TTCT - Năm 1990, nhà sử học, nhà báo Stanley Karnow nổi tiếng thế giới đến Việt Nam. Ông đưa con gái mình, Catherine Karnow, theo cùng. Năm ấy cô 26 tuổi, là một nhà báo ảnh tự do. Catherine và tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng năm 1994, sau khi cô chụp ảnh cho ông và gia đình - Ảnh do nhân vật cung cấp Cô gái trẻ chụp ảnh tướng GiápTháng 3-1990, “cha tôi đến Việt Nam để viết một bài về tướng Võ Nguyên Giáp cho tờ New York Times. Dắt tôi theo cùng, ông hứa hẹn đây sẽ là nơi rất thú vị”. Và đúng như lời ông nói, 20 năm qua Catherine nhiều lần trở lại Việt Nam, bấm máy, tiếp tục ghi chép gương mặt mới của đất nước mà cha cô đã đi qua suốt một thời máu lửa chiến tranh Việt Nam.Những lần cha cô trò chuyện với tướng Giáp, Catherine là người chụp ảnh chân dung ông. Khi bài phỏng vấn của Stanley Karnow thành hình trên New York Times cũng là lúc Catherine thật sự trở thành một người bạn gần gũi khác của gia đình vị tướng này. Cô mô tả vị tướng huyền thoại mà cha cô từng viết rất nhiều trong các tác phẩm của ông: “Tướng Giáp giống một người theo chủ nghĩa khắc kỷ, sẵn sàng và chấp nhận nghịch cảnh. Ngay từ lần đầu tiên tới giờ, tôi luôn bị ấn tượng bởi sự thông minh của ông. Ông không bao giờ nói về chiến tranh trong câu chuyện. Chúng tôi nói về gia đình tôi và gia đình ông. Ông thích kể về những đứa cháu của mình, ngôi trường mà chúng đang theo học”.Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow, con gái của nhà báo - nhà sử học Stanley Karnow, hiện nay đang làm việc cho National Geographic Traveler Magazine, Smithsonia Magazine. Chuyên về ảnh trên mục Du lịch Việt Nam cho tạp chí National Geographic, Catherine đã đi khắp Việt Nam. Tấm ảnh của Catherine chụp bà mẹ trẻ với những đứa con tươi cười thò đầu ra cửa sổ tàu Thống Nhất, hay vịnh Hạ Long mịt mờ trong sương sớm... là những bức ảnh xuất hiện trên rất nhiều ấn bản du lịch nổi tiếng thế giới như sách Lonely planet về Việt Nam.Cuộc gặp gỡ ngắn đầu tiên năm 1990 của cô gái trẻ Catherine với huyền thoại của lịch sử Việt Nam đã trở thành một kết nối không phai mờ, thôi thúc cô phải trở lại Việt Nam. Cô thích chụp ảnh chân dung của ông, cảnh ông và các cháu chơi đùa. Trong một bức ảnh, cô chụp tướng Giáp với hai đứa cháu đang khoe bức tranh to chúng vừa vẽ. Nụ cười của ông - không còn ám ảnh bởi chiến tranh - hoàn toàn dịu dàng kiểu một ông lão cưng chiều cháu.Chuyến đi đầu tiên cùng người cha năm ấy đối với cô... chưa đủ. Năm 1994, Catherine trở lại Việt Nam. Cô đến thăm nhà, ăn tối với gia đình tướng Giáp và trò chuyện với vợ ông, bà Đặng Bích Hà.Cô mỉm cười nhớ lại: “Mãi tới lúc gặp ông, tôi mới nhớ ra những lời báo giới đồn đại khi ấy. Họ nói tướng Giáp sẽ trở về Điện Biên Phủ vào tháng 5 để kỷ niệm chiến thắng năm 1954”. Như một may mắn, Catherine đến Hà Nội tháng 4. Trong một lần ghé thăm, tướng Giáp nói với cô: “Tôi muốn quay trở về Điện Biên Phủ và muốn cô đi cùng trong hai ngày tới”.Năm đó, cô gái trẻ người Mỹ đã theo chân người tướng già của một thời đại anh hùng về lại nơi đã làm nên huyền thoại về ông. Cô bay cùng ông đến Điện Biên Phủ, theo chân ông đến từng địa điểm lịch sử mà ông muốn đến.Cô nhớ lại: “Tướng Giáp luôn được mọi người nhận ra dễ dàng, dù đó chỉ là chuyến thăm không chính thức của ông đến Điện Biên Phủ. Ông đã gặp nhiều tướng lĩnh và cựu chiến binh. Ông đặt hoa ở nghĩa trang.Từ trực thăng, ông nhìn lại khung cảnh của toàn bộ trận địa ngày xưa.” Cũng trong chuyến trở về, tướng Giáp đã cùng cô đi bộ xuyên qua một đoạn rừng cho đến khi họ thấy một căn lều nhỏ ở Mường Phăng, nơi ông đã cùng đồng đội thảo kế hoạch trận chiến. Đó là lần đầu tiên Catherine đi theo ông lão hiền từ mà mình đã quen thuộc đến nơi tạo nên tượng đài ông trong lịch sử Việt Nam. Cô chụp ảnh tướng Giáp cười dịu dàng khi ông ngoắc tay với đồng đội, ảnh ông rạng ngời hạnh phúc khi nắm tay các đồng bào đến chúc mừng ông.Nếu như nhà báo Stanley Karnow mô tả tướng Giáp là “nhà quân sự dũng cảm, nhà logic tinh tế và nhà tổ chức không mệt mỏi” thì con gái ông đã miêu tả một tướng Giáp uyên bác, yêu gia đình và những khoảnh khắc hòa bình xung quanh mình.Hình ảnh Việt Nam hậu chiếnCó vẻ như số phận đã khiến gia đình cô gái trẻ này gắn bó với Việt Nam. Mẹ của Catherine đến Sài Gòn năm 1953, kết hôn với một quan chức ngoại giao người Mỹ ở đây. Sau khi chồng mất vì ung thư, năm 1959 mẹ cô tái giá với Stanley Karnow, lúc đó là trưởng phân xã tạp chí Time - Life tại Hong Kong nhưng đang sống với từng nhịp đập của cuộc chiến Việt Nam.Cô hồi tưởng về những ngày tháng ấy: “Tôi không nhớ nhiều lắm, nhưng cái cảm giác sợ hãi, lo lắng, sự chờ đợi, sự bùng nổ của cuộc chiến cứ như một cơn bão ngay giữa chúng tôi. Ở Hong Kong, nhà chúng tôi gần ngay nhà những đồng nghiệp của cha chết trận trong chiến tranh Việt Nam. Người hàng xóm Larry Burrows mất tích trên một chuyến bay đi Lào. Một nhà quay phim tên Grant bị bắn khi đang trên trực thăng, bị giam hơn một năm trời ở Lào”.Đến Việt Nam năm 1990, Catherine thảng thốt khi lần đầu tiên nhìn thấy hậu quả chiến tranh. Những gì cha cô viết và làm thành phim tài liệu bỗng nhiên sống động trong cô hơn bao giờ hết. Cô nói: “Tôi muốn đi tìm và chụp lại những khía cạnh khác nhau của thời hậu chiến”.Một lần, Stanley Karnow đưa cô con gái đến nhà tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn ở TP.HCM. Cô nhớ nhất sự lịch sự và giản dị trong ngôi nhà của ông Ẩn. Khi cha cô và tướng Ẩn nói chuyện, Catherine bấm máy. Cô cười nhớ lại: “Tôi không hề cố ý tạo ra hiệu ứng gì khi chụp ông trong ánh sáng ngày hôm ấy. Nhưng những bức ảnh của tôi về tướng Ẩn như luôn có một nửa gương mặt sáng rõ và một nửa gương mặt bí ẩn trong bóng tối”. Ông Ẩn từng là đồng nghiệp và là người bạn thân thuộc rất gần gũi của gia đình Karnow. Sau này, những bức ảnh cô chụp tướng Ẩn được sử dụng nhiều tại Mỹ trong các bài báo và sách viết về ông - một gương mặt với hai cuộc đời - trọn vẹn yêu nước và trọn vẹn tình bạn. Cô đã ghi lại nhiều bộ ảnh về những đứa trẻ lai - con của các cựu binh Mỹ và những phụ nữ Việt Nam - cuộc sống lay lắt của họ với những chờ đợi vô vọng. Catherine nhìn thấy sự bấp bênh mà họ phải chịu. Cô mô tả: “Họ thấy mình tách biệt với cộng đồng khi lớn lên. Bởi họ có làn da quá đen hoặc quá trắng, tóc họ xoăn hoặc khác màu quá. Có người không thể đến trường vì sự kỳ thị. Đáng buồn hơn là những bé gái, vì đa số mọi người đều nghĩ mẹ của các em là gái điếm”.Những năm sau này, Catherine đi về Việt Nam đều đặn và bắt đầu hành trình ghi chép về gương mặt của chất độc da cam trên khắp Việt Nam. Những gương mặt méo mó, những hình hài dị dạng mà cô lần đầu tiên gặp trong Bệnh viện Từ Dũ ở TP.HCM năm 1990 đã làm cô không thể bấm máy. Cô còn nhớ mình đã bất động trước những bào thai và những hình hài bé nhỏ cô gặp khi bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng dắt cô đi một vòng bệnh viện. Catherine đã quay trở lại Từ Dũ, bấm máy ở đó suốt ba tuần.Nỗi đau da cam và gương mặt buồn rầu của những đứa trẻ con lai hậu chiến chiếm hầu hết sự quan tâm và xúc động của nhiếp ảnh gia trẻ này. Cô bảo đang cố ghi lại mọi thứ cho chính mình, một người Mỹ cảm thấy có trách nhiệm với những nỗi đau mà nạn nhân da cam phải chịu.Hai năm một lần, Catherine khăn gói quay lại Hà Nội, nhìn ngắm hồ Gươm, đi khắp Sài Gòn, tưởng như giẫm lên bước chân cha mình suốt những ngày rong ruổi làm báo cho Time - Life. Cha con Stanley Karnow - Catherine Karnow vẫn đang trong hành trình ghi chép lịch sử của một đất nước mà họ đã trót gắn bó.Stanley Karnow là nhà báo, nhà sử học người Mỹ, tác giả của hàng loạt bài tường thuật chiến tranh Việt Nam nổi tiếng đương thời. Ông là phóng viên chính loạt phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam: thiên lịch sử truyền hình, đoạt sáu giải Emmy và từng công chiếu ở Việt Nam. Stanley Karnow có một tình bạn đặc biệt thân thiết với nhà báo Phạm Xuân Ẩn khi hai người cùng nhau tác nghiệp ở Sài Gòn trong chiến tranh.Năm 1990, Stanley Karnow phỏng vấn tướng Võ Nguyên Giáp cho một bài viết tên “Ký ức của tướng Giáp” trên tạp chí New York Times. Đó cũng là lần đầu tiên ông đưa con gái mình đến Việt Nam sau rất nhiều năm sống và làm việc ở đất nước này.30-8-2010 Tags: Phạm Xuân ẨnCatherine KarnowTướng GíapStanley Karnow
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ngày của phở 12-12: Cả trăm người ăn phở nóng ấm giữa mùa đông vùng cao HỒNG QUANG 12/12/2024 Hàng trăm người dân xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), sáng nay ngồi kín sân trường liên cấp số 1 để thưởng thức những tô phở ấm nóng.
Buôn bán thức ăn đường phố 'bẩn' sẽ bị phạt tới 6 triệu đồng PHẠM TUẤN 12/12/2024 Các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội sẽ bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng.
Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị xử lý việc lợi dụng xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
Ông Trump nói giám đốc FBI từ chức là 'ngày tuyệt vời với nước Mỹ' KHÁNH QUỲNH 12/12/2024 Ông Trump đã bày tỏ thái độ vui mừng trước quyết định từ chức của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray hôm 11-12.