Bồ Đào Nha và "cuộc thám hiểm ngược"

HOÀNG OANH 17/05/2017 20:05 GMT+7

Dưới bầu trời Lisbon
Dưới bầu trời Lisbon

 

Ở thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) có một tượng đài lớn được dựng lên bên bờ sông Tagus, có tên là Tượng đài của những cuộc thám hiểm.

Người ta tin rằng ở chính khúc sông này từ thế kỷ 15, những đội thuyền của hoàng tử Henry the Navigator, nhà thám hiểm Vasco da Gama hay Pedro Álvares Cabral đã dong thuyền ra khơi, mở ra một kỷ nguyên khám phá lẫy lừng trong lịch sử Bồ Đào Nha và nhân loại.

Nhưng đó đã là chuyện của hơn 500 năm trước, khi người Bồ Đào Nha tìm ra thế giới. Còn bây giờ, dường như thế giới lại đang “tìm thấy” Bồ Đào Nha trong một cuộc... “thám hiểm ngược”. Du lịch Bồ Đào Nha chưa bao giờ rầm rộ như hiện nay. Đất nước nhỏ bé nằm ở cực tây châu Âu này được xem là điểm đến hot nhất thế giới năm 2017.

Tượng đài Những cuộc thám hiểm

 

Lisbon, Porto hay gì nữa

Lúc đầu tôi chỉ dự định ở Bồ Đào Nha một tuần. Vậy nhưng tôi đã ở lại đó hơn một tháng, hoàn toàn ngoài kế hoạch. Có điều gì đó vô cùng kỳ lạ ở đất nước này khiến tôi cứ lưu luyến mãi, không rời được.

Có lẽ là vì bầu trời xanh trong vắt và những gợn mây trắng như bông lúc nào cũng lơ lửng trên đầu, dù là mùa đông. So với thời tiết London xám xịt lạnh lẽo mà cái mũi sụt sịt của tôi đã phải chịu đựng một tháng trước đó, thì vùng trời nắng ấm quanh năm của bán đảo Iberia cứ như là một món quà.

Thủ đô của Bồ Đào Nha cổ kính, nhỏ nhắn và tuyệt đẹp. Thành phố được xây dựng trên bảy ngọn đồi nằm gần nhau nên những con dốc đặc trưng nơi đây đã trở thành một miền nhớ cho bất cứ du khách nào.

Xe điện cổ số 28 chạy trong khu Barro Alto
Xe điện cổ số 28 chạy trong khu Barro Alto

 

Tôi vẫn hay rảo bước trên những con phố cổ lát đá trong khu Barro Alto hay Alfama, nơi chiếc xe điện màu vàng số 28 dù hơn trăm tuổi vẫn còn chạy len lỏi qua từng ngóc ngách nhỏ, kiêu hãnh như một biểu tượng không thể xóa nhòa của thành phố.

Sẽ luôn có một sự kiện văn hóa nào đó đang diễn ra ở Lisbon, cũng giống như sẽ luôn có những ngày nắng đẹp phản chiếu bờ nước xanh lấp lánh chạy dọc thành phố.

Nếu đang ở Lisbon, không thể không ghé thăm khu Belem. Ngoài những bảo tàng cực kỳ thú vị như Bảo tàng xe ngựa hoàng gia, Bảo tàng phương Đông, Bảo tàng hàng hải, Bảo tàng điện lực..., ngoài tháp Belem, ngoài tu viện cổ Jerónimos, người ta còn đến Belem là vì món bánh trứng trứ danh pasteis de nata.

Lịch sử ghi lại rằng các tu sĩ trong tu viện Jerónimos đã dùng lòng trắng trứng gà để giặt quần áo, vậy nên lòng đỏ dư ra được họ chế biến thành món bánh trứng pasteis de nata. Món bánh này đã trở thành một trong những di sản quan trọng mà Bồ Đào Nha đã đóng góp cho thế giới.

Từ thủ đô Lisbon, chỉ cần mươi phút chạy xe là có thể đến được những thị trấn nhỏ xung quanh như Sintra, Cascais, Estoril, Caravelos, Azenhas Do Mar..., nơi có những bờ biển tốt nhất dành cho dân lướt sóng, những tòa lâu đài và cung điện theo kiến trúc Nam Âu tuyệt đẹp, những con đường mòn dành cho người leo núi và yêu thiên nhiên.

Xuôi xa về phía nam, ta sẽ đến địa phận Algrave. Những thành phố biển trong khu Algrave như Faro, Lagos, Silves, Tavira... sẽ chào đón bạn bằng sự thảnh thơi, trong lành, nắng ấm quanh năm, nước biển xanh ngọc, hải sản tươi ngon và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Nhưng nếu như không ở Lisbon, tôi sẽ chọn Porto, thành phố lớn thứ hai của Bồ Đào Nha nằm ở phía bắc. Tôi yêu Porto.

Tôi đã ở đó một tuần và mỗi ngày chỉ làm mỗi một việc là đi dạo vòng quanh, vậy mà đến cuối ngày vẫn thấy dường như mình vẫn chưa đi hết chiều sâu của thành phố. Porto êm đềm và lặng lẽ, phố nhỏ ngõ nhỏ, những ngôi nhà cổ nép mình trên sườn đồi, và kiến trúc khu trung tâm đẹp đến nỗi đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đến Porto, đừng quên ăn franceshina (được mệnh danh là vua của các loại sandwich) và uống rượu Port (một loại rượu vang ngọt hảo hạng đặc sản của vùng này).

Vốn luôn khiêm nhường bên dòng Douro hơn 900 năm qua, đùng một cái, gần đây Porto đã hai lần được bầu chọn là điểm đến số 1 châu Âu. Khách du lịch đổ về Porto khiến thành phố có chút bối rối, nhưng dù gì đi nữa thì tôi mong những buổi hoàng hôn nhìn từ cầu Dom Luis II ở Porto vẫn sẽ luôn thanh bình như vậy.

Dòng sông Duoro chảy giữa Porto

Tấm chân tình và nỗi sầu muộn trăm năm

Điều mà tôi nhớ nhất khi rời khỏi Bồ Đào Nha là gì ư? Có lẽ đó là tấm chân tình quý giá của người dân địa phương. Tôi có may mắn được ở nhờ trong một gia đình Bồ Đào Nha ở ngoại ô Lisbon. Mara là một bà mẹ Bồ truyền thống, nghĩa là bà sẽ luôn ở trong bếp và nấu món gì đó.

Bất cứ khi nào trông thấy tôi, bà đều hỏi: “Cháu nhất định là đang đói bụng phải không?”, rồi bà lại tất bật bày ra cơ man đủ các loại đồ ăn và sẽ rất hạnh phúc nếu như khách của bà ăn đến no kềnh thì thôi.

Ngoài Mara, tôi cũng gặp gỡ và kết bạn với nhiều người Bồ khác, từ trẻ đến già, và nhận ra họ đều có chung một đặc điểm: nụ cười thân thiện thật lòng, có pha chút bẽn lẽn.

Nếu như bạn biết rằng Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên trên thế giới xóa bỏ chế độ nô lệ (đi trước các nước thực dân khác như Anh, Pháp, Mỹ khoảng hơn nửa thế kỷ), hay Bồ Đào Nha được xếp hạng thứ 5 trong số các quốc gia hòa bình nhất trên thế giới trên tổng số 163 nước (theo chỉ số Hòa bình thế giới - Peace Global Index năm 2016), thì bạn sẽ hiểu vì sao khi tôi hỏi “Kẻ thù của Bồ Đào Nha là ai?”, anh bạn João của tôi đã tự tin tuyên bố: “Không có ai cả. Chúng tôi không ghét ai!”.

Bên bờ sông Tagus thành Lisbon
Bên bờ sông Tagus thành Lisbon

 

Rồi cũng có lẽ là tôi sẽ nhớ những bản nhạc Fado da diết của xứ này - một thể loại âm nhạc truyền thống xuất phát từ thành Lisbon 500 năm trước. Fado (có nghĩa là “số phận”) là những bài hát buồn bã và cảm động, được cất lên để bày tỏ nỗi nhớ thương những người thủy thủ đang rong ruổi trong hành trình viễn chinh khám phá thế giới.

Âm nhạc Fado ngày nay vẫn còn được chơi trong những buổi hòa nhạc hay trong những nhà hàng dành cho du khách. Fado là một trong những ví dụ đích thực của tinh thần saudades - một từ tiếng Bồ không thể dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào khác, mang nghĩa là nỗi nhớ, có thể là nhớ về một tình yêu, một con người, một nơi chốn hoặc là một thời kỳ nào đó đã trôi qua.

Cứ thế, người Bồ đã saudades suốt trăm năm qua. Họ saudades về quá khứ vàng son của dân tộc, khi nửa thế giới từng nằm dưới bóng cờ chinh phục của Bồ Đào Nha.

Đất nước này cũng được xem là quốc gia lâu đời nhất châu Âu với đường biên giới ổn định, chưa hề bị xâm lược hay chia cắt. Ngày nay, nhất là sau những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Bồ Đào Nha rớt lại phía sau.

Cô bạn Joanna bùi ngùi nói: “Bây giờ chúng tôi thuộc thành phần những nước nghèo của Liên minh châu Âu”. Và cô saudades về điều đó. Nhưng dù sao thì khi đi dọc Bồ Đào Nha, tôi chưa gặp bất cứ người dân nào không tự hào về đất nước của mình cả. Họ saudades đấy, sầu muộn đấy nhưng rồi họ nhìn mọi việc nhẹ nhàng và tập trung sống cho hiện tại. ■

Bánh trứng pasteis de nata

Tiệm bánh Pasteis de Belem mở cửa từ năm 1837 cho đến tận ngày nay được xem là nơi duy nhất sở hữu công thức bánh trứng nguyên gốc từ tu viện. Trong suốt hơn trăm năm, tiệm chỉ bán duy nhất loại bánh trứng “thần thánh” này và luôn có hàng dài người xếp hàng để chờ được thưởng thức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận