Bộ sưu tập truyền đơn có một không hai

MINH TỰ 14/12/2009 09:12 GMT+7

TTCT - Ông Lê Trường Quỳnh, một lão phu ở làng Lựu Bảo (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), đang lưu giữ một bộ sưu tập độc đáo: truyền đơn của Việt Minh với đủ chủng loại và số lượng lớn.


Ông Lê Trường Quỳnh - Ảnh: Minh Tự

Các nhà chuyên môn về bảo tàng ở Huế và Quảng Nam đều đánh giá bộ sưu tập truyền đơn này rất lạ và hiếm. 

Lạ bởi hầu như chẳng mấy người sưu tập truyền đơn, hiếm vì dưới chế độ cũ hễ ai nhặt được loại ấn phẩm này phải bí mật đọc rồi hủy ngay, giữ lại hết sức nguy hiểm.

Mặt khác, các cơ quan phát hành loại văn bản này thường cũng không lưu trữ. Số truyền đơn này ra đời trong thời kỳ 1945-1954, thường được gọi là “thời chín năm”, khi đó quân Pháp tái chiếm và lập ra chính phủ bù nhìn ở Trung phần. 

Khi xem những tờ truyền đơn ố vàng, cũ kỹ, lấm lem bùn đất, được in bằng đủ loại giấy thô sơ, nhiều người hẳn sẽ thắc mắc: vì sao ông Quỳnh có thể lưu giữ với số lượng lớn như thế những tờ truyền đơn được Việt Minh rải xuống vùng chiến sự từ hơn 50 năm trước?

Ông Quỳnh cười, giải thích: “Thật ra tôi nhặt được từ trong đống giấy vụn người ta bỏ đi đó mà”. Số là năm 1976, bà Trúc vợ ông Quỳnh bán tạp hóa ở chợ Đông Ba, một hôm các chị đồng nát đến bán cho bà một mớ giấy cũ để gói hàng. 

Bà Trúc định xén nhỏ số giấy để gói bột ngọt thì tình cờ phát hiện những nội dung “hơi lạ” của chúng nên giữ lại đem về đưa cho chồng, lúc đó ông Quỳnh là cán bộ Phòng văn hóa - thông tin TP Huế. Đọc xong, ông Quỳnh biết ngay đây là truyền đơn binh vận được Việt Minh rải ở các vùng có quân Pháp chiếm đóng.

Sau đó, số truyền đơn này được ty thông tin các tỉnh gửi về cho Nha Thông tin Trung phần (thuộc chính phủ bù nhìn) đóng tại Huế để làm tài liệu nhằm đối phó “đòn” binh vận của Việt Minh. 

Ông Quỳnh xác định được nguồn gốc của tài liệu bởi kèm theo truyền đơn là các phiếu chuyển đóng dấu “mật” của các ty thông tin gửi Nha Thông tin Trung phần (đóng ở tòa nhà phía bắc cầu Trường Tiền, sau này được phá dỡ để xây nhà sách Phú Xuân). Truyền đơn được lưu trữ ở đây cho đến sau năm 1975, rồi được coi là giấy tạp không có giá trị nên đem vứt bỏ.

Có hơn 50 chủng loại truyền đơn in trên đủ thứ chất liệu: giấy bổi, giấy báo, giấy bìa, giấy pơluya, giấy quấn thuốc lá và cả giấy vàng mã... Có loại in typo, có loại in roneo chữ bé li ti, lại có loại viết tay nguệch ngoạc nét chữ to tướng. Khổ giấy có loại A4, có loại chỉ bằng gói thuốc lá. Có tờ toàn chữ, có tờ vẽ thêm hình ảnh như tranh cổ động...

Theo ông Quỳnh, số truyền đơn này là của Việt Minh các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, những địa phương bị quân Pháp chiếm đóng. Không thấy của hai tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên, có lẽ do đây là vùng Việt Minh kiểm soát. Phần lớn là truyền đơn binh vận của bộ đội VN gửi đến đối tượng người Việt đi lính cho Pháp (lính thân binh, Việt binh đoàn, bảo vệ quân) kêu gọi quay súng chống giặc ngoại xâm.

 Ông Đỗ Hữu Hà, phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử - cách mạng Thừa Thiên - Huế, nhận định: “Một bộ truyền đơn với số lượng lớn như vậy là rất hiếm, ngay bảo tàng chúng tôi cũng chỉ lưu giữ được vài tờ. Nguồn thông tin trong các tờ truyền đơn rất đặc sắc, đồng thời lại là nguyên bản. Đây là một tài liệu có giá trị lịch sử, rất cần cho bảo tàng lịch sử cách mạng các địa phương, các bảo tàng quân đội”. 

Qua điện thoại, ông Trần Tấn Vịnh, giám đốc Bảo tàng Quảng Nam, cũng mong muốn được tiếp cận hiện vật và cho biết sẽ cử cán bộ bảo tàng đi Huế ngay.

Khá nhiều là truyền đơn của liên đoàn thanh niên các tỉnh kêu gọi “anh em thanh niên và nông dân bị giặc bắt lính... hãy tìm mọi cách để thoát khỏi đồn trại, hàng ngũ giặc”. Có truyền đơn của ty thông tin các tỉnh thông báo về thất bại của quân đội Pháp.

Có truyền đơn của chính một nhóm bảo vệ quân ở Thừa Thiên sau khi quay súng trở về đã tâm sự với bạn bè còn trong hàng ngũ giặc. Có cả lời hiệu triệu của Trung ương Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh hay tài liệu chuyền tay, thư chúc tết, các bài báo nước ngoài. Có lệnh truy tầm cán bộ chiêu hồi hoặc thư bằng tiếng Pháp gửi lính viễn chinh...

 “Đủ cho một đề tài khóa luận tốt nghiệp cử nhân ngành lịch sử. Từ ngữ, giọng điệu thể hiện của mỗi loại truyền đơn cũng khác nhau, rất sinh động và thú vị” - ông Quỳnh nói.

Suốt 30 năm qua, mỗi mùa lũ lụt ông Quỳnh lại cẩn thận gói ghém và cất bộ sưu tập truyền đơn lên chỗ cao ráo. Nguyện vọng của ông Quỳnh là số truyền đơn ấy sẽ được cơ quan có trách nhiệm xác minh giá trị và trưng bày ở nơi thích hợp để nhiều người cùng xem.

Ảnh: Minh Tự chụp lại
Ảnh: Minh Tự chụp lại


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận