Bóng đá để làm gì?

HUY THỌ 02/12/2023 09:30 GMT+7

TTCT - Lên công cụ tìm kiếm Google và gõ dòng chữ "nợ lương cầu thủ", ngay lập tức sẽ hiện ra vô số chuyện trong năm 2023 liên quan đến nhiều đội bóng ở Việt Nam, từ hạng nhất cho đến V-League.

Ảnh: Gary Thacker

Ảnh: Gary Thacker

Mới nhất là câu chuyện của CLB TP.HCM, khi một lá đơn kêu cứu được ký tập thể gồm cả HLV lẫn cầu thủ, cho biết đội bóng đã nợ họ 30 tỉ đồng từ tiền lương đến tiền lót tay chuyển nhượng. 

Tuy nhiên, lãnh đạo đội này trả lời báo Tuổi Trẻ cho rằng không có chuyện nợ 30 tỉ, chỉ 15 tỉ thôi! Trong phần trả lời, lãnh đạo đội CLB TP.HCM có nhắc đến cụm từ "kinh tế khó khăn": Kinh tế khó khăn, nhà tài trợ cũ rút lui, nhà tài trợ mới thì chưa chuyển hết tiền nên chúng tôi chưa thể chuyển hết cho cầu thủ khoản tiền còn thiếu.

Có thể nói hầu hết các bầu sữa nuôi các đội bóng Việt Nam hiện đều liên quan đến bất động sản. Mà tình hình bất động sản như thế nào ai cũng biết nên các đội bóng lâm vào cảnh khó khăn là điều tất yếu.

Nói một cách công bằng, đây là câu chuyện khá chung của toàn thế giới. Một khi có bàn tay của những ông chủ giàu sụ muốn làm nổi bản thân (hoặc có mưu đồ cá nhân nào đó) thò vào thì bóng đá ít nhiều phải đi chệch quỹ đạo thể thao của quần chúng. 

Từ đó dẫn đến việc thu nhập cầu thủ tăng vượt xa mặt bằng chung xã hội. Tương tự ở Việt Nam, lượng khán giả đến sân xem V-League vẫn hết sức khiêm tốn, đến độ có sân còn mở cửa cho vào xem không nhưng lương cầu thủ lại ngất ngưởng. 

Tất cả đều vượt khỏi quy luật thị trường. Giờ đây khi "đất đang đai", bầu sữa cho bóng đá teo tóp thì khắp nơi cầu thủ kêu than bị nợ lương.

Từ đây cần phải trở lại câu hỏi cơ bản: Bóng đá để làm gì? Và phải trả lời được nó thì mới có bóng đá phát triển bền vững.

Bóng đá là một mặt hàng trong thị trường thể thao. Sản phẩm bóng đá phải có nhiều khách hàng đón mua chứ không thể mang tặng miễn phí. Nguồn thu của bóng đá phải tỉ lệ thuận với lượng khách hàng - người bỏ tiền mua vé xem bóng đá, người hâm mộ thực sự. Một khi lượng khách không tăng mà nguồn thu vẫn tăng thì ắt là có vấn đề. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận