Bữa nhậu trưa ở quán bên sông

TTCT - Hôm đó, nhóm chúng tôi có năm người: tôi, Nam, Hải, Dũng, Trần và mục đích của chúng tôi vào quán dùng cơm trưa chứ không phải để nhậu.

Minh họa: nguyễn ngọc thuần

Đi công tác ở huyện, vì còn làm việc buổi chiều, cao tay lắm mỗi người tự cho phép uống một chai bia nhỏ gọi là dễ tiêu, đưa cơm.

Quán quen, chủ quán là Trinh, em họ của Trần. Xe vừa dừng, Trinh từ trong quán đi ra chỉ chỗ đậu bởi không thể chạy thẳng vào sân như mọi lần được. Chúng tôi xuống xe, ngạc nhiên khi thấy một trụ cổng đổ hẳn về một phía, cánh cổng nửa đứng, nửa nằm nghênh ngang. Trinh bảo:

- Có sự cố nhỏ tối qua, sáng giờ bọn em kêu sửa mà thợ kẹt hết, chiều mới đến. Mấy anh chịu khó bước cao chút, lát nữa thợ làm là đâu vào đấy!

Dốc xuống, hơi ngặt, Trần loay hoay mãi mới áp được xe ép sát hàng rào một ngôi nhà, không cản trở lưu thông của con hẻm cạnh quán. Trưa đứng bóng, gió mơn man phe phẩy nhịp nhàng bóng nắng lỗ rỗ dưới tàng cây trứng cá. Hàng dài những giò lan trắng, đỏ, vàng, tím treo ngay mặt tiền rủ xuống như tấm rèm hoa. Vợ chồng Trinh làm chủ quán này khoảng mười năm nay.

Quán nằm một bên đầu cầu. Hồi xưa nó là một cái hụp bỏ hoang, nơi quăng rác của cả xóm, hôi hám, dơ dáy, ô nhiễm môi trường. Chồng Trinh lúc đó còn làm ở ủy ban xã, khi Trinh nghỉ nhà nước, chồng Trinh sau đó xin được giấy phép sử dụng cái hụp này vào mục đích kinh doanh, nghe đâu đến 20 năm. Hai vợ chồng Trinh đổ vào đây bộn tiền. Riêng việc san lấp mặt bằng đã ngốn kha khá vì hụp sâu.

Quán Bên sông ra đời. Ban đầu chỉ là một quán nhỏ mái tôn, nền ximăng. Trinh biết nấu ăn ngon, chồng Trinh vui tính, xởi lởi, lại khéo cư xử, ngoại giao rộng nên quán đông khách từ khi mới mở. Tuy nhiên, làm được nhiêu hai vợ chồng đầu tư hết cho cơ sở vật chất, mở rộng diện tích sử dụng. Phải đến bảy năm hầu như không biết lãi, quán mới có bộ mặt khang trang như bây giờ. Giai đoạn này, theo lời Trinh, mới bắt đầu thấy tiền vô túi.

Tầng dưới ngoài khu vực chế biến và vệ sinh có một nhà hàng, xung quanh là lối đi trải sỏi và cây cảnh. Còn có bốn nhà mát kiểu lục giác và hai phòng máy lạnh, karaoke. Trên lầu, dạng sân thượng, để thoáng cho khách tận hưởng gió sông. Do sàn giật cấp cao thấp, lại thêm cây cảnh sắp xếp có chủ ý, tạo thành từng không gian riêng biệt. Có ba cầu thang lên xuống.

Ngồi trên này, buổi trưa hơi hanh nắng, nhưng được ngắm dòng sông nước chảy lặng lờ, nghe tiếng tre cựa mình kĩu kịt, tiếng gà gáy trưa theo bầy, thỉnh thoảng lại có đàn vịt lạp cạp xào xạc lội qua.

Nhón nhén qua cánh cổng xiêu vẹo, chắn ngang ngửa để vào quán, tôi và Hải đi ra nhà vệ sinh phía sau. Ngay khu vực chế biến có một hồ cá ngăn đôi, một bên ba ba và một bên là cá. Cạnh đó có một cái chuồng cũng ngăn làm ba. Có hai con chồn, mấy con manh manh và một ngăn khoảng hơn chục con kỳ tôm nằm dạt một góc.

Mấy con vật giương cặp mắt tròn nhìn chúng tôi, những thượng đế có quyền quyết định sinh mạng chúng sẽ kết thúc bằng cách om, hấp, luộc, chiên, xào lăn hay nướng. Hải hỏi nhỏ: “Hay là nhậu, chiều nghỉ, ông?”. Tôi can hắn: “Cơm trưa thôi, làm cho kịp tiến độ, bữa giờ đoàn mình tà tà quá rồi!”.

Ra khỏi nhà vệ sinh tôi thấy Nam đang đứng nói chuyện với Trinh. Khi tôi tới, mới nghe Trinh kể lại chuyện xảy ra hồi hôm và lý do trụ cổng bị đổ. Thì ra toàn chỗ quen biết nhau cả, bọn đó làm bên X. Trinh khẳng định tối qua mấy anh đó không say, uống chưa hết một thùng mà tranh cãi to tiếng lắm. Sau đã thấy giảng hòa, ngồi lại, cùng uống với nhau êm thắm, không hiểu sao lúc ra về, một anh trên ôtô nói gì đó với anh ngồi trên xe máy.

Thế là anh này quăng xe nhào lên ôtô, không cho đóng cửa. Ôtô khi ấy đã nổ máy, dùng dằng sao đó chiếc xe chạy ào tung rầm vô trụ cổng làm bọn em hồn vía lên mây hết. Có đánh nhau không? Hình như đánh trên ôtô, thấy hai anh bên dưới nhào lên can, chiếc xe tới, lùi nhùng nhằng hồi lâu mới dừng lại được. Đầu xe móp méo hết. Nam hỏi:

- Có đổ máu không?

Trinh trợn mắt:

- Trời, anh nói ghê, làm gì đến nỗi đó. Chồng em cũng vừa về tới. Có ảnh mọi chuyện êm xuôi. Mấy anh đó hứa sáng nay cho người đến sửa trụ cổng, nhưng chồng em nói thôi bỏ qua, không đáng bao nhiêu, miễn đừng vậy nữa. Chồng em bảo để quán xảy ra ẩu đả là lỗi của mình đã không kịp thời can ngăn. Làm ăn phải giữ khách. Tức cái, sáng nay thợ kẹt hết, mấy anh thông cảm nhen.

Tôi, Nam và Hải lên lầu đã thấy mọi thứ khăn lạnh, bia, ly, đá đâu ra đấy. Một em tiếp thị, váy ngắn năn nỉ, kỳ kèo Trần uống giúp bia. Trần nhìn sâu vào cổ áo của em này rồi nói:

- Trưa nay bọn anh không uống vì chiều còn làm việc, để hôm khác.

Em gái nguýt dài, đánh mông quay đi. Hải nói:

- Ông không kêu bia của em mà nhìn vào cổ áo em hơi lâu, coi bộ đỡ tốn mồi!

Cả bọn cười vang.

Tôi nhìn quanh một lượt. Lưa thưa ít khách. Phía trong cùng có một bàn ba người đang hồi cao trào, phía trên bên kia do cây cảnh che khuất tôi không thấy nhưng hình như không có ai. Bàn trước mặt tôi, nằm ngay lối đi lên cầu thang có một thanh niên chừng chưa đến ba mươi, vẻ ngồi đã lâu bởi trên bàn có bốn chai bia nhỏ mở nắp. Chỉ có bia, không thấy chén, dĩa. Như anh ta đang chờ ai đó nên chưa gọi thức ăn.

Hải, Nam, Dũng mỗi người kêu một chai Ken nhỏ. Tôi và Trần dùng nước khoáng. Tính tôi đã không uống thì thôi, uống phải tới bến, say về ngủ. Có chút men, mặt tôi đỏ ửng, đi làm việc rất khó coi. Trần lái xe, hắn không uống.

Món đầu tiên chúng tôi chọn là cơm chiên muối ớt vì ai nấy đã đói bụng. Làm chén cơm dằn bụng trước rồi lai rai sau. Cũng đầy đủ lệ bộ các món nhậu nhưng trên bàn chỉ vỏn vẹn ba chai bia.

Chúng tôi thanh toán xong hai dĩa cơm chiên đã thấy hơi no. Các món dọn ra để mọi người vừa gắp vừa nói chuyện, chủ yếu những câu chuyện tiếu lâm gây cười. Tôi nhìn sang bàn phía trước mặt, chàng thanh niên vẫn chưa có bạn đến. Tôi đếm số chai bia mở nắp tăng thêm ba chai nữa.Tôi nhận thấy tay này không có vẻ nôn nóng hay mong ngóng ai vì hắn vẫn đang mải chú mục vào điện thoại, bấm, lướt.

Giờ đây cũng hay, nhờ công nghệ từ cái điện thoại thông minh mà thời gian chờ đợi được giải quyết tích cực. Không lướt net thì chơi game, nghe nhạc. Bao nhiêu là ứng dụng.

Cả bọn lắng nghe Trần kể chuyện tối qua ở xóm nhà vợ hắn. Hai vợ chồng già sống với nhau, con cái ở xa. Đêm khuya nghe tiếng la hét, hàng xóm túa ra, gọi công an đến mới hay bị cướp. May mà nó mới chém ông già một dao thì chuồn, chứ không mạng bà già cũng đi tong luôn. Thời buổi loạn lạc hết rồi, ra đường thì lo ngay ngáy gặp cướp, ở trong nhà cũng đâu yên. Ngồi ăn trong quán còn bị xe lao vào tung chết.

Cách đây hơn mười năm, một là chết vì ung thư, hai là tai nạn giao thông, giờ thêm cái chết tức tưởi vì gặp cướp, bọn xì ke rộ lên như nấm sau mưa. Ông kia có thằng con nghiện hút kể chuyện nhà không còn gì để bán, tiền nhét giấu trong tường mà nó cũng thấy. Mắt nó tinh như mắt mèo, là mắt ma nhìn xuyên thấu đêm đen.

Con người sống căng như sợi dây đàn. Áp lực công việc, áp lực kiếm tiền nuôi con ăn học... Lại nỗi trò đánh thầy, trên bảo dưới không nghe... Sao mày không nói luôn còn áp lực bị vợ bỏ? Thằng đàn ông làm không ra tiền, vợ bỏ là đương nhiên...

Chuyện đang cao trào, chợt Hải nói nhỏ:

- Ai như tay Kiến bên Y?

Cả nhóm quay nhìn phía cầu thang. Nam bảo:

- Bọn mình lơ đi, đừng gọi giả làm gì, coi thử giả kiếm ai?

Hải nói thêm:

- Đúng là hắn với cái tướng đi, đầu chúi nhủi về phía trước, hai cánh tay như múa không lẫn vào đâu được dù mười năm rồi tôi không gặp hắn.

Chúng tôi giả lơ, không ai nhìn Kiến. Hắn đi nhanh qua chúng tôi, tiến về bàn phía trong có ba người đang ngồi.

Hải tiếp tục:

- Tay này đánh hơi giỏi như ruồi. Không biết được bọn kia mời hay ruồi đưa tin.

Dũng hỏi:

- Nghe đâu hồi xưa hắn có biệt danh là Kiến càng. Ông biết xuất xứ từ đâu không?

Hải kể:

- Hồi đó hắn ngồi cái ghế hét ra lửa, quyền uy trong tay to như cái đình. Hắn có tật tham, xà càng hốt mớ, lớn nhỏ gì cũng càn quét, hốt hết, chẳng chừa ai phần nhỏ. Ăn một mình sao bền. Được thời gian, đụng độ với sếp lớn hơn. Đụng mạnh, rung rinh cả cơ quan. Hắn bay. Trôi dạt ba bốn nơi, có thời gian ngắn tấp qua bên mình, thấy hẻo quá bỏ đi, giờ trụ lại bên Y.

Biệt danh Kiến càng chuyển thành Kiến bụng. Là bụng ăn, còn là to bụng, lặc lè. Hắn đánh hơi chỗ nào có tiệc tùng tìm đến quất một bụng rồi chuồn. Anh em quen biết nghe đến Kiến bụng ai cũng oải. Lỡ gặp hắn, đẩy hắn no, say cho mau rồi hắn biến. Mà thật ra hắn đâu cần tham gia từ đầu tới cuối làm gì. Chủ yếu được ăn.

Cũng hay, xấu người, xấu nết vậy mà có con vợ ngon lành ra trò, chẳng những đẹp còn khéo. Nghe bảo hắn sợ vợ như sợ cọp. Về đến nhà nem nép chứ không hoạnh họe như đi ra bên ngoài.

- Trong thiên hạ lắm hảo hớn thật!

- Cuộc sống đa dạng mà ông. Đủ màu sắc mới thành cuộc đời. Như chúng mình đây, ngồi cùng với nhau vầy chứ có ai giống ai. Người vô lo thì cũng có người suốt đời khắc khoải. Người hạnh phúc viên mãn thì cũng có kẻ đầy tâm trạng. Ai làm thêm chai nữa không nè?

- Thôi đừng, chuyển sang nước khoáng cho giải mùi bia. Mà mấy ông ăn đi, người này nhường người kia rốt cục thừa, bỏ phí. Bữa trưa là công tác phí của mỗi người đó nhen. Tiền nhà nước cấp cho đi công tác là tiền dân đóng thuế, mà dân là bà con họ hàng, người nhà của mình đó...

- Đâu ra giọng điệu rao giảng đạo đức vậy cha? Uống có chai nhỏ mà say rồi à?

Trần gọi em tiếp viên:

- Cho anh thêm đá. Em dọn két bia này đi, bọn anh không uống.

Em tiếp viên cười, môi cong lên như miệng vẽ:

- Hôm nay mấy anh hiền thế!

- Hiền gì em. Thử không?

- Dạ, không dám.

Năm thằng cười hô hố. Hải, Nam, Dũng đứng lên bảo là đi rửa mặt cho tỉnh táo.

Vừa mới ồn ào vậy mà tôi và Trần chẳng còn chuyện gì để kể. Tôi lại quan sát chàng thanh niên ngồi bàn phía trước mặt. Tôi không rõ gương mặt cúi xuống đang chăm chú vào cái điện thoại, chỉ thấy sống mũi cao và mái tóc xoăn lòa xòa. Tôi đếm số chai bia trên bàn đã tăng lên con số mười. Thấy bộ dạng hắn tỉnh lắm và có vẻ còn uống tiếp nữa. Tôi có thể uống nhiều hơn số đó vài chai, chưa say. Khách là ai sao vẫn chưa thấy đến nhỉ!

Trần nói:

- Ngồi uống một mình trông cô đơn quá, anh. Em chưa bao giờ uống rượu một mình.

- Anh đoán hắn chờ ai và có thể người đó không đến.

- Hay có tâm trạng gì chăng. Bây giờ điện thoại liên lạc nhanh chóng, thuận tiện mọi lúc mọi nơi, đến hay không nói phát một, khỏi mất công chờ đợi.

Tôi quan sát chàng thanh niên kỹ hơn và nhận ra tuy gương mặt cậu ta rất bình thản, nhưng bàn tay bấm bấm điện thoại có vẻ đang vào giai đoạn cao trào, nhoay nhoáy, nôn nóng. Chắc chơi trò gì đến hồi gay cấn. Trò chơi điện tử cũng như một thứ gây nghiện, đã sa vào thì khó thoát được, nhằm đạt tới một sự thỏa mãn khác thường.

Khi chơi những game tương tác với cấp độ cao và đòi hỏi phải khám phá liên tục những vùng mới, thôi thúc người chơi mong muốn tìm kiếm, khó ngừng lại. Có thể anh chàng này đang ở mức độ không dừng lại được!

Hải, Nam và Dũng vừa trở lại thì hay làm sao, Kiến bụng trờ tới. Oan gia ngõ hẹp, mặt đối mặt, Hải đành phải bắt tay chào hỏi. Tôi đoán có lẽ Kiến nhìn thấy bàn chúng tôi không còn bia nên không ngồi xuống mà đứng lào khào năm câu ba sợi với Hải.

Vừa lúc, Kiến dợm rời đi, tôi thấy ở cầu thang nhô lên một gương mặt phụ nữ với mái tóc búp bê khá xinh xắn, nụ cười thật tươi. Tuy nhiên, tôi thề, tôi chưa kịp ngắm cái dáng thanh mảnh, áo sơmi màu xanh nhạt bỏ trong quần jean màu xanh đậm thì tôi nghe tiếng đẩy ghế một cách vội vàng nôn nóng của tay thanh niên và sau đó mọi thứ nhanh như cái chớp mắt. Mái tóc búp bê hét lên một tiếng thét đau đớn, như xoáy vào tim óc người nghe và đổ sấp xuống nền nhà.

Hình như chỉ có tôi và Trần thấy rõ con dao mũi nhọn bén ngót lấp lánh, cán màu cam thả rớt xuống từ một bàn tay dính đầy máu sau cái đổ ập của cô gái một chút. Mà, cũng có thể chỉ mình tôi thấy vì lúc đó Trần còn mải nhìn Kiến huơ tay chém gió. Dũng, Hải, Nam quay phắt lại. Tôi nghe Kiến lắp bắp: “Án mạng, chết người rồi!”.

Nhân viên sầm sập túa lên từ ba phía cầu thang. Chồng Trinh xuất hiện. Tôi thấy anh vỗ nhẹ vào vai tay thanh niên rồi ấn hắn ngồi xuống ghế. Hai cậu bảo vệ áp tới giữ chặt kẻ gây nên sự tình. Chồng Trinh bước về phía chúng tôi: “Mấy anh thông cảm”. Trần nói: “Có cần bọn anh giúp gì không?”. Chồng Trinh lắc đầu: “Thôi, mấy anh về đi còn làm việc buổi chiều. Mọi thứ em lo được”.

Chúng tôi xuống cầu thang gặp Trinh đang đứng vẻ thất thần. Trần ôm vai Trinh: “Bình tĩnh nghe em”. Trinh nói trong tiếng thở gấp, ngắn: “Hai đứa nó yêu nhau lâu rồi nhưng không thành. Thằng đó tới từ sáng, nó bảo với em là hẹn con bé đến đây nói lời chia tay. Cơm cha, áo mẹ, công thầy đổ sông biển hết. Tương lai, sự nghiệp, cuộc sống tươi đẹp chấm dứt. Sao mà mù lòa, nông nổi!”.

Phải khá vất vả xe chúng tôi mới thoát khỏi dòng người hiếu kỳ đổ về quán. Tôi bảo Trần:

- Về thôi em. Chiều nay nghỉ!

Tháng sau, Trần xin thôi việc. Hắn về trông quán tạp hóa cho vợ và ăn chay luôn từ đó. Còn tôi, cũng từ đó, một giọt bia, rượu không màng. Tháng sau nữa, tôi chuyển sang việc văn phòng, không còn đi công tác huyện. Dũng, Hải, Nam vẫn rong ruổi trên đường với những bữa trưa lang thang dật dờ ở huyện chờ đến giờ làm việc buổi chiều. Vợ chồng Trinh dẹp quán, lui về vườn tìm bình yên với chim, cây, cá, cảnh.

Tôi (người viết) nghe câu chuyện này từ một người bạn. Anh bảo: “Sự việc xảy ra hơn một năm rồi mà nhớ lại sống lưng mình vẫn còn cơn ớn lạnh, gai óc nổi lên khắp người, cảm giác như tất cả những sợi tóc trên đầu dựng đứng lên hết. Bữa gặp Hải, hắn nói mỗi lần đi công tác huyện, ngang qua đầu cầu đó em thấy gai gai cột sống, người như muốn nóng lạnh, khúc phim quay lại, nghẹt thở!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận