Câu chuyện của kết nối thông minh

TS.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN 19/12/2016 20:12 GMT+7

TTCT - Trong một cuộc "đại di dời" diễn ra ngay trong lòng TP từ nay đến năm 2020 để chỉnh trang đô thị, 20.000 hộ trên và ven kênh rạch TP. HCM sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đâu là những điều cần đặc biệt chú ý?

Tuyến kênh Tàu Hủ (dọc đường Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM) sau khi chỉnh trang -Tự Trung
Tuyến kênh Tàu Hủ (dọc đường Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM) sau khi chỉnh trang -Tự Trung


Định hướng đúng việc di dời, đảm bảo được lợi ích chung cho mọi người cũng là yếu tố rất quan trọng giúp thu hút vốn đầu tư.

Lâu nay, với nguồn ngân sách công có hạn, công tác chỉnh trang kênh rạch chủ yếu là cải tạo môi trường và nâng cấp hạ tầng, trong đó ranh giới quy hoạch thường chỉ bao gồm con kênh và đường sá ven kênh, bỏ qua yếu tố quy hoạch cảnh quan và sử dụng đất khu vực giáp ranh của tuyến kênh này.

Do đó, đã bỏ qua cơ hội chỉnh trang đô thị khu vực mà trong đó, việc cải tạo môi trường và hạ tầng không thể tách rời.

Đây chính là bài toán kinh tế đô thị tổng hợp để nguồn vốn cho việc chỉnh trang được tạo ra từ giá trị gia tăng của khu vực dự án sau khi chỉnh trang. Bài toán này chỉ khả thi khi được tính toán dựa trên căn bản lợi ích chung.

Nhà đầu tư được nhận tỉ lệ lợi nhuận hợp lý để thu hút họ góp vốn tham gia dự án. Chính quyền địa phương trích một phần lợi nhuận được chia sau khi trừ chi phí đầu tư, để góp vào ngân sách và một phần lớn khác để đầu tư thêm hạ tầng xã hội mới cho khu vực, như công viên, trường học...

Người dân được ưu tiên tái định cư tại chỗ, với cuộc sống mới tiện nghi và sạch đẹp hơn. Như vậy, công tác chỉnh trang sẽ thay đổi ý nghĩa sâu sắc, từ nhu cầu cải tạo môi trường, hướng đến việc nâng cao giá trị sống cho người dân và làm tăng giá trị bản sắc đô thị.

Huy động nguồn vốn tư nhân

Các chương trình vay vốn ODA hỗ trợ, như dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thường có những ràng buộc nhất định để đáp ứng điều kiện vay vốn nên việc cải tạo thường tập trung vào con kênh và hạ tầng đường, ít đầu tư vào việc quy hoạch khu vực hai bên kênh.

Trong bối cảnh nguồn vốn ODA giảm dần và ngân sách chi cho hạ tầng của TP sẽ còn giảm sâu trong năm sau, nên ngân sách khó có thể tiếp tục là nguồn tài chính quan trọng trong dự án cải tạo kênh rạch tương lai.

Do đó, cần tính đến việc thu hút mạnh nguồn vốn tư nhân và đầu tư nước ngoài, phối hợp các giải pháp hợp tác công tư theo phân kỳ, để đưa ra kế hoạch và cung cấp tài chính cho các dự án.

Để thu hút được nguồn vốn xã hội hóa, TP có thể đưa ra mục tiêu và yêu cầu chỉnh trang dự án, và có thể đưa ra cơ chế mở để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia cùng thực hiện với tư cách là chủ đầu tư dự án.

Theo quy định, không gian hành lang bảo vệ là 50m mỗi bên đối với các sông cấp 1-2 (sông Sài Gòn), 30m mỗi bên đối với sông, kênh, rạch cấp 3-4, và 20m mỗi bên đối với kênh, rạch cấp 5-6, các kênh rạch chưa được phân cấp kỹ thuật là 10m mỗi bên.

Nhưng nếu cứng nhắc tuân thủ các quy định này cho các dự án cải tạo kênh rạch thì diện tích xây dựng sẽ phải giảm nhiều, trong khi kinh phí bồi thường khá cao.

Do đó cải tạo nhà ở kênh rạch không chỉ là xóa sổ hoàn toàn các khu nhà hiện hữu, mà có thể xem xét cho tồn tại có thời hạn một phần kiến trúc hiện hữu, nếu như có giải pháp xử lý tốt không gian quy hoạch kiến trúc và đảm bảo không gây ô nhiễm cho dòng kênh.

Đây cũng là định hướng cải tạo quy hoạch kiến trúc hai bờ kênh tại nhiều TP ở châu Âu.

Khi cải tạo, cần trả lại không gian nước và không gian xanh đã bị lấn chiếm trước đây và bố trí thêm các không gian xanh cần thiết, bổ sung cho tình trạng thiếu không gian xanh của TP, thông qua việc cho phép xây mới cao hơn, bù lại sẽ dành tỉ lệ cao của khu đất được giải tỏa (khoảng 30-40%) để làm không gian công cộng.

Bên cạnh, cần đảm bảo không gian cách ly, không cho ô nhiễm thoát ra kênh rạch, trong đó cần quy định rõ quy cách thực hiện xử lý nước thải và hầm phân tự hoại cho các công trình ven kênh, giải pháp xử lý và hạn chế ô nhiễm do nước tràn bờ ra sông rạch.

Tổ chức giao thông thủy, phố đi bộ ven kênh

Ý tưởng tổ chức giao thông thủy công cộng dọc theo sông rạch tuy không mới, nhưng TP.HCM đã vài lần thử nghiệm mà không thành công do thiếu phối hợp tốt giữa các sở và ban, ngành.

Trước hết, các đầu mối giao thông phải được tích hợp thuận tiện gần với nhau để người dân dễ chuyển tiếp từ bến thuyền sang bến xe buýt, xe lửa, bãi xe... Cây xanh hai bên kênh tạo cảnh quan và bóng mát cần được quy hoạch tốt.

Các bến thuyền cần được tổ chức thành những điểm đến tiện lợi và hấp dẫn, với nhiều công trình đa chức năng trong bán kính đi bộ tính từ bến. Việc tổ chức mạng lưới giao thông thủy dọc theo một con kênh tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và Venice (Ý) cho thấy ví dụ thành công cho định hướng này.

Thực tế, với cơ chế thoáng để thu hút nguốn vốn xã hội hóa, có sự tham gia của các tập đoàn đầu tư ngay từ bước lập kế hoạch, ranh giới thiết kế có thể mở rộng không chỉ sang các công trình hai bên ven kênh, mà còn sang các tuyến đường nằm trong khoảng cách đi bộ, và kết nối với các khu phố trung tâm lân cận.

Một số tuyến đường ven kênh rạch, đặc biệt là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và rạch Bến Nghé, có thể tổ chức thành các phố đi bộ hoặc dịch vụ thương mại sầm uất, làm thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc của TP, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách TP thông qua hoạt động du lịch, mua bán.

Clarke Quay tại Singapore cho chúng ta một ví dụ sinh động của việc chỉnh trang theo định hướng tổ chức quy hoạch kiến trúc cảnh quan phối hợp tốt với quy hoạch giao thông và bảo vệ môi trường.

Các khu vực có kiến trúc đặc thù sông nước Nam bộ, như khu bến Bình Đông cũ, cần được giữ lại và cải tạo thay vì đập bỏ. Khi cải tạo kênh rạch TP.HCM sắp tới, cần giữ lại một số công trình có giá trị lịch sử hoặc mang bản sắc đặc thù của địa phương, kết hợp với việc tổ chức cảnh quan và bố trí ánh sáng hai bên bờ sông để thu hút lượng lớn khách du lịch tuyến sông rạch.

Thượng Hải (Trung Quốc) đã làm khá tốt trong việc bảo tồn các cụm công trình và cầu đi bộ dọc theo hệ thống sông rạch của khu phố cổ, tạo nên những tuyến du lịch văn hóa đường thủy hấp dẫn khách du lịch.

Kết nối để chống ngập

Việc cải tạo kênh rạch cho chúng ta cơ hội tốt để cải tạo hệ thống thoát nước, giảm ngập lụt cho TP. Ngập lụt là vấn đề của khoa học tự nhiên, có thể số hóa được. Chúng ta có thể tính được lượng mưa xuống đất bằng hệ thống quan trắc, đo được diện tích mặt bêtông hóa và sử dụng đất, và đo độ dốc của nền đất, khối tích sông hồ kênh rạch.

Thực tế ở TP.HCM cho thấy không thể chỉ xem xét hướng thoát nước của nền từ bắc xuống nam và ra biển, mà trước hết phải thoát nước tốt từ nền đô thị ra sông rạch trước, dù là vùng cao hay thấp, vì đây là không gian chứa nước quan trọng nhất.

Kênh rạch cần được khơi thông kết nối với nhau và với sông hồ, để nước mưa có thể thoát ra các không gian chứa nước trung chuyển (thẩm thấu vào nền đất, thoát vào các không gian chứa nước và hồ điều tiết), sau đó từ từ thoát ra sông rạch.

Nếu quản lý tốt được dòng chảy và tốc độ và không gian dành cho nước thì TP sẽ không còn ngập lụt. Trong quá trình đó, cần có giải pháp đưa nước mưa thấm vào đất để vừa giảm ngập lụt vừa giúp tăng trữ lượng nước ngầm, giảm tình trạng sụt đất gây ra “hố tử thần”.

Một khi không gian nước và không gian xanh được kết hợp sẽ không những giúp cho việc tạo các không gian cảnh quan cho đô thị, mà còn có thể tạo nên các luồng gió mát đối lưu thổi sâu vào để làm mát cho đô thị.■

Xây mới, thay thế các chung cư cũ

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 15 của Thành ủy về Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020. Một trong bốn nội dung chính của chương trình là di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Cụ thể: TP sẽ tiếp tục thực hiện các dự án còn lại của chương trình di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh, rạch giai đoạn 2010-2015, gồm các tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên hồ Khánh Hội (giai đoạn 3 và 4)..., trong đó giải tỏa và di dời khoảng 304 căn nhà.

Di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư toàn tuyến kênh Đôi - Tẻ (quận 4, 7, 8) để thực hiện Dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3.

Dự án có 7.031 căn nhà phải giải tỏa, di dời. Các tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng, có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước... của các quận (nhiệm kỳ 2015-2020) gồm rạch Hàng Bàng (giai đoạn 2 và 3), rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu... phải giải tỏa, di dời khoảng 13.350 căn nhà.

Ngoài ra, chương trình chỉnh trang đô thị giai đoạn trên còn tập trung vào công tác xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 15 của Thành ủy về chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020. Cụ thể:

- Giải tỏa, di dời và tái định cư 7.031 căn nhà trên toàn tuyến kênh Đôi - Tẻ (quận 4, 7, 8) để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3.

- Giải tỏa, di dời khoảng 13.350 căn nhà thuộc các tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng, nhằm giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước... gồm: rạch Hàng Bàng (giai đoạn 2 và 3), rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu...

- Tiếp tục thực hiện các dự án còn lại của chương trình di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh, rạch giai đoạn 2010-2015, gồm các tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên hồ Khánh Hội (giai đoạn 3 và 4)..., trong đó giải tỏa, di dời khoảng 304 căn nhà.

- Tập trung xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận