắt đầu bằng chữ J - 74 John, 50 James và 37 Jack. M - chữ cái đầu phổ biến thứ hai (với Max và Michael) chỉ chiếm vỏn vẹn 7% số phim.

Có lời giải thích đơn giản nào cho hiện tượng này không? Có khi nào việc này chỉ phản ánh độ phổ biến của các tên J ngoài đời thực? Có lẽ không hẳn. Dù James đúng là cái tên phổ biến nhất (và John đứng thứ ba) tại Mỹ trong suốt một thế kỷ qua, các cái tên phổ biến khác ngoài đời như Robert, Michael hay David lại không giành được sự chú ý tương ứng trong phim ảnh. Trái lại, dù các tên J chỉ chiến 12% dân số ngoài đời thực, trên phim hành động chúng lại chiếm tới 33%.

Ảnh: Vox

Ảnh: Vox

Demetria Glace đưa ra vài giả thuyết: Đầu tiên, John và Jack đã được gắn với hình ảnh người đàn ông bình thường trong văn hóa Anh. Theo Richard Coates, chuyên gia nghiên cứu tên tại Đại học West of England, John là cái tên phổ biến nhất cho nam giới tại Anh suốt nhiều thập kỷ.

Theo từ điển Oxford, John và phiên bản tên thân mật Jack đã trở thành cái tên chung cho các nhân vật "người đàn ông bình thường" và "người đàn ông tưởng tượng" từ thế kỷ 14.

Bắt đầu từ thế kỷ 16, các thành ngữ như John Doe (vô danh hoặc cần giữ bí mật danh tính) "Jack-of-all-trades" (người đàn ông thạo mọi nghề) hay "every man Jack" (chỉ người đàn ông bình thường) bắt đầu xuất hiện. Trong văn hóa Mỹ, Joe thường được gắn với thế hệ lớn tuổi, trong khi Jack được ưa chuộng hơn với các thế hệ sau này - cùng với đó là sự phổ biến của các nhân vật "trung bình" và thân thiện với đại chúng như John Doe, Jack Tar, Joe Six-Pack, Joe Schmo, Joe Blow hay Joe Public.

Dù vậy, giả thuyết này có lẽ chưa đủ để giải thích sự phổ biến của các tên J trên phim. Glace có một giả thuyết khác: Cái tên John và Jack mang lại một vẻ thân thiện và đáng tin cậy cho các nhân vật hành động. Các nghiên cứu về tên cũng xác nhận điều này: Một thí nghiệm của D. Sheppard trên 146 người Mỹ cho thấy John được coi là cái tên đáng tin cậy nhất, kéo theo việc được đánh giá cao ở các đặc tính xã hội khác (như "trẻ, ưa nhìn, hòa đồng, tốt bụng").

Bạn nhận ra bao nhiêu nhân vật tên J trong ảnh này?

Bạn nhận ra bao nhiêu nhân vật tên J trong ảnh này?

Một nghiên cứu năm 2011 của LinkedIn cũng cho thấy Jack nằm trong top 3 những cái tên phổ biến nhất của các CEO. "Tên rút gọn [như Jack] đem lại cảm giác thân thiện và cởi mở" - Frank Nuessel, giáo sư ngôn ngữ tại Đại học Louisville, nhận định.

Các giả thuyết này càng được tô đậm khi nhìn vào danh sách các nhân vật phản diện. Theo thống kê của tác giả Demetria Glace, khác với các nhân vật chính diện thường dùng chung tên, vai phản diện thường có những cái tên độc nhất, không trùng nhau để tạo cảm giác "lạ lẫm" và "xa cách". Không như những John và Jack thân thiện trong văn hóa Mỹ, các vai phản diện cũng thường mang những cái tên "nước ngoài" như Victor hay Ivan hay Yuri - gợi nhớ đến nước Nga, kẻ thù của Mỹ trong thời gian chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, xét cho cùng, Glace vẫn không tìm ra được một giả thuyết hoàn hảo có thể giải thích sự phổ biến của tên J trong phim hành động. Cô chỉ có thể đồ rằng "tiếng tăm của những cái tên này có thể đã vun đắp sự nổi tiếng của chúng, và sự nổi tiếng đó lại quay lại xây dựng tiếng tăm vững mạnh hơn, trở thành một nút thắt bền chặt không thể tháo gỡ".■

Trên phim là vậy, còn việc chọn tên ngoài đời cũng đang hệ trọng hơn bao giờ hết. Trên TikTok, hàng loạt người sáng tạo nội dung đã và đang xây dựng lượng người theo dõi lên hàng chục, hàng trăm ngàn với các video bàn chiến lược đặt tên con.

Họ cho ta biết những cái tên phải tránh vì chúng đang trở thành xu hướng (và có thể gây trùng lặp sớm), tên theo mùa, tên gợi cảm giác giàu sang (Caroline, Elizabeth, Charlotte), tên kiểu "nhân vật chính" (Blaze, Arrow, Falcon), cùng các tiết mục đoán tên con người nổi tiếng với độ chính xác đến giật mình.

Colleen Slagen, chủ tài khoản Tiktok @namingbebe đã thu hút gần 300.000 người theo dõi với các video thảo luận về tên con trẻ. Cô cũng đưa ra 3 gói dịch vụ tư vấn tên: gói cơ bản với 16 lựa chọn tên giá 99 đô, gói 8 tên kèm lý giải chi tiết có giá 175 đô, còn gói 16 tên kèm lý giải tương tự có giá tới 250 đô. Tới nay, cô đã hoàn thành tư vấn cho 100 lượt phụ huynh - một vài trong số đó còn chưa thụ thai ở thời điểm tư vấn.

Colleen Slagen trong 1 video trên TikTok

Colleen Slagen trong 1 video trên TikTok

"Tôi đồ rằng việc này đi song song với sự lên ngôi của mạng xã hội", Slagen nói, ý chỉ xu hướng công bố tên con trên mạng xã hội của các cặp vợ chồng, thường được in lên tranh và các đồ gia dụng trong nhà.

"Trước đây bạn chỉ công bố với gia đình và vài người bạn thân thiết. Giờ đây bạn thấy hàng loạt tên trên mạng xã hội và nghĩ rằng chúng đang cực kỳ phổ biến, từ đó thúc đẩy mọi người tìm một cái tên độc đáo cho con mình" - cô chỉ ra.

Dù vậy, việc đặt tên con theo số đông vốn từng là truyền thống trong xã hội phương Tây qua nhiều thế kỷ. Trong lịch sử Mỹ, gia đình thường đặt tên con theo các vị cha anh đi trước, dẫn đến nhiều thế hệ trong gia phả mang cùng tên như Mary hoặc John.

Mãi đến thập niên 1960, khi các gia đình trở nên biệt lập hơn về thế hệ, cũng như lượng trẻ con ít đi, dẫn đến nhu cầu đặt tên con để thể hiện cá tính. "Cha mẹ ngày nay nghĩ về việc đặt tên con gần như một công ty tìm cách đặt tên một sản phẩm - cũng là một thị trường đầy cạnh tranh, nơi bạn cần phải dành sự chú ý để thành công" - Laura Wattenberg, người sáng lập dịch vụ đặt tên Namerology, cho biết.

Nhân nói chuyện đặt tên, trong bài viết cho New York Times ngày 11-5, nhà báo Connie Wang kể lại chuyện cô tình cờ phát hiện cả một "thế hệ Connie", đều là người Mỹ gốc Á, được cha mẹ trao cho cái tên xuất phát từ một nguồn cảm hứng chung: Connie Chung, người gốc Á đầu tiên trở thành người dẫn chính của một chương trình thời sự lớn ở Mỹ; vào thời đó, bà cũng mới là người phụ nữ thứ hai được giữ vị trí này.

Connie Wang cùng gia đình đến Mỹ vào đầu thập niên 1990, khi cô còn nhỏ. Khi lên 3 tuổi, cô nói với bố mẹ mình muốn chọn tên Mỹ là Connie, đặt theo a dí (người dì) thấy trên tivi mỗi ngày. Wang kể cô cứ tưởng tên mình lạ độc đáo, cho đến khi phát hiện hàng tá Connie khác - cả một thế hệ bé gái gốc Á lớn lên trên đất Mỹ được đặt theo tên nữ nhà báo được xem là biểu tượng cho thành công của giấc mơ Mỹ.

Ảnh: Connie Aramaki

Ảnh: Connie Aramaki

Trong bài viết cho New York Times, Wang ghi lại cách mà mỗi Connie được đặt tên này. Chẳng hạn, bà May Ho, mẹ của cô Connie Chung (34 tuổi), nói bà thấy câu chuyện của Connie Chung đầy cảm hứng và muốn con gái mình cũng thành công như thế. Tương tự, bà Bing Han, mẹ của Connie Liu (28 tuổi), nói đặt tên Connie vì "muốn con bé nổi tiếng và xuất chúng". Min Xu, mẹ của Connie Wu (29 tuổi), giản dị hơn: cái tên này dễ phát âm, và "hồi đó chúng tôi cũng có coi tivi và biết Connie (Chung)".

Không chỉ viết bài, Connie Wang còn tổ chức một buổi chụp hình lưu niệm giữa Connie Chung, hiện 77 tuổi, và 10 Connie khác. Bà Chung bắt tay từng người và lần lượt nghe họ kể chuyện - cha mẹ họ đã đến Mỹ thế nào, cuộc sống khi bé ra sao, và mẹ của họ thấy vui vì sự xuất hiện của bà trên tivi đến mức nào.

Connie Sun (42 tuổi) kể mẹ cô từng cố gắng bắt chước kiểu tóc của bà Chung và đặt tên Connie chỉ vì muốn cô sau này lớn lên nói tiếng Anh giỏi. Connie Koh (35 tuổi) nói với nữ nhà báo chính bà là người chọn tên cho cô chứ không phải bố mẹ mình.

Bà Chung vui vẻ đáp lại bằng một câu đùa, cả phòng cười ồ, rồi Koh bật khóc, nói mãi sau khi học xong đại học cô mới chọn tên Mỹ, bên cạnh tên Hàn Quốc Keon Yeong. "Cô là một nhân vật biểu tượng" - Koh nói với Chung, cũng đang ngấn lệ.

Nhiếp ảnh gia của buổi chụp ảnh cũng là một Connie. Connie Aramaki kể cô từng nghĩ bố mẹ chọn tên này vì muốn cô sau này cũng theo nghề báo, nhưng sau cùng cô nhận ra rằng điều họ - và có lẽ cả những người đã chọn tên Connie cho con mình - thực sự muốn là "bạn sẽ làm việc chăm chỉ, can đảm, và nắm bắt các cơ hội".

(TRÚC ANH)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận