TTCT - Đoạn kết bài báo “Thấy Việt Nam ở các bảo tàng Nhật Bản” có câu: “Không hiểu vì lý do gì việc sưu tầm và trưng bày hiện vật ở các bảo tàng Nhật Bản, đặc biệt là hiện vật thuộc về đời sống của cộng đồng đương đại, chưa được phong phú như các nước Đông Nam Á khác”. Đó cũng là câu hỏi mà tôi đã hỏi GS Katsumi Tamura, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học quốc gia Nhật Bản (Minpaku) ở Osaka, vào năm 1997. Phóng to Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí kỳ lân, thế kỷ 15 - 16, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida - Ảnh: T.Đ.A.S. Khó về thủ tục Thay vì trả lời, GS Katsumi Tamura kể cho tôi nghe câu chuyện sau: “Hằng năm, bảo tàng chúng tôi đều cử người đi khắp thế giới để sưu tầm các hiện vật dân tộc học nhằm làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng và phục vụ các cuộc trưng bày giới thiệu đời sống văn hóa của các dân tộc quốc gia trên thế giới. Năm 1995, trong một đợt sưu tầm hiện vật ở miền Trung Việt Nam, chúng tôi thấy người dân vùng nông thôn ở Hà Tĩnh và ở Huế đều sử dụng một loại “ponso” làm bằng lá cây, gọi là áo tơi. Tuy nhiên, người dân Hà Tĩnh mặc áo tơi để che nắng khi đi làm đồng nên chủ yếu dùng vào mùa hè, còn người dân Huế thì lại mặc áo tơi để che mưa nên áo tơi dài hơn, kín hơn và chủ yếu dùng vào mùa mưa. Chúng tôi đặt mua hai chiếc áo tơi của hai địa phương này với ý định đưa về trưng bày trong gian Việt Nam ở Minpaku để giới thiệu một loại “trang phục - công cụ” đối phó với thời tiết rất độc đáo của người nông dân Việt Nam. Tiếc rằng khi làm thủ tục xuất cảnh thì hai hiện vật này bị hải quan Việt Nam giữ lại. Nguyên nhân là do chúng tôi ghi trong tờ khai hải quan đây là các hiện vật bảo tàng. Nhân viên hải quan nói rằng hễ là hiện vật bảo tàng thì phải có giấy phép của ngành chức năng mới cho thông quan. Vậy là chúng tôi đành phải bỏ những chiếc áo tơi ấy lại. Quả thật là vào thời điểm đó, chúng tôi đã gặp quá nhiều khó khăn trong việc sưu tầm hiện vật ở Việt Nam, dù đó chỉ là những hiện vật dân tộc học thuần túy, không phải là cổ vật và không mang giá trị kinh tế nào. Trong khi đó, chúng tôi lại rất thuận lợi khi sưu tầm những hiện vật tương tự ở các nước Đông Nam Á khác. Nguyên nhân là do các nước này đã có các đạo luật về tài sản văn hóa, quy định rõ ràng đâu là di sản văn hóa, đâu là tài sản văn hóa, hiện vật nào được xuất khẩu, hiện vật nào không được xuất khẩu”. Tháng 7-2011, tôi lại ghé thăm Minpaku, thấy phần trưng bày về Việt Nam vẫn ít ỏi như xưa nên lại thắc mắc với GS Katsumi Tamura. Ông cho biết phần trưng bày cố định trong bảo tàng này đã hoàn chỉnh và trong những năm qua Minpaku quan tâm nhiều hơn đến văn hóa của các quốc đảo ở châu Đại Dương nên không dành thêm kinh phí để sưu tầm thêm hiện vật dân tộc học ở Việt Nam. Tôi thưa với GS Katsumi Tamura rằng Việt Nam nay đã có Luật di sản văn hóa, ban hành vào năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các hiện vật bảo tàng. GS Katsumi Tamura nói ông rất vui vì điều này và cho biết thêm: “Các điều khoản trong Luật di sản văn hóa nên quy định cụ thể về các loại hiện vật bảo tàng, loại nào có thể xuất khẩu, loại nào chỉ được “tạm xuất, tái nhập” và nên phân biệt di sản văn hóa với tài sản văn hóa, trong đó di sản văn hóa cần được bảo vệ và gìn giữ, còn tài sản văn hóa thì cần được giới thiệu và quảng bá rộng rãi ra bên ngoài”. Và chuyện quảng bá Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Bảo tàng Quốc gia Kyushu và Bảo tàng thành phố Machida là những nơi trưng bày nhiều cổ vật Việt Nam như gốm sứ và trống đồng nhưng ít chú dẫn đó là cổ vật Việt Nam. Đặc biệt, Bảo tàng thành phố Machida là nơi có sưu tập gốm sứ Việt Nam rất phong phú, trong đó có những vật thuộc hàng quý hiếm bậc nhất của dòng đồ gốm Chu Đậu. Khi tôi thắc mắc về việc thiếu các chú dẫn đối với những cổ vật Việt Nam, các đồng nghiệp Nhật Bản cho biết họ không có nhiều chuyên gia về cổ vật Việt Nam để có thể giám định chắc chắn đó là cổ vật của Việt Nam hay không! Vì thế, chỉ những hiện vật nào có gốc tích rõ ràng thì họ mới ghi chú thích. Đặc biệt, nhiều đồ sứ trưng bày trong các bảo tàng này là đồ sứ ký kiểu, là những đồ sứ do người Trung Hoa làm theo mẫu đặt hàng của vua quan và dân chúng Việt Nam trong các thế kỷ 17-20, nên các bảo tàng viên Nhật Bản rất phân vân không biết nên chú giải đó là đồ sứ của Trung Hoa hay đồ sứ của Việt Nam, trong khi các nghiên cứu chính thống về gốm sứ của cả Trung Hoa và Việt Nam thì không ai liệt kê dòng đồ sứ này là sản phẩm của quốc gia nào. Các bảo tàng lớn trên thế giới trước khi đưa ra trưng bày những hiện vật của các quốc gia khác thường mời các chuyên gia uy tín quốc tế giám định để có những lựa chọn và chú giải chính xác. Việt Nam cũng có nhiều chuyên gia rất giỏi nghề, nhưng không được giới bảo tàng quốc tế biết đến do không có công trình nghiên cứu được công bố rộng rãi, hoặc giả nếu họ có viết được sách thì cũng chỉ in bằng tiếng Việt và phát hành trong nước. Muốn văn hóa Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn, không chỉ cần có “sản phẩm” có giá trị, mà cần người có uy tín và biết cách quảng bá những “sản phẩm” đó nữa. Tags: Việt NamBảo tàngTrần Đức Anh SơnCổ vậtBảo tàng Nhật Bản
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.