Blockchain 2019: hãy lạc quan thêm một lần nữa!

TRƯỜNG SƠN 24/01/2019 02:01 GMT+7

TTCT - Tạp chí MIT Technology Review của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng “trong năm 2019, blockchain sẽ trở nên nhàm chán”. Có thật như vậy hay chỉ là chuyện tạp chí công nghệ này khéo “giật tít câu view”?

minh học

Ý của tác giả Mike Orcutt hóa ra là: nhàm chán không phải theo kiểu mất sức hấp dẫn, mà nó sẽ trở thành “chuyện bình thường ở huyện”, nghĩa là phổ biến, quen thuộc đến mức thôi không cần phải bàn tán gì thêm.

Năm 2017, blockchain được xem là “một cuộc cách mạng có thể làm đứt gãy hệ thống tài chính toàn cầu” và thành một thứ công nghệ thời thượng, như nhiều câu chuyện mỉa mai rằng để thuyết phục nhà đầu tư cho một dự án, chỉ cần nói “nó chạy trên blockchain” là thắng vì nhà nhà đang “lên đồng” về những tính năng ưu việt mà công nghệ này được cho là có thể mang lại.

Vậy nhưng năm 2018 đã trôi qua mà không có một ứng dụng blockchain nào thực sự thành công. Blockchain cũng bị “mang tiếng” vì ứng dụng phổ biến nhất của nó là tiền ảo bitcoin tuột giá không phanh.

Sau năm 2018 đáng thất vọng, MIT Technology Review vẫn lạc quan rằng 2019 sẽ là năm mà blockchain rốt cuộc cũng sẽ trở thành chuyện bình thường, vì nhiều dự án blockchain có tính khả thi cao “vẫn “còn sống”, thậm chí đang gần đến ngày hái quả”.

Những thất bại trong việc tạo ra ứng dụng blockchain trong các năm qua không vô nghĩa. Sau mỗi dự án không thành công, giới công nghệ lại rút ra nhiều cải tiến, chỉnh sửa mới để biến việc đưa blockchain vào cuộc sống gần hơn bao giờ hết.

blockchainwww.psd.gov.sg

Tên tuổi lớn là bảo chứng?

Theo MIT Technology Review, Walmart đã nghiên cứu thử nghiệm hệ thống blockchain riêng để theo dõi việc cung ứng thực phẩm trong hai năm qua. Nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ cho biết sẽ chính thức áp dụng vào năm 2020 và đã hướng dẫn các nhà cung cấp, nông dân trồng rau xanh và các công ty logistics đăng ký tham gia hệ thống trước tháng 9 năm nay.

Hệ thống do IBM phát triển giúp Walmart theo dõi được sản phẩm từ khi còn ở nông trại đến khi lên kệ trong siêu thị. Walmart lạc quan rằng công nghệ này sẽ giúp “truy xuất nguồn gốc các căn bệnh liên quan đến thực phẩm nhanh hơn rất nhiều so với công nghệ hiện tại”, và điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí lẫn ngăn các thiệt hại về người.

Vụ xà lách bị nhiễm E. coli khiến 5 người chết hồi năm ngoái là một ví dụ. Walmart buộc phải vứt bỏ từng túi rau đến khi truy được nguồn gốc của lô xà lách nhiễm khuẩn. Nhà bán lẻ này khẳng định nếu nhân viên phải mất 7 ngày mới truy được nguồn gốc của một lô hàng xoài xắt lát thì với blockchain, thời gian sẽ rút còn vài giây!

Trong một tín hiệu lạc quan khác, Intercontinental Exchange (ICE), công ty sở hữu sàn giao dịch chứng khoán New York Stock Exchange và là một trong những “tay chơi” có ảnh hưởng nhất trên Phố Wall, dự định ra mắt sàn giao dịch tài sản ảo - cụ thể là tiền mã hóa - vào năm 2019 này.

ICE đặt mục tiêu tạo một thị trường chịu kiểm soát của các quy định cấp liên bang cho bitcoin, nhằm biến tiền kỹ thuật số này thành “một đơn vị tiền tệ toàn cầu đáng tin cậy được sử dụng rộng rãi”, theo tạp chí Fortune.

Hợp đồng thông minh (smart contract) cũng là một ứng dụng được cho là khả thi và thiết thực nhất của blockchain. Smart contract là các đoạn mã tự thực thi một thỏa ước giữa hai bên, chẳng hạn như hợp đồng bảo hiểm chuyến bay sẽ tự chi trả cho hành khách nếu chuyến bay bị hủy. Về nguyên tắc, smart contract loại bỏ sự cần thiết của các vai trò trung gian (và kèm theo đó là chi phí trả cho họ).

Nếu chuyện hợp đồng tự thực thi khi điều kiện đặt ra trước đó thỏa mãn không có vấn đề gì về mặt kỹ thuật, thì vấn đề khiến nó chưa thể thành công ở chỗ niềm tin và tính xác thực của dữ liệu đầu vào.

Hợp đồng bảo hiểm chuyến bay nói trên dĩ nhiên cần có một nguồn dữ liệu chính về tình trạng các chuyến bay. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu hacker cài thông tin hủy chuyến giả vào cơ sở dữ liệu để ẵm tiền bồi thường?

Tác giả Orcutt cho rằng vấn đề này sẽ được giải quyết khi một công ty startup tên Chainlink đã kết hợp với các nhà nghiên cứu Đại học Cornell (Mỹ) tạo ra một hệ thống dùng kỹ thuật mã hóa và phần mềm bảo mật, để đảm bảo dữ liệu được đưa vào blockchain của smart contract an toàn và xác thực.

Một ứng dụng thực tế của smart contract là công nghệ hỗ trợ các vấn đề pháp lý. Công ty chuyên về công nghệ hỗ trợ pháp lý Rocket Lawyer cho biết năm 2019 sẽ cung cấp nền tảng để ai cũng có thể tạo một hợp đồng pháp lý trên nền blockchain dễ dàng.

Hợp đồng trên nền tảng này sẽ tự theo dõi việc thực thi các quyền, nghĩa vụ của hai bên và khi thỏa điều kiện (công việc hoàn tất) sẽ kích hoạt việc chi trả bằng tiền mã hóa.

Walmart

Chính phủ tham gia

Lý do cuối cùng khiến MIT Technology Review đưa ra triển vọng lạc quan về blockchain là sự tham gia của các chính phủ trong việc phát hành tiền kỹ thuật số. Câu chuyện Venezuela tung ra Petro, đồng tiền mã hóa dựa trên giá dầu hồi năm ngoái có thể là quả bom xịt, song các ngân hàng trung ương tại ít nhất 15 quốc gia đang nghiêm túc xem xét việc tung ra đồng tiền kỹ thuật số quốc gia.

“Có thể chưa có đồng tiền nào được chính thức phát hành trong năm nay, nhưng chắc chắn câu chuyện này sẽ được bàn liên tục trong bối cảnh tiền mặt ngày càng ít được sử dụng và các công nghệ thanh toán mới, bao gồm tiền kỹ thuật số, ngày càng cải thiện” - Orcutt nhận định.

Ngay cả giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng đã nhắc đến triển vọng của tiền mã hóa do ngân hàng nhà nước “chống lưng”. Trong diễn từ có chủ đề “Làn gió thay đổi” đọc tại hội nghị về công nghệ tài chính (fintech) ở Singapore hồi tháng 11-2018, bà Lagarde cho biết các ngân hàng trung ương cần xem xét việc phát hành tiền ảo, bởi “vẫn cần vai trò của nhà nước” xét về tiền tệ trong nền kinh tế số.

Một đồng tiền mã hóa do ngân hàng nhà nước phát hành, theo người đứng đầu IMF, sẽ đáp ứng các mục tiêu chính sách công về tài chính, bảo đảm quyền riêng tư trong thanh toán, mang đến sự bảo mật, bảo vệ cho người tiêu dùng và quan trọng nhất là có thể “cung cấp những gì khu vực tư nhân không thể”.

Nhưng gượm đã, tiền kỹ thuật số do chính phủ bảo đảm chẳng phải trái với mục đích ban đầu của những người tạo ra cuộc cách mạng tiền mã hóa rằng cần có một đồng tiền để giao dịch không cần thông qua ngân hàng trung ương hay sao? Hỏi là đã trả lời. “Các cuộc cách mạng không phải lúc nào cũng diễn ra như các nhà cách mạng hình dung” - MIT Technology Review lý giải.

Nếu những năm qua cho thấy blockchain hay tiền ảo khó có thể trở thành công nghệ chủ lưu và đi vào đời sống nếu bám lấy nguyên tắc “không cần trung ương” thì rõ ràng việc các nhà nước hay tổ chức uy tín như IMF, ICE tham gia lập hành lang pháp lý cho tiền ảo chính là bước ngoặt cho công nghệ này.

Nhận định này được Kevin Werbach, học giả Trường kinh doanh Wharton (Đại học Pennsylvania), chia sẻ. Trong cuộc phỏng vấn với The Economist đầu tháng 1, Werbach cho rằng khác xa hình dung và mong mỏi của những người ủng hộ nó nhằm tạo ra một công nghệ cách tân có thể khiến các chính phủ trở nên thừa thãi, blockchain buộc phải dựa vào sự gắn kết xã hội, sự ổn định chính trị và luật lệ do các chính phủ ban hành.

Werbach dẫn chứng câu chuyện “phát hành tiền ảo lần đầu” (ICO), hình thức kêu gọi vốn để tạo ra tiền kỹ thuật số mới, vốn đã khiến các nhà đầu tư mất hàng tỉ USD hồi năm ngoái vì không chịu sự kiểm soát của quy định hay luật lệ nào: “Miền Tây hoang dã chỉ là môi trường thuận lợi cho kẻ xấu mà thôi”.

Nếu một hệ thống blockchain bị tin tặc tấn công hay bị lỗi, gây thiệt hại cho khách hàng thì ai sẽ đứng ra phân xử? “Giải quyết các vấn đề không thể tránh được này chính là địa hạt của luật pháp, quy định và sự quản trị nhà nước - Werbach nói - Các cơ chế này cần phải được áp dụng để ngăn mâu thuẫn và giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia blockchain”.■

Blockchain là công nghệ được nhắc đến nhiều, như “ngôi sao” của công nghiệp 4.0, nhưng không thực sự dễ giải thích. Cách lý giải ngắn gọn nhất là một hệ thống lưu trữ thông tin không sửa xóa được nhưng trung thực, dù không qua một trung gian quản lý nào. Blockchain vì thế hữu dụng cho rất nhiều ngành cần lưu trữ thông tin minh bạch, từ tài chính, ngân hàng, y tế đến theo dõi xuất xứ hàng hóa.

Patrick Byrne, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Overstock, công ty hiện đầu tư vào 19 công ty blockchain khác nhau, khẳng định với Fox Business “các sản phẩm blockchain sẽ ra mắt trong quý 1 năm nay”.

Nếu nhận xét của Byrne là từ người trong cuộc thì tựa bài “Cuộc cách mạng blockchain đang tiếp tục diễn ra, dù lặng lẽ” của Epoch Times ngày 8-1 có thể khách quan hơn. Bài viết cho rằng có lý do để tin blockchain “chưa chết” bởi các công ty lớn - từ công ty công nghệ như IBM đến hãng tư vấn thuế Ernst & Young - vẫn đổ tiền vào nghiên cứu, trong khi các lĩnh vực như y tế, ngân hàng, quốc phòng đều đang nghiêm túc xem xét ứng dụng blockchain.

Cụ thể, trong thông cáo ngày 9-7-2018, Hãng Lockheed Martin cho biết đang hợp tác với hãng phát triển blockchain cho mục đích quốc phòng Guardtime Federal để trở thành “nhà thầu quốc phòng đầu tiên của Hoa Kỳ kết hợp công nghệ blockchain vào chiến lược an toàn không gian mạng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận