Chăm người già khỏe, giữ người già vui

TRÚC ANH 26/10/2017 22:10 GMT+7

TTCT- Dân số già, còn gọi là “dân số xám”, là thách thức chung của nhiều quốc gia. Để giữ nền kinh tế và xã hội ổn định trước tình trạng già hóa dân số, có thể khuyến khích sinh sản, và làm sao để người già vẫn khỏe mạnh về thể xác, năng động về tinh thần.

Người già Nhật sau này sẽ làm bạn với robot?-Ảnh: SoftBank
Người già Nhật sau này sẽ làm bạn với robot?- Ảnh: SoftBank

 

8 chiến lược của Singapore

Đến năm 2030, Singapore dự kiến có 900.000 người từ 65 tuổi trở lên, và khoảng 83.000 người già sẽ phải sống một mình, theo một tài liệu mà Thư viện quốc gia Singapore cung cấp.

Cũng theo tài liệu này, 8 chiến lược chính để giải quyết tình trạng già hóa dân số ở đảo quốc này có thể chia thành 4 nhóm: nhà cửa thân thiện (cung cấp nhiều lựa chọn về nhà ở), xã hội không còn rào cản cho người có tuổi (xe buýt thân thiện với người già), chương trình chăm sóc sức khỏe và dưỡng lão giá rẻ (có thể dựa trên bác sĩ gia đình) và lối sống tích cực (thúc đẩy chương trình dành riêng cho người già).

Ngoài ra, còn nhiều cách tiếp cận khác như tổ chức hệ thống các khu dưỡng lão theo vùng, tổ chức các chương trình giúp người già không những hoạt động (tham gia ca hát, nhảy múa, đan len, làm đồ thủ công, nấu nướng) mà còn làm giàu kiến thức (tập huấn về sức khỏe, tài chính).

Người già cũng cần có các tính năng công cộng được thiết kế phù hợp. Từ năm 2013, Bộ Y tế Singapore đã thông qua các chương trình “Thành phố cho mọi lứa tuổi” và “Người già năng động”, tài trợ cho các tổ chức thiết kế các dự án thân thiện với người già như trang bị thêm tay vịn và thảm chống trượt cho các nhà vệ sinh công cộng.

Các khóa học để người trẻ dạy ông bà dùng mạng xã hội hay chụp ảnh cũng là giải pháp kết nối thế hệ. Ngược lại, người già cũng có thể làm người hướng dẫn cho người trẻ, để họ cảm thấy mình vẫn có thể gắn kết với xã hội một cách tích cực.

Singapore cũng nhấn mạnh vai trò của việc để các cụ không cảm thấy mình không còn hữu ích cho xã hội. Giải pháp đặt ra là cần phá bỏ định kiến, cho các bậc lão niên hiểu rằng họ vẫn là “tài sản vô giá của xã hội”, vì còn có thể đóng góp thông qua các hoạt động tình nguyện, chăm sóc trẻ hay làm từ thiện.

Trung Quốc: Đại học người già

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2050, Trung Quốc sẽ là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với khoảng 35% dân số trên 60 tuổi. Từ đầu năm 2016, Trung Quốc bãi bỏ chính sách kéo dài hơn 4 thập niên trước đó, chính thức cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nhằm chống lại tình trạng già hóa dân số.

Hồi tháng 2, truyền thông trong nước cũng đưa tin chính quyền Bắc Kinh đang xem xét các khoản khen thưởng và trợ cấp nhằm khuyến khích người dân sinh con thứ hai.

Tuy nhiên, bãi bỏ chính sách một con được cho là không giúp ích gì nhiều cho mục tiêu chống già hóa dân số của Trung Quốc. Tạp chí The Atlantic tháng 6-2016 dẫn lời các chuyên gia cho rằng bản thân phụ nữ Trung Quốc cũng không muốn có nhiều con, vì nữ giới cũng đã tham gia các lực lượng lao động và được trả lương tương xứng.

Tỉ lệ sinh sản ở Trung Quốc thực tế đã bắt đầu giảm trước khi luật một con ban hành năm 1978. “Gia đình chỉ có một con giờ là bình thường và rất ít cha mẹ, đặc biệt ở thành thị, nghĩ rằng họ có thể xoay xở (về tài chính) để có đứa thứ hai” - tác giả bài báo viết.

Chính sách một con cũng để lại hệ quả là sự bất bình đẳng giới tính ở Trung Quốc. Đến năm 2020, chênh lệch giữa nam giới độc thân và nữ cùng độ tuổi là 30 triệu người.

Đến tháng 6 năm nay, Đài CGTN (Trung Quốc) khẳng định chính sách cho phép sinh hai con cũng không giải quyết được tình trạng dân số xám. CGTN dẫn lời GS Tan Kejian (Viện Khoa học xã hội Sơn Tây - SASS) cho rằng số trẻ em là con thứ hai trong gia đình sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ dân số và “thay đổi cấu trúc dân số (Trung Quốc) là một quá trình kéo dài hàng thập niên”.

Chính sách mới sẽ giúp dân số Trung Quốc tăng thêm 3 triệu người mỗi năm và số trẻ sơ sinh sẽ đạt đỉnh mới vào năm sau, theo GS Tan.

Han Caizhen, nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu dân số thuộc SASS, cho rằng cần có nhiều nỗ lực hơn để đối phó vấn đề già hóa dân số, chẳng hạn cải thiện ngành dưỡng lão, bảo hiểm hưu trí, chăm sóc y tế và đào tạo săn sóc viên.

Ví dụ điển hình cho các nỗ lực đó là “Đại học Người già” (University of the Aged) ở Như Đông (tỉnh Giang Tô), nơi dân số 1 triệu người nhưng 30% là người trên “lục thập”.

The Guardian ngày 24-2 gọi tình trạng dân số già hóa ở Trung Quốc là “bức tường xám” và chính quyền Như Đông tin rằng một trong những giải pháp là “đưa các cụ trở lại trường học”. Theo The Guardian, ngôi trường đặc biệt do chính phủ tài trợ có 570 sinh viên với các khóa học “đủ món”, từ nhảy Latin, thổi sáo đến văn chương và cách sử dụng smartphone.

Nhật Bản tận dụng công nghệ

Trong khi đó, Nhật Bản đang xem xét giải pháp dời mốc bắt đầu tính tuổi hưu trễ hơn mức 65 tuổi như hiện tại để khuyến khích nhiều người già tiếp tục làm việc và đối phó tình trạng dân số xám, theo Japan Times ngày 3-10.

Chính sách này dự kiến sẽ được sửa đổi vào cuối năm, theo đó người lao động có thể chọn nghỉ hưu từ 60-70 tuổi. Những người chọn mốc trễ nhất có thể hưởng giá trị lương hưu cao hơn 40%. Theo một nghiên cứu của chính phủ, tính đến năm 2016, khoảng 14% người trên 70 tuổi ở Nhật vẫn muốn làm việc.

Ngoài ra, các ông lớn điện tử của Nhật một thời như Panasonic, Fujitsu và Hitachi xem dân số già là cơ hội để trở lại thời hoàng kim, bằng cách đáp ứng nhu cầu của “dân số xám” thông qua robot, các thiết bị dùng trí tuệ nhân tạo (AI) dành riêng cho người già.

Các sản phẩm công nghệ dành riêng cho các cụ đang được giới thiệu tại triển lãm điện tử thường niên CEATEC Japan, khai mạc ngày 3-10, theo bài viết “Robot, lưu trữ đám mây sẽ giải quyết tình trạng già hóa dân số ở châu Á” trên Nikkei cùng ngày.

Tỉ lệ sinh sản thấp và già hóa dân số là thách thức lớn nhất của Nhật Bản - Nikkei dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Nhật Bản Seiko Noda phát biểu khai mạc triển lãm - Tất cả các nguồn tài nguyên có thể khai thác được, bao gồm dữ liệu người dùng, cần phải được huy động để đương đầu với thử thách này”.

Một trong các sản phẩm đáng chú ý tại sự kiện là chiếc loa thông minh của Fujitsu, cho phép người dùng lớn tuổi đặt ngón tay lên để đo nhịp tim và tuần hoàn máu. Thiết bị cũng có thể “hỏi thăm” người dùng về các hoạt động thể chất họ đã làm trong ngày.

Người lớn tuổi thường không quen dùng smartphone nên chiếc loa thế này sẽ dễ dùng hơn” - Shinsuke Yoshizaki, đại diện Fujitsu, giải thích. Hãng điện tử này kỳ vọng có thể phát triển để thiết bị đoán được tình trạng sức khỏe của người dùng và đưa ra các lời khuyên về thể dục, ăn uống bằng cách phân tích giọng nói của họ. Fujitsu dự định bán sản phẩm ở Trung Quốc và Mỹ, nơi cũng đang đối mặt tình trạng “dân số xám” như Nhật.

Hãng Hitachi cũng giới thiệu robot Magnus hình cầu, có gương mặt biết bày tỏ cảm xúc để làm bạn với người già. Magnus sẽ trò chuyện hay nhắc người dùng uống thuốc.

Tầm nhìn của Hitachi là giúp robot này phát hiện được chứng hay quên của người dùng sớm nhất có thể. Panasonic mang đến CEATEC thiết bị siêu mỏng và chỉ nặng 1 gram, để người bệnh nằm suốt trên giường bệnh vẫn có thể mang theo người và theo dõi sức khỏe.

Lớp học nhạc cụ ở đại học cho người già tại Trung Quốc. -Ảnh: Guardian
Lớp học nhạc cụ ở đại học cho người già tại Trung Quốc. -Ảnh: Guardian

 

Thách thức đi cùng cơ hội

Ngày 18-9, Deloitte công bố báo cáo về tình trạng già hóa dân số ở châu Á với nhận định hiện tượng này không chỉ đặt ra toàn thách thức mà còn mang đến nhiều cơ hội. Theo báo cáo, đến năm 2042, châu Á sẽ có nhiều người trên 65 tuổi hơn cả châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.

Điều này sẽ là thách thức với nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc” - tác giả nghiên cứu, Chris Richardson, nói với Tân Hoa xã.

Tuy nhiên, Richardson nhấn mạnh thách thức sẽ đi cùng cơ hội, cụ thể đến từ nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu và thuộc thế hệ thiên niên kỷ (millennial) của Trung Quốc. “Thế hệ người Trung Quốc sinh sau năm 1990 sẽ là lực lượng đáng kể, tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng” - báo cáo nhận định.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và già hóa dân số là cơ hội để ngành chăm sóc sức khỏe và dưỡng lão phát triển, nhất là “người già trung lưu” chắc chắn sẽ đòi hỏi được chăm sóc bởi các dịch vụ chất lượng cao.

Tương tự, hạ tầng y tế và các dịch vụ có liên quan cũng cần phát triển để đáp ứng nhu cầu của những người cao tuổi, giàu có trong tương lai.

Năm 2014, tạp chí Harvard Business Review có bài viết “Sự thật về già hóa dân số”, cho rằng các dự báo về dân số già đôi khi có thể gây lầm lẫn, và quan niệm rằng “người dưới 65 tuổi có thể cống hiến cho xã hội, còn trên 65 tuổi là gánh nặng” không phải lúc nào cũng đúng.

Tác giả Wolfgang Lutz lấy ví dụ từ hai quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ, và lập luận: để nhận định người già có phải là gánh nặng cho xã hội không cần phải xét nhiều yếu tố, trong đó có giáo dục.

Đến năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ già hơn Ấn Độ nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc sẽ có “gánh nặng xã hội” lớn hơn. “Dân số Trung Quốc được giáo dục tốt hơn và vì thế sẽ năng suất hơn (so với Ấn Độ)” - Lutz viết.

Tác giả cho rằng chỉ có một số ít người Trung Quốc nghỉ hưu ở tuổi 65 và phần lớn vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến cho xã hội miễn là sức khỏe họ cho phép. Điều khác biệt nằm ở giáo dục: tại Ấn Độ, cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người chưa từng biết trường lớp là gì, trong khi chỉ có 8% dân Trung Quốc, đa số là người già, không được đi học.

Tại Ấn Độ 50% nữ giới học không qua cấp II, và con số này chỉ là 15% với Trung Quốc - Lutz viết - Khi đã rõ tầm quan trọng của giáo dục với kinh tế, ai dám khẳng định Ấn Độ sẽ có tương lai tươi sáng hơn trong khi Trung Quốc nặng gánh vì dân số già?”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận