TTCT - "“...Ngu gì mà ngu thế, tĩnh vật là vẽ hoa quả chứ đâu phải phong cảnh mà muốn có cây cối”. Tôi khựng lại khi nghe được những tiếng rầm rì anh Thuyết nói với vợ. Tôi liếc nhìn, thấy chị Hoa chỉ hơi cúi đầu, không phản ứng gì. Lần đầu tôi thấy người ta cãi nhau không cần cao giọng.". Minh họa: Nguyễn Trương Quý“Anh chị muốn kiếm cái tranh tĩnh vật treo cho ấm nhà em ạ”, anh Thuyết bảo.Chị Hoa cũng gật gù, “kiểu những cái cây có hoa, thật rực rỡ ấy”.“Một người cho ý kiến là đủ rồi”, giọng Thuyết khẽ mà nghiêm.Anh chị ở trên gác hai một cái nhà kiểu Pháp trông ra phố Huế. Đi lên chỗ anh chị ở phải qua một cái ngách giữa một hiệu bán phụ tùng xe máy, rồi một cái sân chung người ta tắm giặt, nhặt rau, nước lõng bõng. Sàn nhà cót két mỗi khi tôi bước đi, thành ra tôi hạn chế di chuyển. “...Ngu gì mà ngu thế, tĩnh vật là vẽ hoa quả chứ đâu phải phong cảnh mà muốn có cây cối”. Tôi khựng lại khi nghe được những tiếng rầm rì anh Thuyết nói với vợ. Tôi liếc nhìn, thấy chị Hoa chỉ hơi cúi đầu, không phản ứng gì. Lần đầu tôi thấy người ta cãi nhau không cần cao giọng. Chỉ là cái tranh thôi mà, tôi tự nhủ. Tôi nóng bừng mặt, kiếm cớ đo khoảng trống sẽ treo tranh, trong đầu nghĩ không biết thực sự đang có chuyện gì giữa vợ chồng này. Đột nhiên anh Thuyết quay sang hỏi, giọng mỏng như không hề có chuyện gì vừa xảy ra: “Giá bao nhiêu, em? Cứ thoải mái nhé!”.Tôi sửng sốt, ngẩn ra một lúc rồi trả lời một con số hơi nhỉnh hơn mong ước. Anh vui vẻ gật đầu luôn. Vậy là xong, tôi nhẹ cả người vì thoát được khỏi cái gác cót két và bầu không khí ngột ngạt kia. Tôi lí nhí chào ra về, không dám nhìn chị Hoa.Năm ấy tôi mười tám tuổi, mới vào đại học, tính nhút nhát. Anh Thuyết và chị Hoa là bạn chị tôi, cũng là khách hàng mua tranh đầu tiên của tôi. Hai anh chị học giỏi nổi tiếng. Đôi vợ chồng này vẫn được mẹ tôi chép miệng khen là tốt số, “bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Bức tranh chẳng biết có làm ấm nhà họ không, nhưng sau khi hoàn thành tôi cũng không gặp lại hai anh chị nữa. Anh được học bổng tiến sĩ ở Bắc Mỹ, rồi cả nhà định cư bên ấy. Vào hai chục năm trước, đi đến một đất nước xa nửa vòng Trái đất nghe cũng không khác gì đi lên sao Hỏa.Đôi lúc tôi cũng tò mò về những bức tranh ngày xưa mình vẽ giờ ra sao. Có lần tôi đi bộ trong một khu tập thể, liếc qua cửa mở nhìn vào phòng khách một căn hộ. Tôi sững người khi nhận ra một bức tranh quen quen. Hóa ra đấy là một bức tôi vẽ theo đơn đặt hàng của một cậu bạn để tặng gia đình vợ chưa cưới. Thật tệ là tôi cũng không còn nhớ tên cả hai người. Tuấn và Nga? Hùng và Mai? Tôi định bước vào hỏi thăm thì nhìn thấy một người phụ nữ ngồi một mình bên mâm cơm. Tivi trong nhà bật rất to, nhưng hình như cô đang bận lướt điện thoại. Tôi quay đi.Tôi gặp lại hai khách hàng đầu tiên của mình trong chuyến đi Mỹ đúng lúc cả thế giới huyên náo về tình hình chính trường nước này. Nghe nói chính sách nhập cư bị xiết chặt. Nhưng khuôn viên các đại học lớn vẫn tràn ngập phụ huynh người Á tham quan tìm kiếm cơ hội cho con cái. Những cặp vợ chồng da vàng lững thững trong sân trường ngập lá vàng, mắt những người vợ ánh lên mộng mơ.Chị Hoa đón tôi ở bến xe, rồi chị đánh xe chở tôi về nhà ở gần trường đại học, nơi anh Thuyết làm việc. Ngoại ô nước Mỹ hiện ra với những ngôi nhà xinh xắn có hàng rào xén tỉa cầu kỳ nằm trên những triền đồi. Tôi xuýt xoa. Chị Hoa vội bảo: “Ôi nhà anh chị thì không được thế này đâu, nhưng mà em đừng ngại nhé, có đủ phòng, muốn ở bao lâu cũng được”.Tôi vui miệng, khe khẽ hát “em đi trong tươi xanh, bao la tình non nước, vầng hào quang lung linh, trên sông núi quang vinh…”. Chị Hoa bật cười: “Em cũng biết bài đấy à?”. Tôi reo lên: “Hồi bé em hay nghe chị hát trên đài mà, chị hồi ấy nổi như cồn”. Chị cười nhạt, ừ rồi lớn lên cứ hào quang với lung linh mãi, chờ hoài chờ hủy rồi cũng phải đi thôi. Tôi cụt hứng, ngồi yên nhìn con đường vắng vẻ vòng theo triền đồi, cho đến lúc chị chỉ cho tôi ngôi nhà.Nhà chị Hoa có một bãi cỏ nhỏ phía trước. “Giống trên phim quá chị ạ!”. Chị nhún vai: “Giống mấy phim tội phạm ấy hả?”. Không khí tháng mười ấm lên khi đèn trong nhà bật sáng. Tôi nhìn ra con đường qua ô cửa sổ, vẫn vắng vẻ như lúc tôi đến, vài ngọn đèn đường loang loáng, vẳng một tiếng con gì đó kêu đằng xa.Trong căn bếp, chị Hoa thành một con người khác. Chị tíu tít chạy quanh cái bếp, “đến đây là phải ăn món này. Phở bà Hoa nhé!”. Tôi lục tủ bếp lấy ra mấy cái bát. “Chỉ có chị em mình ăn thôi”. Tôi ngớ người ra. Chị Hoa giải thích, đứa con gái út thì đi xem phim với bạn rồi, anh Thuyết thì về sau. Vậy mình đợi anh ấy đi chị. Chị Hoa xua tay, thôi ăn đi, anh ấy về muộn lắm. Nghĩ thế nào, đang chần bánh, chị bấm điện thoại giục anh về.Hai chị em ngồi nói chuyện cầm chừng. Tôi nói vài câu chuyện về tình hình những người quen ở nhà. Chị Hoa không phải người lắng nghe kiên nhẫn. Chị hay đột nhiên hỏi “có phải không?”, khi tôi nhắc đến tên ai mà dường như chị đã quên nhiều nên lẫn lộn hết cả. Hai chị em rốt cuộc mệt phờ trong tiết mục ôn lại ký ức.Vừa lúc anh Thuyết về. Thuyết trông nhỏ bé hơn trong hình dung của tôi, tóc đã lốm đốm bạc. Anh giơ hai tay tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi, giọng vẫn nhỏ nhẹ như hồi ở nhà. Chị Hoa reo lên vui vẻ: “Mình về xem này, bọn mình già hết rồi mà nó vẫn trẻ thế!”. Chị hối hả đun lại nước dùng, chan ra các bát đã sắp sẵn lúc nãy.Bữa ăn khởi đầu rôm rả. Bát phở chị Hoa làm cho tôi quá to, nhiều thịt. Chị lộ rõ vẻ hài lòng khi tôi cố gắng ăn hết. Anh Thuyết ăn rất nhanh, nhìn tôi chăm chú. Tôi lúng túng, gác đũa, mỉm cười đáp lại.“Phở chị Hoa nấu thì chú cho mấy điểm?”.Chị Hoa thu dọn bát, cười nhẹ. Tôi trả lời: “Thịt bò ngon đứt ở nhà anh ạ. Ở đây là 10 điểm rồi”.Anh Thuyết vẫn không tha: “So với phở Bát Đàn thì đáng mấy điểm?”.Chị Hoa cười cười, làm sao so được phở ở nhà. Tôi nhấp ngụm trà: “Em bây giờ có ăn phở Bát Đàn đâu. Phở chị Hoa không có mì chính, ăn đứt phở Hà Nội. Em bảo lưu điểm số vừa nãy”.“Dân Hà Nội đã khôn mồm lại còn khéo mồm hơn xưa nhỉ!”, anh Thuyết châm chọc.Đột nhiên anh trang nghiêm hỏi: “Hà Nội dạo này ô nhiễm lắm phải không?”.“Vâng, ô nhiễm thật, em ở nhà viêm họng suốt”.“Sống vậy bằng chết. Định thế mãi sao?”.Tôi trả lời vòng vèo: “Tình hình thế nên em sang đây hỏi kinh nghiệm anh chị”. Anh cười nhạt: “Đi đi là vừa. Ở nhà toàn thấy trí thức lên mạng chém gió, mở mồm ra là lý với luận. Toàn thứ không ngửi được. Nói thế chị Hoa của chú cũng nói được...”.Chị Hoa vội chuyển đề tài: “À bọn mình quen nhau cũng phải bao nhiêu năm rồi ấy nhỉ?”. Tôi đáp: “Hai mươi năm chị ạ”. “Ừ, đúng rồi, hồi thằng Minh lên ba tuổi. Giờ nó hăm ba, năm nay ra trường rồi”.“Nó có về nhà nhiều không ạ?”.Anh Thuyết sầm mặt: “Về nhiều để mà ăn bám bố mẹ à. Anh chị xác định, như mọi gia đình bên này, mười tám tuổi là tự lập, ra khỏi nhà, càng mở rộng quan hệ càng có lợi. Bọn nó không thể như thế hệ bọn mình, cứ bám nhằng nhằng lấy bố mẹ, đến già bố mẹ vẫn cứ can thiệp đủ thứ. Con cái rồi hòa nhập vào đời sống ở đây!”.“Anh chị có hay cho các cháu về Việt Nam không?”.“Sao mọi người suốt ngày chỉ có mỗi câu hỏi về, về!... Đi chẳng được lại còn về!”. Những tiếng “về” anh hơi nhấn nhá.Tôi chuyển hướng: “Cái nhà ở phố Huế vẫn còn chứ ạ?”.“Bán, bán ngay hồi đi sang đây rồi! Đấy, ở trong cái chỗ nát như thế thì ai muốn về. Chị chú cứ tiếc nhưng nói thật là thoát được cái nhà đấy, thoát được Hà Nội, anh chị quá mừng. Đất gì ở cứ nhược cả đầu đi... Thế còn chú, có định sang đây hẳn không? Tầm tuổi này cũng là muộn rồi đấy. Phải thay đổi suy nghĩ đi”.Mặt tôi nóng ran. Tôi tự nhủ phải đi thôi thì chị Hoa lái chủ đề khác: “Em khác ngày xưa nhiều, trông hồi ấy buồn cười nhỉ, gầy gò tong teo, vai lúc nào cũng khom xuống ấy. À, đúng rồi, cái tranh, cái tranh!”.Tôi giật mình khi nhớ ra một mục đích của việc đến đây.“Mà cái tranh đâu rồi nhỉ?”, chị Hoa đứng phắt dậy. “Em nhớ là đã gói mang sang đây mà. Chẳng lẽ ở nhà bà ngoại?”.“Đấy nhé, đấy là đã toàn quyền trang trí nhà cửa... Không lại bảo tại tôi!”.“Khổ, thì em có bảo lỗi của mình đâu...”.“Vô tâm đệ nhất hạng! Em nó không thông cảm lại cho là mình bạc!”.“Có cần anh phải cao giọng thế không?”.“Này, ở đây chỉ có cô cao giọng thôi. Tôi không hề. Chú có công nhận không?”. Một lúc tôi mới nhận ra anh đang hỏi tôi.Chị Hoa mím môi rồi cố phân bua, giọng líu cả lại. Tôi vội lên tiếng không sao đâu, lâu quá rồi, với lại anh chị chuyển nhà nhiều lần, làm sao mang đi hết được.“Thế còn những cái thứ ba lăng nhăng này!”, anh Thuyết chỉ lên tủ và các bức tường. Giờ tôi mới nhận ra có rất nhiều món đồ lưu niệm. “Chị chú tha lôi từ Việt Nam chả thiếu thứ gì, thế mà có cái tranh cũng để mất! Giả dối!”.Chị Hoa gào lên, nước mắt lúc này tìm được chỗ để túa ra. Chị chạy vào nhà vệ sinh. Anh Thuyết bỏ sang phòng khách. Lát sau, tiếng bản tin CNN vang lên, giọng người đưa tin bình luận chính sách đầy nhấn nhá như phụ họa cho khung cảnh căn nhà.Còn một mình, tôi ôm balô đi thật nhanh ra khỏi cửa, bước từ hàng hiên xuống chân đồi. Gió lạnh thổi, những đám lá khô trên hè đường chấp chới bay từng đợt. Một bóng người ở căn nhà đối diện vén rèm ra nhìn rồi lại buông xuống. Không khí khu phố hoang vắng đến rợn người.“Đợi chị!”, chị Hoa đuổi theo sau, gọi tôi, hơi thở gấp gáp. “Đêm hôm rồi, em đi đâu? Ở lại sáng mai hẵng đi. Tầm trưa chị về chở em đi”. Những tiếng “đi” của chị miết dài như nấc.“Ơ thế chị đi đâu?”.“Chị làm ca đêm ở hiệu bánh. Sáng ra phải giao rồi”. Chị thu mình trong chiếc áo có mũ lông to.“Em cũng phải đi luôn chị ạ. Em nhớ ra có cái việc sáng mai ở New York”.Chị Hoa biết ngay tôi bịa. “Thôi đừng ngại anh Thuyết. Anh ấy quý em mà”.Tôi vẫn nhất định đi. Chuyến xe cuối khởi hành lúc 11 giờ. Chị Hoa nhìn ra đường tư lự rồi gật đầu, chị sẽ chở tôi ra bến.Lên xe, hai chị em im lặng hồi lâu. Ánh đèn pha rọi chiếu những rặng cây tối đen bên đường.“Em không biết chị lại vất vả vậy ạ”.“Có gì đâu em. Không làm thêm thì lương anh ấy đâu đủ nuôi hai đứa. Mỗi ngày chị lái xe hai tiếng đi làm. Chín mươi dặm”.Tôi nhẩm tính ra kilômet, kinh ngạc, “xa thế cơ à?”. “Chị nhún vai, quen đi chứ. Có những hôm tuyết rơi dày, vẫn phải đi”.Tôi nhận thấy hình như xe không rẽ vào bến. “Thôi chết, hình như nhầm đường chị ơi”. “Không, chị đưa em lên New York luôn”.“Trời, đi mất bốn tiếng chị ơi”. “Chị cũng có việc ở mạn Brooklyn nên đưa em đi luôn. Đi ban đêm nhanh hơn xe buýt em ạ”.Đến lượt tôi biết chị bịa.“Công việc của anh Thuyết ổn không chị?”.“À... trừ những lúc anh ấy bận quá thì nói chung cũng... được em ạ. Dạo này việc ở trường anh ấy đang hơi căng. Hơi căng một chút thôi”.Chị im lặng một lúc rồi nói tiếp: “Em có định làm nghiên cứu sinh bên này không?”.Tôi cười: “Em vừa ngu vừa lười, không được một phần của anh Thuyết. Mà chả biết học gì tầm này”.Chị thở dài. “Em cứ apply đi, có gì anh Thuyết sẽ nhờ người viết thư giới thiệu, đảm bảo được. Chỉ cần tiếng Anh thôi”.Tôi gật đầu: “Vâng”. Tôi nhắm mắt, giả vờ ngủ. Chị Hoa rì rầm hát “Sáng nay em đi học sớm, qua đồng lúa xanh xanh. Mẹ em nhanh nhanh tay cấy không chăng dây mà vẫn thẳng hàng...”. Hôm qua em nhắc lại, tự nhiên giờ chị nhớ lại hết.Tôi nhìn vào khoảng tối mênh mông trên đường cao tốc, mắt trĩu xuống, bắt đầu cảm giác trôi vào giấc ngủ. Hình như chị Hoa nói gì đó. Tôi choàng dậy khi chị đập vào tay tôi. Ở chân trời có dấu hiệu của thành phố New York, khi quầng sáng từ những cao ốc hiện lên.Khi xe lên cầu vào thành phố, bóng những sợi cáp vùn vụt qua như một đoạn phim hoạt họa. Xe dừng trước cửa khách sạn. Tôi tháo dây an toàn, xuống xe.“Chị xin lỗi chuyện cái tranh nhé”.“Em cũng không nhớ hết các tranh mình vẽ đâu”. Thâm tâm tôi muốn chị im đi, đừng nhắc cái tranh nữa.“Chị tệ quá. Đừng bận tâm lời anh Thuyết lúc nãy nhé”.Tôi lắc đầu: “Đừng thế, chị”.“Ừ ừ, anh Thuyết tốt mà. Chỉ là... Thôi em vào đi, giữ sức khỏe, chị đi nhé. Cầm lấy này. Chị phải đi đây, không lại ăn phạt bây giờ. Tìm thấy cái tranh chị sẽ báo ngay”, chị hối hả nói rồi vội vã đánh xe đi.Tôi cầm túi quà đi như chạy vào sảnh khách sạn. Trước khi biết mình chìm vào giấc ngủ mê mệt, tôi chỉ kịp lẩm bẩm “good night” với người lễ tân đang nở nụ cười lãnh đạm. ■ Tags: Truyện ngắn TTCTNguyễn Trương QúyBức tranh
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams đòi bồi thường có vô lý? HOÀI PHƯƠNG 23/11/2024 Những ngày qua, vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện Gerard Williams - chủ nhà nơi xảy ra tai nạn ở Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại khiến nhiều người quan tâm.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.