TTCT - Ấy là câu hỏi đặt ra với ba cái tên đình đám: Thomas Bernhard, Elfriede Jelinek và Peter Handke. Ở cái nước cộng hòa trên dãy Alps hùng vĩ này, dường như đã thành truyền thống, hễ những cây bút của nó được thế giới tung hô thì chắc chắn ở nhà sẽ ăn đòn. KHÓ THIÊNG TRONG CHÙA NHÀ Tôi còn nhớ bận nhờ một anh bạn là nhạc sĩ người Vienna mua hộ hai cuốn của Elfriede Jelinek là Lust và Die Liebhaberinnen (bản dịch tiếng Việt có tựa tình ơi là tình) để tôi ghé qua nhà thăm anh và lấy đi luôn; trước khi chở tôi ra phi trường, anh ta nhìn tôi lo âu và dặn: “Mày đừng dại mà mở mấy cuốn này ra đọc lúc ngồi đợi hoặc lên máy bay nha, mụ này ở nước tao bị ghét lắm đó!”. Elfriede Jelinek Giờ thì, chỉ sau 15 năm, đất nước chưa đầy 9 triệu dân này lại đón nhận giải Nobel văn chương thứ hai. Dĩ nhiên dân số của một đất nước chỉ liên quan gián tiếp đến số lượng nhân tài (nước Áo, nếu tôi không nhầm, có quyền tự hào với hai chục giải Nobel khác nữa, ngoài hai nhà văn/thơ đã nêu), song phản ứng tiêu cực của đông đảo người Áo khiến tôi giật mình. Tôi không nhớ đã đau đầu bao lâu để cố dịch những câu văn lai láng và mang cả vần điệu lẫn nhịp điệu như thơ trong tình ơi là tình (không viết hoa!), để rồi lúc đem bản thảo nộp nhà xuất bản vẫn đau đáu tin rằng mình làm mất hay nhiều câu văn đa tầng của bà Jelinek khả kính. Với Thomas Bernhard, làn sóng căm ghét dâng đến đỉnh điểm khi tại một lễ trao giải, người ta đếm được 35 phút huýt sáo chống đối. Tình hình có lẽ chỉ dịu xuống sau khi ông qua đời. Hôm nay, ông được coi là người hiểu nhất cái gọi là “tâm hồn Vienna”, nơi ông luôn rắc muối vào vết thương lịch sử. Tranh vẽ chân dung Thomas Bernhard của Detlev Foth Mà ông đâu chỉ chọc phá những tên tuổi lớn, Thomas Bernhard chửi từ cô hầu bàn đến ông bác sĩ, nhạo báng từ đại thi hào Goethe tới cha mẹ mình. Độc giả Việt Nam hơi thiệt thòi khi Diệt vong của ông gần đây mới ra sạp được - với bản chuyển ngữ rất đáng chú ý của Hoàng Đăng Lãnh, vì vậy ít biết là ông bụt chùa nhà ấy chỉ khi đã chầu trời mới đạt được ngưỡng thiêng trong lòng đồng bào mình. Người ta mất bao công khổ ải để giấu bạo chúa Adolf Hitler là người Áo, người ta trưng ra nào là thần đồng nhạc Mozart cho đến cụ tổ triết Ludwig Wittgenstein, ấy thế mà một gã Thomas Bernhard lạnh lùng lật tung tấm vải liệm vàng son ấy lên, khiến cả làng quay mặt bịt mũi trước mùi xú uế. Elfriede Jelinek không chỉ bị người trong nước xỉa xói từ khi vẽ ra một Cô gái chơi dương cầm (Ngọc Cầm Dương dịch) khắc kỷ và bất hạnh, không chỉ khổ nhục vì một bà mẹ già tai quái, mà còn độc địa với học sinh, tuy không hề từ bỏ khoái lạc với cậu học trò giỏi Walter Klemmer hoặc lén lút đi xem thoát y vũ. Bà còn viết nhiều tác phẩm sân khấu thành công song cũng gây không ít tranh cãi. Sau những vở gây hấn bị ném đá vì chủ đề người Di-gan Áo bị kỳ thị và truy sát, hay cách đối xử kém nhân bản với dân tị nạn, bà hai lần rời nước Áo và cấm không cho trình diễn các tác phẩm của mình ở quê nhà. Sau một năm bận bịu với bê bối nội bộ, Viện Hàn lâm Thụy Điển truy lĩnh lễ trao giải Nobel văn chương 2018 và hoan hỉ làm một bữa tiệc kép với Olga Tokarczuk và Peter Handke. Xin phép chưa đả động đến Olga Tokarczuk vì văn chương Ba Lan lâu nay bị vắng bóng oan ức trên văn đàn, chưa nhiều người đọc được bà. Peter Handke cũng chẳng quen thuộc gì hơn trên kệ sách Việt Nam, song ta đang nói đến sự kiện trao giải năm nay và đất nước khó hiểu của ông. Một trong những người đầu tiên chúc mừng là... Elfriede Jelinek: “Lẽ ra ông ấy xứng đáng nhận giải này trước tôi!”. NGẪM RIÊNG VỀ HANDKE Peter Handke chưa bao giờ là giọng nói nhẹ nhàng tròn trịa. Từ thập niên 1970, trước khi khái niệm “ngôi sao nhạc pop” được đưa vào ngôn ngữ đời thường như một danh từ chỉ sự siêu đẳng thì Peter Handke đã là một ngôi sao nhạc pop trên sân khấu văn thơ. Peter Handke Khác với đa số đồng nghiệp, cốt truyện trong các tiểu thuyết của ông không có gì đáng để ý, mà vẻ sắc sảo và độc đáo trong cách dùng từ mới là thứ đọng lại sâu sắc trong tâm trí người đọc - tiện thể nói thêm, đây là lời cảnh báo sớm cho dịch giả nào “liều mạng” chuyển ngữ Peter Handke. Câu chữ của ông chứa nhiều sáng tạo riêng, bắt ta phải đọc cuốn A để hiểu cuốn Z. Đã thế, ông lại dùng một thứ tiếng Áo lắt léo có nhiều từ ghép một cách oái oăm (chứ không phải tiếng Đức như sẽ có người lầm tưởng, vì tiếng Đức và tiếng Áo (vốn có rất nhiều phương ngữ) giống nhau cũng nhiều như tiếng Hà Nội và Hà Tĩnh vậy!). Truyện của ông luôn tách khỏi dòng tiểu thuyết kinh điển, đọc rất mệt, nhưng vỡ ra được câu nào thì sáng lòng câu ấy, kể cả trong một cuốn rất nghiêm túc về nhà xí. Và ông là bậc thầy về đặt đề sách một cách thẳng tuột: Nỗi kinh hoàng của thủ môn trước cú phạt 11 mét, hay Nhục mạ khán giả... Rồi nói đi cũng phải nói lại: chưa giải Nobel văn chương năm nào bị tranh cãi về chính trị như trong vụ Handke. Tình cờ tôi đang đọc cuốn Nguồn cội, giải Sách Đức 2019 của Sasa Stanisic, nên phải nóng lòng đợi nghe bài đáp từ của anh hôm qua trên YouTube. Và như mong đợi, Sasa Stanisis - người Bosnia - bắn trực diện vào Handke, vốn có tổ tiên bên ngoại ở Serbia và Slovenia. Ở đây người thấp cổ bé họng xin im lặng, chỉ ngại các ông lớn văn chương lấy tình cảm lấn át lý trí: Peter Handke chưa bao giờ phủ nhận những vụ thảm sát trong nội chiến Balkan, cũng như ông không “bênh” cựu độc tài Slobodan Milosevic ở vị trí sát nhân. Vả lại, trước ông đâu có hiếm các tác giả khác đem bối cảnh chính trị quê mình vào văn chương, như Winston Churchill, Alexandr Solzhenitzyn, Czeslaw Milosz, Orhan Pamuk... Người ít quan tâm nhất đến các bàn cãi này, có lẽ chính là “tội nhân” Peter Handke. Ở tuổi 76 bây giờ, ông đã quay lưng lại với nước Áo từ ba chục năm nay để sống ẩn dật tại ngoại ô Paris. “Trong mối liên quan đến nước Áo, giờ đây tôi đã trở thành kẻ mù chính trị”, như ông kể với tờ News trước đây ít lâu. Tuy nhiên, khác với đồng hương Jelinek, ông tuyên bố sẽ đích thân tới Thụy Điển nhận giải như câu trả lời với mọi công kích. Bức tranh mô tả trận chiến Viên năm 1683 sau khi Viên (Áo bấy giờ) bị Đế quốc Ottoman bao vây trong vòng 2 tháng. Liên quân Ba Lan-Áo-Đức do vua Ba Lan Jan III Sobieski chỉ huy đã đánh cho Ottoman (do Merzifonlu Kara Mustafa Pasha) thảm bại. THỬ MỔ XẺ NGÔI CHÙA BÍ ẨN Hiếm người miêu tả bản chất vụ này hay hơn Max Frisch, một nhà văn và kịch gia Thụy Sĩ nổi tiếng: “Xưa nay vẫn thế, kẻ làm mất thanh danh gia đình thì lại giận dữ trỏ vào đứa phát hiện ra hành vi đó và gọi chính hắn là kẻ làm mất thanh danh gia đình”. Cùng dòng chảy với Thomas Bernhard và Elfriede Jelinek, Peter Handke thuộc nhóm các cây bút hiếm hoi kiên cường vắt hết tài năng để chỉ ra những hệ quả của dĩ vãng vẫn tiếp tục tác động vào hiện tại. Để những người dũng cảm lội ngược dòng như vậy bị đương đầu với chỉ trích “làm bẩn tổ ấm” thì môi trường xã hội có tính xúc tác nhất định. Nước Áo vốn có lịch sử huy hoàng thời dòng họ nhà Habsburg (còn gọi là Casa de Austria) thống trị vào cuối Trung Cổ, đè nén cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hơn nửa thiên kỷ. Giữa thế kỷ 15, Áo nuốt luôn cả Vương quốc Bohemia, Croatia và một phần Hungary. Cho đến năm 1806, người nhà Habsburg liên tục làm vua Đức và hoàng đế La Mã Thần Thánh do Giáo hoàng phong. Để rút gọn biên niên sử: sau khi rời Liên quốc gia Đức 1866 và cùng Hungary lập đế chế Áo - Hung, lại bị tan vỡ sau khi bại trận trong Thế chiến 1, nước Áo chỉ còn là một mảnh đất nhỏ nhoi trong biên giới hiện tại. Bị Hitler sáp nhập vào Đức trong Thế chiến 2, Áo tuy giành độc lập năm 1945 nhưng vẫn chịu sự quản chế của các nước đồng minh thêm mười năm nữa. Dễ hiểu là trong khi ký ức dân tộc ưa bảo tồn quá khứ trong màu sắc lung linh huy hoàng thì ký ức hậu chiến không thể tránh nhắc đến các mất mát đáng tiếc dẫn đến vị thế hiện tại. Chắc chắn tâm thế đầy mâu thuẫn đó không có chỗ cho những kẻ “làm mất thanh danh gia đình”? Hỡi ôi, hầu hết chúng ta chỉ là những người thưởng lãm văn chương, kể cả khi văn chương chẳng bao giờ tách hẳn khỏi chính trị. Giải Nobel năm nay ắt hẳn sẽ đi vào lịch sử như một dịp trong vô số dịp cãi vã, như năm nào cũng vậy mà thôi, như mọi cuộc thi hoa hậu gây sóng gió trong vài tuần rồi lại nhường sân khấu cho cuộc thi tiếp theo. Cái mà chúng ta sắp sửa vui mừng đón nhận sẽ là một loạt tác phẩm bất hủ trong tiếng Việt từ ngòi bút của Peter Handke mà - nếu không có giải Nobel năm nay - chắc gì đã được dịch từ một ngôn ngữ hóc búa như tiếng Đức, à xin lỗi, tiếng Áo? ■ Tags: Văn chươngNobel văn chươngÁoPeter HandkeThomas BernhardElfiede Jelinek
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 THANH HIỀN 13/12/2024 Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế, thu hút sự quan tâm của các phái đoàn thường trực và quan sát viên tại LHQ.
Người đàn ông kể lại giây phút 'thót tim' cứu em nhỏ khỏi điểm mù xe tải HỒNG QUANG 13/12/2024 Dù nhiều người gọi là "người hùng", anh Tiến Anh chỉ cho rằng ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ hành động như vậy, bởi "đơn giản là dành sự quan tâm đặc biệt với trẻ em".
Xúc phạm chồng, một phụ nữ tại Quảng Bình bị phạt 7,5 triệu đồng QUỐC NAM 13/12/2024 Vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng, bà T.T.M.H. tại TP Đồng Hới, Quảng Bình bị xử phạt hành chính mức 7,5 triệu đồng.
Khởi tố, bắt tạm giam bị can đánh cô gái tới tấp sau va quẹt giao thông ở quận 4 MINH HÒA 13/12/2024 Ngày 13-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa về tội cố ý gây thương tích vì đánh cô gái sau va quẹt giao thông ở quận 4.