TTCT - Trong 17 năm hành nghề hướng dẫn viên du lịch mà phần lớn là đưa đoàn du khách Việt Nam đi nước ngoài, trong số những kỷ niệm nghề nghiệp của tôi là không ít sự cố dở khóc dở cười do cách ứng xử không phù hợp của khách Việt. Ăn xem nồi ngồi xem hướng Hai trong số những hoạt động mà du khách Việt khi lần đầu tiên ra nước ngoài, thậm chí từng đi không ít lần, hay gặp phải trong cách ứng xử là chuyện xếp hàng và ăn uống. Ông bà đã dạy “ăn xem nồi ngồi xem hướng” nhưng dường như không ít người quên. Hình như trong suy nghĩ của nhiều người, việc xếp hàng là biểu hiện của dịch vụ kém. Họ thiếu kiên nhẫn qua cái thở dài và lắc đầu tỏ vẻ... ngao ngán. Lần nọ ở Tây Ban Nha, tại lối vào của nhà hàng ăn sáng, lượng khách bắt đầu đông dần nên nhân viên nhà hàng tạm kéo một “hàng rào” gồm hai trụ inox và một sợi dây đỏ để du khách đứng đợi bên ngoài. Đoàn khách Việt Nam đến sau một nhóm sáu khách đã đứng thành hàng chờ đợi. Khách của tôi thản nhiên vượt qua nhóm khách kia và... bước qua sợi dây đỏ để vào nhà hàng. Thật khó miêu tả cảm xúc của nhóm khách kia khi họ chưng hửng chứng kiến phe ta... vượt rào. Tôi cũng “đứng hình” không kịp phản ứng gì. Rõ ràng có những quy tắc ứng xử bất thành văn mà khi đi nước ngoài, chịu khó quan sát chúng ta sẽ hiểu rằng khi xuất hiện “chốt chặn”, khách phải xếp hàng, ta không nên làm ngơ như không hiểu rồi ùa lên, hoặc trong lúc di chuyển... tranh thủ vượt lên tại những khúc quanh, lối rẽ. Ở những tour châu Úc, Âu, Mỹ..., việc ăn sáng đôi khi là nỗi khổ với một số du khách Việt. Bánh mì, bơ, mứt, jambon... trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người vì không hợp khẩu vị của họ. Nhiều người đã chọn phương án mì gói. Tuy nhiên, không mấy nhà hàng hài lòng với du khách mang thức ăn từ bên ngoài vào, họ không nói gì chỉ vì lịch sự. Hãy nhìn vào mắt và thái độ của họ. Những du khách khác sẽ... tò mò vì mùi hương “lạ”. Chuyện nhỏ thôi, nhưng đừng xem việc nhân viên nhà hàng phải đi dọn dẹp các loại bao bì và rác sau khi khách ăn mì là đương nhiên. Hướng dẫn viên thường cẩn thận khuyên khách của mình ăn mì trong phòng và ăn tráng miệng tại nhà hàng. Tuy nhiên, phần lớn rắc rối xảy ra khi du khách mang mì tôm vào phòng ăn và yêu cầu nước sôi. Nhà hàng không hài lòng, du khách bực bội và hướng dẫn viên lãnh đủ. Một thói quen khác cũng gây căng thẳng cho nhà hàng là việc khách mang rượu vào nhà hàng mà không để ý rằng ở đây họ phải có giấy phép mới được bán thức uống có cồn. Đối với những nhà hàng có giấy phép bán thức uống có cồn, họ sẽ tính tiền mở chai hoặc phí phục vụ. Nhiều vị khách không hiểu, thắc mắc sao phải trả tiền mở chai. Không ít du khách chứng tỏ sự sành sỏi của mình bằng cách rót rượu vào những chai nước suối và âm thầm rót cho nhau... thưởng thức. Khi nhà hàng phát hiện, mọi tội lỗi sẽ rơi vào những hướng dẫn viên. Điều quan trọng hơn là hình ảnh của đoàn nơi đất khách sẽ... tệ đi. Điều này không đáng quan tâm sao? Một thói quen khác là du khách nước ta rất thích ăn vặt trên xe, không thiếu thứ gì, nào trái cây, bánh, mứt, hạt dưa, khô bò, snack, kem, nước ngọt, cà phê, sữa tươi... Điều khổ là mùi thứ ăn cùng rác thải vương khắp nơi trong xe. Người viết bài từng bị một lái xe tại Đức nói thẳng: Nếu khách của bạn còn vứt vỏ hạt dưa xuống sàn thì ngày mai xe này sẽ từ chối phục vụ. Hướng dẫn viên thường lưu ý một cách tế nhị với du khách khi vừa bắt đầu hành trình, nhưng chuyện này vẫn xảy ra. Xin đừng vô tư nữa Thật tình, chuyện đúng giờ sao quá khó đối với một số người. Đây là một vấn nạn, trải dài trên mọi nẻo đường, mọi thị trường. Đủ thứ lý do được đưa ra để giải thích. Tôi thật sự không hiểu trong những vị khách hay trễ, có phải họ không thèm quan tâm đến cảm giác, suy nghĩ của những người đi chung trong đoàn? Có người khoan thai tiến đến chỗ ngồi, quên mất lời xin lỗi và bỏ qua những tiếng xầm xì. Cần biết rằng, trong lịch trình tour, giờ khởi hành lúc nào cũng được tính toán trước rất kỹ lưỡng giữa hướng dẫn viên và lái xe dựa theo cung đường, điểm tham quan, nhà hàng, tình trạng giao thông thường ngày... Ở một số trang đánh giá về du lịch, người ta đã nhận xét du khách Việt thuộc nhóm hàng đầu... vì sự ồn ào nơi công cộng. Đó có thể là cười nói ồn ào, hò hét vì phấn khích, mắng con mắng cháu, trò chuyện qua điện thoại với người quen, chụp ảnh... Đôi lúc trên ôtô hoặc máy bay, có những người vô tư mở nhạc trong điện thoại để lấp đầy không gian bằng những bài hát yêu thích, hồn nhiên quên mất nhu cầu yên tĩnh của người khác. Tôi thật sự khổ sở với một số đoàn khách lớn, ban đêm nhiều nhóm tụ tập với nhau để đánh bài hoặc nhậu, rồi có lúc cao hứng cùng... hát lên. Đối với những thị trường châu Âu hoặc Mỹ, khách sạn tuyệt đối tôn trọng sự yên tĩnh của du khách. Những ai có nhu cầu vui vẻ ban đêm thì mời đến các bar hoặc sàn nhảy... Gây ồn ào nơi hành lang hoặc trong phòng khách sạn là điều người ta xem là kỳ quặc, du khách Việt không biết điều đó sao? Trong những vụ việc tôi từng chứng kiến hoặc phải tham gia giải quyết, phần lớn du khách luôn tìm lý do để bào chữa và tranh thủ đổ thừa cho người khác. Đủ kiểu lý do nhằm bào chữa cho việc đi trễ: không báo thức, kẹt thang máy...; lý do hút thuốc trong phòng là do không thấy dấu “No smoking”, do hướng dẫn viên không báo... Dường như chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy mà thôi! Trong một đoàn du khách đi Nga gần đây, có khách cắc cớ hỏi anh Kirill, hướng dẫn viên địa phương gốc Nga nói sõi tiếng Việt và sáu ngôn ngữ khác, rằng anh thấy khách Việt Nam thế nào. Xin mượn câu trả lời của anh ấy để chúng ta cùng suy nghĩ. Anh Kirill nói rằng người Việt Nam rất đáng quý, rất dễ thương. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử nên tinh thần độc lập rất cao dẫn đến thường hành động một mình, hành động theo sở thích và kinh nghiệm riêng của từng người. Chỉ là một cách nói khéo để không làm phật lòng “thượng đế” nhưng ẩn ý của người hướng dẫn viên này không đáng để chúng ta suy ngẫm sao? Đi du lịch một cách có trách nhiệm, theo tôi, nhiều khi chẳng cần phải là điều gì lớn lao, cao cả, chỉ cần điều chỉnh một chút cách ứng xử của mình là cuộc đi chơi sẽ hoàn hảo hơn.■ Tags: Đi du lịchDu lịch trách nhiệmCách ứng xử
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?