TTCT - Anh mơ một trưa nào đó, rảnh rỗi, anh sẽ nằm duỗi người ra nộp mình cho bác thợ cắt tóc. Ông cứ làm việc của ông, anh sẽ nhắm mắt không nghĩ ngợi gì. Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần90..89..87..86… những giây đèn đỏ lùi dần. Khoảng lặng chờ tín hiệu xanh của đèn đường như dài vô tận. Dòng xe ùn ùn nhả khói vào mặt nhau. Bên ngoài, những tia nắng đầu ngày bắt đầu xuyên qua các tầng lầu bê tông chật chội. Những chiếc xe máy nhấn ga lách qua kẽ hở giữa hai ô tô vọt lên phía trước. Anh trả số, kéo thắng tay, bật xi nhan rẽ phải chờ sẵn. Điệu nhạc blue dịu dàng được chỉnh to hơn.Hai đứa nhóc mải mê ngắm mặt sông trôi êm đềm. Ánh mặt trời phản chiếu làm cậu nhỏ nheo mắt. Nó ngắm cái đuôi con rồng màu vàng vắt ngang sông, một biểu tượng mạnh mẽ của thành phố vươn mình về phía biển."Còn mấy phút nữa tới trường, ba?" - cậu nhỏ hỏi."Ba không biết, còn tùy lượng xe con à! Đông quá thì không nhanh được. Nguy hiểm!" - anh đáp."Con muốn ăn sushi cơm cuộn" - nhóc năn nỉ."Con ăn tạm bánh mì đi. Mẹ mua để sẵn trong túi ni lông ghế sau" - anh vỗ về."Bánh mì hoài con ngán quá!"."Chừ ba bận lắm! Sao ghé mua cho con được" - anh nói, cố ghìm lại bằng một giọng thật êm.Rồi anh lặng thinh. Lời nào cũng không hợp tình cho một buổi sáng bận rộn. Có quá nhiều nhu cầu cho nhiều thành viên gia đình cùng một lúc. Anh ước buổi sáng được dài hơn.Bình minh dừng hẳn. Mẩu đối thoại ngắn trong xe làm lòng anh dâng lên nỗi bất lực và buồn thương. Anh nghĩ về một thế hệ ăn sáng trong ô tô. Gặm bánh mì vội trên xe máy. Anh ghét các hàng quán bán hàng mang đi, những nhân viên đứng bên lề đường với tay đưa đồ ăn cho khách. Nó vội vã và lạnh lùng, hối hả đến vô tâm. Ta đang làm gì cuộc đời mình thế này, anh tự hỏi. Biết rằng sống không phải để ăn, nhưng ăn uống phải ra hồn, chỉn chu. Anh nghĩ những điều anh thấy, thiên hạ cũng thấy, có khi họ thấy trước anh và suy ngẫm nhiều hơn. Nhưng cũng như đám đông, anh bị những cánh tay đẩy từ phía sau lao về trước, không dừng lại nổi. Dòng chảy bất tận, hối hả như dòng người trôi qua cái cột đèn anh đang đứng đợi. Nhưng anh không thể dừng mãi nơi này. Trừ khi xe hỏng.Anh thấy đầu gối bắt đầu rát, cánh tay phải ê ẩm, cái quần dài cọ xát vào vết thương, bứt rứt. Cú vấp ngã khi chạy bộ lúc 4h30 sáng nay khiến chân anh vẫn đau âm ỉ. Vết thương đã được rửa sạch, bôi thuốc, nhưng cơn đau trở lại, và kéo dài."Ba, con rồng này có giống trong hoạt hình không? Ước gì con leo được lên lưng hắn, bay lên cao tầng mây" - cậu con trai lớn lên tiếng."Ờ! Đã hỉ! Như trong phim chiến binh săn rồng á. Cậu bé cỡi rồng bay trên mặt biển, thích ơi là thích. Nhưng đoàn người sẽ bị rớt tõm xuống sông ha ha…" - cậu nhỏ trêu chọc.Anh vẫn làm thinh. Lôi cái dao cạo hai lưỡi Gillette màu xanh ở hông xe ra mở nắp. Kéo tấm che nắng trước mặt, lật chiếc gương nhỏ, anh soi gương cạo râu. Rát. Cảm giác đau vì không có kem bôi khi cạo. Thấp thoáng trong mẩu gương nhỏ, anh thấy khuôn mặt mình khô khốc, khóe mắt sâu mỏi mòn. Đám râu rớt xuống, dính lên vạt áo sơ mi xanh. Anh móc cái lược nhỏ, loại lược lấy từ một khách sạn nào đó, chải lại mái tóc. Mái tóc dính mồ hôi, bóng loáng, dựng ngược như người ta vuốt keo."Anh nhớp vừa thôi! Bụi dính vào máy lạnh. Cái xe như cái chuồng" - cô vợ cằn nhằn.Anh vẫn làm thinh. Anh nghĩ khi bước xuống xe, chỉ cần dựng lại vạt áo rồi phủi nhẹ, miễn cọng râu không ướt, nó sẽ không làm bẩn áo, râu mịn sẽ bay theo gió. Anh loay hoay bên trái, bên phải, bên trên và cả ghế sau một vòng. Tất cả đều chật chội, ken kín các vật dụng. Chai nước. Ly nhựa cà phê. Khăn. Giày thể thao. Dù che mưa. Túi ngủ. Gối đầu. Bình xịt khử mùi. Khăn giấy. Chìa khóa. Ví da. Vợt thể thao. Mấy cuốn tiểu thuyết và truyện tranh của bọn nhỏ. Mọi thứ trên xe lăn lóc, chật chội hơn cả dòng người và xe bên ngoài đang chờ đèn đỏ.Điệu blue không làm anh dịu đi sự căng thẳng, bứt rứt. Anh nghĩ tới báo cáo cho cuộc họp đầu ngày lúc 8h30. Các tin tức, cuộc họp hội đồng nhân dân, câu chuyện đang tranh cãi ùm xèo trên mạng xã hội. Quan điểm của tờ báo phải ra sao? Chuyên gia nói gì? Xu hướng tìm kiếm, trend trong tuần. Các phản ảnh của bạn đọc. Tình hình thời tiết, giá cả thị trường, các tuyến bài đang triển khai điều tra gặp bế tắc. Thông tin khiếu nại đòi đính chính của bạn đọc. Công văn của thành phố yêu cầu họp khẩn với phóng viên. Giấy ủy quyền của cấp trên về cuộc gặp mặt. Hồ sơ xử lý kỷ luật nhân viên. Giải trình của phóng viên và ý kiến của trưởng ban. Doanh thu và các con số. Lượng phát hành và KPI trong tuần chưa đạt. Hàng tá công việc đang chờ anh ở phía trước đèn đỏ.Anh điều chỉnh máy lạnh trong xe, giảm thêm một chút. Đám nhỏ cằn nhằn cái máy lạnh trong khi anh kéo tay áo quẹt mồ hôi trán. Mồ hôi lúc nào cũng đổ dầm dề trên khuôn mặt anh ngay cả khi anh ngồi yên. Anh nghĩ, có lẽ sau cuộc phẫu thuật đó, nội tiết tố thay đổi nên chuyện ra mồ hôi không lạ. Nhưng mồ hôi lúc nào cũng đầm đìa là một trở ngại lớn. Nó khó chịu, nó làm tăng thêm độ cáu kỉnh. Nó khiến anh bỗng nhiên nhớ lại ca mổ chín năm trước với hai lần uống phóng xạ. Khi đó các con anh còn quá nhỏ, anh không muốn chúng biết anh bệnh. Anh muốn các con lớn lên một cách bình thường, không ám ảnh bởi một người cha bệnh tật. Mọi người quanh anh cũng quên dần việc anh là bệnh nhân ngoại trú. Chỉ có anh bạn bác sĩ là hay nhắn tin hỏi thăm việc đi tái khám. Ba bốn năm nay, tới lượt anh cũng quên dần. Anh không tái khám. Anh bỏ mặc. Anh bạn bác sĩ giận không thèm nhắn thêm dòng nào.Điện thoại vang lên tiếng tin nhắn. Kỳ lương đã tới. Anh nhìn con số cộng trong tin nhắn, trong đầu lập tức hiện lên các dấu trừ. Các khoản chi lần lượt xếp hàng. Ngân hàng thu nợ 12 triệu. Các khoản chi cho tiền điện, tiền nước, tiền học thêm của hai nhóc, tiền xăng xe, tiền Internet, tiền trả thấu chi… Khoản còn lại có lẽ đủ cho mẹ đi bệnh viện khám tổng quát vào ngày mai. Anh không có thói quen đưa tiền lương cho vợ, nhưng với các khoản anh phải chi hằng tháng, cô vợ kế toán dư biết số tiền còn lại trong tài khoản anh. Anh bỏ nhậu nhiều năm nay, hai bữa cơm chay, một ly cà phê đen mỗi sáng, làm việc như cái máy."Anh hỏi cho em chuyện giấy tờ đất ở xã được chưa?". "Chuyện chuyển trường con em thầy hiệu trưởng nói thế nào hả anh?". "Anh cho em 200k để ủng hộ tiền làm đường xóm". "Anh ơi! Anh duyệt chuyển khoản ngân hàng trả nhuận bút và tiền ứng công tác phí cho anh em giúp em". "Anh ơi, duyệt giúp em bản tin". "Anh ơi em nhờ anh chỗ bác sĩ"… Thêm hàng loạt tin nhắn trong Zalo và Messenger chờ anh trả lời. Anh lướt qua những tin nhắn hiển thị nhưng không mở ra đọc để trả lời. Anh biết nếu đọc tin nhắn mà không đáp ngay, người nhắn tin sẽ khó chịu. Sẽ là những ấm ức trách móc rất mệt mỏi: "Ờ. Ảnh khinh mình. Đọc tin mà thèm trả lời đâu. Không làm được nói một tiếng. Làm sếp nho nhỏ mà… bày đẹt!".Dòng ý nghĩ đưa anh về những trang cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của H. Murakami. Cậu bé 15 tuổi Kafka khi đi sâu vào khu rừng rậm nhiệt đới, nơi những tán dương xỉ khổng lồ chen nhau hứng ánh sáng, nơi những tán cây và sợi dây leo chằng chịt kết thành những mảng tường khổng lồ che hẳn lối đi, Kafka lọt vào một ngôi làng không thời gian. Ở đó cậu gặp mẹ, gặp người cậu yêu, gặp cô gái tuổi 15 nấu cho cậu bữa sáng. Cậu thức giấc, nhận ra cái đồng hồ đeo tay với màn chữ trống trơn. Cậu nghĩ cái đồng hồ bị hỏng. Cậu không hiểu vì sao cái đồng hồ chết máy khi cậu đang ngủ. Cậu nhớ lời người yêu cậu nói: "Ở đây, thời gian không phải là một nhân tố quan trọng". Ở ngôi làng đó mọi người đều không có ký ức. Độ ghi nhớ của bộ não con người trong khu làng đó chỉ vài ngày là xóa sạch. Họ sống thật vui tươi vì "thời gian không phải là nhân tố quan trọng". Anh ước mình là cậu bé Kafka, muốn đi vào ngôi làng ấy ngay lập tức. Anh mỉm cười nhớ tới một quán nhậu, nơi ông chủ quán tháo hẳn kim giờ ra khỏi màn hình đồng hồ treo tường. Thật là ý tưởng tuyệt vời để trêu ngươi thời gian.Có một dạo anh bỏ đọc tiểu thuyết. Bỏ hẳn. Anh đọc triết học. Anh nghĩ triết học và luật là thứ rất cần cho công việc. Anh lao đầu vào đọc nhưng như thể lao đầu vào đống đá hộc đang đổ ven đường để làm móng nhà. Đầu anh bể ra, rướm máu. Rồi anh gượng dậy, tìm được sự vỗ về qua những bộ kinh Phật. Anh say mê sự buông bỏ. Anh lên núi tìm mua mảnh đất. Anh khát khao căn nhà nhỏ trên đồi nhìn ra mé sông và ánh hoàng hôn chập choạng. Ở đó có sách và mùi hương trầm.Anh bắt đầu thích nghe thuyết pháp. Anh ngưỡng mộ các sư có trí huệ và thông thái. Anh nhìn thấy và chán ghét sự mê muội, những lời dụ dỗ của các xàm tăng. Anh thấy tự tin hơn trong công việc. Anh hiểu hơn về chánh niệm. Sự vô thường. Khổ. Vô ngã. Duyên. Nghiệp. Nhưng như cái lỗ đen của vũ trụ, hàng ngàn năm, hàng triệu bậc sư tổ, hàng tỉ người… anh không còn biết đâu là lời Đức Thế Tôn, đâu là lời các sư tư biện. Anh hoài nghi, rồi lại tin vào cái anh gom nhặt, cái mà anh cho là bổ ích riêng mình. Có lúc anh cười một mình, tự hỏi "có khi nào Đức Thế Tôn cũng vì quá stress mà bỏ lại vợ con sau kinh thành để đi tìm giải thoát?". Rồi anh gạt ý nghĩ đó ra khỏi đầu.34, 33, 32… Mớ hỗn độn bên trong và bên ngoài chiếc xe sẽ được dọn dẹp, anh nghĩ. Chiếc xe sẽ sạch sẽ và trở lại thơm tho trong một giờ ở tiệm rửa gần nhà. Chỉ cần anh siêng năng, bỏ ra 30 phút. Chỉ cần anh hít thở và làm từng việc một. Chuyện làm được hay chưa được, thành bại đều do duyên, miễn sao anh tập trung tối đa cho nó, nói như các sư, là làm việc trong chánh niệm. Những khổ ải anh đang gánh là do nghiệp. Nợ của anh từ muôn kiếp, nay anh cần vui vẻ trả. Trả trong vui vẻ để tránh món nợ tăng thêm, tránh vòng xoay trả vay trong luân hồi bất tận. "Đức Thế Tôn quả là một nhà triết học - tâm lý học - xã hội học kiệt xuất" - anh tự nhủ. Học thuyết của ông qua mấy nghìn năm vẫn có tác dụng mãnh liệt, ít ra với chính anh.27, 26, 25… Nhưng làm sao anh trút bỏ được gánh nặng hiện hữu này. Những mệnh lệnh từ trên, sự kỳ vọng từ ai đó, người thân, trên và dưới. Những loay hoay cứ bám riết, quấn chặt, siết mạnh, hút cạn sức lực. Anh thấy mình như cội cây đang rỗng từ bên trong. Sự mục nát này, chỉ mình anh biết. Anh thấy từng vân gỗ dần rệu rã, lũ mối mọt đang gặm nhấm phần thân cây khô. Vết thương rộng ra. Phần lõi của cây teo dần. Lớp da bên ngoài cong lại. Cành và lá yếu đi. Những tán dây leo xanh hơn, mượt mà, trườn lên, hóng ánh sáng. Anh sợ cội cây bật gốc. Sợ các cành non héo khô. Cú vấp ngã trên đường chạy sáng nay khiến anh té ngã là một dự báo. Anh chưa bao giờ khụy xuống thình lình như vậy trên đường chạy.Cái đầu gối nhức nhối, vết thương ran rát dưới lớp vải quần làm anh lại thấy mình như miếng thép nóng, búa thợ rèn nện ình ịch bên trên, miếng đe cứng dội lại từng cú đập. Anh cong ra, vẹo đi, co rúm lại và bốc khói trắng trong nước lạnh, rồi lại mềm ra trong lò than nóng đỏ… trong một quy trình dường như vô tận. Người thợ rèn rồi sẽ ngừng tay khi một sản phẩm thành hình, nhưng đời anh thì không. Miếng thép là anh đang bị nung trong lửa triệu năm mà vẫn chưa cho ra hình hài nào.Anh đặt tay trên vô lăng nhìn đuôi con rồng. Anh thích ý tưởng của cậu con trai lớn. Cưỡi lên lưng rồng, bay lượn trên mặt biển. Bay qua các thác ghềnh, quay nhìn lại thành phố với dòng sông uốn quanh, những mái nhà, các cao ốc lô nhô, dòng người hối hả.Anh soi lại khuôn mặt mình một lần nữa trong gương. Râu sạch. Tóc láng và nếp ngược ra sau. Cổ áo sơ mi dựng đứng. Nhưng đầu ngón tay vẫn nhận ra những gốc râu lởm chởm. Mồ hôi ngứa ngáy dưới khóe mắt. Anh gấp cái dao cạo nhét vào hông xe. Lấy bàn tay vuốt trán ướt.Đống đồ bùng nhùng trong xe quay trở lại đầu anh. Mình sẽ tự tay dọn, anh nghĩ, không ông thợ rửa xe nào, dù lành nghề đến mấy, làm được như anh tự làm. Ly cà phê giấy uống dang dở hôm anh vừa lái xe vừa họp giao ban qua điện thoại trên ô tô. Chai nước lọc còn lại chút đỉnh. Mớ khăn giấy vo tròn nhét trên cửa xe. Mẩu giấy bọc ổ bánh mì gặm vội khi đi đón con. Đôi giày thể thao chuẩn bị cho trận bóng bàn chiều qua nhưng phải bỏ vì thời sự ập tới. Túi ngủ, dù che mưa, anh soạn sẵn cho hôm đi công tác xa về vẫn còn nguyên. Cái ví da bạn anh tặng sẽ được mang vào nhà cất trong tủ. Cuốn tiểu thuyết đọc dở dang không biết khi nào kết thúc. Các nhân vật, lời thoại và chi tiết trong truyện mờ dần trong đầu anh. Bản tổng kết ấy dính chặt vào anh.Cằm anh xon xót. Lưỡi dao cạo đã cũ chắc lướt qua một đường bất cẩn, làm da rướm máu. Anh nghĩ, cạo râu là một định mệnh mà trời ép cho đám đàn ông. Như định mệnh bắt phụ nữ dọn dẹp những giọt máu đỏ của họ hàng tháng. Những cọng râu phiền phức mọc ngoan cố buộc phải cạo mỗi ngày. Anh mơ một trưa nào đó, rảnh rỗi, anh sẽ nằm duỗi người ra nộp mình cho bác thợ cắt tóc. Ông cứ làm việc của ông, anh sẽ nhắm mắt không nghĩ ngợi gì."Ba ơi đi ba kìa. Đèn xanh rồi!" - cậu nhỏ ngồi phía trước đột ngột nhắc."Đi đi, anh bị chi á! Họ nhấn còi chửi ỏm phía sau kìa" - vợ anh gắt.Anh giật mình, cài số thả thắng tay. Chiếc xe giật khựt như ngựa. Tiếng còi inh ỏi sau lưng. Mấy chiếc xe máy lách qua trước đầu quẳng lại những ánh nhìn như tia lửa điện. Chiếc xe lấy lại nhịp trôi, chầm chậm vào con đường cũ, lách qua góc phố. Anh biết rằng còn rất nhiều đèn đỏ ở phía trước. Và còn rất nhiều buổi sáng anh phải chờ đèn đỏ ở ngã tư. Tags: Truyện ngắnSáng tác
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".