Bình Nhưỡng và cuộc chơi bên miệng hố hạt nhân

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 31/05/2009 04:05 GMT+7

TTCT - Ngày 25-5, bằng vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thứ hai, Bình Nhưỡng đã tạo nên một cơn địa chấn quốc tế, mặc dù lần này họ đã gặp phải làn sóng phê phán mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Vụ thử đang đặt các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ trước những lựa chọn khó khăn.

Phóng to
Ngày 25-5, đại sứ Nhật tại LHQ YukioTakasu bày tỏ ý kiến về cuộc thử hạt nhân lần hai của Bình Nhưỡng - Ảnh: AP
TTCT - Ngày 25-5, bằng vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thứ hai, Bình Nhưỡng đã tạo nên một cơn địa chấn quốc tế, mặc dù lần này họ đã gặp phải làn sóng phê phán mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Vụ thử đang đặt các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ trước những lựa chọn khó khăn.

15 năm qua, kể từ Thỏa thuận khung ký kết giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tại Geneva với nội dung Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân đổi lấy những nhượng bộ kinh tế và ngoại giao, cỗ xe thương lượng hạt nhân song phương và đa phương về Triều Tiên không biết bao nhiêu lần lên gần đỉnh dốc rồi tụt xuống tận đáy dốc. Trong những vòng đàm phán kế tiếp nhau, Mỹ và các nước lớn liên quan thường thổi những điệu kèn đối sách ngập ngừng, không đến mức “ông thổi xuôi, bà thổi ngược”, nhưng các biến tấu dựa trên tính toán lợi ích quốc gia của các bên đã tạo những kẽ hở cho nền ngoại giao có tài khai thác các khác biệt của Bình Nhưỡng phát huy tác dụng tối đa. Các nhà thương lượng nước lớn chưa bao giờ xác định được “vạch đỏ” cho Bình Nhưỡng trong cuộc thương lượng hạt nhân. Học thuyết “trục ma quỷ” của tổng thống Bush đưa ra sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ đã đẩy Bình Nhưỡng tới quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân như mục tiêu tối thượng, dù trả giá bằng sự chịu đựng hi sinh to lớn của cả dân tộc.

Đưa vấn đề Triều Tiên vào ưu tiên nghị sự

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ nhất tháng 10-2006, mà phía Mỹ và Hàn Quốc đánh giá là không thành công, chính quyền Bush vẫn quyết định quay lại chính sách can dự và thương lượng. Điều này là cần thiết nhưng cũng tạo ra tiền lệ nguy hiểm: những khiêu khích hạt nhân cuối cùng được đáp lại bằng những tấm séc, những cái bắt tay và những cuộc thương lượng.

Vụ thử tên lửa tầm xa mà Bình Nhưỡng tiến hành dưới vỏ bọc phóng vệ tinh lên quỹ đạo, ngày 5-4 vừa rồi, dường như chưa đủ gây ấn tượng đối với chính quyền Barack Obama đang đứng trước những chương trình đối ngoại ưu tiên cao hơn và tìm cách hạ thấp vấn đề hạt nhân Triều Tiên như một thay đổi thủ thuật đàm phán. Bình Nhưỡng đã dùng vụ thử 25-5 tạo ra cuộc chơi “bên miệng hố hạt nhân” nhằm đưa vấn đề Triều Tiên vào chương trình nghị sự ưu tiên của chính quyền mới ở Mỹ. Mục đích là tăng cường khả năng răn đe hạt nhân trước khi đàm phán được nối lại. Nếu chưa được nhượng bộ thích hợp, Bình Nhưỡng có thể tiếp tục như vậy, vì theo tính toán của Mỹ, người Bắc Triều Tiên hiện đã có đủ plutonium để sản xuất thêm 6-8 quả bom hạt nhân.

Điệu tango của Bình Nhưỡng

Theo những đánh giá sơ bộ, vụ thử thứ hai đã thành công. Sức công phá khoảng 20 kilôtôn với mức năng lượng giải phóng cao gấp 4 lần vụ thử năm 2006. Dù vẫn khá khiêm tốn so với tiêu chuẩn bom hiện đại, Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân tương đương bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Nhà lãnh đạo Kim Jong Il đang tiến gần tới mục tiêu ông cam kết với các tướng lĩnh quân đội sau vụ thử tên lửa tháng trước, đến năm 2012 sẽ đưa Triều Tiên vào vị thế một quốc gia hạt nhân. Quá trình hoàn thiện vũ khí hạt nhân sẽ tiến hành cùng với hoàn thiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, mà mới nhất là ngày 26-5, Bình Nhưỡng lại thử thêm ba tên lửa tầm ngăn.

Một chủ đích quan trọng khác của vụ thử lần này là tạo thuận lợi cho quá trình kế vị ở CHDCND Triều Triên.

Dư luận cho rằng thắng lợi hạt nhân lần này sẽ giúp ông Kim Jong Il giành được ủng hộ của các tướng lĩnh theo phái cứng rắn để đưa một trong ba con trai của mình lên kế vị, trong đó Kim Jong Un, 26 tuổi, được xem là sự lựa chọn số 1. Người kế vị này sẽ được Jang Seong Taek - người anh em cột chèo của ông Kim, vừa được cất nhắc vào Hội đồng quốc phòng khóa này - phò tá.

Washington liệu có chấp nhận điệu nhảy tango do Bình Nhưỡng sắp đặt chăng? Về lâu về dài sẽ không có con đường nào khác ngoài thương lượng và can dự với CHDCND Triều Tiên. Nhưng thực hiện thế nào để phục vụ tốt hơn cho nỗ lực toàn cầu ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và thực hiện một thế giới không có vũ khí hạt nhân của Tổng thống Obama?

Xử lý vụ này còn tác động đến lập trường của Iran, một quốc gia cũng đang chạy đua làm giàu hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo. Đương kim tổng thống nước này thuộc trường phái cứng rắn đang khá lúng túng trước cách tiếp cận ngoại giao cởi mở hơn của chính quyền Obama. Thất bại mới của cơ chế đàm phán 6 bên trong việc ngăn chặn vụ thử hạt nhân Triều Tiên có thể làm yếu hiệu năng của cơ chế 5+1 về vấn đề hạt nhân Iran, mà Tehran nhận lời tham gia, làm yếu lập trường thương lượng của các ứng cử viên ôn hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 12-6.

Và thế giới một lần nữa chứng kiến các nỗ lực để đẩy cỗ xe đàm phán vượt dốc nhằm tiến tới mục tiêu ngày càng tỏ ra xa vời là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận