Bức tình thư gửi Myanmar

LINH THOẠI 26/05/2024 05:32 GMT+7

TTCT - Giữa những trang văn tinh khôi và gợi cảm về tình yêu, về sự kết nối giữa con người với thiên nhiên hay với chính mình, độc giả không chỉ bâng khuâng chia sẻ với hiện trạng rắc rối của chiến sự ở Myanmar mà còn bị níu lại bởi nhiều suy tưởng.

Chàng thanh niên người Việt - nhân vật kể chuyện xưng "tôi" - lưu trú ở vùng cao nguyên Shan của Myanmar khi thành phố Yangon nơi anh trọ học bị phong tỏa vì đại dịch. Chàng kết bạn với nghệ sĩ xăm hình Aung Myat Thu ở ngọn đồi đối diện và đem lòng yêu cô gái Su Yee mà Myat Thu cũng phải lòng.

Đại dịch chưa qua, binh biến xảy đến xáo trộn những cuộc tình nhỏ bé, làm xao động đời sống vốn như một mặt hồ thinh lặng. Tiểu thuyết Myanmar truyện không phải truyện (NXB Trẻ) vừa là cuộc khám phá cảnh quan, văn hóa một vùng đất Miến Điện, vừa là cuộc khám phá tâm hồn dân tộc trên nền bối cảnh lịch sử đương đại khá phức tạp của đất nước hiền hòa mà gian truân này.

Ảnh: L.TH.

Ảnh: L.TH.

Au Min là bút danh mà tác giả Trần Ngọc Sinh chọn cho cuốn sách thứ hai này của anh sau cuốn Phnom Penh. Tác phẩm ra đời sau bảy năm anh gắn bó với Myanmar, dành phần lớn thời gian sinh sống ở đây.

Bị cuốn hút bởi nền văn hóa vừa gần gũi vừa khác biệt, tác giả lặn sâu vào đời sống, tâm hồn con người Miến Điện, học nói/viết bằng ngôn ngữ của họ, mặc paso, thử cả ăn trầu như người bản địa, hít thở cùng khí trời và lắng nghe nỗi niềm tiểu sự lẫn đại sự để vẽ lại một bức tranh thu nhỏ về trú xứ mà anh chọn gần gụi.

Bầu không khí Myanmar vì vậy ngấm vào văn như mùi trầu trong khí quyển ở đây: "Mùi trầu nghe riết cũng quen, nó là một thứ biệt hương mà khi vắng xa, hình dung lại một cảnh sinh hoạt đời thường giữa những người Myanmar với nhau, sẽ làm ta bỗng nhớ"...

Cũng như Phnom Penh, trong Myanmar truyện không phải truyện, Au Min trộn lẫn hư cấu và phi hư cấu, thảng hoặc nét huyền ảo cho thấy tác giả có tư duy viết sáng rõ và nhất quán trong việc chọn một lối sáng tác riêng.

Cuốn sách còn mang đến một phong vị riêng qua nhiều bức vẽ độc đáo của chính tác giả - vốn là một họa sĩ có dấu ấn cá nhân.

Con chim công xăm nơi ngực Myat Thu, con chim sáo được thả bay lại trở vào lồng, hai chị em song sinh của tộc người "Buồn" với hai chiếc quan tài hình người họ gọi là chồng, một cánh rừng được xăm dần trên thân thể để "tôi có thể mang rừng đi khắp nơi", cảnh đàn mối di cư trong thung lũng, bầy đom đóm rực rỡ liêu trai nơi Hồ lạnh... Tất cả hiện lên đầy ngôn ngữ điện ảnh, gói ghém những ẩn dụ kín đáo...

Giữa cuộc nội chiến làm lòng người hoang mang, ta bỗng cảm động biết bao khi "tôi" nhón chân sao cho không giẫm phải những cánh mối mới lấp lánh bay lên đã đứt lìa rơi rụng, vì "không muốn chúng phải chết một lần nữa".

Giữa những trang văn tinh khôi và gợi cảm về tình yêu, về sự kết nối giữa con người với thiên nhiên hay với chính mình, độc giả không chỉ bâng khuâng vì niềm sẻ chia với hiện trạng rắc rối của chiến sự ở Myanmar mà còn bị níu lại bởi nhiều suy tưởng, như: "Đi bộ là hành vi chuyển động thuần khiết nhất, tự lực nhất, do vậy nó là hành vi gần với bản thể nhất. Việc đi bộ trao cho tôi cơ hội phát hiện hay khám phá nội tâm của mình...". ; "Chúng tôi gặp nhau, yêu nhau, tôi biết sự trinh nguyên của tâm hồn một lần nữa lại biến mất [...] Nó lấy đi một phần của sự tự do, nhưng bù lại, nó trao cho người ta một quyền hạn khác, quyền được tiết lộ bản ngã cho người lạ và thu nhận năng lượng bí mật từ bản ngã của người đó. Tình yêu đôi lứa củng cố bản ngã, nên nhiều khi khiến người ta đau khổ"...

Những tò mò ngây thơ, những tình cảm thuần khiết với đất với người khiến tác phẩm này trong veo mà lắng sâu. Phải giữ được lòng nguyên sơ mới có thể dành lòng thương mến vô cùng cho những nguyên sơ của đời sống. Phải yêu mến sự cô tịch mới đặc biệt hòa hợp với sự an tĩnh của ngoại cảnh và sự trầm lặng của những mối tương giao.

Những nguyên sơ của tâm hồn Myanmar và của hồn văn tác giả đôi khi khiến người đọc tưởng mình lạc vào một miền quá khứ yên bình, dẫu bạo loạn xảy ra khi "người ta dùng quyền lực để đoạt lại quyền lực", dẫu súng đã nổ đì đùng nơi thị trấn K. gần ngọn đồi chàng trai nương náu.

Hòa thượng Tuệ Sỹ từng viết, "dù có đi vòng quanh hết quả địa cầu này thì cũng để thấy lại cái tâm hồn mình". Điều này có lẽ đúng với (nhân vật của) Au Min.

Những cuộc khám phá ngoại giới cũng chính là thám hiểm nội giới, "nghiền ngẫm chính mình", sống (cùng) những điều mình yêu: thiên nhiên mê hoặc không biên giới; lòng lân mẫn với con người, cỏ cây, loài vật; sự thong dong của người "không có gì để phải kè kè ôm giữ"...

Cuốn sách này có thể xem là bức tình thư Au Min gửi Myanmar, mà cũng là bức thư tình anh viết cho mình, về lòng yêu của mình với một cõi lành.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận