Campuchia những ngày xét xử Khơme Đỏ

DANH ĐỨC 08/04/2009 19:04 GMT+7

TTCT - 14g, nắng như đổ lửa. Quốc lộ 67 dài 125km từ thành phố Đế Thiên Đế Thích Siem Reap dẫn đến thị trấn Anlong Veng nay đã gần hơn, chỉ mất hơn hai giờ đi ôtô. Cũng con đường này, tháng 11-2007, du khách Việt sang Nakhon Ratchasima cổ vũ đội tuyển U-23 Việt Nam thi đấu SEA Games 24 phải mất hơn nửa ngày lặn lội qua rừng già nhiệt đới bạt ngàn, trên một con lộ mù mịt bụi đỏ đang được cày xới.

Phóng to
Hai tấm tôn xếp chéo lại làm nóc cho mô đất chôn tro tàn của Pol Pot - kẻ từng toàn quyền sinh sát ở đất nước hiền hòa này từ năm 1975-1979

“Lính công binh của Thủ tướng Hun Sen làm con đường này đó. Họ làm thật nhanh” - Ly, lái xe của Công ty du lịch Blue Star ở Phnom Penh, khoe.

MỒ CHÔN POL POT

Quốc lộ 64 dẫn đến mồ chôn Pol Pot và căn cứ cũ của Ta Mok.

Ta Mok là tên của một tướng Khơme Đỏ vào hàng “cùng hung cực ác”, không chỉ do dính líu đến những tội ác diệt chủng mà Tòa án Khơme Đỏ đang xét xử, còn là người đã lật đổ, bắt giữ, ám toán Pol Pot, thủ lĩnh tối cao của Khơme Đỏ.

Quốc lộ 64 nay đã trở thành một xa lộ xuyên Á, dẫn đến biên giới Thái Lan, nối kết các chặng TP.HCM - Siem Reap - cửa khẩu Choam - Sagnam (Campuchia - Thái Lan). Xa lộ xuyên rừng già này đã chấm dứt tình trạng cô lập của Anlong Veng cũng như của tỉnh Oddar Meanchey ngày nào còn là khu căn cứ cuối cùng của Khơme Đỏ, đã mở toang cánh cổng hội nhập cho cư dân nơi mà cách đây 10 năm vẫn chỉ biết có Khơme Đỏ.

Qua khỏi thị trấn Anlong Veng một chút, khỏi một khu đầm nước với những thân cây gãy ngang chết đứng giữa trời, lác đác về phía bên phải vài mái nhà tôn, vài bụi cây. Minh - giám đốc Công ty Blue Star, người dẫn đường của chúng tôi - khẽ bảo: “Sắp đến mồ chôn Pol Pot rồi”. Tài xế Ly, nguyên trung úy công an Campuchia, cùng đi cho thêm phần an ninh, cũng giảm tốc độ xe. Ly dừng xe vào lề đường, dò tìm một lối vào len giữa đám bụi cây ấy. Ly bước tới vài chục bước rồi dừng lại bên cái lều nhỏ bằng tôn thấp lè tè trên một mảnh sân toàn cát và rác. Hai tấm tôn xếp chéo lại làm nóc cho mô đất chôn tro tàn của kẻ từng toàn quyền sinh sát ở đất nước hiền hòa này từ năm 1975-1979.

“Giữa rừng bạt ngàn như thế này, có ai ngờ rằng Pol Pot đã được hỏa thiêu bằng mấy cái vỏ xe cũ!” - Minh chép miệng.

Vài thanh gỗ làm vách bao quanh mồ. Mươi cây nhang thắp từ thuở nào cháy không hết. Một tấm bảng ghi bằng chữ Khơme và tiếng Anh: “Mồ chôn Pol Pot”. Một chú gà trống bươi rác gần đó. Một phụ nữ thò đầu và tay ra từ cửa sau một mái nhà tôn, lấy một cái gì đó rồi quay vô, chẳng buồn để ý.

Phóng to
“Những cái cũi này dùng để nhốt quan lớn. Chúng có thể gắn trên bánh xe để di chuyển”. Không rõ có phải đó là những cái cũi dùng để di chuyển Pol Pot trên đường Ta Mok đào tẩu hay không

CÓ CHÔN ĐƯỢC HẬN THÙ?

“Khi trước, ở đây cây cối còn um tùm chứ không trống trải như thế này” - Chouon, một người lính Khơme Đỏ cũ, chép miệng. Trên khuôn mặt người đàn ông này chỉ toàn những vết nhăn già trước tuổi vì những năm tháng trải qua.

Từ nhỏ đến lớn Chuoun chưa hề ra khỏi khu vực rừng núi này, chưa hề biết đến ánh đèn màu đô thị, chưa hề nếm một ngày “thoải mái xa hoa”. Lớn lên anh đi lính Khơme Đỏ, lính công binh, lái xe mooc chở cây về xây dựng doanh trại, cầu đường.

Công trình lớn nhất của Chuoun là ngôi nhà của Ta Mok ở cái đầm dưới kia. Một ngôi nhà rõ to, vách đổ bêtông chứ không xây gạch, như một pháo đài thách đố các cuộc tấn công. Trên các bức vách tầng một vẫn còn đó những bức tranh họa lại đế chế và bản đồ Khơme ngày nào, như muốn ghi dấu rằng nơi đây từng là dinh thự của một chính phủ tên là Campuchia dân chủ, từng có ghế đại diện ở trụ sở Liên Hiệp Quốc. Chuoun có lúc từng lái xe cho Ta Mok nên thân cận Ta Mok. Thân đến nỗi nay Chuoun vẫn thành thật nói: “Tui coi Ta Mok như cha”. Đối với cư dân sinh sống ở chốn hẻo lánh này, Khơme Đỏ lúc đó là chính phủ.

Trong bối cảnh lịch sử và địa dư - chính trị đó, những thanh niên như Chuoun lớn lên, có đi lính Khơme Đỏ và theo phò Ta Mok đến phút cuối cũng là điều dễ hiểu. Ba đời nhà họ không thuộc các giai cấp “đối tượng” của cuộc “cách mạng” lấy năm 1975 làm năm khởi đầu, “năm zero” của lịch sử, nên họ đâu có hề hấn gì dưới trướng Khơme Đỏ.

Tấm mồ chôn Pol Pot rõ ràng đã không chôn được quá khứ phân hóa. Cái gì sẽ hàn gắn xã hội Campuchia?

Phóng to
Chouon - một người lính Khơme Đỏ

LỜI CỦA CHỨNG NHÂN

Chiếc Pajero hai cầu trong tay tài xế Ly bám theo con đường mòn gập ghềnh dẫn đến một triền núi.

...Choun đưa chúng tôi đến khu nhà cũ của Ta Mok trên cánh đồng đầm lầy ở Anlong Veng nay đã trở thành di tích lịch sử. San Roeun là người quản lý khu di tích lịch sử này. Người đàn ông 56 tuổi mặc bộ đồng phục cán bộ du lịch bảnh bao này trước kia theo Khơme Đỏ từ năm 1972, là lính sư đoàn 603. San Roeun có lúc leo lên đến chức tiểu đoàn trưởng. Đến năm 1992 trúng mìn, mất chân trái, đeo chân giả về đây tham gia công trình xây dựng khu nhà của Ta Mok. “Tôi xây khu nhà này vào năm 1994. Đội xây dựng chúng tôi đông đến trăm người. Chúng tôi trụ lại đây cho tới cùng” - San Roeun kể.

San Roeun chỉ vào căn phòng lớn trên lầu, nói: “Đây là phòng họp các tư lệnh. Họp xong, một mình ông Ta Mok bước ra cánh đồng kia, đi đến căn nhà ngoài đầm, gặp Pol Pot báo cáo kết quả cuộc họp. Trừ ông Ta Mok, chẳng ai khác thấy mặt Pol Pot”.

- Đến khi Ta Mok bắt Pol Pot, ông có mặt ở đây không?

“Có. Nhưng tôi không tham gia đánh nhau. Lúc đó Ta Mok nắm hết quân lực, có đến mấy sư đoàn trong khi Pol Pot không có nhiều quân. Hai bên đánh nhau cả ngày thì ông Ta Mok thắng, bắt sống ông Pol Pot” - San Roeun moi trí nhớ.

Ta Mok bắt và xử Pol Pot về tội đã giết Son Sen, nguyên tổng tư lệnh quân đội Khơme Đỏ cho đến năm 1992. Son Sen và Khieu Samphan vốn từng du học tại Pháp nên vào năm 1992 tham gia tiến trình hòa đàm với UNTAC, cơ quan quyền lực của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia, tại Phnom Penh. Đây chính là nguyên cớ của mối bất đồng, nghi kỵ của các thủ lĩnh Khơme Đỏ đối với Son Sen. Tháng 5-1992, Son Sen bị Ta Mok, vốn chủ chiến, hất khỏi ghế tổng tư lệnh sau một tranh cãi xem có tiếp tục thương thuyết nữa hay không. Năm năm sau, ngày 6-10-1997, cả gia đình 13 người của Son Sen bị hạ sát theo lệnh của Pol Pot trong một hố chôn đến cổ rồi bị xe Jeep cán qua đầu, cán đi cán lại. Ít tháng sau, Ta Mok bắt sống và đưa Pol Pot ra xử. Cũng có nguồn tin cho rằng Son Sen và gia đình chỉ bị bắn chết ngay ở cửa nhà(*).

Cựu binh nhất Khơme Đỏ Chuoun còn nhớ như in phiên tòa xử Pol Pot. Phiên xử đóng trụ sở tại một ngôi nhà 100 cột gần cửa khẩu Choam - Sa Ngam ở biên giới Campuchia - Thái Lan. Choun kể: “Pol Pot ít quân hơn Ta Mok nên bị Ta Mok bắt đưa về đây xử. Trong phiên xử, Pol Pot chửi Ta Mok là phản bội. Ta Mok cũng chửi Pol Pot là phản phúc. Ta Mok làm chủ tình hình nên tòa tuyên án tù chung thân Pol Pot”.

Phóng to

San Roeun và Chuoun - hai lính cũ của Ta Mok

“ĐỈNH GIÓ HÚ” CỦA TA MOK

Ngôi nhà 100 cột đó nay chỉ còn trơ vài cái cột gãy, không vách, không nóc mà nếu không được giải thích sẽ không biết đó là ngôi nhà xét xử Pol Pot.

10 tháng sau, đêm 15-4-1998, đến lượt Pol Pot chết. Theo các nguồn tin quân đội hoàng gia Campuchia, năm 1998 tướng Khem Nuon - tổng tham mưu trưởng - đã tiết lộ với Nate Thayer của tờ Far Eeastern Economic Review (30-4-1988) rằng có lẽ “Pol Pot đêm đó đã lên cơn sốc sau khi nghe Đài VOA chương trình bằng tiếng Khơme loan tin một tòa án quốc tế sẽ đưa Khơme Đỏ ra xét xử”.

Giám đốc Minh, người từng có mặt tại Phnom Penh ngay từ năm 1979, ở lại làm chuyên gia rồi “đất lành chim đậu” nhập tịch Campuchia, mở công ty du lịch từ ba năm qua, bảo: “Vẫn có tin cho rằng Pol Pot đã bị Ta Mok hạ thủ đầu độc”. Về phần Ta Mok, sau này luôn lớn tiếng thanh minh rằng Pol Pot chết vì đau tim chứ ông ta không hề hạ thủ.

Cho dù Pol Pot chết vì lý do gì thì cái chết đó cũng đã giúp Ta Mok “nhẹ gánh” hơn, vào lúc đang phải liên tục di chuyển để tránh sự truy đuổi của quân đội chính phủ. Cõng theo một kẻ thù mình đã hạ bệ không phải là một cái gì nhẹ nhàng.

San Roeun - cựu tay chân của Ta Mok, nay quản lý khu di tích nhà Ta Mok - chỉ mấy cái cũi sắt nói: “Những cái cũi này dùng để nhốt quan lớn. Chúng có thể gắn trên bánh xe để di chuyển”. Không rõ có phải đó là những cái cũi dùng để di chuyển Pol Pot trên đường Ta Mok đào tẩu hay không.

Sau khi Pol Pot chết, Ta Mok càng trơ trọi hơn, nhất là sau khi các thủ lĩnh khác của Khơme Đỏ là Ieng Sary và Khieu Samphan đã quy hàng quân chính phủ vào tháng 12 năm đó để đổi lấy lệnh ân xá của quốc vương Sihanouk. Lúc này chỉ còn mỗi Ta Mok và nhúm quân khoảng 2.000 người. Ta Mok rút về “đỉnh gió hú” của mình trên dãy núi Dang Krek. Cuối cùng, đến ngày 6-3-1999, Ta Mok cũng lọt vào tay quân đội chính phủ ở “đỉnh gió hú” này, bị đưa về Phnom Penh trên một chiếc trực thăng.

Sau khi Khơme Đỏ bị giải giáp, San Roeun cũng như nhiều đồng đội cũ khác được chính phủ hoàng gia lưu dụng. San Roeun trở thành người quản lý khu di tích nhà Ta Mok. Giám đốc Minh nói: “Phải giữ ông này ở lại quản lý, nếu thay người mới dân chúng sẽ không chịu”.

Tái hội nhập xã hội các khu căn cứ cũ của Khơme Đỏ là một khó khăn cả tinh thần lẫn vật chất. Bởi thế Thủ tướng Hun Sen gấp rút làm con đường Siem Reap - Anlong Veng trước con đường chiến lược dẫn lên Preah Vihear - nơi đang luôn trong tình thế chuẩn bị giao chiến với Thái Lan. Song song đó cũng phải giải quyết những uất ức của hàng triệu gia đình có thân nhân chết vì Khơme Đỏ. Đó là điều mà Chính phủ Campuchia đang làm.

______________________

(*) The final chapter, The veil of

secrecy is lifting on the last days of the Khmer Rouge by Thet Sambath and Adam Piore.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận