TTCT - Gần đây báo chí sôi nổi bàn chuyện phiên âm hay không tên riêng tiếng nước ngoài. Hầu hết ý kiến đều ủng hộ cách để nguyên dạng, hoặc phiên tự Latin nếu ngôn ngữ gốc không dùng bộ chữ cái Latin. Tuy nhiên các ví dụ dẫn ra để so sánh, để chứng minh tính ưu việt của nguyên dạng phần lớn chỉ là tên riêng tiếng Anh. Cái tưởng là nguyên dạng thật ra là lối viết theo tiếng Anh, và thực tế hiện nay các báo đều “Anh hóa” tên riêng chứ không phải viết nguyên dạng ngôn ngữ gốc (dù là dưới dạng Latin hóa). Phóng to Không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng Khó khăn ở chỗ không có nguyên dạng Latin cho mọi tên riêng. Ví dụ, có ý kiến bảo rằng hãy để nguyên dạng tên nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan. Thế nhưng đó chỉ là tên tiếng Anh, còn nguyên dạng tiếng Bồ Đào Nha phải là Fernão de Magalhães và nếu theo tiếng Tây Ban Nha, nơi ông này là công dân và phục vụ lâu nhất lại là Fernando de Magallanes! Dòng chữ Brazil trong cuộc thi Rung chuông vàng cũng chỉ là tên tiếng Anh, còn đúng nguyên ngữ (tiếng Bồ Đào Nha) phải là Brasil, chính vì thế ta mới có từ phiên âm theo nguyên ngữ là Bra-xin. Rất nhiều ngôn ngữ hiện đang dùng chữ cái Latin nhưng ghi tên riêng khác với tiếng Anh. Nếu chiếu theo quan điểm giữ nguyên dạng ngôn ngữ gốc thì Hung-ga-ry phải viết là Magyarország (thay vì theo tiếng Anh: Hungary), Ba Lan phải là Polska (tiếng Anh: Poland), Đức phải là Deutschland (tiếng Anh: Germany), CH Czech phải là Ceská Republika (tiếng Anh: Czech Republic). Các thành phố hay bang của Đức như Munich, Cologne, Bavaria phải viết nguyên dạng là München, Köln, Bayern. Các ví dụ như vậy nhiều vô kể. Thủ đô của Ba Lan nguyên ngữ là Warszawa, biến thành Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp), Warschau (tiếng Đức), Varsovia (tiếng Tây Ban Nha), Varsóvia (tiếng Bồ Đào Nha), liệu có chính xác hơn phiên âm tiếng Việt Vác-sa-va? Và làm gì có cái gọi là cách viết thống nhất hay giữ nguyên dạng giữa những ngôn ngữ cùng hệ Latin? Đấy là mới chỉ nói trong phạm vi các ngôn ngữ có cùng mẫu tự Latin, nếu nói sang các ngôn ngữ không dùng mẫu tự Latin thì sự không thống nhất nguyên dạng còn lớn đến đâu. Chỉ xin lấy một ví dụ về họ tên cố lãnh đạo Libya Mu-am-ma Ca-đa-phi bằng tiếng Anh: đã có hẳn một bài báo trên tờ The Christian Science Monitor luận về cách viết nào nên theo: Gaddafi, Kadafi, Qaddafi, Qadhafi hay thậm chí Kaddafi; còn tên của ông này là Muammar, Moammar, Mu'ammar hay Moamar. Thậm chí người ta còn liệt kê (tất nhiên hơi cường điệu) là có tới 112 cách phiên tên Gaddafi sang tiếng Anh. Bangkok quen thuộc với chúng ta qua tiếng Anh nhưng tiếng Thái gọi thành phố này là Krung Thep, chẳng gần nhau một tí nào. Đất nước Ai Cập gọi theo tiếng Anh là Egypt, nhưng nguyên ngữ Ả Rập lại là Misr (phiên tự), còn thủ đô Cairo nguyên ngữ là Al-Qa--hirah. Như vậy có thể nói để nguyên dạng theo đúng nghĩa là không khả thi, vì người viết hay người dịch không thể ngồi tra cứu từng tên nguyên ngữ (và các cách phiên tự Latin hóa có thể có) để thay cho tiếng mà mình đang dịch từ đó. Âm một đằng, chữ một nẻo Đúng ra đó là lỗi của tiếng Anh hay của ngôn ngữ gốc chứ không phải do lỗi phiên âm (tất nhiên cũng có khi người phiên âm không chuẩn). Đồng thời chúng ta cũng không nên quên một nhược điểm của tiếng Anh, vì khi đọc hay nói tên họ của một người Anh có khi người ta không dám chắc viết tên họ đó thế nào cho đúng và phải hỏi lại cách viết. Chẳng hạn: Lee, Li hay Leigh đều đọc/nói là “Li”, Green hay Greene cũng đều đọc là “Grin”. Nhiều người chê phiên âm gây nhiều dị bản nhưng họ đâu có biết tiếng Anh cũng gặp rắc rối đúng như thế khi gặp các ngôn ngữ khác ngữ hệ như tiếng Ả Rập, các ngôn ngữ châu Á. Ngoài ví dụ về Ca-đa-phi ở trên, một ví dụ khác là tiếng Anh thiếu âm “ư”, do đó âm này hoặc bị phiên thành “y” (như trường hợp đối với tiếng Nga, trong khi “y” cũng dùng để phiên chữ/âm i ngắn), hoặc thành “u” (như trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Việt): Xôn-gie-nít-xưn (hay Xôn-gie-nhít-xưn) thành Solzhenitsyn; Cô-i-dư-mi thành Koizumi. Phiên âm tiếng Việt có ưu điểm hơn hẳn tiếng Anh khi dùng cho những ngôn ngữ có thanh điệu như tiếng Lào hay tiếng Thái. Và nói cho cùng thì ngay tên họ người Việt cũng đâu phải vùng nào cũng nói/đọc như chữ viết: Võ Văn Dân ở miền Nam sẽ được phát âm thành Dỏ Dăng Dâng kia mà! Phiên tự - “tam sao thất bổn” Lập lại trật tự trong lối viết tên riêng nước ngoài là cần thiết, nhưng cần một cách tiếp cận từ nhiều phía, thấu đáo và điều tra xã hội học nếu có thể.Có tồn tại một cách phiên tự thống nhất cho những ngôn ngữ không dùng chữ cái Latin không? Nhiều người lầm tưởng rằng đối với những ngôn ngữ không dùng chữ cái Latin, cứ việc phiên tự theo những quy tắc mà người bản ngữ áp dụng là xong. Nhưng sự đời đâu có đơn giản vậy? Có ba lý do dẫn đến việc “tam sao thất bổn” trong phiên tự: - Ngôn ngữ đích khác nhau. Nếu bạn đang đọc ấn bản tiếng Anh, văn hào Pu-skin sẽ thành Pushkin, còn trong tiếng Pháp sẽ là Pouchkine, tiếng Đức là Puschkin. Chính vì ngôn ngữ đích thay đổi mà tên riêng vẫn như cũ nhưng sang tiếng Anh mỗi thời một khác. Đó là trường hợp các nước cộng hòa cũ của Liên Xô tách ra: Môn-đa-vi ngày xưa là Moldavia (phiên theo tiếng Nga) nay thành Moldova (theo bản ngữ), thủ đô của nó từ Kishinev thành Chisinau, Byelorussia thành Belarus. - Có nhiều lối phiên khác nhau. Nếu áp dụng lối phiên hàn lâm của chính người Nga thì Mai-a-cốp-xki sẽ thành Majkovskij, nhưng phiên theo tiếng Anh sẽ là Mayakovsky. - Không thống nhất ngay trong cùng một ngôn ngữ đích. Ví dụ trong tiếng Anh, nhiều khi người ta cũng không thống nhất khi phiên tự từ tiếng Nga, như: Nikolay/Nikolai, Alexander/Alexandr/Aleksandr, Korolev/Korolyov, Mendeleyev/Mendeleev. Họ tên của người CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cũng được họ phiên sang tiếng Anh theo nhiều cách. Chẳng hạn anh hùng dân tộc Lý Thuấn Thần sẽ có các dạng Yi Sun Shin, Lee Sun Shin, Yi/Lee Soon Shin, Ri Sun Shin, Yi/Lee Sun Sin, ta theo cách nào? Cũng họ Lý ấy của Lý Thừa Vãn tiếng Anh vẫn quen phiên là Ree (Syngman) thì sao? Hàn Quốc đã ban bố quy tắc phiên mới thay cho quy tắc McCune-Reischauer trước đây, nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn dùng cách phiên cũ. Do đó thành phố Kê-xâng (Khai Thành) sẽ có hai kiểu phiên là Kaesong hoặc Gaeseong, Pu-xan sẽ là Pusan hoặc Busan. Kể từ khi Chúa Trời làm thất bại việc xây tháp Babel thì vấn đề phiên chuyển tên riêng giữa các ngôn ngữ đều không được giải quyết hoàn toàn trong bất cứ ngôn ngữ nào. Lập lại trật tự trong lối viết tên riêng nước ngoài là cần thiết, nhưng cần một cách tiếp cận từ nhiều phía, thấu đáo và điều tra xã hội học nếu có thể. Bộ Giáo dục đã từng quyết định cách viết “theo chữ viết của nguyên ngữ” (năm 1984) nhưng đã phải quay lại lối phiên âm (năm 2003) hẳn phải có lý do. Gần đây Bộ Nội vụ cũng ra thông tư số 01/2011/TT-BNV quy định “phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ”, hẳn cũng không phải chỉ vì “bảo thủ”. Tags: Tiếng ViệtPhiên âmNguyên ngữLatin
Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bắt Tổng thống Yoon MINH KHÔI 10/12/2024 Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua nghị quyết yêu cầu nhanh chóng bắt giữ 8 nhân vật chủ chốt, trong đó có Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Thành công của ST25 giúp ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu toàn cầu KHẮC TÂM 10/12/2024 Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - cho rằng gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới".
Nguy cơ ngừng hoạt động vì nợ tiền thuê đất hàng trăm tỉ đồng, Thảo cầm viên Sài Gòn nói gì? LÊ PHAN 10/12/2024 Với việc đứng trước nguy cơ bị truy thu gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất, Thảo cầm viên Sài Gòn có nguy cơ phải ngừng hoạt động vì không đủ kinh phí.
Bánh chè khớp gối chân phải của diễn viên Thương Tín bị bể đôi, bác sĩ nói không thể hồi phục HOÀI PHƯƠNG 10/12/2024 Hiện tại, diễn viên Thương Tín đang được nhạc sĩ Tô Hiếu cưu mang tại nhà riêng ở TP.HCM, trong thời gian ông chờ đi tái khám ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.