TTCT - Chương II dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp phải thật sự là một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trong ảnh: các học sinh Việt Nam trong kỳ thi đại học vừa qua - Ảnh: Như HùngTheo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dự thảo chương này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại chương V của Hiến pháp năm 1992, làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, đảm bảo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bổ sung một số quyền mới...Hiến pháp năm 1992 (điều 69, chương V) quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Những quy định tiến bộ này về cơ bản cũng giống như hiến pháp của các nước tiến bộ trên thế giới, nhưng khác nhau ở chỗ thực hiện trên thực tế.Thật vậy, thực tiễn thực hiện Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 nói chung và thực hiện quy định về quyền công dân nói trên chưa được đảm bảo. Ví dụ, Hiến pháp quy định công dân có quyền biểu tình theo quy định của pháp luật, nhưng hiện tại chưa có quy định về Luật biểu tình cũng như các văn bản hướng dẫn thì làm sao người dân biết để biểu tình đúng pháp luật?Theo tôi, Hiến pháp dù sửa thế nào, muốn có giá trị lâu dài, quan trọng nhất là làm sao không giảm mà phải tiếp tục tôn vinh quyền công dân, quyền sở hữu của người dân. Xét cho cùng, việc thiết chế nhà nước là để bảo vệ quyền tự do chính đáng của con người. Do đó, các quyền của công dân cần được ghi rõ, càng cụ thể càng tốt để tránh được mọi tranh cãi về quyền này về sau.Ví dụ, tại khoản 2, điều 15 (chương II) dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.Theo quy định này, quyền con người, quyền công dân chỉ bị giới hạn trong năm trường hợp vì lý do là “quốc phòng”, “an ninh quốc gia”, “trật tự, an toàn xã hội”, “đạo đức”, “sức khỏe cộng đồng”. Tôi nhất trí với việc dự thảo đưa ra năm lý do trên để hạn chế quyền con người và quyền công dân. Nhưng từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, tôi cho rằng việc dự thảo Hiến pháp đưa ra năm lý do trên mà không có sự giới hạn, giải thích cụ thể các lý do, các trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân thì khi đi vào thực hiện quy định này rất dễ bị lạm dụng.Như thế nào là lý do quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng? Các phạm trù này có phạm vi chưa thống nhất, có thể hiểu theo nhiều phạm vi khác nhau. Ví dụ như lý do “quốc phòng” thoạt nhìn là rất thỏa đáng và hợp lý trong trường hợp chiến tranh hay địch họa, nhưng lý do “quốc phòng” cũng có thể được hiểu bao gồm cả những trường hợp giới hạn không thỏa đáng trên thực tế như việc giới hạn quyền tự do ngôn luận của người dân đối với các vấn đề an ninh, đối ngoại của quốc gia vì lý do “quốc phòng”.Hay phạm trù “trật tự, an toàn xã hội” cũng có phạm vi rộng hẹp khác nhau tùy theo quan điểm của mỗi người, của từng cơ quan có thẩm quyền. Do đó, việc quy định quyền con người mà không quy định rõ về các trường hợp giới hạn quyền thì khi Hiến pháp được thông qua và đi vào thực hiện, các quy định này có khả năng sẽ bị lạm dụng và thực hiện không đúng với tinh thần của Hiến pháp.Tôi cho rằng việc đưa vào dự thảo những lý do mà Nhà nước có thể giới hạn quyền là một trong những sáng kiến táo bạo của các nhà lập hiến trong việc buộc Nhà nước hạn chế quyền lực của mình, nhưng việc quy định không rõ ràng như phân tích ở trên có thể phản tác dụng và quyền con người, quyền công dân bị xâm phạm.Trong nội dung giới hạn quyền con người, quyền công dân này, thiết nghĩ nên quy định thật rõ và cụ thể những trường hợp nào để Nhà nước có thể giới hạn quyền. Một giải pháp có thể được đưa ra đó là giới hạn quyền chỉ được phép áp dụng trong “tình trạng khẩn cấp quốc gia” theo điều 101 dự thảo. Có nghĩa là khi và chỉ khi Nhà nước ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” thì việc giới hạn quyền mới được áp dụng.Quy định như thế có thể giải quyết được về mặt thủ tục, quy trình và cũng giới hạn được trường hợp cụ thể nào đó mà Nhà nước được giới hạn quyền. Quyền con người, quyền công dân là thiêng liêng tối cao và giới hạn quyền chỉ nên được áp dụng khi thật sự cần thiết, khi việc không giới hạn quyền có thể ảnh hưởng một cách trực tiếp, rõ ràng và hiện hữu đến sự tồn vong của Tổ quốc.Nếu các nhà lập hiến cho rằng quyền nên bị giới hạn ngay cả khi quyền lợi nhà nước hay an ninh quốc gia có thể bị xâm phạm một cách chung chung và mơ hồ thì vô hình trung quyền con người, quyền công dân trở thành một khái niệm được Nhà nước ban phát và có thể bị tước đoạt trong những trường hợp mơ hồ nhất.Thiết nghĩ điều 15 dự thảo Hiến pháp cần quy định rõ các trường hợp giới hạn quyền con người, quyền công dân để Hiến pháp thật sự là một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh trường hợp quyền con người, quyền công dân chỉ nằm trên bàn giấy.Sửa đổi cách thức thiết lập quyềnNhiều tác giả đã cùng phát hiện một hạn chế quan trọng, đó là nhiều quyền trong Hiến pháp năm 1992 (ví dụ các điều 53, 54, 56, 57, 58...) được quy định dưới dạng Nhà nước “quyết định” quyền này, quyền kia cho công dân mà không phải là người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên. Có tác giả phát hiện trong 33 điều của chương V Hiến pháp 1992, thuật ngữ “Nhà nước” với tư cách là chủ thể ban phát quyền xuất hiện hơn 20 lần, dưới dạng những mệnh đề như: “Nhà nước bảo đảm...”, “Nhà nước... có kế hoạch...”, “Nhà nước ban hành...”, “Nhà nước quy định...”, “Nhà nước giao...”, “Nhà nước có chính sách”, “Nhà nước bảo hộ...”. Cách thiết lập quyền như trên xuất phát từ quan điểm được nêu trong điều 51 Hiến pháp 1992: “Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định”. Về quan điểm này, trong khi đúng là để được bảo vệ và thúc đẩy, các quyền con người cần phải được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, thì quy định ở điều 51 gây hiểu nhầm là Hiến pháp và pháp luật (hay Nhà nước) là những chủ thể sản sinh các quyền con người.Quyền con người phải do và chỉ có thể do Hiến pháp và pháp luật (hay Nhà nước) xác định mới có ý nghĩa thực chất, nếu không sẽ không được thừa nhận và áp dụng. Cách hiểu như vậy không phù hợp với nhận thức chung về quyền con người trên thế giới. Như đã đề cập, các quyền con người, mà biểu hiện của nó ở cấp độ quốc gia là các quyền công dân, là những giá trị tự nhiên, vốn có, gắn liền với mọi cá nhân, không phụ thuộc vào bất kỳ chủ thể nào khác.Nói cách khác, mọi thành viên của nhân loại khi sinh ra đã mặc nhiên có tư cách chủ thể của các quyền con người. Các nhà nước chỉ có thể thừa nhận (bằng hiến pháp và pháp luật) các quyền đó như là những giá trị vốn có của mọi cá nhân mà nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy, chứ không thể ban phát cho công dân các quyền con người”.GS.TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG, TS VŨ CÔNG GIAO, (trích bài “Chế định quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam”, cuốn Hiến pháp: những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, 2011) Tags: Sửa đổiHiến pháp 1992Góp ýQuền con người
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Xem các nghệ nhân thay áo mới cho điện Thái Hòa NHẬT LINH 24/11/2024 Điện Thái Hòa trong khu vực Hoàng cung Huế, nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong 143 năm, đang được đội ngũ những người thợ thủ công lành nghề bậc nhất Việt Nam ngày đêm tu bổ.
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).