​Bốn gia tài không mua nổi cánh hoa

HẢI MIÊN 27/06/2015 19:06 GMT+7

TTCT - Nhìn bức tranh tôi đang xem trên màn hình máy tính, mẹ tôi, một bà cụ hưu trí gần 80 tuổi, hỏi: “Tranh ai mà đẹp thế con?”. Tôi trả lời của Sanyu, một danh họa Trung Quốc sống ở thế kỷ trước. Tên bức họa là Chậu cúc xanh và trắng, đã được bán với giá gần 7 triệu đôla Mỹ.

Hoa trắng của O’keeffe

Mẹ tôi hỏi 7 triệu đô là bao nhiêu tiền mình? Tôi thở dài: “Con không biết nữa mẹ ơi, nhưng nhiều kinh khủng lắm, kiểu như bán hết gia tài điền sản của bốn mẹ con mình đi cũng không mua nổi một chiếc lá, một cánh hoa trong bức tranh này”.

Câu nói ấy của tôi đã tán bay hồn vía của bà ra tận mười phương. Bà cụ đang ốm, lại càng thẫn thờ bải hoải.

Tôi mở cho bà xem mấy bức nữa lưu trong máy cùng với giá tiền của chúng. Hoa trắng của O’keeffe giá 44,4 triệu đô, Chân dung tự họa của Van Gogh 103,8 triệu đô, và nắm giữ kỷ lục bức tranh cao giá nhất mọi thời đại hiện nay là Những người chơi bài (The card players) của Cézane, 274 triệu đô.

Chân dung tự họa của Van Gogh

Như chim chích lạc giữa rừng xanh, bà gặng hỏi tôi 1 triệu đô thì mua được những gì, làm được những gì?

- Nếu bình quân một chiếc xe hơi đậu ngoài sân như kia là 500 triệu đồng, thì với 1 triệu đô, mẹ có thể mua được 43 chiếc xe như thế. Tức là vào khoảng 21,5 tỉ đồng tiền mình - tôi trả lời.

- Nó bằng mấy năm lương hưu của mẹ?

- Một năm lương hưu của mẹ hiện giờ độ hơn 30 triệu đồng, 1 triệu đô tương đương 700 năm lương hưu của mẹ.

- Ui trời!!!

Bà cụ chỉ kêu lên được có thế. Tôi cũng ôm máy ra phòng ngoài làm việc cho bà nghỉ.

Buổi ăn sáng hôm sau, mẹ tôi lại khơi chuyện tối hôm trước. Bà bảo chỉ mỗi bức chân dung bằng cuốn vở của cái ông nhìn như ông điên thế này thôi mà được bán hơn 100 triệu đô, thì những ông họa sĩ này tiền muôn bạc vạn chất vào đâu cho hết? Tôi lại nói không mấy khi được thế, hầu hết các danh họa ấy đều sống trong nghèo khó và chết trong bần cùng, như Van Gogh, cả đời ông chỉ bán được một bức tranh duy nhất, hoàn toàn sống dựa vào chu cấp của người em trai nghèo và cuối cùng tự sát chết trong một nhà thương điên.

Chậu cúc xanh và trắng của họa sĩ Sanyu

Càng nghe, mẹ tôi càng thêm không hiểu. Bà không tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ nào giữa cái đẹp và cái đắt đến mức kinh hoàng như thế. Bà chỉ nhìn thấy ở đấy một sự bất nhẫn, khi bà quy đổi 700 năm lương hưu của bà cũng không mua nổi một lá bài trong cỗ bài 54 lá ở bức The card players.

Tôi phải vào vai giảng giải. Rằng những tác phẩm do các thiên tài tạo ra là những linh vật, và chúng có tính duy nhất. Mà nghệ thuật là như thế, vừa vô giá vừa vô ích. Rằng những giá trị nghệ thuật và tư tưởng của các thiên tài đưa ra dù có liên quan nhưng lại không quyết định giá trị tiền bạc. Rằng Van Gogh nói: “Buôn bán tác phẩm nghệ thuật là một hình thức ăn cắp có tổ chức”. Rằng từ thế kỷ 20, các nhà sưu tập nghệ thuật đã biến đổi giá trị văn hóa của nghệ thuật thành một hình thức đầu tư tài chính, là cuộc chơi tiền bạc của một nhóm người siêu giàu trên thế giới, họ cần một cái gì không thể định giá để đẩy giá của món hàng đó lên mãi theo mức độ giàu có cứ tăng chóng mặt của bọn họ... Dốc hết vốn rồi, tôi hỏi: “Mẹ hiểu rồi chứ?”. Mẹ tôi thành thật lắc đầu. Tôi cười xòa: “Con cũng không hiểu!”.

Những người chơi bài (The card players) của Cézane

Nói cho thành thực thì trước cuộc nói chuyện với mẹ, tôi nghĩ là mình hiểu về mối liên quan giữa bức tranh và giá tranh, giữa bức tranh và những con người, hoạt động xoay xung quanh nó: tác giả, các nhà sưu tập, công chúng thưởng lãm. Nhưng sau cuộc nói chuyện với bà, tôi lại thấy mình không hiểu nữa. 

Tôi không biết phải căn cứ vào những hệ thống giá trị nào để biện minh cho được, trước một con người cả đời cần cù lao động như mẹ tôi, rằng cái gì trong bức Chậu cúc xanh và trắng kia khiến cho dù có bán hết gia tài điền sản của bốn mẹ con tôi, công sức lao động của bốn đôi vợ chồng - tám cuộc đời con người - ròng rã, cũng không mua nổi một cánh hoa, một chiếc lá nơi bụi hoa cúc ấy? 

Ở đây, giá trị hội họa không còn nói lên khoảng cách giữa cái đẹp và cái bình thường, mà nó tố cáo và khơi lên sự đau xót của cái hố giàu - nghèo khủng khiếp giữa giới siêu giàu và cái phần nghèo khổ, bần cùng còn lại của thế giới.

Cuối cùng, tôi nói với mẹ mà như tâm sự với mình: “Đừng quan tâm đến những chuyến săn mồi của đàn cá mập, mẹ ạ, chúng ta là những con tép trong đại dương, các họa sĩ thiên tài kia cũng vậy. Con chỉ biết mỗi lần nhìn ngắm những bức tranh này, con lại hiểu vì sao mình và chúng cùng có mặt trên đời. Chúng là kết tinh của tâm hồn, trí tuệ và bàn tay lao động của những con người vĩ đại mà giờ đây đã mãi mãi vắng mặt ở cõi trần...

Qua những bức tranh đó, con nhìn thấy những niềm hạnh phúc mà con đã bỏ qua, đã quên lãng, đã mất mát hoặc không thể nào bắt gặp trong đời. Và với con, chính điều đó mới làm nên sự vô giá của các kiệt tác nghệ thuật”. 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận