Buồng lái cuối năm, một chuyến đi Trung Quốc

THƯ UYỂN 21/01/2023 20:34 GMT+7

TTCT - Chuyến bay cuối năm vất vả, nhưng rôm rả vì một thông báo mới. Sắp tới sẽ bay đi Trung Quốc, chở khách đàng hoàng chứ không còn chở hàng nữa.


Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại. Ảnh: The Economic Times

Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại. Ảnh: The Economic Times

Bắt đầu là PVG - Thượng Hải và CAN - Quảng Châu, sau dự định sẽ hồi phục tất cả các điểm đến: CZX, ZYI, NKG, CGO, PEK, SHE, HGH, TSN, XIY, KWE…

Tháng 12-2022, ở Việt Nam mà nói những điều này nghe giống dĩ vãng xa xôi, nhưng sự mở cửa của Trung Quốc mang lại mới lạ, bất ngờ.

Chúng tôi vẫn bay Trung Quốc trước khi có động thái tích cực và rón rén này, nhưng chỉ chở hàng, vài chuyến một tuần - mang hải sản đến Nam Ninh, hàng hóa đến Thành Đô. Chuyến nào cũng nhọc nhằn, lê thê, lích kích.

Để đủ điều kiện đi Thành Đô, phải có hai tổ bay âm tính với Covid-19 bằng xét nghiệm PCR, vì lỡ thành viên nào trong tổ chính - gồm hai phi công, hai tiếp viên, một giấy tờ và hai chất xếp - không bay được vào phút cuối thì còn có người thay. 

Đi Nam Ninh thì không phải ngoáy mũi, nhưng quy định ở phi trường này vẫn như hồi chưa tiêm chủng. Phi hành đoàn từ xứ khác đến phải "full giáp" - quần, áo, kiếng, găng, khẩu trang, bọc giày. Hở ra là có người chụp hình, trưng cho cơ trưởng ký xác nhận, để gửi về công ty cảnh cáo.

Ấy là chưa kể chuyến bay nào cũng trễ vài ba tiếng là thường, vì các quy định chống dịch ở Trung Quốc vẫn ngặt nghèo. Họ khử khuẩn toàn diện, xịt phi cơ, chờ 45 phút cho ngấm, rồi tiếp tục xịt từng thùng hàng, sau cùng mới cho bốc dỡ.

Trước nặng như chì là vậy, giờ thì nhẹ như bấc. Tổ bay không cần xét nghiệm trước chuyến bay, không quần áo bảo hộ, chỉ cần găng tay, khẩu trang và kính chống giọt bắn.

Thay đổi này do đâu, nội tình láng giềng thế nào chắc khó mà bàn hay được, còn giọng điệu chỉ trích của Tây phương, thì trong mắt tôi, có phần giông giống sự kiện lớn vừa diễn ra hồi cuối năm vừa rồi: World Cup ở Qatar.

Tiêu chuẩn kép và đạo đức giả

Trước giải, các nước ở lục địa già không ngừng chĩa mũi dùi vào Qatar: kìm hãm nữ quyền, bài trừ LGBT, công nhân vong mạng lúc xây sân vận động, cấm chỉ bia rượu trong trận đấu, dùng tiền mua đăng cai. Nói chung, văn hóa chủ nhà trật lất với mọi giá trị mà tụi tui cho là "tiệt nhiên định phận tại thiên thư". Tẩy chay!

Qatar ít thấy phân bua, khó nhịn lời, côi nhịn lẽ. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino té ra mới là người phản pháo hăng nhất. Trong gần hai tiếng đồng hồ, người đàn ông da trắng có bố mẹ là người Ý và sinh ở Thụy Sĩ đăng đàn tố ngược thói "tiêu chuẩn kép" kiểu Tây. 

Khai mạc bài diễn thuyết, ông chọn chiến thuật phủ đầu đanh thép: "Với tội lỗi mà người da trắng đã gây ra 3.000 năm trở lại đây, đáng ra họ phải dành 3.000 năm tiếp theo để ăn năn sám hối, rồi mới có tư cách đi rao giảng đạo đức".

Chắc ý ông Infantino muốn nói công cuộc thuộc địa hóa của người da trắng, thời mà họ căng buồm đi khám phá thế giới, đến đâu cướp giết hiếp đến đó. Còn vụ 3.000 năm, không rõ ông vô tình nói nhầm hay hữu ý ngoa dụ, nhưng nói xong, ông dừng lại một chút. Ông đưa mắt nhìn xuống cử tọa là những nhà báo phần nhiều đến từ Âu châu. Tiếng máy chụp ảnh lách cách vang lên khắp khán phòng. 

Sự gay gắt của ông Infantino ở Qatar có tác dụng như một cơn mưa rả rích thường thấy ở Bắc Âu. Nó không những tưới ướt nhẹp những đám cháy chỉ trích, mà còn làm sinh sôi một số cỏ cây dư luận.

Vài ngày sau, khi người Đức thể hiện sự phản kháng (đã yếu đi nhiều), thì dư luận cho họ ăn no đòn. 11 cầu thủ đội này, trước ống kính truyền hình hàng tỉ người theo dõi, đồng loạt lấy tay che miệng, ý muốn lên án văn hóa Hồi giáo hà khắc, bưng bít quyền tự do. Dư luận lập tức đánh trả. Chẳng phải người Đức mấy năm nay rất tích cực đòi tống cổ dân Hồi giáo đó sao. Họ không chấp nhận khách tha hương cầu thực đến nhà họ mà cứ khư khư những lề thói cũ. Giờ thì chính họ lại nhập gia chẳng tùy tục, mà còn trơ trẽn lên án gia chủ không chịu chơi theo luật của họ nữa.

Còn ở Pháp có câu giễu cợt Qatar trước giờ đóng góp được cho bóng đá quốc tế chỉ hai việc. Một là mua câu lạc bộ Paris Saint-Germain và hai là mua phiếu bầu đăng cai World Cup. Sau "cái tát" thẳng mặt của Chủ tịch Infantino, những kiểu mỉa mai này bị mai mỉa ngược lại. Trong một buổi bàn tròn trực tiếp, giữa khách mời là các nhà báo, chính trị gia, nhà hoạt động nhân quyền, một cây hài đã nói: Chúng ta gọi Qatar là hối lộ, tham ô hủ lậu, nhưng khi Tony Blair đến Singapore, mời từng thành viên bỏ phiếu vào phòng riêng mà hỏi, nào, quý vị muốn gì nếu bầu cho London 2012, thì ta gọi là vận động hành lang.

Rồi đều đặn và lạnh lùng như một gã đầu bếp chặt gà công nghiệp - tay này đặt một miếng lên thớt, tay kia chặt, rồi dùng dao gạt sang một bên - ông chủ tịch giải quyết từng chỉ trích một.

Công nhân vong mạng khi xây dựng ư? Ở Qatar, tuy là lao động nhập cư, nhưng ít ra họ được cấp giấy tờ đường hoàng. Các ông giỏi sao không tạo điều kiện cho người nhập cư làm việc hợp pháp ở châu Âu đi? Ở Qatar, họ được công nhận, được làm việc trong điều kiện như mọi nơi khác, được nhận lương bổng cao hơn ở nhà nhiều lần. Nhân tiện, cho các ông hay, theo Human Rights Watch - tổ chức phe các ông đấy nhé - 8 năm qua cả thảy 25.000 người nhập cư đã thiệt mạng vì tìm cách sang châu Âu. Số may mắn sống sót thì sống chui nhủi với đồng lương còm cõi. Các ông sao không đi đòi quyền lợi cho họ?

Không bán bia trong sân vận động hả? Chung quanh sân, ban tổ chức đã dựng rất nhiều chỗ bán bia rồi, và nếu có nhịn bia 2 tiếng xem một trận bóng thì không ai chết cả. Mà ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, bia rượu cũng bị cấm tiệt trong sân, sao không ai lên án? Còn nữ quyền ư? Để tôi kể bạn nghe chuyện ở Thụy Sĩ. Nước của tôi nên tôi tự tin kể chính xác. Ở Thụy Sĩ, chỉ đến thập niên 80, 1980 chứ không phải 1880 nhé, phụ nữ mới được quyền bỏ phiếu!

Hai giờ họp báo, ông chủ tịch nói liền tù tì, không để nhà báo hỏi được câu nào. Mào đầu ông còn dùng chữ "tiêu chuẩn kép", nhưng phần kết ông không giữ kẽ nữa mà xài hẳn chữ "đạo đức giả".

Phát biểu của chủ tịch FIFA tuy có tạo ra làn sóng ủng hộ, nhưng cũng gây nên nhiều tranh cãi. Đúng sai chính tà, chắc chưa luận rõ được. Nhưng riêng việc những dạy dỗ từ nay khép lại, cho người ta thấy phương Tây đã bị chỉ trúng tim đen, và điều này có nghĩa chuyện bắt nạt là rõ ràng.

Buồng lái cuối năm, một chuyến đi Trung Quốc - Ảnh 3.

Bầu trời nhìn từ buồng lái (Ảnh: Thư Uyển)

Bay đi Trung Quốc, hiểu thấu cho người láng giềng

Trung Quốc trong thời gian chống dịch vừa qua cũng đã nhận được những phê phán cao giọng kẻ cả như vậy. Theo thiển ý của tôi, không chính phủ nào đưa ra một quyết sách hệ trọng như vậy mà không có lý lẽ riêng.

Nhân nói đến tìm hiểu. Nếu để thỏa óc hiếu kỳ - vì sao Trung Quốc lại kiên trì theo đuổi không Covid - chắc khó tìm được câu trả lời trung dung, nhất là từ phía truyền thông Âu Mỹ. Lời lẽ chì chiết không quá khó hiểu. Công xưởng thế giới mà cứ phong kín như vầy thì chốn kinh kỳ Âu Mỹ tìm đâu ra điện thoại hay xiêm y mẫu mới. Bá tánh lấy gì mà sắm sửa cho tặng vào dịp lễ lạt cuối năm. Kinh tế vì lẽ đó dựa vào đâu mà tăng trưởng.

Nhưng không chỉ trích nào nhắc đến khả năng vỡ trận của đất nước 1 tỉ rưỡi dân. Sài Gòn năm ngoái dân số chỉ cỡ một thành phố bậc trung của họ mà rối loạn điên đảo vì COVID. Trung Quốc mà thả cửa khi chưa sẵn sàng, bi ai sẽ đến nhường nào? Không lâu sau nới lỏng, trên báo đài, ta lại thấy cảnh bệnh viện quá tải và bệnh nhân la liệt quen thuộc. 

Tây phương đâu phải chưa kinh qua chuyện này. Tình thế của họ thậm chí còn thê thảm hơn vì đầu dịch chưa có vaccine. Nhưng họ lựa chọn buông bỏ nhiều thứ để giành giựt kinh tế, để trốn chạy suy thoái. Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như họ đã vượt qua. Và bây giờ mà ai không chịu theo họ, đều trái thiên thư, đều thủ bại hư.

Cánh cửa Trung Hoa giờ, tuy còn hé, nhưng đã mở. Có thể phải qua đôi cơn bĩ cực nữa, đất nước này mới thấy hồi thái lai. Nhưng thôi cuối tháng đầu năm, mình tạm nhắm mắt lướt qua chuyện đó vậy. Cứ tạm tưởng tượng đến viễn cảnh sau đó nữa, khi mọi người đều vượt qua đại dịch, bình thường sẽ lại cũ. 

Mà chưa cần đến khi ấy thì giờ cũng đã có người phấn khởi rồi. Nhận thông báo bay lại Trung Quốc, suốt chuyến bay cuối cùng năm 2022, cơ phó của tôi hồ hởi ôn bài. Gần ba năm không bay, quên hết mã sân bay, cậu lục tìm lại những ghi chép cũ.

PEK là Bắc Kinh, ôi sân này bay mệt, sáu tiếng đi sáu tiếng về, phải hai tổ bay mới nổi. HGH là Hàng Châu, giờ bay đẹp này, chiều đi nửa đêm về rồi. CGO là Trịnh Châu, cái đường băng ở trên cao mấy trăm mét, bay đêm hai ông buồn ngủ mà tính toán nhầm là tàu cao vống lên đấy. PVG Thượng Hải bốn đường băng, khi đến hồi hộp lắm, không đoán được không lưu cho đường nào để chuẩn bị. XIY là Tây An, xung quanh núi là núi. SHE là Thẩm Dương, KMG là Côn Minh, TSN là Thiên Tân, NGB là Ninh Ba. À không thấy đi lại Nội Mông nhỉ.

Rồi cậu nói: Anh xem, khách Trung Quốc mà trở lại thì có khi mình phất thật đấy. Bay lại Trung Quốc thì nhiều tiền hơn là chắc rồi. Nhưng còn những hãng khác trong nước nữa. Mình Trung Quốc không nhẽ họ không Trung Quốc. Họ cũng sẽ bay. Sẽ ăn nên làm ra. Sẽ cần thêm phi công. Thị trường chuyển nhượng sẽ sôi động. Anh em mình lại có giá. Khà khà.

Tôi chưa biết mình có thích điều này không. Nhưng các đồng nghiệp của tôi, những người ba năm qua đã rất vất vả mà thu nhập ì ạch mãi chưa chạm nổi một nửa lúc trước dịch, thì thích.

Cho nên buồng lái cuối năm rôm rả.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận