Campuchia: Không ngăn được dịch, hậu quả sẽ rất thảm khốc

HỒNG VÂN 21/04/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Trong tuần trước Tết Chôl Chnam Thmây của người Campuchia (từ ngày 14 đến 16-4), dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt đầu tăng lên ba con số. Từ vài chục ca, có lúc vọt lên 400, 500 ca mỗi ngày.

Chợ Phsar Chas (còn gọi là chợ cũ) bị phong tỏa ngày 12-4 do có nhiều người bán hàng có kết quả dương tính với virus gây bệnh COVID-19. Ảnh: Khmer Times

 

Sự kiện “ngày 20-2”

Đợt bùng phát dịch hiện nay liên quan đến sự kiện ngày 20-2: 4 người Trung Quốc nhiễm virus SARS-CoV-2 trốn cách ly ở khách sạn Sokha ở Phnom Penh và đi tới nhiều địa điểm, làm COVID-19 lây ra cộng đồng.

Cả năm 2020 Campuchia chỉ có khoảng 500 người bệnh COVID-19. Nhưng tính đến ngày 13-4-2021, nước này có tổng cộng 4.661 ca. Số ca mới công bố trong ngày 13-4 là 181 ca, đa số liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các ca bệnh từ sự kiện 20-2. 

Trước ngày 20-2, Campuchia chưa có ca tử vong do COVID-19 nhưng nay đã có 33 người chết. Theo báo Khmer Times, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thừa nhận: “Sự cố ổ dịch cộng đồng ngày 20-2 không chậm lại mà ngày càng trầm trọng hơn, kể cả khi chúng ta đã áp đặt các biện pháp hạn chế. Quản lý yếu kém trong một số lĩnh vực đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khiến số ca bệnh tăng lên”. 

Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia, bác sĩ Li Ailan cảnh báo nếu không chặn đứng được đợt bùng phát đang diễn ra thì toàn bộ hệ thống y tế ở Campuchia có nguy cơ bị nhấn chìm, gây ra những hậu quả thảm khốc.

 WHO kêu gọi kết hợp đầy đủ và hiệu quả tất cả các biện pháp y tế công cộng và toàn dân có trách nhiệm, đồng hành chống dịch với chính quyền. Sự phức tạp này đến từ nhiều phía. 

Campuchia có sự xuất hiện của biến thể B.1.1.7, lần đầu được phát hiện tại Anh mà ngay tại những nước có hệ thống y tế vững mạnh cũng đã quá tải trước biến thể mới này. Với gần nửa số ca được xác nhận dương tính trong đợt bùng phát gần đây không hề có triệu chứng, rất có khả năng những người tin rằng mình khỏe mạnh truyền virus cho nhiều người khác. 

Sự phức tạp thứ hai là việc khó khăn trong truy vết người đã tiếp xúc với các ca dương tính và những ca đã xác định là dương tính. Khmer Times ngày 12-4 cho biết chính quyền thủ đô Phnom Penh mất dấu 56 người có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính. 

Nhà chức trách không thể tìm ra họ theo địa chỉ được cung cấp và phải kêu gọi “tai mắt nhân dân” vào cuộc. Nhờ đó, đến nay, 43 người đã ra trình diện, vẫn còn 13 người dương tính với COVID-19 “mất tích”. Bộ Tư pháp kiên quyết: bất cứ ai mắc COVID-19 mà trốn tránh điều trị y tế sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm.

Quân nhân Campuchia lắp giường bệnh để thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại một nhà hàng tiệc cưới ở Phnom Penh ngày 11-4. Ảnh AFP

 

Trường học, nhà hàng tiệc cưới thành trung tâm điều trị

Phnom Penh dần tiến tới mức không còn giường bệnh. Channel News Asia cho biết nhà chức trách đã chuyển đổi nhiều trường học, nhà hàng tiệc cưới thành trung tâm điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Thủ tướng Hun Sen cũng chia sẻ với báo chí về việc bệnh viện gần hết công suất: “Chúng ta không thể nhận thêm bệnh nhân nữa trừ khi diễn tiến nặng.

Người hồi phục xuất viện ít trong khi người nhập viện lại nhiều hơn. Nếu thành lập thêm nhiều bệnh viện cũng không thể đủ chỗ”. Ông Hun Sen yêu cầu những người nhiễm COVID-19 nhẹ điều trị tại nhà để giảm quá tải cho các bệnh viện.

Hiện có ít nhất 13 xóm, khu vực ở thủ đô Phnom Penh bị phong tỏa, mỗi điểm từ vài trăm đến vài ngàn người. Biện pháp này nhằm hạn chế phong tỏa diện rộng ngay dịp Tết Chôl Chnam Thmây, tránh ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế.

Dù ở trong hay ngoài Campuchia, ai nấy đều xác nhận Tết Chôl Chnam Thmây năm nay sẽ rất khác, ngay cả so với năm ngoái, vốn là một cái tết khá lặng lẽ vì COVID-19. Người dân Campuchia đang trong đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. 

Việc đi lại trong dịp tết dài 5 ngày bị hạn chế gần như tuyệt đối. Giao thông liên tỉnh bị cấm trên toàn quốc, trừ giao thông giữa Phnom Penh và tỉnh Kandal. Để hạn chế nhậu nhẹt, toàn thủ đô Phnom Penh bị cấm bán bia rượu dưới mọi hình thức từ ngày 10-4 đến 24-4.

Người dân ở thủ đô không được ăn uống ngoài đường. Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 20h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau ở Phnom Penh và Siem Reap.

Campuchia và WHO kêu gọi mọi người nhà ai ăn tết nhà nấy, họ hàng cũng không thăm nhau để tránh tụ tập. “Chúng tôi hiểu ngày tết quan trọng với người dân như thế nào nhưng Campuchia đang ở thời điểm quyết định, những gì chúng ta cùng nhau làm trong những ngày tới sẽ quyết định tương lai ra sao. Cả nước phải đồng lòng hiệp sức cho một mục tiêu chung thì chúng ta mới kiểm soát được đợt bùng phát này”, bà Li Ailan kêu gọi. 

Trả lời TTCT, nhiều người Campuchia cho biết họ đồng tình với lời kêu gọi trên và sẽ tuân thủ những quy định phòng dịch mới vì đó là cách duy nhất thoát khỏi đại dịch.

Campuchia bắt đầu tiêm vaccine cho toàn dân từ ngày 10-2 và đã có hơn 1 triệu người, là những đối tượng ưu tiên được tiêm ít nhất một mũi. Nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine cho ít nhất 10 triệu dân trong số hơn 16 triệu dân. 

Ngoài vaccine ngừa COVID-19 viện trợ từ Trung Quốc, Campuchia cũng tham gia chương trình phân phối vaccine công bằng COVAX do WHO ủng hộ. Nước này cũng đặt mua 1,5 triệu liều từ nhà sản xuất Sinovac của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tặng Campuchia lô vaccine đầu tiên 600.000 liều từ đầu tháng 2-2021 và mới tặng thêm lô vaccine thứ hai, do hãng dược Sinopharm phát triển, vào ngày 31-3. Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia dự kiến tiếp nhận thêm 8 triệu liều vaccine trong thời gian tới.

Theo sắc lệnh công bố ngày 11-4, ông Hun Sen yêu cầu tất cả quân nhân, công chức trong các cơ quan hành pháp, thẩm phán, công tố viên và quan chức trong ngành tư pháp, ngành y tế phải tham gia tiêm ngừa COVID-19. Những ai trốn tiêm chủng sẽ bị cảnh báo, kỷ luật. ■

Tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech ở Berlin, Đức ngày 10-4 - Ảnh: REUTERS

 

Biến thể COVID-19 Nam Phi qua mặt vaccine Pfizer

Theo một nghiên cứu công bố ngày 6-4 của Israel, biến thể của virus SARS-CoV-2, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, có thể tránh được một số khả năng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Tel Aviv và Clalit - tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn nhất ở Israel - đã kiểm tra gần 400 người dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này, sau khi họ được tiêm ít nhất một liều vaccine. Kết quả của những người này được so sánh với một nhóm tương đồng khác, gồm những người đã nhiễm virus nhưng chưa tiêm vaccine. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ phổ biến của biến thể lần đầu phát hiện ở Nam Phi, gọi là B.1.351, trong số những bệnh nhân được tiêm hai liều vaccine cao hơn khoảng 8 lần so với những người không tiêm vaccine. Họ cho rằng biến thể B.1.351 có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của vaccine so với chủng ban đầu.

Giải thích trên báo Times of Israel, giáo sư Adi Stern, chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết biến thể B.1.351 chỉ chiếm khoảng 1% tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Israel. Tỉ lệ này phản ánh chân thực trong mẫu nghiên cứu, trong số gần 800 tình nguyện viên, tỉ lệ nhiễm biến thể B.1.351 là 1%.

Tuy nhiên, trong số những người đã nhận đủ hai liều vaccine, tỉ lệ phổ biến của biến thể B.1.351 lại cao hơn 8 lần so với ở nhóm không được tiêm chủng - 5,4% so với 0,7%. Nhóm nghiên cứu kết luận: vaccine ít có hiệu quả với biến thể Nam Phi so với virus gốc và biến thể Anh rất phổ biến trong số các ca dương tính ở Israel.

Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh nhà chức trách về y tế cộng đồng lo ngại các biến thể mới, có khả năng lây lan nhanh hơn. Một số nghiên cứu trước đó cho rằng biến thể này có thể làm giảm hiệu quả của vaccine, gây khó khăn hơn cho việc đẩy lùi đại dịch.

Israel khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 toàn quốc từ tháng 12-2020. Đến tháng 2, quốc gia khoảng 8,7 triệu dân này đang dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng với hơn một nửa dân số đã nhận được ít nhất một liều vaccine bằng vaccine của Pfizer hoặc Moderna. Pfizer-BioNTech trước đó cho biết vaccine của họ có hiệu quả khoảng 91% trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Trong một nghiên cứu khác công bố vào giữa tháng 3-2021, tiến sĩ Alejandro Balazs cũng phát hiện rằng các kháng thể trung hòa, có tác dụng vô hiệu hóa virus mà vaccine phòng COVID-19 của Pfizer và Moderna tạo ra, kém hiệu quả đáng kể trước các biến thể lần đầu phát hiện ở Brazil và Nam Phi. 

Trong đó, biến thể Nam Phi có thể chống lại kháng thể trung hòa của vaccine từ 20-40 lần, biến thể Brazil có khả năng chống lại kháng thể trung hòa của vaccine từ 5-7 lần so với virus SARS-CoV-2 gốc.

XUÂN MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận