TTCT - Ngày 11-6-2013 sẽ đi vào lịch sử với sự kiện Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên đối với các chức danh quan trọng. Kết quả của lần lấy phiếu này sẽ được hiểu, diễn giải ở nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, nhưng dù hiểu theo cách nào, đó vẫn là một kết quả cho chúng ta thấy nhiều điều, gợi ý một số vấn đề mới cần tiếp tục suy xét. Phóng to Các đại biểu Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại phiên họp Quốc hội chiều 10-6 - Ảnh: Việt Dũng Về tổng quan, các đại biểu khi bỏ phiếu đánh giá dường như có xu hướng bớt khắt khe hơn đối với các chức danh phía Quốc hội và các chức danh ít mang tính hành động. Các vị trí của Quốc hội như chủ tịch Quốc hội và các ủy ban... đều nhận được phiếu tín nhiệm cao hơn so với các chức danh của Chính phủ. Trong Chính phủ, chức danh bộ trưởng của các bộ “nóng” và các vấn đề “nóng” có tính thời điểm đã phải nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Đây cũng là các chức danh thuộc về nhánh điều hành (Executive Branch), khác với các chức danh của Quốc hội - nhánh lập pháp (Legislative Branch). Các chức danh nhận đánh giá thấp nhất rơi vào các bộ có tính thời sự nhất, nổi cộm nhiều vấn đề nhất hiện nay: Ngân hàng, Giáo dục, Môi trường, Y tế... Lần lấy phiếu tín nhiệm này và kết quả mới công bố về tổng thể là một hoạt động hữu ích và là bước đi quan trọng tiếp theo trong quá trình phát triển của Quốc hội. Từ những bước đi đầu tiên như truyền hình trực tiếp kỳ họp, đến hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ, tới việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt này... tất cả đều là những bước tiến không chút dễ dàng trong hành trình chông gai để xây dựng một Quốc hội mạnh. Kết quả cho thấy các đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ hơn, có thông tin tốt hơn, mạnh dạn đánh giá và tạo nên sự khác biệt trong cách nhìn nhận với các chức danh. Đây cũng là một sự tập dượt lớn trong quá trình xây dựng Quốc hội đủ quyền lực để thực hiện tốt vai trò của mình. Nên nhìn nhận cuộc lấy phiếu này như một động lực, cũng là một sức ép thôi thúc các chức danh chủ chốt cần nỗ lực hơn, nhìn nhận thấu đáo hơn những gì người dân đòi hỏi ở họ, từ việc có hành động mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, quyết liệt hơn đối với các chính sách đang được thi hành đến những điều đơn giản hơn như điều chỉnh hành vi và lời nói trước công chúng... Kết quả cuộc lấy phiếu cũng đặt ra những vấn đề mới cần được cải thiện, điều chỉnh trước khi đưa hoạt động này thành một quy trình “chuẩn” trong hoạt động của Quốc hội. Trước hết là cần cải thiện cách thức đánh giá để có một cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm công bằng, khách quan hơn giữa hai nhóm: nhóm chịu trách nhiệm thực thi chính sách là Chính phủ; và nhóm ít tham gia điều hành, chỉ đạo hơn, ít chịu sức ép và đương đầu với thực tế là Nhà nước và Quốc hội. Bởi cả trên góc độ tâm lý cũng như các dữ liệu thông tin đầu vào (tần suất xuất hiện trước công chúng, số lượng chính sách ban hành trong thời gian đảm trách chức vụ...), dễ đánh giá các chức danh đang tham gia điều hành, thuộc các lĩnh vực nóng hơn so với những chức danh không tham gia điều hành, không có nhiều hoạt động công khai mà nhiều người biết đến. Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm bằng ba loại phiếu bầu cũng nên tiếp tục nghiên cứu và đánh giá xem liệu có tốt hơn hai loại phiếu bầu (chỉ có hai loại đánh giá là tín nhiệm và không tín nhiệm)? Cuối cùng, chúng ta cũng cần nghiên cứu việc lấy phiếu tín nhiệm bằng cách so sánh riêng các chức danh tương đồng. Ví dụ so sánh các chức danh trong Chính phủ với nhau, giữa các chủ nhiệm ủy ban với nhau... hơn là so sánh giữa Chính phủ và Quốc hội... Sẽ có khá nhiều hệ quả và hiệu ứng từ việc lấy phiếu tín nhiệm mà chúng ta cần tiếp tục mạnh dạn thử nghiệm. Sự phát triển và sức mạnh của Quốc hội cần nhiều niềm tin và sự thúc đẩy từ phía người dân. Khi công việc và trách nhiệm đặt lên vai các đại biểu Quốc hội càng lớn thì vai trò và năng lực của Quốc hội ngày càng phải trở nên mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Như vậy, Quốc hội sẽ đòi hỏi nhiều hơn những đại biểu có tư duy, có kiến thức và năng lực thật sự. Cũng cần nghiên cứu tiếp tục thúc đẩy hướng tách biệt dần chức năng của đại biểu để tỉ lệ đại biểu chuyên nghiệp cao lên, giảm dần tỉ lệ đại biểu kiêm nhiệm để họ trở nên độc lập hơn trong quá trình bỏ phiếu. Trong chiều ngược lại, người dân cũng cần thấu hiểu hơn những khó khăn, thách thức đặt ra của Chính phủ. Hiểu những lĩnh vực nóng, hiểu thực tế khó khăn ở thời điểm Chính phủ đang phải đối mặt và tính chất kế thừa của các nhiệm kỳ... Bởi rõ ràng, một cuộc lấy phiếu khó có thể là cơ sở hoàn toàn chính xác khi đánh giá năng lực các vị trí lãnh đạo này. Những thử nghiệm trong gần 20 năm qua từ những hành động đầu tiên như truyền hình trực tiếp, chất vấn Chính phủ và lấy phiếu tín nhiệm cho thấy một Quốc hội đang đi đúng hướng trong quá trình hoàn thiện và nâng cao năng lực của mình. Thông qua những hoạt động này, người dân đã nhìn thấy rõ hơn vai trò của Quốc hội, hiểu hơn những thách thức và khó khăn của Chính phủ khi điều hành, nhìn và hiểu năng lực của từng vị trí, từng mảng việc. Vì thế, chúng ta có thể nên lạc quan hơn, tự tin hơn trong nỗ lực cải tổ và đẩy mạnh những hành động trong tiến trình xây dựng Quốc hội. Tags: Quốc hộiTiêu điểmKỳ họp thứ 5Phiếu tín nhiệm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.